Là một chuyên gia dạy và làm sách về Pháp ngữ nổi tiếng, từng là chủ nhiệm khoa ngoại ngữ Đại học Sư phạm Huế từ 1977-1990, hình như ông Trương Quang Đệ không có ý định "làm văn", chỉ muốn ghi lại chân thực những kỷ niệm buồn vui trên chặng đường đời 85 năm với "hy vọng những "lời quê chắp nhặt dông dài" sẽ không gây buồn chán cho quý bạn hữu gần xa" như ông đã "tự bạch" trong cuốn sách xuất bản năm 2019 (Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc - NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM).
Tiểu thư khuê các thời loạn lạc (NXB Phụ Nữ Việt Nam) - cuốn sách mới của ông chỉ 140 trang, gồm 5 truyện, trong đó truyện dài nhất hơn 90 trang, như một tiểu thuyết cô đúc, có tiêu đề gợi cảm nên được chọn làm tên sách.
Truyện Tiểu thư khuê các thời loạn lạc, Trương Quang Đệ ghi theo lời kể của cô gái bên sông La khi tác giả gặp lại tại TP.HCM.
Lần gặp đầu tiên, chỉ giây lát bên lũy tre, sau căn bếp thơm nồng mùi khoai nướng thời "Cải cách", do gia đình cô đang bị "bao vây"; tác giả đến để báo tin anh trai cô (là thầy giáo của tác giả) đau nặng… Chỉ vậy thôi!
Sau những biến động như trời long đất lở, biết bao anh em một nhà cũng phải chia lìa kẻ Nam người Bắc, kẻ còn người mất, chuyện gặp lại cô gái chẳng có chi ràng buộc ấy tưởng là tiểu thuyết; thế mà là sự thật 100%, chỉ cái tên Liên Hoa là "bịa".
Nhân vật trong tác phẩm không có "chiến tích" nổi danh như các "ngôi sao", nhưng chính lớp người thầm lặng mà giàu ý chí vươn lên như Liên Hoa mới là bằng chứng có trọng lượng về sức mạnh và sự đóng góp của khối quần chúng chiếm một nửa thế giới…
Có thể nói như vậy, vì lớp người như Liên Hoa không có sự ưu đãi nào, thậm chí còn bị ngáng trở mọi bề mà vẫn thành đạt. Từ cô gái mang tiếng oan con nhà địa chủ bị đuổi học, đuổi ra khỏi nhà, phải trốn ra Hà Nội kiếm sống, vẫn trở thành giảng viên đại học, rồi mua được nhà ở Hà Nội và cả TP.HCM…
Bên "chiến tích" của con người giàu nghị lực như Liên Hoa, là vẻ đẹp nhân hậu của bà mẹ Quảng Trị hay tình cảm hồn nhiên và đôn hậu của những cô gái dân công đắp đường mà cậu học sinh Trương Quang Đệ tình cờ gặp khi trở lại thăm quê ngày giới tuyến 17 chưa đóng sau 20-7-1954 (Man mác tình thương).
Những con người bình dị, như là vô danh, lại là nơi neo giữ cốt cách, tâm hồn người Việt - trong đó không ít người thuộc lớp "tinh hoa" của dân tộc…
Câu chuyện ngắn nhất trong cuốn sách lại chính là chuyện tình đầu đời của tác giả, gợi nhớ một "truyện cổ tích" quen thuộc thể hiện vẻ đẹp của lòng chung thủy (Thăm thẳm nét mặt buồn)…
Giữa thời cuộc lắm sự kiện "nóng" hiện nay, "hồi ký" những câu chuyện như trên, kể cũng là "lời quê chắp nhặt dông dài". Nhưng đọc sách, chúng ta thêm vững tin rằng với nghị lực và lòng nhân ái, con người sẽ vượt qua mọi thử thách trên đường đời đầy chông gai…
Theo Zing News