THÁNH KINH của thế giới BÓNG ĐÁ
THÁNH KINH của thế giới BÓNG ĐÁ
Bóng đá luôn là một “yên sỹ phi lý thuần” của mọi gã đàn ông, bên cạnh phụ nữ và ôtô. Nhà báo Yên Ba cũng không thoát được niềm cảm hứng phát ra từ trái bóng tròn đó.

Tháng 5 năm 2021, cuốn sách “Từ Pele đến Maradona” của nhà báo Yên Ba tái xuất như một lời tụng ca vẻ đẹp nguyên thủy cốt lõi của bóng đá trong bối cảnh môn thể thao Vua đang chao đảo trong một cuộc khủng hoảng bản sắc sâu rộng.

 Bóng đá luôn là một “yên sỹ phi lý thuần” của mọi gã đàn ông, bên cạnh phụ nữ và ôtô. Nhà báo Yên Ba cũng không thoát được niềm cảm hứng phát ra từ trái bóng tròn đó, một thứ cảm hứng mãnh liệt có thể sánh với đức tin. Thậm chí, anh còn liều lĩnh đặt mình vào vai trò “người chép kinh thánh.”

Nói Yên Ba liều lĩnh khi nảy ý tưởng và bắt tay vào viết một cuốn sách về chân dung các huyền thoại bóng đá thế giới ở thời đại cũ thật sự chẳng sai một chút nào. Mà đó là một cuốn sách chứa đựng toàn bộ sự thật về cuộc đời, sự nghiệp, số phận của những cầu thủ có thật chứ không phải hư cấu hay tưởng tượng.

Để viết được những thứ đó, đòi hỏi tác giả phải gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện với nhân vật, bỏ cả quãng thời gian dài để nghiên cứu nhân vật. Khi hiểu rõ được nhân vật của mình rồi, tác giả mới có thể dựng lên chân dung chính xác, khả tín về nhân vật đó.

Ca khúc về huyền thoại Diego Maradona gây xúc động

Những thứ đó Yên Ba đều không có bởi nhiều nhân vật trong cuốn sách của anh đã qua thời kỳ đỉnh cao hay giải nghệ từ trước khi anh ra đời (1962). Còn phần lớn, những gì mà Yên Ba được tiếp xúc lại diễn ra trong môi trường giao tiếp vô ngôn như màn hình vô tuyến, sách báo, tư liệu...

Những ý tưởng của Yên Ba đã xuất hiện rất lâu trước khi cuốn sách được hình thành. Phải đến khi sự trao đổi thông tin toàn cầu được khai thông, Yên Ba mới tìm kiếm đủ chất liệu để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Một quá trình thai nghén dài hơn cả một tiếng còi kết thúc trận chung kết.

Nhà báo Yên Ba. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nói như thế để thấy rằng tại sao Yên Ba vẫn cứ liều lĩnh ép mình vào việc chép một cuốn sách được ca ngợi khi xuất bản ấn bản đầu tiên (năm 2006) là “Một cuốn kinh thánh về bóng đá thế giới.” Anh chỉ có tình yêu lớn dành cho bóng đá để thúc đẩy sứ mạng của mình.

Nhưng chính nhờ tình yêu đó mà Yên Ba đã khắc họa thành công cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của 22 “vị tông đồ của túc cầu giáo” ở thời đại cũ, khi mà bóng đá vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp và giá trị cốt lõi ban đầu của mình, chứ chưa bị biến thành con quái vật tiền bạc.

Xuyên suốt 683 trang sách, chúng ta bắt gặp một Yên Ba sôi nổi, cần mẫn, hào hứng và trung tín kể chuyện về 22 huyền thoại của bóng đá, mà khởi đầu từ Vua bóng đá Pele, chảy qua những tượng đài như Di Stefano, Ferenc Puskas, Lev Yachine, Eusebio, George Best, Franz Beckenbauer, Paolo Rossi... và ngân khúc cao trào với Cậu bé Vàng Diego Maradona.

Rất nhiều huyền thoại vĩ đại trong số này xa lạ với giới “tín đồ” trẻ, thậm chí đang rơi vào quên lãng. Ví dụ như Stanley Matthew, Floriant Albert hay Josef Masopust. Có thể những cổ động viên bóng đá thuộc thế hệ Z sẽ tra cứu được những người hùng xưa cũ qua Internet, nhưng họ sẽ không hình dung được tại sao những cầu thủ này lại trở nên bất tử.

Trang sách viết về Vua bóng Pele. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính nhờ lối kể hấp dẫn của Yên Ba trong cuốn sách “Từ Pele đến Maradona,” một nghệ thuật kể chuyện - tường thuật của thời kỳ Đình Khải - Hoài Sơn đã biến mất trong thời đại kỷ nguyên số, mà hy vọng rằng những cổ động viên thuộc thế hệ Z sẽ nắm trọn được hình dung kiêu hùng của quá khứ.

Qua đó, họ sẽ thấy rằng tại sao Pele được coi là báu vật quốc gia chứ không phải Neymar; rằng tại sao Stanley Matthew vẫn ghi bàn ở tuổi 69 hay ra sân khi đã... 81 tuổi; rằng tại sao Lionel Messi vĩnh viễn không thể sánh cùng Diego Maradona, không thể trở thành Thánh của một đô thành, không thể thành Chúa của một dân tộc như Maradona...

Đó chính là nguyên nhân mà cựu danh thủ của Cơn lốc Cam Hà Lan - Johan “Đệ nhị” Neeskens đã phải trân trọng viết ở trang 9 của cuốn sách này rằng: “Tôi hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ đọc cuốn sách này của ông Yên Ba về những cầu thủ vĩ đại từ Pele đến Maradona. Đừng để ý đến tên tôi mà hãy đọc cuốn sách này.”

Ảnh: PV/Vietnam+

Yên Ba cũng không muốn độc giả đọc cuốn sách này bởi cái tên của mình vì anh cảm thấy mình quá nhỏ bé so với 22 cái tên - vừa đủ để thành lập 2 đội hình cho một trận cầu nảy lửa - mà anh hãnh diện kể trong cuốn sách “Từ Pele đến Maradona.”

Tác giả Tuệ Lam

Theo Vietnamplus

Tags: