Những ký ức không
Những ký ức không "cũ"
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, nếu là người sử dụng mạng xã hội, bạn sẽ thấy hoặc thậm chí tham gia trào lưu tìm lại và chia sẻ những bức ảnh của mình hồi nhỏ. Có lẽ đó cũng là một kiểu "dọn kho" như cách mà cây viết Nick M. nói trong cuốn sách "Cũ" ra mắt ngày đầu tiên của tháng Sáu "năm Covid thứ 2".

Năm 2017, cái tên Nick M. gây chú ý ở vai trò chủ biên cuốn tạp văn "1987" với những câu chuyện về ký ức của những người trẻ sinh năm 1987 giàu cảm xúc và không khỏi khiến mọi độc giả thuộc thế hệ 8X bồi hồi. Cuốn sách là một hiện tượng xuất bản cách đây 4 năm và mở đường cho phần tiếp theo "1987+: 30 chưa phải là Tết" ra mắt năm sau đó với sự góp mặt của những người nổi tiếng, ngôi sao cùng tuổi Đinh Mão.

 

Ở "Cũ" cuốn tản văn mới ra mắt của Nick M., cái tứ "hoài nhớ" - nostalgia trở lại trong câu chuyện của một cá nhân, một người mà có lẽ nên gọi là "cuối trẻ" (bắt đầu nhìn về phía số 4 của đầu tuổi). Cái sự hoài nhớ đó bám theo hành trình của hơn 30 năm cuộc đời người viết với lối dẫn dắt mà đọc xong hơn 150 trang sách, người ta có cảm giác như vừa xem xong một bộ phim tài liệu ngắn.

Ở cùng lứa 8X với Nick M., đọc xong cuốn sách của anh, tôi nghĩ rằng ở một thời điểm phù hợp sẽ đưa cho cậu con trai của mình đọc khi cậu muốn biết: "Khi ở tuổi con bố sống như thế nào?" Giai đoạn đầu tiên trong hành trình hoài nhớ của tác giả là những câu chuyện đã quá thân thuộc với một thế hệ trẻ con sinh ra và lớn lên ở đô thị mà cụ thể là Hà Nội, có hoàn cảnh gia đình giống nhau với vài mô-típ cơ bản. Những câu chuyện gắn với những đồ vật như những thứ đồ chơi hiếm hoi thuở bé, chiếc tủ lạnh, cái chậu nhựa màu vàng… chắc chắn còn nằm trong bộ nhớ của rất nhiều người. Và chắc chắn cũng có lúc chúng được sống lại trong câu chuyện rôm rả của chủ đề "Hồi ấy…" nhưng nhớ và viết lại thì hình như Nick M. đang là người đầu tiên để ý làm.

Thế hệ 8X chứng kiến những biến chuyển rõ nét của một giai đoạn lịch sử nhân loại nói chung và đất nước nói riêng. Những con người như Nick M. đã nhìn thấy... Họ đã bàng hoàng đứng trước TV xem bản tin sáng 9h phát đột xuất trên VTV thông tin về 2 chiếc máy bay đâm vào tòa nhà chọc trời ở Mỹ. Họ sử dụng những chiếc điện thoại "cục gạch" đầu tiên cho tới chiếc Iphone mà bây giờ với họ quan trọng hơn cả ví tiền khi ra khỏi nhà. Và họ đang trải qua năm thứ hai của đại dịch lịch sử Covid-19.

Với lối tiếp cận nhẹ nhàng và cá nhân hơn, những dấu ấn lịch sử đó đi vào phần "Ngày trước: Những món đồ cũ". Câu chuyện về sự phát triển của chiếc điện thoại song hành với Internet một lần nữa được nói tới. Nhưng điều thú vị là câu chuyện được bóc tách ở vị trí một chủ thể tác động trực tiếp của những dấu ấn đó. Dù muốn hay không, nhân cách, tâm lý, những giá trị và cách thức yêu - ghét của thế hệ Nick M. vẫn chịu tác động mạnh của lịch sử mà họ đang sống. Chỉ đơn giản như câu chuyện của chiếc máy ảnh, gắn với cuộc đời của người viết như thế nào. Sự tác động đòi hỏi thay đổi từ hành vi sử dụng tới tâm lý sử dụng đã không hề nhỏ chỉ trong cái khoảng thời gian khoảng 30 năm đời người.

Tác giả Nick M (Ảnh: Neta Books

Cái tứ của cuốn sách là "Cũ" nhưng không khó nhận ra người viết vẫn cài vào cuốn sách những câu chuyện rất "thời sự". Từ những thông tin mới chỉ xảy ra ngay trong năm 2021 tới những trào lưu mới gần đây như "hội khóa, hội lớp" hay sự bùng nổ của đam mê xê dịch trong giới trẻ. Lồng cái tứ hoài nhớ vào những câu chuyện của hôm nay là cách người viết suy tư về những giá trị cũ và mới trong 2 phần cuối sách.

Có lẽ hơi một chút tiếc nuối ở phần nói về "cú sốc" của những con người xê dịch do đại dịch bùng nổ. Nick M. vốn là người đi nhiều và có lẽ không ai cảm thấy cú sốc đó, sự ức chế đó hơn chính anh. Nhưng chủ đề này đã chưa được đẩy xa hơn và sâu hơn từ một chi tiết khá thú vị là tác giả giật mình quên mất cách đặt vé máy bay như thế nào.

Vốn là một nhà báo, một người gắn bó với điện ảnh nhiều năm, dấu ấn "xi-nê" trong cuốn sách khá đậm. Từ cách tác giả dẫn dắt người đọc đến những chi tiết trong các bộ phim anh lồng ghép trong mỗi phần chủ đề thể hiện khá rõ điều đó.

Hơn 100 trang sách đã gói ghém những ký ức từ xa tới gần của một con người. Nói như nhân vật người anh trai trong bộ phim "Happy old Years" của đạo diễn Thái Lan Nawapol Thamrongrattanarit năm 2019, mọi thứ đồ cũ trong nhà kho quá khứ đều khiến ta thấy vui. Dù trong cái mớ đồ cũ đó cũng có những cuộn phim máy ảnh gợi lại chuyện tình buồn. Nhưng nếu không có tất cả niềm vui và nỗi buồn đó, sẽ không thể có ta của ngày hôm nay.

Theo Dân Trí

Tags: