Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng căn nguyên của mọi vấn đề tâm lý đều xuất phát từ chính bản thân mình. Vì ta buồn khổ, ta cô đơn, ta đắm chìm với quá khứ mà chất chứa những tổn thương trong một khoảng thời gian dài. U uất tạo thành, nhưng ta không tìm nổi cho mình một phương pháp chữa lành khiến chúng trở thành tâm bệnh.
Đó chính là lúc ta bắt đầu tìm kiếm những người ngoài cuộc sáng suốt, những chuyên gia phân tích tâm lý, những biện pháp thôi miên chuyên biệt với hy vọng họ có thể sử dụng khả năng của mình để nhìn thấu tâm can, trị bệnh tận gốc.
Vậy là phòng khám của “Nhà thôi miên” và người cộng sự - Nhà phân tích tâm lý đã ra đời. Bên cạnh những câu chuyện, những “bệnh án” và cách hai người đồng nghiệp thảo luận để tìm ra điểm mấu chốt vấn đề, Sổ tay nhà thôi miên II còn mang đến cho bạn đọc cái nhìn hoàn toàn mới về hai nhân vật ta tưởng chừng đã quá quen ở phần I, “tôi” và “cộng sự”.
Cộng sự: “Chúng ta quen biết nhau, cùng mở phòng khám mấy năm rồi, ngày nào cũng chỉ làm những công việc như vậy, gặp những con người như vậy, tôi vốn coi nó là sự nghiệp, nhưng giờ lại thành công việc mất rồi.”
Tôi: “Có gì khác biệt à?”
Cộng sự: “Có chứ. Sự nghiệp là lý tưởng, công việc là mưu sinh.”
Cuốn sách bắt đầu bằng lời bộc bạch của Nhà phân tích tâm lý với Nhà thôi miên – người đang trong kỳ nghỉ phép. Anh cho rằng mình thực sự yêu thích tiền, nhưng nếu phải chọn một công việc để có thể kiếm nhiều tiền thì công việc ấy phải thật sự vui. Anh đã từng thấy mình phù hợp với công việc phân tích tâm lý này và dường như đã coi nó là sự nghiệp, nhưng dạo gần đây sự nhàm chán và lạc lối khiến anh quyết định dừng lại và cân nhắc lối đi mới.
Hơn ai hết, là người đã gắn bó với cộng sự một thời gian dài, nhân vật “tôi” – Nhà thôi miên hiểu rằng, thứ mà cộng sự cần lúc này chính là một case thật thú vị để vực dậy tinh thần chán chường này của anh. Và đó là cách mà câu chuyện đầu tiên đến với người đọc.
Sổ tay nhà thôi miên II là tổng hợp hơn mười câu chuyện về các trường hợp bệnh tâm lý vô cùng đặc biệt. Đó có thể là những tình huống mà ta dễ dàng bắt gặp trong sinh hoạt thường nhật, và cũng có câu chuyện về các nhân vật do tính chất công việc và trải nghiệm tuổi thơ mà hình thành bệnh lý.
Ta bắt gặp hình ảnh anh chàng cựu lính đánh thuê đã dành phần lớn cuộc đời mình tại các vùng chiến sự, loay hoay tìm cách hòa nhập với cuộc sống bình thường. Những giằng xé tâm lý ẩn sau gương mặt điềm đạm, không mấy khi biểu cảm và đặc biệt hiếm thấy nụ cười của anh không khỏi khiến người đọc thương cảm.
Ai có thể ngờ, người lính với vẻ bình tĩnh, ôn hòa trông giống như học giả nho nhã và khó nắm bắt tâm lý kia lại luôn bị ám ảnh bởi tiếng “tù và” vang lên cả đêm từ khi rời xa vùng chiến tranh.
Hay một cô gái trải qua nhiều lần đổ vỡ trong tình yêu luôn mong mỏi chỉ cần tìm cho bản thân “một tình yêu chân thành”, vì nghĩ bản thân đã nghiêm túc trao đi hết những gì mình có. Thế nhưng, nhà phân tích tâm lý dội một gáo nước lạnh vào cô nói rằng, cô chỉ đem chút tình yêu “cơm thừa canh cặn” mà lại mong muốn đổi lấy cả tâm can từ đối phương.
Lại có một người đàn ông với cuộc sống gia đình êm ấm, công việc ổn định và có nhiều bạn bè để tụ tập nhưng lại luôn mơ giấc mơ “chỉ còn một mình trên trái đất” hay lo sợ “nếu giấc mơ chạy ra ngoài thì thế nào”, anh tự xây cho mình một thành lũy, dần trốn chạy và nghi ngờ mọi thứ từ giấc mơ đến thực tại đến nỗi lẫn lộn giữa hư và thực.
Mỗi câu chuyện là một hướng giải quyết khác nhau, là những lần cân não suy nghĩ, phân tích, lắp ghép từng manh mối qua các đoạn ghi âm, những cuộn băng ghi hình của Nhà thôi miên và Nhà phân tích tâm lý. Cách suy nghĩ, lập luận vô cùng sắc bén và nhanh nhẹn của Nhà phân tích tâm lý không khỏi khiến chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhà phân tích tâm lý trong mắt cộng sự của mình là một người “ăn mặc lếch thếch, khó gần và khó tính”, một người luôn thèm đồ ăn vặt, đặc biệt là socola. Anh cũng được nhận xét là một người có niềm “đam mê” mãnh liệt với tiền, và anh luôn thẳng thắn thừa nhận và nói về nó.
Cộng sự: “Hử? Thích tiền… rất bình thường mà! Có ai mà không thích tiền sao?”
Tôi: “Rất ít người cứ mở miệng ra là tiền tiền như anh.”
…
Tôi: “... Mỗi người đều có lý do để thích tiền, còn anh, tại sao lại thích tiền như thế?”
Cộng sự: “Vì tiền thú vị.”
Một người chuyên đi phân tích tâm lý cho người khác không chỉ để kiếm tiền mà còn qua những câu chuyện đó tự tìm hướng giải quyết cho chính mình. Nếu như anh là người luôn phát hiện ra những chi tiết nhỏ, từ đó đi sâu vào tâm lý của từng bệnh nhân và là người trò chuyện với các bệnh nhân nhiều nhất, thì Nhà thôi miên là người luôn âm thầm ở bên cạnh chuẩn bị mọi thứ và cùng anh chia sẻ công việc vô cùng ăn ý. Chính những tính cách và khả năng bù trừ cho nhau khiến họ trở thành cặp đồng nghiệp hoàn hảo.
Bên cạnh các ca bệnh tâm lý mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống thường nhật, Sổ tay nhà thôi miên II còn chứa đựng những câu chuyện tâm linh khiến người đọc vô cùng hồi hộp, sợ hãi nhưng cũng khó lòng mà rời mắt.
Tại sao một người phụ nữ ăn mặc sang trọng lại luôn lo lắng về giấc mơ “Hoa sen đỏ”? Hay tại sao một nữ y tá lại phải bỏ việc tìm đến cửa Phật, thậm chí gặp pháp sư để thỉnh bùa? Rốt cuộc vấn đề họ gặp phải là gì? Liệu nhân vật “tôi” và “cộng sự” sẽ làm thế nào để giải đáp khúc mắc và tìm lối thoát cho những cơn ác mộng đã đi theo những bệnh nhân kia trong suốt những ngày tháng dài đằng đẵng?
Từ những ca bệnh được giải quyết thành công bằng phương pháp thôi miên cũng như phân tích tâm lý, rất nhiều người trong số chúng ta chắc cũng sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu có phải phân tích tâm lý và thôi miên là toàn năng, là có thể giải quyết mọi chứng bệnh về tâm lý trên đời này không? Tất cả những thắc mắc ấy sẽ được Nhà phân tích tâm lý trải lòng và giải đáp một cách tường tận qua những lời tâm sự với Nhà thôi miên – cộng sự thân tín của mình.
Anh ta rất ngạc nhiên: “Thật sao? Có trường hợp biết vấn đề nằm ở đâu nhưng không thể giải quyết được à?”
Cộng sự: “Phân tích tâm lý đâu phải vạn năng.”
Anh ta lại nhìn về phía tôi: “Tôi thấy cửa phòng khám các anh viết có chứng chỉ hành nghề thôi miên, thôi miên có thể giúp gì không?
Tôi tiếp lời: “Tương tự, thôi miên cũng không phải vạn năng.”
Là người trước nay chưa thật sự tìm hiểu sâu về lĩnh vực tâm lý, càng không có ý định nghiên cứu về nó, nhưng sau khi đọc cả hai phần Sổ tay nhà thôi miên I và II của tác giả Cao Minh, mình thực sự đã thu lượm được lượng kiến thức nhất định về tâm lý và cách mà một số bệnh tâm lý hình thành.
Đó không phải là những lý thuyết khô khan hay những giáo trình hàn lâm, mà là những câu chuyện và chia sẻ đầy tinh tế của hai nhân vật chính qua ngòi bút của tác giả đã giúp cá nhân mình hiểu về nó. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi và sự ngưỡng mộ cá nhân mình thấy còn một vài điều chưa thực sự thỏa mãn lắm. Ví dụ như mạch truyện diễn ra khá nhanh và cách giải quyết vấn đề cho một vài ca bệnh thực sự chưa gãy gọn hay rõ ràng. Điều này khiến cho người “ngoại đạo” với giới tâm lý học như mình mất đôi chút thời gian để hình dung và hiểu rõ ngọn ngành.
Chung quy lại, cuốn sách là tổng hợp những câu chuyện về tâm lý, đáng đọc, đáng dành thời gian suy ngẫm để có thể hiểu hết được cái hay và độc đáo. Gấp cuốn sách lại, bạn sẽ nhận ra rằng bất cứ điều gì xung quanh chúng ta cũng đều có thể trở thành nguyên do cho một chứng bệnh tâm lý và cách giải quyết đôi khi lại đơn giản đến bất ngờ.
Thông điệp mà hai nhân vật chính cũng như tác giả muốn gửi gắm đến tất cả bạn đọc đó là hãy sống hết mình, dám nghĩ, dám ước mơ và hãy sống “không thẹn với lòng”.
Nếu bạn là fan của Tác giả Cao Minh từ cuốn Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải thì đừng chần chừ gì nữa mà hãy tìm đọc ngay Sổ tay nhà thôi miên phần I và II nhé.