Người vô hình là một vật thể lạ giữa loài người. Và loài người từ xưa tới này vốn là sinh vật không chấp nhận sự khác biệt, hoặc hoảng sợ, hoặc ruồng rẫy, và trước sau gì sự hủy diệt cũng sẽ xảy ra. Là tham vọng hay thực chất chỉ là thanh trừng những gì không nằm trong hệ thống.
Người vô hình sẽ không bao giờ ngừng nhận sự phán xét cho đến khi ông không còn tồn tại nữa. Đọc xong cuốn sách, thật đáng buồn khi nhận ra con người thực sự là giống loài của sự phán xét. Là giống loài của những ác nghiệt. Người vô hình quả thực đã tàn nhận mà phô bày sự trần trụi của loài người.
Người vô hình là một tiểu thuyết giả tưởng. Nhưng có lẽ không hẳn thế. Người vô hình chỉ là gợi ra một tình thế mà con người gặp phải. Cũng giống như tình thế của Gregor Samsa khi buổi sáng hắn tỉnh dậy mà thấy mình biến thành một con bọ trong Hóa thân của Kafka, hay Meursault khi tỉnh táo sau một buổi trưa nắng, mới biết mình vừa giết người trong Người dưng của Camus.
Tình thế của loài người giữa đời sống đầy bất trắc này là sự hiển nhiên, và từ tình thế ấy mà con người vẫy vùng, và để mình rơi vào vòng xoáy của bản chất loài người.
Ác, thiện, hạnh phúc hay đau đớn... để rồi đi đến cái chết như một chốn cuối cùng, khép lại một tình thế đời người. Cái chết phương cách cuối cùng, để những kẻ rơi vào tình thế, bị đám đông ruồng rẫy, thoát khỏi tình thế của mình.Wells là một người kể chuyện bậc thầy, khiến độc giả chìm đắm trong những câu chuyện được khơi gợi. Ông đã xây dựng một bầu không khí kỳ quái xuyên suốt câu chuyện. Đây chính là không khí bao trùm, dẫn dắt và tạo nên sự hấp dẫn cho Người vô hình.
Nhà văn bắt đầu câu chuyện thực sự tốt, khi để nhân vật xuất hiện đột ngột, mờ ám, và được bủa vây bởi một lớp sương mù ảo, cùng với những hành vi, những động thái kỳ dị, đã đủ sức thu hút độc giả len lỏi vào không gian kỳ bí ấy.
Có một số chương đặc biệt thú vị. Có những chi tiết rất thú vị mà Wells đã đưa ra, như thời đại Khủng bố, kỷ nguyên của Người vô hình... nó khiến độc giả bật cười, bởi sự châm biếm rất ý nhị. Người vô hình có lợi thế gì ngoài việc vô hình? Ông ta vẫn có thể để lại dấu chân, bị dao đâm, bị súng đạn bắn qua, bị lạnh, bị đói... Thực ra ông ta chẳng có gì, để dấn thân vào một cuộc đối đầu. Ông ta chỉ hiện thân là một kẻ tâm thần thảm hại, chạy đi chạy lại trong thị trấn.
Lá thư đe dọa Kemp của Người vô hình trong những chương gần cuối của cuốn sách chỉ tạo nên không khí hài hước, thảm thương và cô độc của Người vô hình mà thôi. Chính cái hài hước bi thảm ấy đã tạo nên dấu ấn cho cái chết cuối cùng của Người vô hình, và đẩy độc giả vào những trăn trở về bản chất sâu sa của loài người, trong chương cuối cùng “Vĩ thanh”
Vĩ thanh ấy, sẽ dẫn dắt loài người đi về đâu?
Người vô hình của H.G.Wells phát hành năm 1897 theo từng tập trên ấn phẩm Pearson's Weekly và được chuyển thành sách vào cùng năm. Sau này, cuốn sách cũng đã được dựng thành phim năm 1933.
G. Wells tên thật là Herbert George Wells, là một nhà văn, nhà xã hội học, nhà báo người Anh. Ông nổi tiếng với các tác phẩm hư cấu khoa học viễn tưởng. Trong các sáng tác của mình, không chỉ thường xuyên sử dụng hình tượng nhà sáng chế - nhà khoa học điên cuồng, quái dị đưa vào trung tâm câu chuyện, mà những châm biếm ngầm ẩn trong cách dùng từ, trong những dẫn dắt tình tiết cũng tạo nên phong cách kể chuyện đặc trưng của H. G. Wells. Cùng với Hugo Gernsback và Jules Verne, ông được xem như “Cha đẻ của truyện khoa học viễn tưởng”.
Theo Phong Linh (http://news.zing.vn)