Văn chương khơi dậy sự thấu cảm như thế nào?
Văn chương khơi dậy sự thấu cảm như thế nào?
"Cậu ta cũng có một bà mẹ."

Ảnh: Doug McLean – The Atlantic

Cha tôi – cũng là một nhà văn – đã khuyên tôi không nên đọc Dostoyevsky trước khi vào đại học. “Đó là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất,” ông nói với tôi, “và còn còn quá trẻ để có thể hiểu.” Vì thế, tôi đã không đọc Dostoyevsky cho đến năm hai mươi tuổi. Tôi là sinh viên trường Đại học Cairo, ngành nha khoa – khi đó, cha tôi đã qua đời. Nhưng tôi còn nhớ rõ những gì mình đã trải nghiệm. Những trang viết của Dostoyevsky đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, tôi đã đọc một mạch tất cả những tiểu thuyết của ông. Đó là sự khám phá một đời sống khác, một thế giới mớ 

Dostoyevsky sinh năm 1821. Năm 1849, ông bị bắt vì tham gia vào một tổ chức cách mạng. Ông bị kết án tử hình. Vào phút chót, Sa hoàng đã thay đổi hình phạt, theo đó, ông bị đi đày bốn năm ở Siberia. Nhưng chúng ta may mắn vì ông đã trải qua kinh nghiệm khủng khiếp này. Bởi nhờ đó, ông đã viết nên một kiệt tác về đời sống ấy – tác phẩm Bút ký từ ngôi nhà chết.

Tác phẩm này nói về kinh nghiệm của Dostoyevsky khi sống trong trại lao động khổ sai ở Siberia trong bốn năm. Đó là cực hình, và vì ông xuất thân từ một gia đình quý tộc, những tù nhân khác chưa bao giờ thấy thoải mái với ông. Vào thời đó, ở Nga, việc dùng nhục hình để trừng phạt tù nhân được xem là hợp pháp. Những cảnh đòn roi ấy được Dostoyevsky miêu tả bằng những trang viết mãnh liệt. Cuối cùng, vì ảnh hưởng của cuốn sách này, Sa hoàng đã buộc phải chấm dứt việc cho phép dùng đòn roi đối với tù nhân – do đó, có thể nói, cuốn tiểu thuyết này đã có một vai trò rất quan trọng trong xã hội Nga.

Có một cảnh trong cuốn tiểu thuyết mà Dostoyevsky miêu tả một phạm nhân còn trẻ tuổi đang chết dần. Khi y chết, một phạm nhân khác đứng lặng bên giường của y và gã bắt đầu khóc. Chúng ta không quên rằng đây đều là những kẻ phạm phải những tội ác khủng khiếp. Người kể chuyện đã mô tả một người canh ngục đã ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy gã đang khóc cho một tù nhân khác. Và gã đã nói:

Cậu ta cũng có một bà mẹ.

Từ “cũng” là từ quan trọng trong câu văn này. Gã thanh niên này là kẻ phạm tội. Gã là kẻ vô dụng đối với xã hội. Gã đã làm những việc ghê tởm. Nhưng gã cũng là một con người. Gã cũng có một bà mẹ như chúng ta. Với tôi, vai trò của văn chương nằm ở trong chính chữ “cũng” này. Nó có nghĩa là rồi chúng ta sẽ thấu hiểu, chúng ta sẽ tha thứ, chúng ta không định phán xét. Chúng ta nên hiểu con người không phải là tồi tệ, nhưng họ có thể làm những điều tồi tệ trong những hoàn cảnh đặc biệt. 

Thí dụ: Một người chồng hay người vợ không chung thủy, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thường được xem là một kẻ tồi tệ. Nhưng chúng ta có hai tiểu thuyết, đều là những kiệt tác, từ chối kết án hành vi ấy: Anna Karenina và Bà Bovary. Trong hai tiểu thuyết ấy, nhà văn cố gắng giải thích cho chúng ta tại sao người vợ lại không chung thủy. Chúng ta không phán xét họ mà cố gắng hiểu những điểm yếu và những sai lầm của họ. Văn chương không phải là một công cụ phán xét – nó là công cụ để hiểu con người.

Do đó, nếu bạn là kẻ cuồng tín, bạn sẽ không bao giờ hiểu văn chương. Và nếu bạn hiểu văn chương, bạn sẽ không bao giờ trở nên cuồng tín. Chủ nghĩa cuồng tín nhìn mọi thứ trắng-đen rạch ròi: Người ta hoặc là tốt, hoặc là xấu. Người ta hoặc là bạn, hoặc là thù của ta. Ở cực kia, văn chương là thứ hoàn toàn đối lập. Văn chương trao cho chúng ta một dải phổ rộng của những khả năng của con người. Nó dạy chúng ta làm thế nào để cảm nhận được sự đau đớn của người khác. Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều.

Một kẻ độc tài có thể không bao giờ thấy thoải mái với văn chương bởi nhiều lý do. Thứ nhất, tiểu thuyết gia hoàn toàn tự do viết bất cứ cái gì anh ta muốn. Thứ hai, văn chương hư cấu có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến con người, mạnh hơn nhiều so với những diễn văn chính trị vì thứ văn chương ấy đòi hỏi chúng ta phải sử dụng trí tưởng tượng của mình. Cuối cùng, những kẻ độc tài không bao giờ thấy thoải mái với các tiểu thuyết gia vì họ không cảm thấy yên tâm. Họ cho rằng ngay kể cả khi anh không nói về họ trực tiếp thì anh cũng đang gián tiếp miêu tả họ. Dưới thời Mubarak, tôi có viết một số truyện loài vật, giống như những truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Một truyện trong đó kể về một con voi rất già, không còn khả năng cai quản khu rừng được nữa và tìm cách để đưa con của mình lên làm vua. Nhưng con voi con rõ ràng là ngu ngốc, chẳng làm được trò trống gì ngoài việc chơi với nước. Những quan chức an ninh khi đó đã rất, rất giận dữ về những câu chuyện này – bạn không thể tưởng tượng nổi. Họ tin rằng tôi muốn nói con voi già kia là Mubarak và con voi con chính là con trai của ông ta – mà đúng là như thế. Họ gây áp lực lên chủ tờ báo để dừng việc in những câu chuyện này. Đó chỉ là một ví dụ. 

Thực sự mọi việc rất khó khăn khi bạn viết, khi bạn cố gắng, cố gắng hết sức có thể và bạn không thể đến được với độc giả vì sự kiểm duyệt. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp. Ở Ai Cập, tôi bị từ chối cơ hội được xuất bản bởi các nhà xuất bản của nhà nước, con đường duy nhất để xuất bản lúc bấy giờ. Tôi bị từ chối ba lần vào các năm 1990, 1994, 1998. Và năm 98, tôi bị từ chối một cách rất bất lịch sự: không chỉ bị từ chối mà còn bị làm nhục. Tôi quá đỗi mỏi mệt. Tôi quyết định từ bỏ. Lúc đó, tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết mới và quyết định sẽ hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết này, rồi chấm dứt hoàn toàn. Tôi đã nói với vợ mình: “Anh đã mất mười năm theo đuổi văn chương nhưng nó chẳng đem đến cho anh điều gì ngoài những khoảnh khắc tồi tệ.” Tôi nói tôi muốn di cư và vợ tôi đồng ý. Nhưng khi viết xong cuốn tiểu thuyết, Tòa nhà Yacoubian, cuốn sách trở thành hiện tượng. Và điều này đã thay đổi mọi thứ.

Tôi viết để giúp người ta hiểu rằng thật kinh khủng như thế nào khi sống một đời sống không có tự do. Tôi không viết về “chính trị”. Chúng tôi làm gì có đời sống chính trị ở Ai Cập khi chúng tôi không có một nền dân chủ. Chúng tôi chỉ có một tiết mục độc diễn. Luôn là như thế, chúng tôi có một nhà độc tài quyết định thay cho mọi người. Nhưng chúng tôi có cuộc đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi có cuộc đấu tranh chống lại việc tra tấn, chống lại sự độc tài, chống lại sự đàn áp, áp bức. Và phản ánh điều này là một phần của bổn phận nhà văn. Tôi không thể viết về hoa khi mà người dân bị giết trên đường phố. Tôi không thể, vì tôi luôn viết những gì mình cảm thấy – và tôi đang sống ở Ai Cập, tôi nhìn thấy người dân phải chịu đựng khổ sở như thế nào, và tôi thuộc về họ. Vì thế tôi cố gắng tìm ra khía cạnh văn chương, nghệ thuật bên trong sự khổ đau ấy, hoặc qua sự khổ đau ấy. Tôi viết về con người – và một phần của nỗi khổ đau của con người là phải sống dưới sự cai trị của một kẻ độc tài, kẻ sẵn sàng giết bất cứ ai, tra tấn bất cứ ai, để giữ quyền lực. Tôi viết để cho thấy tự do và sự giữ gìn phẩm giá có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Và nếu người ta có thể bị thuyết phục bởi những tiểu thuyết nói về điều này, họ có thể sẵn sàng cho một cuộc cách mạng. 

Tôi không cho rằng văn chương có thể là công cụ thích hợp để thay đổi tình thế ngay tại lúc này. Nếu bạn muốn thay đổi tình thế, hãy đi ra đường. Văn chương, với tôi, liên quan đến một sự thay đổi quan trọng hơn: nó thay đổi cảm quan của chúng ta, hiểu biết của chúng ta, cách nhìn của chúng ta. Và con người mà văn chương làm thay đổi, đến lượt mình, sẽ có nhiều khả năng hơn để thay đổi tình thế.

Tôi định nghĩa văn chương hư cấu như thế này: Nó là cuộc đời trên trang giấy, tương đồng với đời sống hàng ngày của chúng ta, nhưng ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn và đẹp đẽ hơn. Cái gì có ý nghĩa trong đời sống thường nhật của chúng ta sẽ trở nên hữu hình trong tiểu thuyết, và trở nên sâu sắc hơn vì chúng ta sống rất nhiều khoảnh khắc hời hợt – nhạt nhẽo, bằng phẳng. Tiểu thuyết nên trở nên nhiều ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn, đẹp đẽ hơn đời thực. Nếu bạn viết một cuốn tiểu thuyết giàu ý nghĩa hơn và sâu sắc hơn, thì nó cũng sẽ trở nên đẹp hơn. 

Tôi nhớ đến một trích dẫn của một con người đáng kính, Giangiacomo Feltrinelli, một trí thức người Hy Lạp sống tại Italy, người sáng lập nhà xuất bản Feltrinelli, nơi in bản dịch tiếng Italia tác phẩm của tôi. Ông nói, “Tôi chỉ biết có hai loại tiểu thuyết: tiểu thuyết sống và tiểu thuyết chết.” Công việc của tôi là xuất bản những tiểu thuyết sống. Điều quan trọng nhất đối với văn bản tiểu thuyết là nó phải “sống”. Để thuyết phục độc giả rằng có những con người thật trong văn bản, những nhân vật thật. Bất kỳ ai, sau một khóa viết văn sáng tạo, cũng có thể viết một tiểu thuyết. Việc đó không khó. Nhưng điều thật sự khó khăn là làm thế nào có thể đem đời sống vào trong tiểu thuyết, gợi ra cảm giác: Tôi biết những con người này, tôi nhìn thấy họ trên màn hình của trí tưởng tượng của tôi. Cảm nhận được họ, tin họ thực sự tồn tại. Đấy là một tiểu thuyết sống. Còn thứ tiểu thuyết chết, tiểu thuyết chỉ có tính lý thuyết, thì ai cũng viết được. 

Nhưng mỗi nhà văn phải tìm một con đường riêng, độc đáo để có một tiểu thuyết sống – không có một công thức duy nhất. Điều này rất khó ở giai đoạn đầu tiên của đời viết vì trong sáng tạo, bạn không thể dựa vào kinh nghiệm của người khác được: Bạn phải tự khám phá phương pháp nào thì có hiệu quả cho mình. Tôi đã tìm thấy con đường của mình qua nhiều năm đấu tranh. Và đây là phương pháp có hiệu quả đối với tôi: Tôi bắt đầu bằng việc phác thảo một vài tiểu thuyết và dành nhiều ngày để suy nghĩ, chăm chút cho nó. Và đến một điểm nào đó, thì có một sự lóe sáng. Tôi cảm giác rõ là mình phải viết tiểu thuyết này, chứ không phải những tiểu thuyết kia.

Sự lóe sáng xuất hiện khi tôi cảm giác các nhân vật trở nên hữu hình đối với mình. Ngay từ đầu, tôi thử tưởng tượng cac nhân vật, tôi tưởng tượng các chi tiết. Nếu ta đang nói chuyện với một thiếu phụ, thì tôi phải nhìn thấy trên màn hình của trí tưởng tượng của mình nàng trông như thế nào, ăn nói ra sao. Nàng có hút thuốc hay không. Và nếu có, thì đó là loại thuốc lá nào. Và rồi, đến một điểm nào đó, tôi biết mình đã hình thành cuốn tiểu thuyết trong đầu mình, vấn đề còn lại chỉ là thời gian: tôi sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết đó.

Alaa Al Aswany sinh năm 1957, là nhà văn Ai Cập, đồng thời là một thành viên sáng lập phong trào chính trị Kefaya – một phong trào vận động cho sự thay đổi chính trị của Ai Cập. Không chỉ là một gương mặt nổi bật của văn chương Ai Cập đương đại, Alaa Al Aswany còn là một nghệ sĩ, một trí thức có ảnh hưởng xã hội sâu rộng, đặc biệt là trong phong trào đấu tranh chính trị mùa xuân Ai Cập, dẫn đến việc phế bỏ vai trò tổng thống của Hosni Mubarak. Bài viết dưới đây của Alaa Al Aswany nằm trong chuyên mục “By Heart” của báo The Atlantic, nơi các nhà văn chia sẻ những suy nghĩ của mình về những đoạn văn ấn tượng mà họ đã từng đọc và ảnh hưởng đến con đường văn chương của họ.

Bài Gốc: The Atlantic

Hải Ngọc dịch 

Tags: