Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen với hình ảnh “cô giảng - trò chép" khi nghĩ về trường học theo kiểu truyền thống. Hay một giảng đường lớn nơi học sinh và sinh viên được yêu cầu phải giữ im lặng để không làm ngắt quãng việc học của người khác. Và chúng ta luôn luôn cảm nhận được sự tách biệt lớn giữa mối quan hệ thầy cô - học trò.
Thế nhưng, rõ ràng là môi trường giáo dục ngày nay đã có rất nhiều thay đổi. Thầy cô, không còn là nguồn tri thức duy nhất, vì học sinh có thể học được bất cứ điều gì từ Internet, sách báo, ebook, tin tức thời sự, các chương trình truyền hình và từ trải nghiệm cuộc sống.
Việc học không còn chỉ giới hạn trong không gian lớp học mà có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Ngoài ra, còn có cả các trường học thực tế ảo, các khóa học trực tuyến và bài giảng điện tử luôn có sẵn trên Internet. Người học có thể tùy chọn bất cứ môn học nào, có thể học bất kỳ lúc nào và ở bất cứ đâu.
Trong môi trường học tập hiện đại, vai trò của thầy cô giáo không chỉ truyền giảng kiến thức như trước đây, mà còn là khuyến khích việc học và dạy cách học sao cho hiệu quả.
Theo cách tiếp cận mới này của giáo dục, vai trò của thầy cô giáo cũng thay đổi từ người truyền tri thức thành người huấn luyện. Người đưa ra cách thức phù hợp để khuyến khích học sinh xây dựng kỹ năng học tập cho riêng mình.
Và để trở thành một người huấn luyện giỏi, bản thân mỗi thầy cô giáo cũng cần phải phát triển thói quen học tập suốt đời, tìm hiểu thêm về công nghệ, đọc thêm sách giáo khoa, sách tham khảo cũng như không ngừng nghiên cứu để tìm ra các phương pháp giáo dục tối ưu.
Với nhiều tâm tư, suy nghĩ dành cho nghề giáo cũng như hiểu được tầm quan trọng tuyệt đối của giáo dục, Giáo sư John Vu - người có hơn 20 kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học trên toàn thế giới đã quyết định viết nên cuốn sách Lời khuyên dành cho thầy cô. Hy vọng thông qua cuốn sách này, với nhiều bài viết, nhiều câu chuyện từ những góc nhìn khác nhau sẽ mang đến đôi điều hữu ích cho mỗi thầy cô giáo - những người truyền lửa và tạo dựng nên những thế hệ tương lai.
Lời khuyên dành cho thầy cô được gói gọn trong tám chương sách, mỗi chương là mỗi sự chắt chiu và kiến thức quý báu được GS John Vu chia sẻ với góc nhìn mới về giáo dục và nghề dạy học, những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhằm giúp học sinh, sinh viên phát triển tinh thần tự học, kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Ông cũng hướng dẫn cách làm thế nào để giúp học sinh, sinh viên phát triển tư duy khoa học cũng như những kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ. Ngoài ra, cuốn sách này còn giúp các thầy cô giáo mở rộng tầm nhìn ra thế giới, ý thức được những xu hướng thay đổi mang tính toàn cầu, từ đó có những phương pháp giảng dạy và lời khuyên phù hợp nhất cho học sinh, sinh viên của mình.
Giáo sư John Vu chia sẻ, nghề dạy học vốn chưa bao giờ là một nghề dễ dàng. Trên thực tế, thầy cô không chỉ là người lên giáo án và truyền tải những kiến thức sách vở mà còn đối mặt với rất nhiều chướng ngại.
Đó là làm sao để truyền tải hết tri thức cho học trò, làm sao để học sinh luôn hứng thú với môn học, làm sao để khiến những học sinh yếu hơn có thể tìm ra được cách học tập hiệu quả, hay làm sao để hình thành nên những phẩm chất tốt cho học sinh của mình… Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa bên cạnh việc đứng trên bục giảng.
Một thầy cô giỏi không chỉ là người vững chuyên môn, mà còn là người đánh giá đúng được tiềm năng của từng học sinh, từ đó có phương pháp truyền lửa và động lực đúng cách khiến học sinh, sinh viên hứng thú với việc học.
Chính vì thế trong cuốn sách này, Giáo sư John Vũ đã đưa ra các phương pháp dạy học hiệu quả, giúp giải đáp cho những câu hỏi mà các thầy cô ít nhiều băn khoăn trên chặng đường trồng người của mình. Đó là trăn trở làm sao để nghề giáo luôn mới mẻ? Cách để hiểu và yêu nghề hơn, cách xoá bỏ sự tôn nghiêm đáng sợ giữa thầy cô và học trò,...
Giúp học sinh học tốt và đưa ra những hướng dẫn đúng đắn là sứ mệnh truyền thống của nghề dạy học. Phương pháp giảng dạy và nội dung giảng dạy có thể thay đổi, nhưng sứ mệnh dạy học và ảnh hưởng của giáo dục tới nhiều cuộc đời thì không bao giờ thay đổi. Dạy học chưa bao giờ là một nghề nghiệp dễ dàng, nhưng các thầy cô sẵn sàng chọn con đường này, sẵn sàng lựa chọn sứ mệnh cao cả này.
Học sinh ngày nay có nhiều cách tiếp cận kiến thức hơn, học được từ nhiều các phương tiện hơn nên thầy cô không chỉ là người giảng dạy và truyền kiến thức nữa. Vậy khi đó bạn sẽ tự hỏi, nếu không đơn giản là người giảng dạy các bài giảng trong giờ học thì thầy cô sẽ làm gì?
Đúng là nền khoa học và tri thức nhân loại đang được lan rộng, lượng thông tin và kiến thức khổng lồ lại vô cùng dễ tiếp cận. Thế nhưng, nếu không có những người thầy khơi gợi, hướng dẫn cho học sinh khai thác, sử dụng thì không phải ai cũng tìm ra được cách học đúng khi lục tìm giữa mớ thông tin và kiến thức khổng lồ nhưng không được chắt lọc ấy.
Chính vì thế trong phần lớn nội dung của cuốn sách Lời khuyên dành cho thầy cô, GS John Vu đã đưa ra những phương pháp dạy và học hiệu quả, những chia sẻ giúp các thầy cô có thêm kinh nghiệm để hiểu về học sinh của mình và từ đó phân tích cũng như đưa ra phương pháp truyền tải kiến thức phù hợp và hiệu quả nhất.
Một số phương pháp tối ưu để phát triển các kỹ năng/thực lực mà giáo sư đã đưa ra trong cuốn sách này gồm có: phương pháp thảo luận, học tập được gắn liền với các hoạt động và kỹ năng, học qua hành, học chủ động và học tập suốt đời… Trong đó, phương pháp hiệu quả nhất trong cả dạy và học được giáo sư John Vũ nhắc đến chính là học chủ động.
Theo GS John Vu: “Thế giới đang thay đổi từng ngày, các em cần sự hỗ trợ tốt nhất để có khả năng tự điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi, nên phương pháp dạy cũng phải thay đổi, chúng ta đang ở trong thời đại tri thức, nơi kỹ năng là yếu tố then chốt để đi đến thành công.”
Khi học chủ động một cách độc lập, người học trở thành người “nắm giữ tri thức".
Vậy làm thế nào để thầy cô có thể đánh giá được những kiến thức mình truyền tải có được sinh viên chủ động tiếp thu và có hiệu quả hay không? Giáo sư John Vu cho rằng: “Thay vì tổng kết xem có bao nhiêu học sinh đỗ kỳ thi cuối năm, chúng ta cần xem có bao nhiêu học sinh trong lớp vẫn còn lưu giữ những kiến thức đã học và có khả năng áp dụng các kỹ năng đã học vào nghề nghiệp.”
Chỉ khi mỗi thầy cô giáo trang bị đầy đủ cho mình cách thức truyền tải phù hợp và hiệu quả, thì học sinh sẽ không chỉ nắm được kiến thức trong sách vở mà sẽ biết vận dụng nó vào thực tế và nghề nghiệp sau này. Cũng trong cuốn sách này, từng khó khăn của các thầy cô mà giáo sư đã gặp và trò chuyện đều sẽ được bóc tách và phân tích, từ đó đưa giải pháp cho từng vấn đề và đồng thời đúc kết ra một bài học hiệu quả đối với các thầy cô.
Ngày nay, việc dạy học phức tạp hơn, đòi hỏi thầy cô giáo không chỉ truyền thụ tri thức mà phải tìm hiểu để biết nhiều hơn về học sinh hay sinh viên của mình, nhờ đó có thể hoàn thiện việc dạy và học tại lớp.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập thông tin, có thể làm choáng ngợp bất kỳ ai. Điều quan trọng cần làm là giúp học sinh nhận định đúng đắn về cách học, cách tìm kiếm, chọn lọc thông tin và nhất là kỹ năng phân tích, đánh giá mức độ hữu ích của thông tin mình tìm thấy.
Không chỉ đưa ra các phương cách giúp thầy cô truyền lửa và động lực để sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức, mà Lời khuyên dành cho thầy cô của GS John Vu còn chia sẻ kinh nghiệm giúp thầy cô thích ứng với thời đại công nghệ phát triển, bắt nhịp với giáo dục của các quốc gia tiên tiến và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Cuốn sách còn không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Bởi trong thời đại thông tin, mọi nền kinh tế đều đặt nền tảng trên các ngành STEM. Bởi STEM có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh cao để giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển.
Thầy cô cũng cần trải nghiệm thất bại
Chúng ta cần thẳng thắn đối diện với sự thật nếu cách dạy của chúng ta kém hiệu quả hay học sinh không phản ứng tích cực.
Là người có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới, thế nhưng chính giáo sư John Vu cũng thẳng thắn thừa nhận những thất bại trong giảng dạy của mình khi bắt đầu công việc giảng dạy.
Và giáo sư cũng nhận thấy rằng hầu hết các thầy cô thường chỉ chia sẻ với đồng nghiệp hoặc học sinh những câu chuyện thành công thay vì những thất bại. Tuy vậy, chính hành động đó đã khiến thầy cô không rút ra được kinh nghiệm từ những lần thất bại và sẽ không có cơ hội cải tiến chất lượng dạy học của bản thân.
Để học được từ thất bại, chúng ta cần nhìn nhận mọi sự việc xảy đến với mình một cách sáng suốt. Theo giáo sư John Vu, giúp học sinh học được từ sai lầm của thầy cô cũng chính là một cách học hiệu quả.
“Phạm sai lầm khi còn học ở trường là cần thiết để các em không phạm sai lầm trong đời. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi các em đi học là bị điểm kém, nhưng khi các em ra trường, những sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều - có thể là tổn thất về tiền của, danh tiếng, nghề nghiệp và thậm chí cả cuộc đời các em. Do đó, việc học từ những sai lầm của mình để không lặp lại những sai lầm đó là vô cùng thiết yếu.”
Nghề dạy học là một lựa chọn không dễ dàng. Nghề dạy học đặt lên vai mỗi thầy cô giáo những gánh nặng - đó là trách nhiệm và tầm nhìn. Bởi những điều mà ta giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến số phận của nhiều học sinh, những người tạo nên tương lai quốc gia.
Ở rất nhiều quốc gia, nghề dạy học không thực sự được chú trọng và việc thay đổi một hệ thống giáo dục truyền thống là rất khó, vì cần nhiều nỗ lực và đầu tư tài chính, nhưng thay đổi là nhu cầu cấp bách. Trong thế giới toàn cầu hoá với mức độ cạnh tranh ngày càng dữ dội, nguồn nhân lực có kỹ năng là điều kiện sống còn của mỗi quốc gia.
Tất cả mọi thứ đều bắt đầu bằng giáo dục. Chỉ khi chúng ta có nền tảng giáo dục vững chắc thì đất nước mới có thể thịnh vượng. Chỉ khi giáo dục có thể đào tạo toàn diện và cung cấp đủ nhân lực, nền kinh tế mới tăng trưởng tốt và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Công cụ và các phương tiện hiện đại đúng là mang đến một kho tàng kiến thức khổng lồ, nhưng thầy cô giáo mới là nhân tố quyết định. Nếu hệ thống giáo dục có những nhân tố có năng lực và tầm nhìn thì công cụ đó mới phát huy đúng đắn và hiệu quả.
Với văn phong giản dị, cách thức chia sẻ quan điểm từ tầm nhìn và bề dày kinh nghiệm giảng dạy của bản thân cũng như thông qua tình các tình huống thực tiễn cùng việc lập luận vấn đề rõ ràng, Giáo sư John Vu đã giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của giáo dục và vai trò của các thầy cô giáo trong thời đại công nghệ, đồng thời đưa ra lời khẳng định, khi mỗi thầy cô đều hết lòng học hỏi, cống hiến vì sự nghiệp trồng người của mình, chắc chắn chúng ta sẽ kiến tạo nên một Việt Nam hướng đến tương lai tươi sáng.
Chắc chắn là như vậy!
“Thành tích không phải là mục đích của giáo dục, dạy học sinh thành nhân trước khi thành tài mới là điều cốt lõi. Bằng cách đó, giáo dục mới có thể tạo nên những công dân có trách nhiệm và có ích cho cộng đồng.”
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: