Tại sao các hiệu sách của New York dần biến mất?
Tại sao các hiệu sách của New York dần biến mất?
Năm 1950, Manhattan có 386 hiệu sách, năm 2015, con số đã giảm xuống còn 106. Hiện nay, số còn lại ít hơn 80 hiệu sách.
Giống như điện thoại công cộng, cửa hàng sửa chữa máy đánh chữ, các nhà sách từng hiện diện rồi dần mất đi ở thành phố New York.
 

Năm 1950, Manhattan có 386 hiệu sách, năm 2015, con số đã giảm xuống còn 106. Hiện nay, số còn lại ít hơn 80 hiệu sách. Book Row - một đoạn của đại lộ số 4, gần quảng trường Thống Nhất (Union square) từng là nơi có gần 50 hiệu sách, giờ đây chỉ còn một cửa hàng sách duy nhất.

Bên trong một hiệu sách năm 2015. Ảnh: Alamy
Với những người ưa chuộng văn học, việc đóng cửa một hiệu sách gợi ra cảm giác khủng hoảng. Vào tháng 1, sau khi Drama Book Shop - vốn được coi là một trụ cột của cộng đồng yêu kịch nghệ của thành phố - tuyên bố họ không còn đủ tiền để thuê, Lin-Manuel Miranda - người sáng tạo vở nhạc kịch Hamilton, đã cùng ba cộng sự mua lại hiệu sách.
 

Đây là sự can thiệp thứ hai của Miranda. Vào năm 2016, ông thực hiện một chiến dịch gây quỹ cộng đồng để hỗ trợ cửa hàng sau một vụ nổ đường ống phá hủy nhà kho hiệu sách. Drama Book Shop hiện đóng cửa trong khi Miranda và các đối tác kinh doanh của mình tìm kiếm một địa điểm mới, ít tốn kém hơn.

Westsider Books - một hiệu sách nhỏ nhưng đã tồn tại 35 năm ở New York - cũng tuyên bố vào tháng 1, rằng họ có thể sẽ đóng cửa khi hợp đồng thuê hết hạn. Đáp lại, những khách hàng yêu mến họ đã tràn vào hiệu sách với các đơn đặt hàng, họ tổ chức một chiến dịch gây quỹ cộng đồng, thu được hơn 50.000 USD.

The Strand - cửa hàng sách độc lập lớn nhất của New York, thành lập từ năm 1927 - có một khu nhà riêng, đó là điều kiện đảm bảo cho hiệu sách này khỏi một số áp lực kinh tế mà các đồng nghiệp phải đối mặt. Nhưng khi một ý kiến của ủy ban thành phố đề xuất đánh dấu cửa hàng này là di sản, nó là nguyên nhân cho sự hoảng loạn.

Chủ sở hữu Nancy Bass Wyden đang vận động hành lang chống lại đề xuất này, vì theo bà, điều đó sẽ khiến cửa hàng chịu chi phí bảo trì đắt đỏ.

Trái ngược với hoàn cảnh của The Strand là Amazon - cửa hàng sách trực tuyến lớn nhất thế giới hiện là nhà bán lẻ có giá trị nhất thế giới. Thành phố và chính quyền đã cung cấp cho người khổng lồ công nghệ 3 tỷ USD ưu đãi và trợ cấp để xây dựng trụ sở mới ở quận Queens.

Những người biểu tình ở New York phản đối kế hoạch của Amazon về mở trụ sở thứ 2 tại thành phố này.
Các cửa hàng sách độc lập đang bị siết chặt từ nhiều hướng, bao gồm cả sự cạnh tranh công nghệ tiêu dùng: sách điện tử, kindle, máy tính bảng, điện thoại thông minh, và từ Amazon - nơi có sức mua khổng lồ, nhưng lợi nhuận từ cửa hàng trực tiếp lại rất thấp.
 

Các phân tích từ thống kê thói quen đọc cho thấy, người Mỹ dường như đang đọc ít hơn. Đây là một xu hướng xuất hiện từ khi truyền hình ra đời và bùng nổ, xu hướng này dường như đang tăng tốc qua mỗi thế hệ.

Một số nhà xã hội học tin rằng, việc đọc sách đang trở thành một hoạt động thiểu số. Nhà văn Caleb Crain đưa ra nhận định trong một bài báo năm 2018 rằng các số liệu thống kê tiếp tục đưa ra một bức tranh khá ảm đạm về thói quen đọc sách của người Mỹ.

Nhưng thủ phạm lớn nhất khiến các hiệu sách ở New York biến mất dần lại thuộc về một yếu tố dường như không thể ngăn cản được: giá thuê cửa hàng tăng. Tiền thuê địa điểm là mối quan tâm đặc biệt với các nhà sách. Kinh doanh nhà sách có tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng lại đòi hỏi có không gian lưu trữ lớn.

Hiệu sách đã "vượt qua nhiều thách thức kinh tế trong nhiều thập kỷ, nhưng họ không thể làm gì khi chủ nhà tăng gấp ba hoặc gấp bốn tiền thuê nhà, hoặc đơn giản hơn là từ chối gia hạn hợp đồng thuê”, Jeremiah Mos, tác giả cuốn Vanishing New York: How a Great City Lost Its Soul nói.

 

Theo News.zing.vn

Tags: