Văn giới, bạn đọc tiễn biệt
Văn giới, bạn đọc tiễn biệt "nhà văn chân chính" Nguyễn Xuân Khánh
Lễ tang nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sáng nay, 15-6, tại nhà tang lễ Thanh Nhàn (Hà Nội) diễn ra giản dị nhưng ấm cúng ân tình, như cuộc đời nhà văn - một cuộc đời nhẫn nại và vị tha để ‘sáng tạo trong im lặng tột cùng’.

Diễn ra tại một nhà tang lễ địa phương, nhỏ nhắn, gần ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người thân, bạn bè và người yêu văn chương đã tụ về khá đông để tiễn đưa "người hiền", "ông Phật" của làng văn Việt.

Kính tiễn tác giả Hồ Quý Ly có những gia đình bạn văn chương thân thiết của ông như gia đình nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ Hải Phòng lên, gia đình nhà văn Châu Diên (nhà giáo Phạm Toàn), gia đình nhà thơ Dương Tường…

Lễ tang nhà văn Nguyễn Xuân Khánh diễn ra giản dị nhưng ấm áp những thân tình - Ảnh: T.ĐIỂU

Làng văn Việt từ lâu đã luôn dành sự mến mộ đặc biệt cho tình bạn thương quý, thủy chung suốt một đời của nhóm bạn văn chương gần như bằng tuổi nhau, đều là những người hiền và tài, gồm: Dương Tường, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn.

Ngoài giới văn chương, bạn đọc ái mộ, còn có khá đông giới xuất bản, làm sách và bán sách cũng đến tiễn đưa một nhà văn tưởng như có sức kiên nhẫn sáng tạo và lòng nhân từ hiếm hoi.

Đại diện Nhà xuất bản Phụ Nữ có bài điếu văn đánh giá toàn vẹn và sâu sắc về văn nghiệp và con người của nhà văn. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh rất "trung thành" với nhà xuất bản này, xuất bản hầu hết các tác phẩm của ông ở đây.

Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, chủ tịch hội Nguyễn Quang Thiều đặc biệt dành những lời cảm động, thể hiện tấm lòng tôn kính của ông cũng như của các nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tác giả Chuyện ngõ nghèo.

5 năm trước, chính Nhà xuất bản Hội Nhà Văn do ông Thiều làm giám đốc đã xuất bản cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo đầy cách tân này của Nguyễn Xuân Khánh, kết thúc 36 năm nằm trong bóng tối của tác phẩm lận đận, vất vả như chính cuộc đời tác giả.

"Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có những năm tháng sống cực khổ, nhiều nỗi buồn, không ít đau đớn, và cả bất trắc. Nhưng ông đã không để cho những điều tồi tệ ấy nhấn chìm ông xuống vực sâu của than khóc và hận thù.

Ông đã biến tất cả những điều đó thành vẻ kiêu hãnh của văn chương và của con người. Đó chính là bản chất và sứ mệnh của văn chương mà ông thấu hiểu, ông sống và dâng hiến", chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dành những lời trân trọng cho tác giả Mẫu thượng ngàn.

 
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sẽ tiếp tục sống, gặp gỡ, trò chuyện với bạn đọc qua những tác phẩm của mình - Ảnh: T.ĐIỂU

Theo ông Thiều, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn viết nhiều về lịch sử, ông viết về lịch sử không phải để tái hiện lịch sử, không phải để phán xử hay ngợi ca lịch sử đó, mà để gợi mở ra một lịch sử khác cho tương lai của dân tộc Việt.

Bằng những tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành "người bảo vệ trung thành và thông tuệ của những giá trị văn hóa cốt lõi làm nên căn cước của dân tộc Việt".

Đặc biệt, ông Thiều bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc với nhân cách một nhà văn, một người cầm bút của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi khẳng định: "Cái tên Nguyễn Xuân Khánh là cụm từ đồng nghĩa với sự thấu hiểu, sự nhẫn nại, lòng vị tha, niềm kiêu hãnh, khát vọng, ý chí của một con người trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chỉ riêng cách sống và sự sáng tạo của ông trong im lặng tột cùng đã trở thành một định nghĩa xuất sắc và chính xác về một nhà văn chân chính".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không chỉ đến tiễn biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh như một người bạn văn, mà còn như một người em thân tình.

Ông Nguyên đánh giá Nguyễn Xuân Khánh là "một ngòi bút có chữ và đẻ chữ", cả đời đi tìm cái đẹp để tìm lại giá trị đích thực của người Việt và dân tộc Việt, khẳng định sức sống của văn hóa Việt trong những tác phẩm dầy dặn về độ dài trang viết và độ sâu nội dung tư tưởng nghệ thuật.

Và hơn hết, ông là một người "nhất quán đời người đời văn của mình trung thực và đẹp đẽ". Ông sẽ tiếp tục sống, gặp gỡ, trò chuyện với bạn đọc qua những tác phẩm của mình.

Theo Tuổi Trẻ

 
Tags: