Các nền văn minh đã có quan điểm mâu thuẫn nhau về cách thế giới này nên vận hành như thế nào và tương lai của một trật tự thế giới mới sẽ ra sao?
Năm 2015, Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook kêu gọi gần 90 triệu Fan của mình cùng đọc với anh cuốn Trật tự thế giới của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Với gần 700K "Like" và 25K "Share", tỷ phú mọt sách này đã góp công truyền thông không hề nhỏ cho cuốn sách đồ sộ này. Tuy nhiên, buồn thay cho Mark, cái tên Facebook không được nhắc đến dù chỉ một lần trong gần 600 trang sách bàn về quá khứ và tương lai của thế giới, bất kể những tác động khổng lồ của nó lên bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Dù coi nhẹ sức mạnh của công nghệ là một điểm trừ của tuyệt phẩm này, nhưng bù lại độc giả sẽ có được một khối lượng kiến thức lịch sử, chính trị, quan hệ quốc tế về châu Âu, Nga, Mỹ, Trung Quốc...khổng lồ với góc nhìn đầy sắc sảo từ một học giả, một chính khách lão luyện như Kissinger
"Không một “trật tự thế giới” nào mang tính toàn cầu đích thực đã từng tồn tại", Kissinger khẳng định nhưng ông cho rằng có 4 quan điểm chính về cách thế giới này nên vận hành như thế nào. Thứ nhất là hệ thống Westphalia bắt nguồn từ châu Âu cách đây 400 năm và có ảnh hưởng lớn nhất cho đến ngày nay. Sau cuộc chiến 30 năm đẫm máu do mẫu thuẫn giữa Đạo Cơ Đốc và Tin Lành, các nước châu Âu đã nhóm họp tại tỉnh Westphalia của Đức, thảo luận các nguyên tắc ứng xử để xây dựng một nền hòa bình chung. Họ thống nhất rằng, bất kể quốc gia, dù lớn hay nhỏ, một khi đã tham gia hòa ước, đều có quyền chủ quyền, quyền tự quyết, quyền tự do tôn giáo mà không bị nước ngoài can thiệp. Họ cũng đồng ý rằng cần phải duy trì sự cân bằng quyền lực, không để bất cứ một quốc gia nào phát triển quá mạnh, thâu tóm tất cả các nước còn lại. Tuy vẫn có những cuộc chiến nhỏ lẻ xảy ra, nhưng nhờ hệ thống Westphalia mà châu Âu đã có thể giữa hòa bình được vài trăm năm cho đến khi thế chiến thứ nhất nổ ra.
Quan điểm thứ 2 về cách thế giới này nên vận hình đến từ các nước Hồi giáo. Theo kinh Qur’an, thì thế giới được chia thành hai phần. "Các khu vực mà Hồi giáo đã chinh phục hoặc nơi có những người không theo Hồi giáo nhưng vẫn triều cống mà nó thống trị, được hiểu như là một đơn vị chính trị duy nhất: dar al-Islam, “Nhà của Hồi giáo” hay địa hạt hòa bình. Nó sẽ được cai trị bởi vương triều Hồi giáo, một thể chế được xác định bởi sự kế thừa hợp pháp của quyền lực chính trị trần thế mà Đấng Tiên tri đã ban cho. Những vùng đất bên ngoài là dar al-harb, địa hạt chiến tranh; nhiệm vụ của Hồi giáo là hợp nhất các khu vực này vào trật tự thế giới của riêng mình và do đó mang lại hòa bình toàn cầu." Để thực hiện được dự án đó, các tín đồ phải thực hiện cuộc thập tự chinh của riêng mình, được gọi là jihad (thánh chiến), cải đạo những kẻ không tôn thờ đấng tiên tri Muhammad. Đó cũng chính là một phần sứ mệnh mà những phần tử hồi giáo cực đoan ngày nay đang theo đuổi.
Quan điểm thứ 3 đến từ con rồng Trung Quốc, với giấc mơ Đại Hán của mình. Từ xa xưa, Trung Quốc vẫn coi mình là trung tâm văn minh để truyền cảm hứng và nâng đỡ cho nhân loại. "Theo quan điểm này, trật tự thế giới phản ánh một tôn ti trật tự toàn cầu, chứ không phải một trạng thái cân bằng của các quốc gia có chủ quyền cạnh tranh lẫn nhau. Mỗi xã hội được coi là một dạng thức nào đó của quan hệ triều cống với Trung Quốc, một phần dựa trên nét tương đồng văn hóa với Trung Quốc; nhưng không xã hội nào có thể bình đẳng với nó. Quốc vương các nước khác không phải là người có quyền lực ngang hàng mà là những môn đệ ngoan ngoãn trong nghệ thuật cai trị, phấn đấu hướng tới nền văn minh. Ngoại giao không phải là một quá trình thương lượng giữa các lợi ích có chủ quyền mà là hàng loạt nghi lễ được sắp đặt cẩn thận, trong đó các xã hội bên ngoài được trao cơ hội nhận lãnh vị trí định sẵn của mình trong hệ thống tôn ti trật tự toàn cầu." Sau thế kỷ 18,19 bị phương Tây sỉ nhục và những cuộc đại cách mạng của Mao Trạch Đông trong thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại đang ôm mộng của các đế nhân, thống nhất toàn thiên hạ về một cõi.
Quan điểm cuối cùng đến từ Mỹ. Là nơi khai sinh của nền dân chủ hiện đại, Mỹ luôn muốn xuất khẩu chủ nghĩa dân chủ lý tưởng của mình ra khắp thế giới. Tuy đã thành công lớn ở các nước Tây Âu sau thế chiến thứ 2, Mỹ cũng đã nhiều lần vỡ mộng, điển hình là trong cuộc chiến Việt Nam, Iraq và kháng cự cải cách chính trị từ siêu cường mới là Trung Quốc. Vẫn luôn cho mình là dân tộc có đạo đức, gánh vác trách nhiệm cứu vớt nhân loại, "có một đặc điểm đặc biệt đối với một quốc gia tuyên bố mục đích chiến tranh không chỉ nhằm mục đích trừng phạt kẻ thù mà còn cải thiện cuộc sống của những người dân nơi đó – đất nước tìm chiến thắng không ở sự thống trị mà ở việc chia sẻ những thành quả của tự do. Nước Mỹ sẽ không thành thật với chính mình nếu nó từ bỏ chủ nghĩa lý tưởng thuộc bản chất này." Tuy nhiên, khi khả năng tự lực của các quốc gia đang phát triển ngày càng mạnh hơn, Mỹ sẽ khó có thể duy trì được trật tự thế giới mà nó áp đặt lên các nước phi-dân chủ.
Kissinger viết Trật tự thế giới khi ông đã 91 tuổi, cái tuổi mà chắc ông còn đủ rảnh rỗi để chơi Facebook hay Instagram. Trong chương duy nhất bàn về công nghệ, Kissinger dường như vẫn đang lạc lối trong thể kỷ 20 với sự tập trung chính vào vũ khí hạt nhân hay sự phổ biến của Internet. Những kẻ thay đổi cuộc chơi trong thời đại chúng ta như Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...dường như đối với ông chưa thể tạo được những ảnh hưởng lớn đến bức tranh quan hệ quốc tế vĩ mô. Nhưng ngày nay, chúng ta bám rễ vào "thế giới ảo" nhiều hơn là sống trong các biên giới của thế giới thật.
Trong "
Status', Mark giải thích về lý do chọn cuốn sách rằng: "Tác phẩm bàn về quan hệ quốc tế và cách chúng ta xây dựng các mối quan hệ hòa bình trên thế giới. Hiểu điều này rất cần thiết để tạo ra một tương lai tốt đẹp cho con em chúng ta, và đó là những gì tôi đang nghĩ ngợi gần dây." Nhưng có thể Mark muốn mọi người đọc cuốn sách của Henry Kissinger còn vì một lý do khác. Anh muốn mọi người làm quen với khái niệm này, trước khi, chính anh viết nên một Trật tự thế giới hoàn toàn khác lạ.
Trạm Đọc