Nhà thơ Đoàn Vị Thượng phát hiện bị ung thư phổi sau khi nghỉ hưu. Anh ruột của ông - nhà thơ Từ Nguyên Thạch - đã gom góp các bản thảo thơ của em trai để xuất bản. Tập thơ khiến ông có động lực tinh thần hơn trong những ngày cuối đời chống chọi với bệnh tật. Vì tình trạng sức khoẻ, vào buổi ra mắt tập thơ ngày 30-12-2020 tại chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà Văn, ông cũng không thể xuất hiện trong chương trình vì đã quá yếu. Toàn bộ ấn phẩm Thơ Đoàn Vị Thượng cũng như chương trình ra mắt sách đều do nhà thơ Từ Nguyên Thạch (anh ruột Đoàn Vị Thượng) cùng gia đình và bạn bè lo liệu.
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ chia sẻ cùng Báo Thanh Niên:
Lúc ấy, trong tôi chợt dấy lên một cảm giác tiếc nuối, giá mà Đoàn Vị Thượng chịu in thơ nhiều hơn thì bạn yêu thơ anh không phải chịu thiệt thòi đến như vậy. Bởi ai cũng biết từ năm 1991 đến nay, tức đã 30 năm, Đoàn Vị Thượng gần như không màng chuyện in sách thơ.
Ngay cả tập thơ cuối cùng này, anh Từ Nguyên Thạch cũng lặng lẽ tự một mình làm lấy tất cả. Đoàn Vị Thượng còn có "thơ trong ngăn kéo" không? Tôi nghĩ là có, bởi một hồn thơ như anh có thể không in sách nhưng không thể ngừng viết.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì thơ Đoàn Vị Thượng có nét giống thơ Trương Nam Hương ở khía cạnh bóng bẩy và đằm thắm, bởi cả hai đều gốc Huế. Tôi cũng nghĩ như vậy.
Nhưng thơ Đoàn Vị Thượng tưởng nhẹ mà không nhạt, tưởng hiền mà không cạn, tưởng nghịch mà không ác...
Thơ Đoàn Vị Thượng không phải là thơ thiền, nhưng tinh thần Phật giáo buông nhẹ mọi bề, khiến thơ anh có lúc như reo vui, đầy nhựa sống nhưng vẫn lẩn khuất nỗi buồn phận người với toan lo vụn vặt đời thường.
Những năm tháng cuối đời, Đoàn Vị Thượng về sống ở căn nhà của cha mẹ anh trong con hẻm nhỏ nằm sau lưng chùa Diệu Giác (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Từ ngôi nhà này có thể nhìn thấy sinh hoạt trong chùa, và dĩ nhiên là nghe thấy tiếng chuông từ đó vọng tới.
Lúc rời căn nhà ấy trong chuyến thăm anh năm ngoái, không hiểu sao tâm trí tôi cứ chắp nụ cười an nhiên của Đoàn Vị Thượng vào tiếng chuông chùa Diệu Giác rồi thầm nhẩm hai câu lục bát của anh:
Năm năm tháng tháng ngày ngày
Giờ giờ phút phút giây giây... là mình.
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng tên thật là Trần Quang Đoàn, sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi. Ông có hơn 10 năm làm giáo viên tiểu học ở quận 11 trước khi trở thành nhà báo, nhà thơ. Những năm tháng dạy học đã truyền cảm hứng để ông sáng tác bài Bụi phấn, tác phẩm nổi tiếng những năm 1980, trong đó có những câu thơ:
Viên phấn ơi, sao chỉ nhỏ và gầy
Như một ngón tay trong bàn tay tôi đấy
Nào ai nỡ đánh rơi giữa chừng hay tính toan bẻ gãy
Sợ năm ngón tay kia thôi sẽ hết hồng
Tôi cậy nhờ gởi mơ ước nằm trong
Cái màu trắng dịu dàng, nhẫn nại
Cái màu trắng sẽ mòn đi mãi
Cho các em hình dung thêm rõ nét về đời
Đoàn Vị Thượng có lối sống giản dị, khiêm nhường, tránh xa thị phi, đua chen. Ông yêu thích ca hát, hàn huyên cùng bạn bè. Nhiều bài thơ của ông được ra đời trong những khoảnh khắc đó. Ông có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau, tiêu biểu như Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987), Thơ Đoàn Vị Thượng (1988), Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989), Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991)...
Khi nhận lời viết tựa cho tập thơ cuối cùng của Đoàn Vị Thượng ra mắt cuối năm 2020, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có dịp đọc lại một lượt thơ. Ông nhận ra và trích từ bài Cuộc lữ những câu như dự cảm chia tay không thể khác được:
Khi vùi mình xuống đất đen/ Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài…". Bài thơ này Thượng viết đã lâu. Và tôi tin đến bây giờ anh cũng không nghĩ khác. Cảm hứng của thi sĩ, đến một lúc nào đó, rồi sẽ chạm đến đề tài muôn thuở này.
Như Tưởng chuyện ngàn sau của Hồ Dzếnh, Nhạc sầu của Huy Cận, Lúc chết của Nguyên Sa - những bài thơ thuộc loại hay nhất của các thi nhân.
Với Cuộc lữ, Đoàn Vị Thượng đã đi một bước dài. Nhà thơ đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cỏ cây. Bây giờ chắc Thượng không còn băn khoăn làm thế nào để mang nỗi buồn ra khỏi bản thân mình nữa.
Trạm Đọc / tổng hợp theo VN Express, Báo Thanh Niên
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bộ TT&TT tiếp tục khởi xướng và duy trì văn hóa lì xì sách đầu năm mới
Cuốn hồi ký nổi tiếng "Becoming" ấn định ngày ra mắt phiên bản mới
Tân Chủ tịch Hội nhà văn: Đủ ba yếu tố, nhà văn mới sống được bằng nghề