Triết học về yêu? Bạn đã bao giờ từng thử? Tại sao suy nghĩ trong khi làm tình là vi phạm luật cơ bản của việc giao hợp? Nhan sắc khai sinh tình yêu hay tình yêu khai sinh nhan sắc? Có phải nó yêu tôi chỉ vì tôi yêu nó?... Triết gia đường phố đại tài của thế kỉ 21, Alain de Botton sẽ cùng bạn "triết học" trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Luận về yêu qua ngòi bút điêu luyện, sắc sảo nhưng cũng vô cùng hóm hỉnh của mình.
Bạn có bao giờ từng thủ thỉ với người kia rằng: "Cậu là định mệnh của đời tớ" Có phải trước khi tớ với cậu sinh ra, Chúa trời đã sắp đặt chúng mình sẽ là của nhau. Hay có một lời giải thích thực tế hơn, đơn giản là con người chỉ phát minh ra số phận để tạo ra ý nghĩa cho sự vô nghĩa của ngẫu nhiên.
Ví dụ, theo như nhân vật “tôi” trong câu truyện tính toán, khả năng anh ta và nàng Chleo xinh đẹp kia có thể ngồi cạnh nhau vào một buổi sáng tháng Chạp trên bầu trời của biển Manche trong một chiếc Boeing của British Airways từ Paris-Lodon là 1 trên 989,727. Xác suất này nhỏ tới mức anh ta cảm tưởng “từ khi mỗi người chúng tôi sinh ra, dường như cái tâm trí lớn lao trên trời cao đã khéo léo xê dịch quỹ đạo của chúng tôi để một ngày nọ chúng tôi gặp nhau trên tuyến đường Paris-London.”
Không nói xa đâu, hãy thử nghĩ lại lần đầu gặp gỡ của bạn với người ấy xảy ra một cách may mắn tới mức khó có thể dùng lý trí để hợp lý hóa nó như thế nào? Nếu chỉ như bạn lỡ một chuyến xe bus, gọi thêm 1 cuộc điện thoại, hay bước vào ngay khi cô ấy vừa bước ra, có lẽ bạn đã có một định mệnh khác.
Ấy thế mà dưới ánh sáng của tình yêu, con người có thể vận dụng thuyết định mệnh lãng mạn để biến một sự việc dường như bất khả về mặt xác xuất trở thành một thứ gì đó hẳn phải đã được đáng tối cao che dấu và lên kế hoạch 1 cách cẩn thận để bây giờ bạn mới có thể nói được câu: "Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi biết em là định mệnh của đời mình".
Nhưng tại sao lại phải làm thế? Vì con người không thể chấp nhận một việc xảy ra mà không có một lời giải thích thỏa đáng cho chúng. “Chúng ta phát minh ra số phận để tránh né nỗi lo âu từ việc phải thừa nhận rằng chính chúng ta đã tạo ra chút ý nghĩa cho đời sống của mình, rằng không có cuộn giấy nào (và bởi vậy không có số phận định trước nào đang đón đợi) và người mà chúng ta có thể gặp hoặc không gặp trên máy bay chẳng có nghĩa lý nào ngoài những gì chúng ta gán cho họ - tóm lại, đó là nỗi lo không ai viết trước câu chuyện tình hay đảm bảo tình yêu cho chúng ta.”
Và một khi mầm tình yêu đã được gieo hạt, bạn biết mình sẽ không bao giờ có thể trở lại con người của ngày hôm qua. Lý trí sẽ lu mờ, quá trình thần tượng hóa cô ấy bắt đầu. Những thứ chán ngắt đột nhiên được phát ra từ miệng cô ấy lại làm bạn cảm thấy chú tâm lạ lùng. Bạn sẽ còn chẳng buồn đánh giá nó "là sâu sắc hay hài hước, vấn đề không còn ở chỗ cô nói cái gì, mà ở chỗ cô ấy đang nói ra điều đó".
Hey, dậy đi, trở lại thực tại đi nào. Bạn chỉ gặp cô ấy được có 1 lần thôi mà. Vậy là, chỉ ngay thời khắc tạm biệt của một cuộc gặp gỡ thoáng qua đã, bạn đã cảm thấy một nỗi mất mát lạ lùng. Liệu đó có phải là yêu? Rồi cả ngày hôm đó, chiếc điện thoại thân yêu đột nhiên sẽ biến thành một dụng cụ tra tấn vì bạn chỉ muốn ngay lập tức được kết nối. được hiểu tất cả về cô ấy để thỏa mãn ngay cơn bùng cháy trong lòng bạn.
Nhưng Alain khuyên bạn hãy từ từ, vì "niềm háo hức ban sơ cần xây dựng trên nền móng của sự không biết." Hãy từ từ để tận hưởng một trong những khoảng khắc khổ sở nhưng cũng thú vị nhất trong tình yêu này. Đừng vội vàng tấn công dồn dập hay trách cô ấy lạnh lùng, vì hãy nhớ: "người quyến rũ nhất không phải người ngay lập tức cho ta hôn (chúng sẽ sớm mất đi hứng thú) hay người không bao giờ cho phép ta hôn họ (chúng ta sẽ chóng lãng quên), mà là người biết làm thế nào phân phát đủ liều lượng khác nhau của niềm hy vọng và tuyệt vọng."
Sau vài lần nhắn tin thuyết phục, cuối cùng người ấy cũng đồng ý cho bạn một cuộc hẹn. Và hẳn rồi, cuộc đi chơi đầu tiên luôn có không khí kỳ quoặc nhất vì bạn biết đấy "tán tỉnh một ai mà bạn cảm thấy dửng dưng thì dễ, kẻ tán tỉnh vụng về nhất cũng có thể được xem là tay tài tình nhất". Nhưng với thiên thần đang ngồi ngay trước mặt mà bạn thầm thương trộm nhớ kia thì thật khó để không biến mình thành kẻ ngốc.
Bạn sẽ bắt đầu hỏi những câu hỏi tẻ nhạt, khách sáo và cô ấy cũng bắt đầu lại nhả lại thông tin như khi có người dùng gõ từ khóa tìm kiếm trên Google, như "Em thích đọc gì? (“Joyce, Henry James, rỗi rãi thì em đọc tờ Cosmopolitan”), Em có thích công việc của mình không? (“Việc nào cũng như cứt cả thôi, anh có nghĩ thế không?”), Giả dụ thích ở đâu cũng được, em thích ở nước nào? (“Em vẫn sống tốt ở đây, hay bất cứ đâu miễn là em không phải đổi trấu cắm điện cho máy sấy tóc của mình”).." Đằng sau hàng loạt câu hỏi phá băng, vô nghĩa đó, là những câu hỏi trực diện nhưng không thể được hỏi như "Em thực sự là ai?", "Em có thích anh không?" "Anh phải là người như thế nào?" vì sự thân mật cần phải có thời gian.
Tuy vậy, vở kịch vẫn phải tiếp tục diễn khi mà cả người đóng kịch và khán giả đều chỉ muốn cúp đèn, tắt nhạc, và có thể tìm chỗ nào riêng tư để có thể dễ mở lòng với nhau hơn. Và còn chỗ nào tiện hơn, ở trong nhà cô ấy. Liệu trong lúc ân ái lần dầu, bạn có nên suy nghĩ? Không nên, bởi vì "tình dục là bản năng, phi lý trí và tự phát, trong khi suy nghĩ thì thận trọng, tách bạch và mang tính đánh giá. Suy nghĩ trong khi làm tình là vi phạm luật cơ bản của việc giao hợp."
Nhưng thật khó để không suy nghĩ vì những gì vừa xảy ra. Cô ấy đã yêu lại mình ư? Con người kiều diễm bấy lâu nay vẫn thờ ơ đột nhiên lại đáp lại tiếng gọi của con tim bạn? Và đó là mối nguy ngại to lớn cho sức khỏe của của mối tình, bởi "sức hấp dẫn của họ sẽ mau chóng phai nhạt đến thế nào nếu họ cũng đem lòng yêu chúng ta." Nếu mục tiêu của bạn là khiến cô ấy yêu mình, thì chẳng phải trò chơi đã kết thúc tại đây hay sao?
Yêu là một sự trốn thoát, nhưng khỏi ai? Khỏi chính sự sa đọa của bản thân khi tìm đến một người mà chúng ta coi là lý tưởng. Nhưng sẽ ra sao, nếu con người tuyệt vời đó lại có thể đáp lại tình yêu của mình. "Khởi nguồn của một thứ tình yêu nào đó nằm ở niềm thôi thúc thoát khỏi con người và khuyết điểm của chúng ta nhờ một sự liên minh với sắc đẹp và sự cao quý. Nhưng nếu người ta yêu yêu lại ta, chúng ta buộc phải quay về với chính mình, và do đó chúng ta được nhắc nhở về những thứ đã đưa chúng ta vào tình yêu lúc đầu."
Bởi theo tư tưởng phương Tây, tình yêu "chỉ đơn giản là một hướng đi, không phải nơi chốn, và đốt cháy chính nó để đạt được mục đích của mình, đó là sự sở hữu (trên giường hay một cách nào đó khác) người ta yêu" như trong "toàn bộ nền thi ca hát rong ở Provence thế kỷ 12 được dựa trên sự trì hoãn giao hợp, người thi sĩ cứ khăng khăng than vãn với người phụ nữ nhất mực khước từ lời mời chảo của một quý ông tuyệt vọng."
Tình yêu xuất phát từ sự hoài mong cuồng loạn, từ sự khao khát vươn tới mục tiêu chứ không phải sự vui sướng khi đạt được nó. Hay theo như triết gia Plato, tình yêu sinh ra từ sự mong mỏi tìm được nửa kia, và có lẽ sẽ chết đi khi bạn đã tìm được chúng.
"Thoạt kỳ thủy, tất thảy loài người đều là động vật lưỡng tính với lưng và hông kép, bốn tay, bốn chân và hai khuôn mặt quay về hai hướng đối diện trên cùng cái đầu. Những động vật lưỡng tính này vô cùng mạnh mẽ và lòng kiêu hãnh của chúng ngạo mạn đến độ thần Zeus buộc phải tách chúng làm hai, nửa đực và nửa cái, và kể từ ngày đó, mọi đàn ông và phụ nữ đều nóng lòng, trong nỗi hoài nhớ mù mờ không phân định, kết nối lại với nửa kia mà anh ta hay cô ta đã bị cắt đi."
Nếu tình yêu được sinh ra từ sự chia cắt, từ nỗi nhớ hoài mong tìm được nửa kia đang trôi nổi giữa 7 tỷ người trên Trái Đất này, vậy liệu nó còn tồn tại khi 2 mảnh ghép tìm thấy nhau hay không?
Tuy nhiên, chẳng mấy khi những người đang yêu lại tự hỏi, mình yêu vì lý do gì. Chuyên yêu đương còn nhiều thứ để lo hơn, ví dụ như tại sao cô ấy lại đi cái đôi giầy mà bạn cả quyết là xấu nhất trên đời, nhưng cô ấy sẵn sàng đi nó hàng ngày. Sự tương đồng kéo chúng ta lại với nhau, nhưng khi đã xích lại đủ gần rồi thì chúng ta mới nhận ra "các chuyện tình không bao giờ thuần khiết như những gì chúng ta tưởng tượng trong những cuộc hành trình dài trên xe lửa, khi chúng ta trộm ngắm nhìn một người xinh đẹp nhìn chằm chằm ra cửa sổ", chính sự mập mờ mới khiến anh ta thôi thúc tìm hiểu con người cô ấy, bởi "có lẽ, người dễ khiến ta yêu nhất là những người mà chúng ta không biết gì."
Chỉ khi sống với nhau, chúng ta mới nhận ra con người kia trông thật hoàn hảo khi nhìn qua chiếc ống nhòm, nhưng lại vô cùng xa lạ khi sống cùng họ. Tại sao cô ấy không bao giờ đậy nắp hộp kem đánh răng lại? Tại sao cô ấy không dành thời gian để đọc sách mà lại đi lên mạng xem những bộ phim mà tôi cho là hoàn toàn nhảm nhí? Con người thật của cô ấy đấy ư! Con người "tưởng tưởng" mà tôi đem lòng yêu những ngày đầu tiên đâu rồi. Đột nhiên, bạn cảm thấy như một đứa trẻ bị lạc trong chính bàn tay của mẹ nó. Đây là lúc tình yêu trưởng thành cần thời gian. Nhưng thời gian để làm gì?
- Để tìm ra cô ấy thực sự là ai. Bạn thấy gì ở người mình yêu? Câu hỏi này có nghĩa là gì? Nghĩa là cô ấy thực sự là ai hay cô ấy là ai trong mắt của bạn. Và nếu tồn tại 2 câu trả lời cho 2 câu hỏi này thì sao? Liệu khi yêu bạn còn năng lực đánh giá để phân biệt đâu là hiện thực và đâu là gần với hiện thực không, hay theo kiểu Descartes, "một người có vẻ thấy chiếc xe buýt màu đỏ, nhưng có phải thực sự về bản chất nó có màu đỏ hay không?" (Liệu chú chó sẽ thấy chiếc xe buýt màu gì?). Và liệu con người đáng yêu ấy có thực sự tồn tại hay bạn chỉ tưởng tượng ra họ? (Ví dụ như với chú gấu bông trên giường mà bạn vẫn ôm ấp và tâm sự mỗi lúc buồn, liệu "vật đầy lông" đó có thực sống tồn tại hay nó chỉ là một nhân vật hư cấu do bạn tạo ra?)
Có một câu chuyện về một căn bệnh kì lạ như sau. "Lịch sử y học đã cho chúng ta thấy trường hợp một người sống trong sự lừa dối kỳ lạ rằng anh ta là một quả trứng chiên. Thực sự ý tưởng này đã thâm nhập vào đầu anh ta thế nào và bao giờ, không ai biết, nhưng lúc này anh ta từ chối ngồi xuống bất cứ đâu bởi sợ rằng anh ta sẽ “làm vỡ mình” và “đổ lòng đỏ ra ngoài”. Các bác sĩ đã thử thuốc giảm đau và các loại thuốc khác để làm nguôi nỗi sợ hãi của anh chàng nhưng có vẻ không có thứ nào hiệu quả. Cuối cùng, một vị bác sĩ tìm cách thâm nhập và tâm trí một bệnh nhân tự dối mình và đề nghị anh ta nên mang theo mình một ổ bánh mì nướng trong mọi lúc, để nó lên bất cứ cái ghế nào anh ta muốn ngồi xuống và nhờ đó tránh làm vỡ lòng đỏ. Kể từ đó, người ta thấy anh ta lúc nào cũng kè kè ổ bánh mì nướng trên tay, và có thể tiếp tục sự tồn tại nhìn chung là bình thường của mình."
Kể câu chuyện này ra để làm gì? Chỉ đơn giản là cho thấy mặc dù một người có thể sống trong sự lừa dối (tình yêu, hay niềm tin rằng người đó là quả trứng), nếu như họ tìm thấy phần bù của nó (một người tình khác trong sự lừa dối tương tự hay một mẩu bánh mì nướng) thì mọi thứ có thể sẽ ổn. Những sự lừa dối không gây hại đến họ, họ chỉ tổn thương khi họ là người duy nhất tin chúng, khi họ không thể tạo ra một môi trường mà ở đó họ có thể được nuôi sống."
Vậy nên trừ khi bạn muốn trở thành một triết gia sau khi đọc xong bài viết này, thì những câu hỏi như cô ấy thực sự là ai liệu có quá quan trọng hay không?
- Để hiểu rằng bạn là ai. Con người về bản chất là một sinh vật xã hội. Loài người cần lẫn nhau để định nghĩa chính mình. Bạn thu thập nhân cách của mình trong những người xung quanh, có vai trò như những chiếc gương để phản chiếu lại con người bạn. Thử nghĩ xem, làm sao bạn có thể được gọi là người hào phóng, tốt bụng, trầm tính, đáng yêu...nếu bạn dành cả đời trong nỗi cô đơn và không tiếp xúc với ai. Nếu bạn sống 1 mình, thì bạn là ai?
Và có lẽ còn ai là chiếc gương sáng nhất phản ánh cá tính của chúng ta hơn người yêu của mình. "Nếu không có tình yêu, chúng ta đánh mất khả năng sở hữu một căn tính thích hợp, còn nếu có tình yêu tức là có sự xác nhận thường hằng về bản thể của chúng ta". Nhờ sự phản ánh mà 2 người yêu nhau, và tất nhiên cả những người xung quanh mình, ta dần dần có thể năng lực thấu cảm để hiểu được nhau và hiểu được chính mình.
- Để cả hai hiểu rằng tình yêu và tự do cần phải được cùng được tồn tại. Ví dụ, bạn muốn người yêu của bạn đọc sách nhưng cô ấy không muốn thế. Liệu bạn có thể nhân danh tình yêu để lên lớp thói quen đọc sách "bởi vì mình yêu cô ấy, nên mình phải nói" hay không? Với lũ bạn, cả đời chúng nó không bước chân vào hiệu sách cũng chẳng can hệ gì tới bạn, nhưng họ cũng đâu phải là người bạn hay thổ lộ tâm tình hay có thể sẽ đi cùng bạn suốt cuộc đời.
Theo triết gia John Stuart Mill, chúng ta chỉ có thể thực thi quyền lực một cách chính đáng lên người khác, chống lại ý muốn của họ nếu người có ý định làm hạị người khác. Nhân danh lợi ích của cô ấy không thể là điều kiện đủ để đảm bảo tính chính đáng cho hành động tước đoạt tự do của bạn. Theo Mill thì kể cả bạn yêu họ, bạn vẫn phải cố bình thản mà đối mặt với tủ sách trống rỗng của cô ấy nếu bạn không muốn xâm phạm tự do của cô. Nhưng theo bạn, bạn có yêu cô ấy một cách nguyên vẹn, mà không cần chỉnh sửa để “có thể” làm cô ấy trở nên tốt hơn?
- Để hiểu rằng con tim có những lúc hục hoặc. Bỗng dưng một ngày bạn để ý đến một người khác hấp dẫn hơn người mà mình vẫn đang yêu say đắm thì sao? Bạn có thể nghi vấn rằng có thể tình yêu đã đến giai đoạn thoái trào. "Mặc dù chúng ta có thể hạnh phúc thế nào với người tình, tình yêu của chúng ta với họ vẫn cần thiết phải ngăn chúng ta tìm đến các phương án thay thế. Tại sao phải ngăn cản điều này, nếu như chúng ta yêu họ? Tại sao phải cảm thấy đó là sự hao hụt, nếu không phải tình yêu chúng ta dành cho họ đã bắt đầu suy giảm? Bởi lẽ, khi giải quyết nhu cầu yêu, không phải lúc nào chúng ta cũng thành công trong việc giải quyết nhu cầu thèm."
Khi đó, bạn có thể cảm thấy nhu cầu tìm hiểu người khác là hoàn toàn tự nhiên, bởi sự quen thuộc đã giết chết sự khao khát, thứ khởi phát tình yêu mãnh liệt của bạn dành cho cô ấy. "Lòng khao khát không hướng hoàn toàn trực tiếp vào những người mà chúng ta biết, vì các phẩm chất của họ đã được vẽ lên đồ thị và bởi vậy thiếu các nhu cầu khao khát bí ẩn. Một khuôn mặt ta thấy thoáng chốc hay trong vài giờ chỉ để biết rằng ta đánh mất mãi mãi là chất xúc tác cần thiết cho những giấc mơ không thể phô bày, một ham muốn dường như không thể định nghĩa cũng như không thể kìm nén." Bạn cũng có thể cảm thấy tội lỗi vì trái tim mình đã không kiên định. "Tôi là ai được kiến tạo bởi những gì tôi muốn." Nếu thứ 2,4,6 tôi muốn người này, và thứ 3,5,7 tôi muốn người khác, vậy tôi là thứ gì? Tôi chỉ là một con amit vô định dang, chứ không phải con người có một căn tính ổn định ư? Có lẽ vì thế mà những người yêu nhau tưởng tưởng ra tương lai để gắn kết lại trái tim theo kiểu hợp đồng, trong những lúc nó không vững vàng. "Làm sao có thể yêu một người và cùng lúc tưởng tượng cảnh bài trí căn nhà với một người khác?"
- Để chống lại nỗi sợ hạnh phúc. Hội Thầy thuốc Anh có định nghĩa một căn bệnh gọi là chứng suy giảm hứng thú. “Đó là chứng bệnh du khách thường gặp khi đến vùng này ở Tây Ban Nha, khi ở khung cảnh thôn dã này họ đối mặt với ý thức đột ngột rằng hạnh phúc trần tục hoàn toàn nằm trong tay họ và do đó gặp phải phản ứng dữ dội về sinh lý để chống lại một khả năng mất mát." Tại sao có những trường hợp khi cả hai đang đứng trên đỉnh của tình yêu, thì đột nhiên một người "nhảy tự tử" để đột ngột chấm dứt cuộc tình. Có thể, họ đang mắc chứng suy giảm hạnh phúc kia. Nguyên do là gì? Con người cần quá khứ và tương lai để sưởi ấm hiện tại.
"Nếu sự gắn bó được xem như một ổ trứng, thì việc gắn bó bản thân với hiện tại là mạo hiểm như liều lĩnh đặt tất cả trứng của một người vào cái rổ hiện tại, thay vì phân phối chúng giữa những rổ của quá khứ và tương lai."
Và nếu đột nhiên thứ hạnh phúc vẫn được người ta kí gửi trong ngân hàng "tương lai" để che chở cho "một hiện thực sớm nở chúng tàn, không hoàn hảo, và đầy nguy hiểm" đột nhiên bị thực tại đón bắt hết thì sao? Họ phải phản ứng lại, bằng cách từ bỏ ngay cái hiện tại rực rỡ kia, và lại trú ngụ vào sự bất trắc nhưng an toàn của hạnh phúc trong thì tương lai.
Khủng bố tình ái. "Khi một người đã bắt đầu mất sự quan tâm, rõ ràng người kia hầu như chẳng thể làm gì để ngăn chặn quá trình." Câu hỏi "Tại sao em không còn yêu anh" cũng khó như câu hỏi "Tại sao em yêu anh" vậy? Nhưng nếu mới chỉ một người buông tay mà người kia vẫn bám chặt, thì kiểu gì xung đột cũng xảy ra. "Da diết nài nỉ người kia trở lại bằng bất cứ giá nào, kẻ đang yêu có thể lấn sân sang sự khủng bố tình ái lúc nào không biết, một sản phẩm của những tình huống không thể cải hồi, bằng một loạt những ngón nghề (sưng sỉa, ghen tuông, tội lỗi) nhằm buộc người kia trao lại tình yêu, bằng cách bùng nổ (những hàng nước mắt, cơn thịnh nộ hay sao đó) trước mặt người ấy."
Và có lẽ đây là giai đoạn kinh khủng nhất trong hành trình yêu, vì “yêu đơn phương có thể đau đớn, nhưng mà nó là một nỗi đau an toàn bởi vì nó không gây tổn hại cho ai cả trừ bản thân mình”, nhưng đến giai đoạn này thì cả đều phải chịu tổn hại. Tên khủng bố làm mọi cách, "đưa ta những thông điệp có tính nhập nhằng sâu sắc, gào lên cầu cứu và cầu sự chú ý, trong khi cùng lúc từ chối nếu được người kia nhuộng bộ, muốn được người kia hiểu mà không cần phải nói ra ", "em phải yêu anh", "anh sẽ buộc em phải yêu anh bằng cách giận lẫy với em hoặc làm em ghen tuông". Tất cả chỉ để mặc cả quyền lực lên người mình yêu, nhưng cô ấy vẫn không phản ứng, không ghen tuông, và hoàn toàn thờ ơ như vị doanh nhân trong chuyện sau. Có lẽ, đây là dấu hiệu cho thấy anh chàng nên từ bỏ.
"Có câu chuyện về một doanh nhân Ý giàu có, chiều nọ, nhận được cú điện thoại đến văn phòng từ một nhóm khủng bố, bảo ông ta rằng chúng đã bắt cóc con gái út của ông. Chúng đòi một món tiền chuộc khổng lồ, và đe dọa nếu ông ta không trả, con gái ông sẽ không bao giờ thấy lại ánh mặt trời. Nhưng vị doanh nhân thản nhiên đáp rằng, nếu chúng giết đứa bé, ông sẽ biết ơn chúng lắm. Ông mệt mỏi giải thích rằng mình có mười đứa con, và tất cả chúng đều là nỗi thất vọng lớn lao và gian truân lớn lao với ông, tốn cơm tốn vải và là kết quả không may của chỉ vài lần ráng sức trên giường trước đây của ông. Ông sẽ không trả tiền chuộc, và bọn chúng có muốn giết đứa bé thì tùy. Và sau thông điệp thẳng thừng, vị doanh nhân dập máy. Vài giờ sau, cô bé được thả."
Tuy nhiên, vẫn có nhiều kẻ khủng bố cứng đầu không thể chấp nhận được sự thật cô ấy đã yêu người khác mà thốt lên một nguyên lý rất chính đáng của những kẻ đường cùng. “Chẳng phải quyền của tôi là được yêu và bổn phận của cô là yêu tôi sao?” Tình yêu của cô ấy là thiết yếu, sự hiện diện của cô bên cạnh tôi trên giường cũng quan trọng như là sự tự do hay quyền sống. Nếu chính phủ đảm bảo cho tôi hai thứ đó, tại sao họ lại không thể đảm bảo cho tôi quyền được yêu? Tại sao họ lại nhấn mạnh vào quyền được sống và tự do ngôn luân trong khi tôi không màng quan tâm đến hai thứ đó, nếu như không ai có thể mang cho tôi ý nghĩa cuộc đời? Sống để làm gì nếu không có tình yêu và không được lắng nghe? Tự do là gì nếu nó nghĩa là tự do để bị rời bỏ?"
Tuyệt vọng, tên khủng bố rút vũ khí cuối cùng để đe dọa người mình yêu, đó là tự sát. Tự sát để làm gì? Để chứng tỏ mình anh hùng ư? Để chứng tỏ tỏ rằng bạn không thể sống thiếu cô ấy ư? Hay để cô ấy sẽ phải mặc cảm suốt đời vì đã không yêu bạn? Có thể, tự sát chỉ là ngón nghề cuối cùng của kẻ khủng bố tình yêu khi đã không còn gì có sức nặng để uy hiếp người khác ngoài chính sự tồn tại của mình. "Vì không thể bộc lộ cảm xúc, con người trở thành loài vật duy nhất có khả năng tự sát. Một con chó giận dữ không tự sát mà cắn người hay vật làm nó giận dữ, nhưng một sinh vật người giận dữ thì sưng sỉa trong phòng mình và sau đó kết liễu đời nó, để lại một mảnh giấy lặng lẽ. Người là loài sinh vật biểu tượng, ẩn dụ: không thể bày tỏ nỗi giận dữ, tôi biểu tượng hóa nó bằng cái chết của chính mình."
Nhưng như bất cứ ai không thành công trong việc tự sát và trải qua một vài mối tình trở lên đều biết, những giây phút bi đát đó trong cuộc đời rồi cũng sớm qua đi. Thời gian có thể hàn gắn mọi thứ và đó là sự thật. Chấp nhận, bạn sẽ vẫn thấy hình bóng của cô ấy còn sống sót tại mỗi con đường hai đứa từng đi qua, quán ăn mà hai đứa đã vào, nụ cười, nét mặt của cô ấy phảng phất trong bóng hình của những người con gái khác. Nhưng rồi, liên kết của cô ấy tới mọi thứ sẽ yếu dần, "ký ức sẽ tự trung hòa và trở thành một phần của lịch sử", và bạn đã quên cô ấy nhanh hơn bạn tưởng. Và có thể, bạn có thể bắt đầu yêu thêm một lần nữa.
Luận về yêu là một cuốn tiểu thuyết triết học khá lạ so với các cuốn sách truyền thống. Nếu chỉ là một cuốn tiểu thuyết, thì có lẽ nó sẽ cuốn tiểu thuyết chán nhất, vì như bạn biết đấy, cả cuốn sách dày gần 250 trang chỉ gồm 3 hồi: 2 con người, gặp nhau, yêu nhau, và chia tay nhau. Nhưng cái tài của Alain nằm ở chỗ ông giúp người đọc đi sâu hơn vào những trải nghiệm, trò chuyện cách diễn giải của ông và để chúng ta tự thí nghiệm với chính tình yêu của mình. "Biết mình có thể là kẻ ngốc cũng không giúp chúng ta trở thành nhà hiến triết." Vậy triết học về yêu liệu có giúp ích gì cho chuyện tình cảm của chúng ta không? Có lẽ mỗi người đọc sẽ có tự có câu trả lời của riêng mình khi đọc cuốn sách tuyệt vời này.
Trạm Đọc (Read Station)