Chúng ta đều biết có rất nhiều cách để cha mẹ cùng con trẻ khám phá thế giới. Có cha mẹ cùng con đi du lịch đến những vùng đất mới. Có gia đình lại thông qua những thí nghiệm khoa học giúp con hiểu hơn về tự nhiên. Nhưng có lẽ, nuôi dưỡng cho con tình yêu với sách là con đường tốt nhất, bởi nó chính là trao cho con chiếc chìa khóa để tự mở kho tri thức của nhân loại.
Nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc năm 2019, chiến dịch truyền thông "Thương con cùng sách" do Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam kết hợp với Diva Mỹ Linh – Đại sứ Truyền thông thực hiện nhằm truyền tải thông điệp về vai trò của Gia đình trong việc khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho trẻ.
Đồng hành cùng chiến dịch, Diva Mỹ Linh chia sẻ:
Ngày còn nhỏ, mỗi gia đình phải khá giả lắm hoặc là gia đình trí thức mới có một tủ sách. Vì thích đọc nên mình thường đi bộ từ nhà lên Thư viện Hà Nội để mượn sách. Hồi ấy bố mẹ thấy hay thức đêm đọc sách, sợ con hỏng mắt cũng không cho đọc nhiều nên thường trùm chăn đọc vụng. Nhớ cả tuổi thơ của mình luôn có trang sách làm bạn.
Hiện tại, gia đình, công việc bận rộn đôi khi khiến việc đọc bị gián đoạn, nhưng là một người đọc, hiểu được giá trị bồi đắp kiến thức, nuôi dưỡng con người từ việc đọc, mình luôn dành thời gian đọc và hướng con mình cùng đọc để các bạn cùng có thể tiếp thu được nguồn tri thức vô tận từ sách.
Đầu tiên, nhìn chung các con không ham đọc lắm, thích chơi điện thoại khiến mình suy nghĩ khá nhiều, sau nhìn nhận lại mình là người gần gũi các con nhất thì việc đọc sách có lôi cuốn với các con hay không, bản thân mình là người có tác động hơn cả. Quyển sách ví như một chiếc hộp đóng kín, chúng ta tặng nhưng không làm gì để khuyến khích các con mở hộp và khám phá thì mãi sau các con cũng không hiểu được giá trị của việc đọc cuốn sách.
Ngoài việc khuyến khích các con đọc, việc chọn sách cho con cũng vô cùng quan trọng, mình lựa chọn dựa trên theo độ tuổi và những giai đoạn thích hợp; hồi còn nhỏ, Xu hướng chọn những tác phẩm của bác Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh... lớn hơn tôi hướng con đọc những cuốn sách theo lĩnh vực mà con đam mê, lâu dần con tôi cũng đã có góc nhìn riêng và tự chủ hơn trong việc chọn sách – tiếp cận tri thức theo nhu cầu. Nhờ sách, tôi cảm nhận mình có chung một tư tưởng và gần gũi với các con hơn.
Còn đây là chia sẻ của bác Nguyễn Nhật Ánh:
Tôi tin mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện. Tôi nhớ ở vào cái tuổi chưa biết đọc, anh em tôi mỗi tối trước khi đi ngủ đều chen chúc giành giật nhau để được nằm cạnh bà tôi. Chỉ để được là đứa nằm gần bà nhất khi bà kể chuyện. Cũng lạ, tiếng bà kể trong đêm nằm đâu nghe cũng rõ, nhưng đứa nào cũng thích được nằm cạnh bà, như thể chạm vào bà thì hình ảnh trong các câu chuyện sẽ lung linh hơn.
Ba tôi đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là từ bà tôi và chú tôi. Bà tôi kể tôi nghe chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hia bảy dặm... Chú tôi lại thích kể chuyện Tôn Ngộ Không, Na Tra và một số chuyện trong Nghìn lẻ một đêm như Aladin và cây đèn thần, Alibaba và bốn mươi tên cướp... Lúc đó, tôi ba, bốn tuổi, những câu chuyện đã vẽ ra trong trí óc non tơ như tờ giấy trắng của tôi những gam màu tuyệt đẹp. Chúng gieo vào đầu tôi những hình ảnh mới mẻ, một thế giới lấp lánh màu sắc, làm dậy lên những nỗi hồi hộp, lo lắng, mừng vui qua số phận gập ghềnh của cô Tấm, những kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng.
Bà tôi và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số những câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia. Bảy tuổi, tôi mê mẩn với những cuốn Cái ấm đất, Ông đồ bể trong tủ sách Hồng do ba tôi mua về. Tám, chín tuổi, tôi đã mày mò đọc hết rương truyện Tàu của ông thợ hớt tóc trong làng. Rồi tôi tìm đến Vô gia đình của Hector Malot, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo... Tôi khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời.
Sách, như vậy, đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng. Khi tôi học lớp chín, đã đọc được nhiều sách, tới lượt các đứa em nhỏ của tôi lại tranh nhau nằm gần tôi vào những buổi tối, nhao nhao: “Anh Hai kể chuyện đi, anh Hai!”.
Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động, như vậy, đã hình thành một cách tự nhiên với một đứa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên, nhưng cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.
Thật tuyệt biết bao khi mọi gia đình đều cố gắng giúp con em mình làm quen và nuôi dưỡng tình yêu với sách. Tôi rất vui khi được đồng hành với Chiến dịch Thương con cùng sách - nhằm chia sẻ và ủng hộ các bậc phụ huynh xây dựng môi trường đọc thuận lợi cho con trẻ, trước hết là trong gia đình, rộng hơn là cộng đồng sinh sống.
Đại sứ Văn hoá đọc là một cuộc thi thường niên viết về sách, chia sẻ phương pháp và ý tưởng đọc sách dành cho HS-SV Việt Nam do Vụ Thư viện và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam thực hiện. Cuộc thi hướng tới “Tìm kiếm và vinh danh các bạn nhỏ yêu thích đọc sách và có mong muốn lan toả tình yêu sách đến cộng đồng”. Năm 2019, cuộc thi chính thức khởi động vào 26/02/2019 và dự kiến trao giải vào tháng 5.
Thương con cùng sách là chiến dịch truyền cảm hứng nhằm kết nối các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội cùng chung tay chia sẻ về vai trò của gia đình trong việc khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ. Diễn ra từ nay đến hết 21/4/2019, chiến dịch kì vọng vận động được 1000 chia sẻ tâm huyết và kết nối được sự quan tâm của bố mẹ, để hiểu hơn về giá trị và phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho con.
Bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình kèm hashtag #thuongconcungsach #daisuvanhoadoc để hưởng ứng cùng cuộc thi.
Fanpage: Đại sứ Văn hoá đọc
Websites: http://
Email: [email protected] | Tel: 0948 219 094
Trạm Đọc