Tướng Trần Tử Bình qua tiểu thuyết 'Người công giáo cộng sản'
Tướng Trần Tử Bình qua tiểu thuyết 'Người công giáo cộng sản'
Trần Tử Bình thuộc lớp cộng sản đầu tiên đã xả thân để giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Tiểu thuyết lịch sử Người công giáo cộng sản là cuốn sách thứ tư trong vòng 7 năm của tác giả Trần Việt Trung, một võ sư, lương y và doanh nhân.

 Tác phẩm dày hơn 600 trang viết về cuộc đời của cha tác giả, thiếu tướng Trần Tử Bình (tức Phạm Văn Phu), một nhà cách mạng yêu nước.

Người cộng sản dấn thân vì cách mạng

Người công giáo cộng sản được tác giả Trần Việt Trung viết trong vòng hai năm, từ 2015 đến 2017. Bên cạnh đó, để tái hiện chân thực không khí của một thời kỳ lịch sử, tác giả cũng dành thêm hai năm đi điền dã, tìm tư liệu về sự kiện, nhân vật, gặp các nhân chứng cùng thời với nhân vật…

Tác giả cũng giải quyết tốt tâm thế của người con viết về cha, đồng thời tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật của lịch sử và hư cấu một phần câu chuyện. Điều này làm cho chân dung của tướng Trần Tử Bình trở nên hấp dẫn, sống động hơn.

Người công giáo cộng sản được viết theo lối biên niên, dẫn giải tuần tự các sự kiện bước ngoặt của nhân vật. Cuốn sách bao gồm 16 phần, được đánh số từ I đến XVI. Tương ứng mỗi phần là những “bước ngoặt” trong cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của nhân vật chính Trần Tử Bình.

Tác giả đã miêu tả cuộc đời của ông từ lúc sinh ra, lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng, trưởng thành theo trình tự thời gian và không gian trải dài trên những vùng địa lý rộng lớn trong Nam ngoài Bắc và cả ở nước ngoài,.

Trần Tử Bình xuất thân từ Công giáo, cuộc đời đã đưa ông “sắm” rất nhiều vai khác nhau như: Thầy dòng, phu đồn điền, thủ lĩnh phong trào tù nhân, thầy thuốc, tham gia cách mạng, người ra quyết định khởi nghĩa, nhà tổ chức đào tạo quân sự, vị tướng trận, thanh tra, nhà ngoại giao…

Đây cũng là một trong những đặc trưng của một thế hệ cách mạng tiền bối: Sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao và phải hoàn thành bằng mọi giá.

Ngoài ra, Trần Tử Bình còn có những nét đặc trưng của cá nhân. Ông là người đầu tiên bị đuổi khỏi trường dòng vì tham gia tuần hành đòi nhà cầm quyền thả nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Kể từ đó, ông dấn thân đi theo cách mạng.

Ông là một trong những phu mộ đầu tiên trong chính sách khai thác đồn điền ở miền Nam của thực dân Pháp.

Ông là một trong những người cộng sản đầu tiên trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.

Xích vệ Đội của đồn điền Phú Riềng do ông thành lập và huấn luyện được coi là “lực lượng vũ trang đầu tiên”, “tổ chức vũ trang Đảng” đầu tiên khi Đảng Cộng sản ra đời.

Trần Tử Bình nằm trong những người bị xử án và đày ra Côn Đảo. Ông cũng là một trong những tù nhân thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù, để đấu tranh bảo vệ tù nhân, biến Côn Đảo thành trường học đầu tiên trong hệ thống nhà tù của Pháp.

Ông cùng các đồng chí của mình là những người đầu tiên tổ chức vượt ngục tập thể cho hơn 100 tù chính trị trở về với phong trào, bổ sung lực lượng nòng cốt cho tổng khởi nghĩa.

Ở cương vị Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, ông đã cùng các đồng chí chịu trách nhiệm để đưa ra quyết định lịch sử tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945.

Ngay sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, ông nhận nhiệm vụ thành lập trường đào tạo cán bộ quân sự chính quy đầu tiên, sau đổi thành trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Trong tình thế ngặt nghèo, bị áp đảo cả thế và lực, Trần Tử Bình cùng Lê Thiết Hùng và Ban Chỉ huy khu 10 đã chỉ huy giành thắng lợi đầu tiên trong chiến dịch Thu Đông năm 1947.

Ông trở thành một trong những vị tướng được phong hàm đầu tiên trong quân đội đầu năm 1948 (cùng đợt với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp).

Vụ án Trần Dụ Châu tham nhũng do ông trực tiếp điều tra, xử án là một dấu ấn trong ngành tòa án, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Trong lĩnh vực ngoại giao, ông là vị tướng đầu tiên được chọn làm đại sứ.

Thế hệ “kim cương”

Qua cuốn tiểu thuyết, người đọc cũng thấy được một thế hệ chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Đó là các nhân vật: Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Trần Quang Huy, Nguyễn Bình, Lê Thiết Hùng...

Đây là thế hệ chiến sĩ cộng sản mà tác giả gọi là thế hệ “kim cương”, được hun đúc, nhào luyện, thúc đẩy, sinh ra. Tuy hoàn cảnh khác nhau, họ có một niềm khát khao giải phóng dân tộc.

Rất nhiều người đã ngã xuống trên con đường cách mạng chông gai đầy nguy hiểm, tù đày chết chóc. Nhưng họ có niềm tin, tin vào tương lai, tin vào đồng chí của mình, không suy tính vụ lợi cho bản thân, làm việc trung thực, thẳng thắn, đầy trách nhiệm.

Ở một khía cạnh khác, trong mối quan hệ họ hàng, gia đình của nhân vật chính, cuốn tiểu thuyết đã dựng lên chân dung một phụ nữ. Đó là bà Nguyễn Thị Hưng - người vợ, đồng chí gắn bó với Trần Tử Bình. Bà là tấm gương kiên cường vượt khó, vừa xây tổ ấm vừa phụng sự công việc chung.

Bà Nguyễn Thị Hưng đã tham gia hoạt động cách mạng từ sớm ở Hưng Yên. Sau năm 1957, bà công tác tại Bộ Ngoại thương, đảm nhận vị trí Chánh Thanh tra bộ. Bà đã sinh hạ và nuôi nấng chu toàn tám người con (sáu trai, hai gái, Trần Việt Trung là con út trong gia đình).

Bà Nguyễn Thị Hưng “một tay lèo lái”, như tiêu đề mục đầu của phần XVI, sau ngày thiếu tướng Trần Tử Bình ra đi vĩnh viễn.

Có thể nói, Người công giáo cộng sản viết về Trần Tử Bình chân thực, phong phú, có giá trị cao trong việc giáo dục thế hệ trẻ sau này. Cuốn sách được đề cử Giải thưởng sách quốc gia lần thứ tư, năm 2021.

Theo Zing News

Tags: