“Từng Bước Nở Hoa Sen”: 12 việc làm mỗi sáng để bạn an nhiên sống
“Từng Bước Nở Hoa Sen”: 12 việc làm mỗi sáng để bạn an nhiên sống
Từng bước nở hoa sen của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những quyển sách “dẫn” ta cách sống cuộc đời an nhiên và tu tập chánh niệm. Cuộc đời chỉ cần vài giây phút hướng đến sự an lạc trong tâm trí và thể xác là đã an yên hơn một chút rồi (ở một góc độ nào đó). Sách của Thích Nhất Hạnh đem đến những bài học, những cảm nhận khác nhau tùy vào từng cá nhân, từng cung bậc của cuộc đời. Mời bạn ghé qua "Từng bước nở hoa sen" một chút.
Từng Bước Nở Hoa Sen
(4 lượt)

 

1/ Thức dậy

 

Thức Dậy Mỉm Miệng Cười 

Hăm Bốn Giờ Tinh Khôi 

Xin Nguyện Sống Trọn Vẹn 

Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời 

Mở đầu ngày mới bằng một nụ cười, phải chăng đó là thái độ khôn ngoan của người biết sống? Nụ cười đây là nụ cười ý thức và quyết tâm muốn sống hăm bốn giờ trong tỉnh thức, trong an lạc.

“Ta đã để bao nhiêu ngày của ta trôi qua trong lãng quên và vô vị?” “Ta đã làm được gì cho chính cuộc đời của ta?” Bạn hãy chiêm nghiệm đi. Bạn hãy tìm cho ra bản chất của nụ cười. Bản chất ấy, phải chăng là sự giác ngộ?

Nhưng làm sao để nhớ mà mỉm cười vào đúng lúc thức dậy? Bạn có thể treo một dấu hiệu trên đỉnh màn, hoặc ở trần nhà, hoặc bất cứ nơi nào mà hễ mở mắt ra khi thức dậy là bạn nhìn thấy. Dấu hiệu đó có thể là một cành cây, một chiếc lá, một bức vẽ hay một nét chữ.
Sau này quen rồi, bạn không cần đến những phương tiện ấy nữa. Nghe chim hót hoặc thấy một tia nắng xuyên qua cửa sổ, bạn cũng đã có thể mỉm cười.

Câu “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” được lấy từ kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói về Bồ Tát Quan Thế Âm. Nguyên văn là từ nhãn thị chúng sanh, lấy con mắt từ bi để nhìn mọi loại. Bạn nên nhớ rằng có hiểu thì mới có thương. Vì vậy bạn phải thường xuyên đặt mình vào xương, vào da, vào tâm hồn và hoàn cảnh của người khác để có thể hiểu được họ. Thương chính là một quá trình chúng ta phải học hỏi và thực tập. Bản chất của thương cũng là bản chất của giác ngộ, đồng thể với bản chất của nụ cười.

Chúc bạn một ngày thật an lạc và thanh tịnh.

 

2/ Mở cửa sổ 

 

Mở Cửa Nhìn Pháp Thân

Đời Mầu Nhiệm Không Cùng

Lòng Dặn Lòng Tỉnh Thức

Giòng Nước Tâm Trong Ngần 

Buổi sáng thức dậy, bạn mở cửa sổ để nhìn cảnh vật bên ngoài. Hãy hiểu rằng, cảnh vật ấy cũng chính là nội tâm của bạn. Không khí ban mai mát lạnh, những hạt sương buổi sớm vẫn còn và mặt trời đang gởi tới cửa sổ nơi bạn đang đứng vài tia nắng. Trong giờ phút đó, bạn là bạn nhưng bạn cũng chính là cảnh vật ấy, bởi vì bạn có pháp thân.

Pháp thân là gì? Ban đầu pháp thân chỉ có nghĩa là giáo pháp của Bụt. Trước khi nhập diệt, Bụt nói với các môn đệ “chỉ có nhục thân của ta tan rã chứ pháp thân của ta vẫn ở lại với quý vị mãi mãi”. Trong truyền thống Đại Thừa, chữ pháp thân (drahamakāya) dần dần mang ý nghĩa là tâm của Bụt, rồi bản thể của vạn hữu, rồi chân như. Tất cả mọi hiện tượng như tiếng chim hót, tia nắng ấm, đám mây trắng, cành trúc xanh… đều là biểu hiện của Pháp Thân. Hóa thân của Bụt (narmanakāya) cũng là một biểu hiện của Pháp Thân. Đó cũng chính là cuộc đời của Bụt Thích Ca Mâu Ni.

Bạn cũng là một biểu hiện của pháp thân. Vì vậy bạn cũng cùng một bản chất với mọi nhiệm mầu trong vũ trụ.

Mở cửa sổ mà nhìn được vào pháp thân thì bạn sẽ thấy đời mầu nhiệm vô cùng. Bạn muốn duy trì cái thấy ấy để ngày hôm nay của bạn được đẹp đẽ và an lạc, cho nên bạn tự dặn lòng là nên để lòng tỉnh thức. Sống được suốt ngày trong chánh niệm, trong tỉnh thức thì tâm bạn là một dòng nước trong không vương vấn đau buồn và phiền não.

 

3/ Quơ dép

 

 

Đặt Chân Trên Mặt Đất 

Là Thể Hiện Thần Thông 

Từng Bước Chân Tỉnh Thức 

Làm Hiển Lộ Pháp Thân 

Bài kệ này cũng có thể được sử dụng trong giờ thiền hành. Thần thông là những phép lạ, không phải bay trong hư không hoặc đi trên sự tỉnh thức. Bước những bước chân tỉnh thức trên mặt nước mới là thực hiện phép lạ. Phép lạ là mặt đất, ta có thể thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống. Bước được những bước như thế, bạn làm cho pháp thân hiển lộ. Đó là thần thông. Trong khi quơ chân tìm đôi dép, bạn có đủ thì giờ để thầm đọc bài kệ này.

 

4/ Vặn nước 

 

Nước Từ Nguồn Suối Cao 

Nước Từ Lòng Đất Sâu 

Nước Mầu Nhiệm Tuôn Chảy 

Ơn Nước Luôn Tràn Đầy 

Nước từ đâu mà về tận nhà bếp, phòng tắm và phòng rửa mặt của ta, điều đó ta có biết nhưng ta cứ quên hoài.

Nhờ nước mà có rau, có trái, nhờ nước mà có sự sống. Bảy mươi lăm phần trăm thân ta là nước. Nước chính là một vị Bồ Tát nuôi sống muôn loài. Ơn đức của nước đối với chúng ta luôn luôn tràn đầy. Đọc bài kệ xong rồi vốc nước rửa mặt, bạn sẽ thấy làn nước trong hơn, mát hơn và mầu nhiệm không cùng.

 

5/ Rửa tay

 

 

Múc Nước Để Rửa Tay 

Xin Nguyện Cho Mọi Người 

Có Đôi Bàn Tay Khéo 

Giữ Gìn Trái Đất Này 

Đất giữ gìn nước. Nước làm cho đất sống. Nước đến với ta như một thông điệp của đất. Trái đất xinh đẹp của chúng ta đang lâm nguy.

Chúng ta đang làm khô cạn những kho tài nguyên của trái đất mà chúng ta đang sống cụ thể là làm ô nhiễm sông hồ, biển cả, tiêu diệt môi trường sinh hoạt của nhiều loài. Chúng ta đã chế tạo trên năm mươi ngàn loại vũ khí nguyên tử có khả năng tiêu diệt mấy mươi lần trái đất. Nền văn minh của chúng ta có thể bị tiêu diệt trong nay mai do chính sự thiếu sáng suốt, sự sợ hãi và lòng hận thù của chúng ta đối với nhau. Bạn hãy nhìn lại đôi bàn tay của mình dưới vòi nước chảy. Chúng ta có đủ sáng suốt và khôn ngoan để giữ gìn cũng như bảo vệ trái đất xinh đẹp của chính chúng ta không.

 

6/ Súc miệng, đánh răng 

 

Súc Miệng Và Đánh Răng

Cho Sạch Nghiệp Nói Năng

Miệng Thơm Lời Chính Ngữ

Hoa Nở Tựa Vườn Tâm 

Ta có nhiều thứ kem để đánh răng cho miệng vừa sạch vừa thơm. Nhưng nếu ta không tu tập chánh ngữ thì miệng của ta vẫn không thơm như thường. Ngạn ngữ có câu “anh nói thối lắm”, nghĩa là những lời nói của anh không mang tính dịu hiền, thiện tâm, ngọt ngào và xây dựng, trái lại nó mang tính chua ngoa, vu cáo, độc ác, xuyên tạc làm đổ vỡ. Lời nói có thể xây dựng một thế giới an lạc trong đó mọi người tin cậy và thương yêu nhau. Lời nói cũng có thể tạo ra sự chia rẽ, căm thù và làm sụp đổ tất cả mọi hy vọng. Chánh ngữ là lời nói đẹp đẽ và phù hợp với sự thật. Giới luật của Dòng Tu Tiếp Hiện có điều thứ chín nói về chính ngữ như sau: 

“Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù, không được loan truyền những tin mình không biết là có thực hay không. Không được phê bình và lên án những điều mà mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phải có can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công dù hành động này có thể mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình” 

Ta hãy thực tập chánh niệm và chỉ nói những lời đẹp đẽ, chân thực, thương yêu và mang tinh thần xây dựng. Đó cũng chính là những bông hoa thơm, nuôi nấng trong vườn tâm mà ta hái tặng mọi người xung quanh ta.

 

7/ Vào nhà cầu 

 

Không Nhơ Cũng Không Sạch

Không Bớt Cũng Không Thêm

Trí Tuệ Ba La Mật

Không Có Pháp Nào Trên 

Sống là chuyển hóa không ngừng. Tất cả mọi vật nương vào nhau để tồn tại. Thân tâm an trú trong chánh niệm thì khi đốt một lò trầm, tâm ta cũng thanh tịnh mà khi đi vào nhà cầu, tâm ta cũng thanh tịnh. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận cả sinh lẫn diệt, cả còn lẫn mất, cả vui lẫn buồn. Tâm kinh dạy ta rằng nhìn thấy được thực tướng của vạn hữu thì không còn thấy có sinh có diệt, có thêm có bớt, có nhơ có sạch, có sắc có không. Đó là chân lý đã khiến cho Bồ tát Quán Tự Tại thoát được ra khỏi nỗi khổ đau và ách nạn. Mỗi ngày đọc tụng Tâm kinh bạn có quán chiếu những vĩ đại trong ấy không, hay chỉ đọc tụng ngâm nga kinh như một bản lễ nhạc tầm thường? Bát nhã (Prajnā) có nghĩa là trí tuệ giác ngộ. Ba la mật (Pāramitā) có nghĩa là có năng lực đưa ta qua bờ bên kia, nghĩa là bờ giải thoát. Giải thoát ta khỏi ngu muội, sợ hãi và những khổ đau do ngu muội và sợ hãi gây ra. Trí tuệ Bát Nhã thường được miêu tả như mẹ đẻ ra chư Bụt, cho nên kinh nói rằng không có pháp gì cao hơn nữa.

 

8/ Mặc áo 

 

Cơm ngày hai bữa ơn cày cấy

Áo mặc bốn mùa nghĩa dệt may

Bài kệ này lấy từ ca dao Việt Nam ra. Nguyên văn: cơm ngày ba bữa cha cày cấy, áo mặc bốn mùa mẹ vá may. Thời nay cha ta ít cày cấy mà chỉ đi mua gạo ngoài chợ về, còn mẹ thì cũng ít may vá mà chỉ mua áo may sẵn hoặc đặt thợ chuyên môn làm. Vì vậy hai chữ ân và nghĩa đã được đưa vào thay thế để cho nghĩa thêm rộng. Người tu quán niệm trước khi ăn hay thường tìm về nguồn gốc của y phục mình đang mặc.

 

9/ Tắm

 

Không Sinh Cũng Không Diệt

Không Trước Cũng Không Sau

Trao Truyền Và Tiếp Thọ

Pháp Giới Tính Nhiệm Mầu 

Mỗi khi tắm ta lại có dịp nhìn lại hình hài của ta, hình hài do cha mẹ trao truyền. Ta dùng hai tay để kỳ cọ từng ngón chân và từng cổ tay. Ta hãy để thì giờ trong khi tắm mà quán niệm về hình hài và tâm thức của chính ta.

Nói về trao truyền và tiếp thọ thì ta phải nghĩ ai là người trao truyền, ai là kẻ tiếp thọ và trao truyền vật gì cũng như tiếp thọ vật gì. Nghĩ cho kĩ thì người trao truyền với vật trao truyền là một, người tiếp thọ với vật tiếp thọ cũng là một. Nói một cách khác, không hề có sự trao truyền và tiếp thọ. Nếu các bạn chưa thấy điều này, bạn hãy chiêm nghiệm đi.
Nhìn vào bàn tay, nhìn kỹ vào bàn tay, bạn thấy có cha, có mẹ, có ông bà, có tổ tiên, có giòng họ. Tất cả đều có mặt, có mặt trong hiện tại. 

Bạn là họ. Họ chưa bao giờ chết, lý do đơn giản là sự có mặt của hình hài bạn. Như vậy cũng có nghĩa là bạn chưa bao giờ sinh ra cả, bởi vì sinh có nghĩa là từ không mà thành có. Mà bạn đã vô sinh thì làm sao bạn có thể diệt mất được. Vì vậy bạn là bất sinh và bất diệt. Tâm Kinh Bát Nhã chỉ cho bạn thấy điều ấy. Bạn quán niệm cho tới khi nào có được một cái thấy thực tiễn về sự thực này thì bạn thoát được sinh tử. Cái thấy thực tiễn không phải là cái thấy bằng lý luận của trí năng. Thấy đây là thấy với tất cả con người của ta, khi ta nhìn một trái anh đào trong lòng bàn tay ta, ta thấy ngay đó là trái anh đào, không cần phải suy luận và ước đạt gì hết. Đại trượng phu phải thân hành đi bằng cửa chánh để ra khỏi sinh tử. Quán vô ngã là đi bằng cửa chánh, rộng rãi thênh thang. Pháp có nghĩa là vật. Pháp giới nghĩa là muốn vật, là lĩnh vực của tất cả các pháp. Pháp giới tính là bản thể của vạn hữu. Nó không sinh, không diệt, không trước, không sau. Bạn không phải là “sinh sau đẻ muộn”. Bạn là thực tại vượt ra ngoài không gian và thời gian. Thấy được điều đó là bạn thành công.

 

10/ Soi gương 

 

Chánh Niệm Là Đài Gương

Gương Soi Hình Tứ Đại

Đẹp Nhất Là Tình Thương

Và Cái Nhìn Rộng Rãi 

Có thể sáng nào bạn cũng soi gương và vì vậy hãy sử dụng tấm kính kia làm đài gương chánh niệm. Đẹp hay xấu là do cách nhìn của kẻ kia; có khi mũi cao thì cho là đẹp, có khi da sạm thì lại cho là dễ thương vv… Tuy nhiên, an trú trong chánh niệm thì ai cũng trở thành đẹp ra và cái đẹp ấy gây an lạc, hạnh phúc không những cho ta mà còn cho cả mọi người.

Sống thiếu chánh niệm ta dễ trở thành khô khan và máy móc. Nụ cười trầm tĩnh và thương yêu bao giờ cũng đẹp đẽ và thường tạo nên những phép lạ. Nhờ có cái nhìn rộng rãi, ta trở nên bao dung và có nhiều thương yêu hơn. Sở dĩ cái khuôn mặt của Bụt rất đẹp, đó là vì con mắt và nụ cười trên khuôn mặt ấy. Con mắt nhìn bao dung và nụ cười đầy tính từ bi. Tứ đại là những yếu tố phối hợp thành cái mà ta gọi là “vật chất”: đất, nước, hơi nóng và không khí. Đại là māhābhūta. Trụ Vũ viết: 

Cánh hoa là tứ đại

Mà tỏa hương tinh thần

Mắt em là tứ đại

Mà rạng ngời yêu thương 

Tại sao? Tại vì tứ đại không phải là “vật chất”. Tứ đại không phải là vật cũng không phải là tâm. Tứ đại là biểu hiện của pháp giới tánh. Gương chánh niệm nhắc bạn rằng bạn là một biểu hiện của chân như. Hãy mỉm cười đi. Và hãy cười bằng đôi mắt của bạn nữa.

 

11/ Rửa chân 

Sự An Lạc

Của Ngón Chân

Niềm An Lạc

Của Thân Tâm

Bạn hay quên ngón chân của bạn lắm. Bạn cứ đi lo lắng về những chuyện trên trời, dưới biển mà ít khi để ý tới ngón chân bạn. Nếu ngón chân ấy mà đạp nhằm gai nhọn, cả con người của bạn sẽ đau nhức, chứ có phải 1 mình “nó” đau nhức đâu.

Nắm ngón chân út của bạn. Nó an lạc, nó không có ung thư, bạn rất may mắn, bạn có phước lắm. Hãy mau cám ơn nó đi. Cũng như bạn hãy cám ơn tất cả bộ phận khác của cơ thể bạn. Cơ thể bạn có bao nhiêu tế bào là có bao nhiêu cơ hội để bạn lo lắng. Nếu chưa có tế bào nào đi ngược đường phát triển thì bạn thật an lạc. Nhưng niềm an lạc của bạn mong manh lắm.

Sự sống không hoàn toàn nằm trong cơ thể bạn. Cái bất an có thể khởi sự từ ngoài cơ thể. Một con vi khuẩn có mặt trong nước uống hay trong thức ăn. Một giọt rượu trong huyết quản của người lái xe hơi. Một trái bom hạt nhân đang được chuyên chở trong không gian, ngay trên đầu bạn. Mặt trời kia mà tắt ngấm thì không có gì trên mặt đất duy trì được sự sống. Cơ thể của bạn không nhỏ bé như bạn tưởng: mặt trời là trái tim bên ngoài cơ thể bạn. Mặt trời mà tắt đi thì….

Sự sống nơi bạn và sự sống nơi vạn hữu là một. Cũng như sự an lạc của ngón chân bạn là sự an lạc của toàn thân tâm bạn. Bạn đồng nhất bạn với ngón chân bạn. Điều đó bạn làm rồi. Nhưng bạn chưa đồng nhất bạn được với sự sống vạn hữu. Sự sống khắp cơ thể chứ không phải sự sống riêng biệt của một tế bào, hay một ngón chân. Sự sống khắp vũ trụ chứ không phải sự sống riêng biệt của một cơ thể. Một tế bào đứng riêng không có được sự sống. Một cơ thể đứng riêng, biệt lập, cắt đứt với vạn hữu cũng không có được sự sống. Đồng nhất bạn với sự sống, bạn vượt thoát được sinh tử. Sinh tử của tế bào, sinh tử của ngón chân, sinh tử của hình hài.

 

12/ Nghe chuông 

 

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe 

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm 

Tiếng chuông là một thông điệp đến với ta để nhắc ta quay về với chánh niệm. Người thỉnh chuông gửi tiếng chuông đi với tâm niệm an lành và thanh tịnh. Người nghe chuông cũng phải tiếp nhận tiếng chuông với tâm niệm an lành và thanh tịnh.

Nghe tiếng chuông, bạn liền đem tâm bạn đồng nhất với tiếng chuông, ngân nga theo tiếng chuông lắng lại theo tiếng chuông. Như vậy là để nhiếp tâm về chánh niệm. Trong ngày, mỗi khi nghe tiếng chuông, ta nên ngừng tay và quán niệm. Khi tiếng chuông đầu báo hiệu giờ thiền tọa vọng lên, ta nên lập tức nhiếp tâm vào thiền quán, dù lúc đó ta đang ở đâu và đang làm gì. Ta thong thả đứng dậy, đi rửa mặt hay rửa tay, mặc áo thiền tọa và khởi sự bước từng bước chân chậm rãi hướng về thiền đường, trong khi chuông vẫn tiếp tục vọng lên ba hồi ba tiếng. Trong suốt thời gian đó ta giữ chánh niệm, và ta có thể nương vào tiếng chuông và vào hơi thở để giữ chánh niệm. Ta không đợi đến khi ngồi xuống trong thiền đường mới bắt đầu nhiếp niệm. Ta nhiếp niệm ngay từ lúc nghe tiếng chuông đầu.

- Trích sách "Từng bước nở hoa sen"

Tags: