Tiền không thúc đẩy bạn làm việc: Phát hiện mới về động lực dẫn đến thành công
Tiền không thúc đẩy bạn làm việc: Phát hiện mới về động lực dẫn đến thành công
Liệu giữa một nhân viên làm việc vì lương cao và làm việc để tạo ra giá trị thì có sự chênh lệch nào về kết quả công việc không?

Có hai loại động lực luôn song hành tồn tại khi chúng ta làm bất cứ việc gì: động lực nội tại và động lực ngoại sinh. Nếu một nhà khoa học tiến hành nghiên cứu để khám phá thế giới, đó chính là động lực nội tại; bởi việc khám phá tri thức về bản chất có liên hệ mật thiết với hành động nghiên cứu khoa học. Đổi lại, nếu cô ấy nghiên cứu vì muốn đạt được danh tiếng của một bậc học giả, cô ấy đang bị chi phối bởi động lực ngoại sinh, bởi không có một mối liên hệ thực sự khả dĩ nào giữa “sự nổi tiếng” và “nghiên cứu khoa học”. Thông thường, cả động lưc nội tại và ngoại sinh đều thúc đẩy con người ta.

Vậy, loại động lực nào có khả năng đem tới thành công cao nhất - động lực nội tại, động lực ngoại tại hay kết hợp cả hai? Bạn có thể cho rằng một nhà khoa học vừa mang trong mình khao khát được tìm hiểu thế giới vừa muốn được nhiều người biết đến sẽ đạt kết quả tốt hơn nhiều so với khi cô ấy chỉ chịu tác động bởi một trong hai loại động lực trên. Chắc chắn rằng, hai luôn tốt hơn một. Nhưng, như Amy Wrzesniewski, giáo sư về hành vi học tại Trường Quản lý Yale và Barry Schwartz, giáo sư tâm lý học tại Swarthmore College cùng các đồng nghiệp đã lập luận trong một bài viết vừa mới được công bố trong bản Báo cáo chính thức sau cuộc hội đàm của Học viện Khoa học Quốc gia đã viết rằng:

 

 

Động lực ngoại sinh không phải khi nào cũng có ích, thậm chí đôi khi còn trở thành con dao hai lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp tới thành công.

 

Các giáo sư đã phân tích dữ liệu thu thập được từ 11,320 học viên trong chín lớp đầu vào tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ tại West Point; mỗi người tự đánh giá ảnh hưởng của mỗi nhóm động lực của bản thân họ trong quyết định theo học tại trường. Các nhóm động lực bao gồm như: mong muốn có một công việc tốt sau khi ra trường (động lực ngoại sinh) hay khao khát được huấn luyện và gia nhập đội ngũ lãnh đạo trong quân đội Hoa Kỳ (động lực nội tại).

Nhiều năm sau, các học viên đã phát triển sự nghiệp của mình như thế nào? Và, những thành tích họ đạt được liên hệ ra sao với những động lực ban đầu của họ khi đến West Point?

Không mấy bất ngờ khi kết quả phân tích cho thấy, những học viên có nguồn động lực nội tại càng mạnh mẽ, sẽ càng có nhiều khả năng tốt nghiệp và trở thành những sĩ quan với cấp bậc cao trong quân đội. Bên cạnh đó, những học viên mang trong mình nguồn động lực nội tại sẽ có những thành tích cao hơn khi phục vụ trong quân ngũ (mà điều này được minh chứng bởi những đề đạt thăng cấp ban đầu), đồng thời cũng có nhiều khả năng sẽ tiếp tục phụng sự quốc gia trong quân ngũ sau khi kết thúc 5 năm nghĩa vụ bắt buộc, so với những học viên không có những nguồn động lực này - đó là nếu, đây mới là điều bất ngờ: những động lực ngoại sinh không thôi thúc họ mạnh mẽ ngay từ phút ban đầu.

Điều đáng chú ý là những người có cả hai nguồn động lực cùng phát sinh mạnh mẽ lại thể hiện kém hơn về mọi phương diện khi so sánh tương quan với những người có nhiều động lực nội tại hơn. Họ ít có khả năng tốt nghiệp, khó có thể trở thành một sỹ quan ưu tú hay quyết tâm cống hiến lâu dài trong quân đội.

Phát hiện trên đã đem lại cho chúng ta những kết quả vô cùng quan trọng. Thông thường, khi chúng ta làm tốt một công việc gì, ta sẽ nhận được kết quả “nội tại” và “ngoại sinh”. Một học sinh chăm chỉ, nghiêm túc học hành có được kiến thức (kết quả “nội tại”), đồng thời được điểm tốt (kết quả “ngoại sinh”). Một bác sĩ tay nghề cao có thể vừa cứu chữa được cho bệnh nhân (kết quả “nội tại”), vừa có một cuộc sống đầy đủ (kết quả “ngoại sinh”). Nhưng không phải vì mỗi hành động đều có kết quả nội tại hay ngoại sinh mà mỗi cá nhân làm gì cũng đều cần có cả hai loại động lực ấy.

Qua nghiên cứu, các giáo sư đề xuất  rằng, chúng ta nên cố gắng nỗ lực để tổ chức, tái cấu trúc các hoạt động sao cho những “kết quả ngoại sinh” không trở thành những “động lực ngoại sinh”. Khi làm việc, hãy tập trung vào ý nghĩa của công việc và những ảnh hưởng tích cực mà công việc đó mang lại thay vì những lợi ích về mặt kinh tế. Đó có lẽ là cách tốt nhất để không chỉ nâng cao chất lượng công việc, mà còn giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn, dù điều này thoạt đầu có vẻ như thật nghịch lý.

Nếu việc trở thành một sỹ quan ưu tú và phụng sự quốc gia không thể thu hút được tất cả những ứng viên mà Quân đội cần chiêu mộ, thì có thể những lời hứa hẹn hấp dẫn về việc “không cần trang trải học phí”, “được đào tạo nghề nghiệp” hay “mở mang tầm mắt ra thế giới” sẽ có tác dụng. Mặc dù chiến lược này có thể mang đến kết quả tích cực hơn về mặt số lượng, nó lại dẫn đến một kết quả tồi hơn về mặt chất lượng (những binh sĩ kém hơn). Tương tự như vậy, với những sinh viên không hứng thú với chuyện học hành, khuyến khích họ đi học để được thưởng tiền hay học thật tốt để đổi lại những bữa pizza thỏa thích có thể làm cho họ đến trường, nhưng cuối cùng lại tạo ra những sinh viên có học lực kém hơn.

Để tạo động lực cho các giáo viên cũng vậy, chúng ta lo lắng khi họ “chỉ dạy cho học sinh để đi thi” bởi điều này thực sự đã đi quá xa khỏi khái niệm giáo dục chân chính. Có thể những người giáo viên làm vậy bởi họ quá áp lực với tính trách nhiệm cao điển hình của nghề này, điều vô hình chung đã chuyển những kết quả ngoại sinh của việc “dạy tốt” (như tiền thưởng) thành những động lực ngoại sinh. Tinh thần trách nhiệm rất quan trọng, nhưng nếu không được vận dụng đúng đắn, thay vì được sinh ra để ngăn cản, nó lại có thể tạo ra những hành vi rất cực đoan (như việc “dạy kém”).

Việc nhấn mạnh vào cả động lực nội tại và động lực ngoại sinh để “quảng cáo” một hoạt động hấp dẫn hơn, nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia vào hoạt động đó là điều hoàn toàn dễ hiểu, thế nhưng điều này có thể đem lại những tác động tiêu cực không ai mong muốn khi nó làm mai một dần đi những động lực nội tại, mà điều này lại là gốc rễ cho mọi thành công. 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The New York Times

Tags: