“Văn học thiếu nhi” cho hay về?
“Văn học thiếu nhi” cho hay về?
Ngày đầu tiên của tháng Sáu là ngày Quốc tế thiếu nhi, do vì lẽ ấy, nghiễm nhiên cả tháng Sáu cũng là tháng của thiếu nhi. Nghĩa là, xét riêng ở mảng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, suốt cả tháng Sáu bỗng nhiên thiếu nhi được đặc cách trở thành đối tượng thụ hưởng số Một (hẳn là để bù cho mười một tháng còn lại bị bỏ quên?).

Ca nhạc cho thiếu nhi, xiếc cho thiếu nhi, phim ảnh cho thiếu nhi, sân khấu cho thiếu nhi… và đương nhiên, không thể thiếu, văn học cho thiếu nhi. Cụm từ “Văn học cho thiếu nhi”, thêm lần nữa, được nhắc đi nhắc lại đến nóng ran trên khắp các mặt báo, trong các hội thảo, các cuộc tọa đàm văn chương, trong nội dung công việc của các nhà làm sách. Thế nhưng, xin hãy chậm lại để ngần ngừ một tý: Có hợp lý không, sự tồn tại của cái gọi là “Văn học cho thiếu nhi”?

Hãy chú ý tới từ “cho”. Động từ ngoại động “cho” khiến cả cụm từ “Văn học cho thiếu nhi” mang cái nghĩa xác định rằng: tác phẩm văn học này hướng về phía đối tượng tiếp nhận là thiếu nhi. Nó cần thiết phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi và trình độ nhận thức, trình độ thẩm mỹ của thiếu nhi. Nó có thể giúp thiếu nhi giải trí, nhưng tốt hơn cả thì nó nên nêu ra trước bạn đọc nhỏ tuổi một vài bài học đáng giá nào đó về đời sống, về luân lý v.v… Tóm lại nó phải mang chức năng của một công cụ giáo dục: Giáo dục bạn đọc nhỏ tuổi trở thành những “con người tốt”. Nếu cách hiểu là như vậy thì ở đây chúng ta sẽ có vài điểm cần phải suy nghĩ:

Thứ nhất, về phía đối tượng tiếp nhận (thiếu nhi) điều quan trọng là được đọc tác phẩm văn học thực sự có giá trị, chứ không phải là đọc tác phẩm phù hợp với lứa tuổi của mình. (Theo logic, hoàn toàn có quyền đặt ra một câu hỏi: Có “Văn học cho thiếu nhi”, chẳng lẽ lại không có “Văn học cho người cao tuổi”?). Xin nói ngay rằng nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam khi còn ở tuổi thiếu nhi đã say mê với Tam quốc chí diễn nghĩaThủy hửBa người lính ngự lâmNhững người khốn khổChiến tranh và hòa bình v.v…, thậm chí cả Gatsby vĩ đại, Âm thanh và cuồng nộ, Buồn nôn, Người xa lạ hay Trăm năm cô đơn họ cũng không từ. Toàn những tác phẩm quá đỗi… người lớn! Và rồi… chẳng có gì bất lợi xảy ra hết, ngoài việc nhờ đọc những tác phẩm ấy mà họ càng trở nên là những độc giả lý tưởng của văn chương thứ thiệt. Rõ ràng, các nhà “thiếu nhi học” của chúng ta đã lo xa một cách rất không cần thiết khi nghĩ rằng nhận thức và tâm hồn của thiếu nhi sẽ trở nên méo mó nếu phải đọc những tác phẩm văn học không phù hợp với lứa tuổi. Họ quên, hoặc không biết đến ảnh hưởng cực kỳ quan trọng của cái đọc đầu đời: Nếu việc đọc những tác phẩm “tầm tầm”, đơn giản, dễ dãi ở giai đoạn đầu của cuộc đời đọc sách mà cứ kéo dài và trở thành quán tính, trở thành nếp mòn, không mong gì về sau người đọc nhỏ tuổi này sẽ có khả năng tiếp nhận những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Một chân lý đơn giản – hình như đã là chân lý thì bao giờ nó cũng đơn giản - đọc, đó là cả một quá trình lâu dài. Theo thời gian, bằng sự lớn dần về nhận thức và sự chín dần trong trải nghiệm, người đọc sẽ phát hiện thêm những điều mới mẻ từ một tác phẩm cũ. Khả năng tái khám phá của người đọc, có lẽ đó chính là một trong những bí mật về sự tồn tại lâu dài của tác phẩm văn học.

Thứ hai, về phía người sáng tác, hẳn nhiều người còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông trùm “Tiểu thuyết mới”, Alain Rob Grillet: “Nhà văn sẽ là kẻ suy đồi nếu khi viết mà hắn còn để ý tới độc giả”. Bỏ qua sự cực đoan vốn có của một tiểu thuyết gia thuộc vào loại cá tính mạnh nhất trong văn học Pháp hiện đại, phán quyết này nói trúng cái cần phải thuộc về bản chất của sáng tạo nhà văn, đó là sự đốt cháy hết mình của chủ thể trong ngọn lửa mà chính tay anh ta nhóm lên, từ ý chí và niềm say mê của cá nhân mình. Khi ấy thì đương nhiên độc giả, bất kể là nam phụ lão ấu, là quý tộc hay tiện dân, là ông giáo sư đại học hay anh tẩm quất nơi góc chợ, đều biến mất, chỉ còn lại trơ trụi người viết với thế giới hư cấu của anh ta. Trên thực tế, khi nhiều năm rồi dư luận không ngớt lên tiếng than phiền về chất lượng của “Văn học cho thiếu nhi” ở Việt Nam, rằng nó đa phần là những tác phẩm thiếu sức hấp dẫn, nhạt phẩm chất tưởng tượng, đã vậy lại thường lên giọng dạy dỗ trẻ em theo một cách đầy tinh thần áp đặt, khô khan, giáo điều – tuồng như trẻ em là đối tượng chỉ đáng để xoa đầu - thì một trong những nguyên nhân chủ yếu là đây: Người ta mải “săn đón” thiếu nhi, người ta tự tin rằng đã là độc giả thiếu nhi ắt sẽ cần cái A thích cái B, và người ta nhào vào “phục vụ” thiếu nhi bằng thứ ý chí luận người lớn đầy quyết liệt ấy. Kết quả chỉ là sự ra đời của một kiểu sản phẩm văn học mà chẳng ai đủ can đảm bảo rằng hay, trẻ em thì lại càng không! Thật ra câu chuyện này không có gì bất ngờ. Sự nhạt nhẽo của dòng “Văn học phục vụ công nông binh” một thời chẳng phải đã là một tiền lệ đó sao? Càng chăm chăm vào những mục đích “cho” hoặc “phục vụ” bao nhiêu, thứ văn chương vụ lợi này càng ở xa mục đích của nó bấy nhiêu. Ai đó có thể phản đối lập luận này bằng cách liệt kê hằng hà sa số những ví dụ về tác phẩm “Văn học cho thiếu nhi” thành công trên thế giới: Trên sa mạc và trong rừng thẳmKhông gia đìnhNhững cuộc phiêu lưu của Huck Finn và Tom SawyerHoàng tử béNhững đứa trẻ phố ArabatKoschya lùnCarson trên mái nhà v.v…, hay ở Việt Nam: Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Chú bé có tài mở khóa (Nguyễn Quang Thân), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Đội thiếu niên du kích Đình Bảng (Xuân Sách), Đất rừng phương nam (Đoàn Giỏi), Đợi mặt trời (Phạm Ngọc Tiến), Cho xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh) v.v… Cũng đúng. Nhưng có lẽ phải chú ý, các tác giả trên chưa chắc đã định viết chỉ “cho thiếu nhi”.

Nói cho chính xác hơn, trước hết, họ viết cho tuổi thơ đã một đi không trở lại của mình. Họ viết bằng niềm hoài nhớ thiên đường đã mất. Bằng cái viết tài năng và chìm trong tận cùng của niềm mê đắm, họ tạo ra một thiên đường, mới và khác, cho chính mình. Điều đó lý giải tại sao, những tác phẩm văn học được mặc định là “cho thiếu nhi” ấy, lại là những tác phẩm mà, xem ra, người lớn còn thích đọc hơn cả thiếu nhi! (Đến đây, người viết bài này không sao cưỡng được ý muốn mở cái ngoặc đơn đặng nêu một sự ngạc nhiên của mình. Không biết từ bao giờ và tại sao, lại phổ biến một quan điểm – chưa từng được luận chứng cho cẩn thận – gán cái mác “Văn học cho thiếu nhi” vào những truyện viết về loài vật và những truyện mang màu sắc cổ tích? Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài đâu chỉ là truyện về loài vật, và những bài học từ nó thì nhiều người lớn cũng còn phải học mãi, chứ chẳng riêng gì thiếu nhi. Còn như Chiếc âu vàng của Hoffmann hoặc các truyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Andersen, thì chắc chắn rồi, từ hàng trăm năm nay, đó là những tác phẩm khiến giới nghiên cứu văn học trên toàn thế giới phải đổ biết bao mực xuống giấy để tìm hiểu mà còn chưa xong, huống hồ thiếu nhi!).

Khi khái niệm “Văn học cho thiếu nhi”, một cách thực tế, đã bộc lộ ra nhiều bất cập đến thế, cần thiết phải dịch chuyển sự quan tâm từ nó sang những khái niệm khác, khả dụng hơn. Khả dụng hơn theo nghĩa là có sự nhận thức về nó hợp lý hơn, để từ đó hình thành chiến lược đầu tư thích đáng hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta hãy thử nghĩ đến “Văn học về thiếu nhi” xem sao.

“Văn học về thiếu nhi”, rất dễ hiểu, là khái niệm xác định thiếu nhi như là đối tượng của sự nhận thức, khám phá, phân tích, suy ngẫm và mô tả của nhà văn. Trên phương diện này, có thể hiểu nôm na rằng thiếu nhi là một “đề tài”, tương đương với những “đề tài” đã trở nên quá đỗi quen thuộc của văn học: Chiến tranh và người lính, nông thôn và cuộc sống của người nông dân, đô thị và thị dân, bất công xã hội và đấu tranh giai cấp v.v… Ở phần trên bài viết này, người viết đã nhắc đến một số tác phẩm văn học, của cả nước ngoài và Việt Nam, được cho là những tác phẩm “Văn học cho thiếu nhi” thành công, nhưng thực ra thì tuyệt đại đa số trong đó phải được nhìn nhận như những ví dụ về sự thành công của tác phẩm “Văn học về thiếu nhi”. Hướng về thiếu nhi, lấy thiếu nhi làm đối tượng của sự phản ánh văn học, mỗi tác phẩm dựng lên một thế giới sinh động, mang đến cho người đọc – người đọc nói chung – một trải nghiệm nghệ thuật và một chiều kích nhân sinh đặc thù. Hoặc, nó cho người đọc cùng nhân vật thiếu nhi dấn bước vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú, tận hưởng cảm giác xứ lạ, đối mặt với những thách thức hiểm nghèo, và rồi từ đó tự phát hiện ra những nguồn sức mạnh còn chưa được biết đến trong bản thân mình. Hoặc, nó tái hiện những cảnh đời trẻ em đa dạng trong những bối cảnh xã hội khác nhau, trộn lẫn sự khắc nghiệt của thực tế với sự bay bổng của ước mơ, làm bật lên những phẩm chất tốt đẹp của con người trên nền màu xám xịt của nỗi tuyệt vọng. Hoặc, như những tác phẩm hiện thực chủ nghĩa mẫu mực nhất, nó đi từ sự mô tả số phận bi kịch của những nhân vật thiếu nhi đến lời tố cáo đanh thép những bất công trong đời sống xã hội… Tóm lại, khi đã thoát khỏi - thậm chí là không cần quan tâm đến – những yêu cầu của việc viết “cho thiếu nhi”, phải “phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi” mang đầy tính ý chí luận, người viết chắc chắn sẽ có nhiều tự do hơn và dễ bề thành công hơn khi sáng tác tác phẩm “Văn học về thiếu nhi”.

Rất cần thiết phải nhấn mạnh điều này khi trong việc phát động các cuộc sáng tác văn học thiếu nhi hiện nay – kèm theo nó là sự đầu tư khá tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc cho các khâu chấm giải, trao giải, in ấn và phát hành tác phẩm – yêu cầu viết “Văn học cho thiếu nhi” vẫn luôn được đặt ra ráo riết. Một cách đương nhiên. Bất chấp hiện tượng phổ biến là: Trước khi tác phẩm “Văn học cho thiếu nhi” đến được với thiếu nhi, nó buộc phải thuyết phục được bộ lọc và hầu bao của các bậc cha mẹ cái đã, nói cách khác, trước hết nó phải là “Văn học cho người lớn”! Vậy, nên là “Văn học cho thiếu nhi” hay “Văn học về thiếu nhi”? Câu hỏi này, thiết nghĩ, không chỉ là câu hỏi với các nhà văn, mà còn là câu hỏi với các nhà xuất bản, với những người làm sách lọc lõi trong thị trường rất rộng lớn của hoạt động đọc văn học.

Theo Văn nghệ số 25/2021

 

 

Tags: