Thầy Trần Thế Công - Người đã có 10 năm chuyên nghiên cứu, thực hành các phương pháp phát triển Tư duy, Đạo đức, Giáo dục, Tâm Linh, một người cũng luôn đau đáu tìm hướng đi cho nền giáo dục hiện tại đã thông qua cuốn sách “Tầm nhìn Giáo dục” chấp bút bởi Phạm Hồng Nhung đã góp một một góc nhìn rõ ràng hơn về hành trình giáo dục bản thân và con trẻ.
Cuốn sách giúp bạn nhìn thẳng vào sự thật để tìm chọn chiến lược giáo dục phù hợp cho hiện tại và tương lai, nói cách khác là tìm lời giải cho nền giáo dục. Cuốn sách mở ra một tầm nhìn và giải pháp đột phá để kiến tạo một nền Giáo dục Đích thực cho nhiều con người.
Đầu tiên, tác giả đưa ra góc nhìn mới về bản chất của Giáo dục.
Đến nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho rằng Giáo dục là công việc của nhà trường, là những gì diễn ra trên bục giảng, trách nhiệm thuộc về thầy cô. Giáo dục là một ngành kinh tế với những giấy tờ, bằng cấp,...
Họ đã quên mất một điều: Giáo dục liên quan trực tiếp đến hạnh phúc và khổ đau của con người. Chúng len lỏi trong đời sống của con trẻ từ khi được sinh ra, trong mỗi khoảnh khắc với cha mẹ, trải nghiệm khi tiếp xúc với người khác. Kiến thức, kỹ năng không phải là hành trang duy nhất mà mỗi người cần có để “sống”. Giá trị tốt đẹp của một ai đó được hình thành nhờ việc uốn nắn những ý niệm, tâm tưởng, lối tư duy,...theo cách đúng đắn và lương thiện. Đó là bản chất của giáo dục, là “món quà quan trọng nhất, đáng giá nhất, quyết định đến đời sống của con người.”
Cũng vì vậy mà động lực chân chính nhất của Giáo dục là mong muốn thấu hiểu bản chất của Giáo dục và tha thiết được trao sự chân thật ấy đến thế hệ sau. Mục đích là giúp thế hệ sau trở nên Trưởng thành, Hạnh Phúc, biết Tự Nhận thức về một cuộc sống chân chính và sống theo nhận thức của mình.
Tiếp theo, cuốn sách giúp chúng ta trả lời câu hỏi: Chủ thể của Giáo dục là gì?
Có một chủ thể tách biệt hoàn toàn với các giác quan và bộ não để đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp nhất. Đó là “Tâm” hay bản chất chân thật của con người. Nhờ có “Tâm” mỗi người sẽ phân định được đâu là trạng thái đáng trải nghiệm, đâu là trạng thái không xứng đáng. Khi chúng ta tự giáo dục, tự tháo gỡ những mâu thuẫn, những quan điểm... bên trong bản thân mình thì cuộc sống của mỗi người sẽ tĩnh lặng hơn và xung đột nội tâm cũng sẽ chấm dứt.
Giáo dục đích thực có sự tham gia của 3 phương tiện: Trí tuệ, Phẩm hạnh và Bản lĩnh. Chúng giúp cho người giáo dục, người nhận được sự giáo dục đều trưởng thành, hạnh phúc, nhận thức sâu sắc, rộng mở hơn, sống đúng với những gì mình nhận thức được.
Theo tác giả, mọi phương pháp giáo dục đều mang trong mình 3 nền tảng không thể tách rời: Giới - Định - Tuệ. Trong đó:
Giới là những giới hạn trong tâm thế và hành vi mà trẻ không được phép vượt qua, ví dụ như nguyên tắc ứng xử, cách bày tỏ tình cảm,.. để đảm bảo sự an toàn cho trẻ cũng như giúp chúng thích nghi với các môi trường sống khác nhau và mục đích quan trọng nhất là ngăn cản những dục vọng tham lam bên trong mỗi đứa trẻ.
Định là những hoạt động giúp trẻ tự tại, lành mạnh, quan sát những Dục vọng của bản thân để thấu hiểu và làm chủ và thoát khỏi trạng thái sân hận.
Toàn bộ nền tảng Giới và Định đều có mục đích khiến cho Trí Tuệ được bộc lộ một cách chân chính. Trí tuệ mới là cái đích sau cùng của hành trình Giáo dục.
Theo dòng thời gian, nước ta đã có những bước hội nhập sâu rộng với thế giới, ngành giáo dục đào tạo đã và đang đưa ra rất nhiều sáng kiến từ sửa đổi chữ viết đến chọn môn học mới, cách dạy mới, xây dựng chương trình tích hợp,... Nhưng những sự đổi mới này vẫn chưa giúp chúng ta tìm ra được một lối đi phù hợp để đạt được mục tiêu đào tạo ra con người toàn diện như trong chiến lược giáo dục đã nêu ra mỗi năm.
Trong “Tầm nhìn Giáo dục”, thầy Trần Thế Công đã đưa ra ba giải pháp rõ ràng để xây dựng một nền Giáo Dục chân chính. Những giải pháp này cần những công cụ sắc bén và nguồn lực tinh hoa nhất trong xã hội kết hợp với nhau.
Thứ nhất, đó là những cá nhân tinh hoa, các bậc thầy, nhà Lãnh đạo,... nắm giữ mọi tài nguyên về giáo dục, chủ động định ra mục tiêu, cung cấp môi trường và mọi biện pháp cho công tác giáo dục. Một nền giáo dục tốt sẽ tạo được một xã hội tốt và phát triển bền vững lâu dài cho mọi thành viên trong cộng đồng.
Thứ hai là những con người có chí hướng, đang bắt đầu một cách nghiêm túc hành trình tự giáo dục, phát triển tự thân (cho gia đình tam đại – cá nhân mình, cho con cháu mai sau và để báo hiếu cha mẹ) và học để góp phần phát triển cộng đồng, dân tộc, quốc gia, cho sự phát triển văn minh con người (làm người có ích cho xã hội), làm nghĩa vụ xã hội với tư cách một công dân tốt.
Thứ ba là môi trường giáo dục mà ở đó con người đồng thuận với nhau trong việc thực hành giáo dục đích thực. Mục đích của chúng ta là phải đưa giáo dục thành trung tâm trong mọi môi trường sống, xây dựng một xã hội mà ở đó sẵn sàng cho đi sự giáo dục và cũng hạnh phúc để đón nhận sự giáo dục chân chính ấy.
Từ ba nguồn lực quan trọng này, thầy Trần Thế Công đưa ra 3 giải pháp trực tiếp để thực hành Giáo dục đích thực, bao gồm:
Mỗi con người nhận thức được sâu sắc rằng phải Tự giáo dục và Giáo dục
Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng con người hiện vẫn mang tính khẩu hiệu và thuần túy lý thuyết. Để có nền tảng tri thức thì mỗi người phải nhận thức được tầm quan trọng của Giáo dục một cách sâu sắc, rõ ràng, nền giáo dục phải tự do trong trao đổi, phản biện, quan sát và thực hành liên tục.
Để đẩy nhanh quá trình hình thành một nền giáo dục chân chính, ta phải mở rộng tinh thần Giáo dục, đó cũng là giải pháp thứ hai: Những cá nhân, tổ chức khác cần kết nối, chung tay trong việc tham gia giáo dục.
Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Giáo dục cần được trả lại vị trí trung tâm của mọi hoạt động, mọi lĩnh vực cần khám phá cách thức giáo dục khác nhau trong đời sống. Ví dụ trong lĩnh vực khoa học, tinh thần ưa khám phá sẽ được lan tỏa, trong kinh doanh, sự sáng tạo sẽ được thúc đẩy,...Như vậy, tinh thần giáo dục sẽ được chạm tới bất kỳ ai trong xã hội.
Để xây dựng nền giáo dục chân chính trên toàn nhân loại, tác giả đưa ra một giải pháp mang tính đột phá, đó là: Hoạch định Việt Nam trở thành một Dân tộc bậc thầy, một quốc gia Xuất khẩu Giáo dục ra toàn thế giới trong thời đại mới dựa trên nền tảng là tiếng Việt giàu đẹp.
Trong bối cảnh mới của sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đang tiếp thu những tinh hoa của các nền giáo dục lớn nhất trên thế giới. Việc tìm tòi và đề xuất những giải pháp đột phá để huy động mọi chủ thể cho giáo dục toàn diện gắn với tình hình mới cần sự nỗ lực của mọi người trong toàn xã hội. Chúng ta với những nền tảng vững chắc mà mình có như ngôn ngữ, phẩm chất, hoàn toàn có khả năng tạo dựng một Hệ giá trị mang tầm vóc lớn lao hơn rất nhiều.
Chỉ với 8 chương sách, “Tầm nhìn Giáo dục” không chỉ là những kiến thức đơn thuần về giáo dục mà đã mở ra cả một tầm nhìn với những con đường, cách thức cụ thể để thực hiện trong đó, GIÁO DỤC, CON NGƯỜI, THẾ GIỚI được định nghĩa lại một cách mới mẻ, sâu sắc hơn. Cuốn sách khẳng định Giáo Dục Đích Thực hướng con người đến sự Tỉnh thức, đến sự Tự do chân thật, đến sự Giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau.
Văn phong gần gũi cùng sự dẫn dắt khéo léo khiến cho những nhìn nhận về con người, về đời sống trở nên khác biệt, rộng mở.
Xuyên suốt cuốn sách chúng ta còn thấy được nhiệt huyết và những tâm nguyện cao đẹp của thầy Trần Thế Công trong việc Giáo dục con người. Từ đó, mỗi người cũng như được tiếp thêm sức mạnh, thêm động lực để Tự chủ và Tự tại trên Hành trình giáo dục và tự giáo dục để có được một đời sống tươi sáng và hạnh phúc.
Thu Hường