Suy cho cùng thì bạn làm việc vì điều gì?
Suy cho cùng thì bạn làm việc vì điều gì?
Mặc dù bị kết án 30 tháng tù gian vì tội gian lận và vi phạm Luật chứng khoán song cựu Chủ tịch Tập đoàn Livedoor Takufumi Horie vẫn được nhiều người trong giới trẻ Nhật Bản coi là thần tượng. Dù bạn có thể chưa biết đến ông ấy và vì sao ông lại từng được mệnh danh là người hùng của thời đại vào đầu những năm 2000 thì bạn rất nên tìm đọc cuốn sách “Làm lại từ đầu: Hãy thêm số 1 vào cuộc đời bạn khi bạn đang bắt đầu từ số 0”.

Một trong những câu hỏi thú vị được ông nêu ra là “Ta làm việc vì cái gì?”. 

 

 

Quan điểm của ông Takafumi Horie về vấn đề tiền bạc

 

 

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết, ông Takafumi Horie đã kể với độc giả câu chuyện đi phát báo hồi học cấp hai của mình. Công việc này giúp ông có thu nhập để trang trải số nợ mà bố mẹ ông ứng trước cho ông mua máy tính. Lý do nghe thật đơn giản! Khi làm công việc này, ông cho rằng, mình đang phải “chịu đựng một cái gì đó” và tiền lương là “cái giá của sự chịu đựng ấy”.

Tuy vậy, khi vào đại học và nhất là khi tự mở công ty, suy nghĩ của ông về vấn đề tiền bạc đã thay đổi rất nhiều. Ông không còn suy nghĩ rằng, làm việc là vì tiền. Theo ông Takafumi Horie, khi quan niệm làm việc là “chịu đựng” và tiền lương là “cái giá của sự chịu đựng” thì đương nhiên ai cũng sẽ chán ghét công việc của mình và dẫn đến có cái nhìn thiển cận về đồng tiền. Công việc là một trong những thứ khiến bạn đầu tư nhiều thời gian nhất. Nếu quãng thời gian dài đằng đẵng ấy chỉ mang lại cho bạn cảm giác chịu đựng thì cuộc sống của bạn thực sự chỉ có một màu xám xịt.

Vậy thì bạn hãy công nhận rằng, tiền lương không phải thứ bạn nhận được mà đó là thứ bạn phải kiếm ra. Bạn bỏ thời gian ra để làm việc thì cuối tháng bạn sẽ nhận được tiền lương thôi.

Chẳng hạn như, khi một nhân viên ý thức được rằng, cậu ta phải kiếm tiền thì điều đó có nghĩa là, cậu ta sẽ suy nghĩ, cậu ta không chỉ đóng góp thời gian mà còn luôn trăn trở xem bản thân còn có thể đóng góp được gì khác cho công ty. Và anh ta thực sự đang sống đúng trong thời đại hiện nay, thời đại “phải kiếm tiền”. Ngược lại, một nhân viên chỉ đóng góp thời gian và chờ đến cuối tháng nhận lương thì họ sẽ dần bị đào thải vì thời đại “nhận lương” đã qua rồi.

Như vậy, có thể thấy, nỗi trăn trở tiền bạc chỉ là những thứ bề nổi, không hơn. Làm việc để lo cơm áo gạo tiền thì không khó chút nào. Vấn đề gốc rễ để phát triển nhân lực chính là “thời gian”. Tác giả nhấn mạnh, tiền không phải là thứ để nhận khi làm việc, tiền là thứ bạn phải lao động để kiếm ra. Chúng ta không phải làm việc chỉ để kiếm tiền, hãy tách bạch chuyện tiền bạc ra mà xoắn tay làm việc.

Trước câu hỏi “tiền thật sự là gì vậy?”, ông cho rằng, “Tiền là giá trị của lòng tin”. Để độc giả dễ hình dung hơn, ông đưa ra ví dụ về việc ông hay dùng thẻ sinh viên Đại học Tokyo để xin đi nhờ xe thời đại học. Vì mang cái mác sinh viên Đại học Tokyo nên tác giả được mọi người tin tưởng và cho đi nhờ xe. Nếu không là sinh viên của trường đại học nổi tiếng đó, không ai cho ông lên xe của họ cả.

Tương tự như vậy, khi nói về vấn đề khởi nghiệp, nếu bạn chỉ có vài ngàn yên nhưng bạn lại có được sự tín nhiệm của một số người thì nhiều khả năng họ sẽ sẵn lòng cho bạn vay phần nào. Thay vì cần một thời gian dài để tiết kiệm tiền đầu tư khởi nghiệp, bạn có thể rút ngắn quãng thời gian ấy lại nhờ việc được người khác tin tưởng và cho bạn vay tiền. Lòng tin có thể mang tiền đến cho bạn nhưng không phải lúc nào có tiền là bạn có được lòng tin của người khác. Bởi vậy, tác giả nhấn mạnh rằng, thời đại đầu tư vào đồng tiền đã kết thúc rồi. Ông khuyên nhủ người trẻ hãy tập trung đầu tư vào lòng tin chứ đừng mải miết chạy theo đồng tiền. “Khi bạn gặp khó khăn, thậm chí mất hết tất cả, thứ cứu giúp được bạn lúc đó không phải là tiền bạc mà chính là lòng tin đấy”.

Ông Takafumi Horie chỉ có ao ước đơn giản là được làm việc. Sau khi được thả tự do, trở về mốc điểm con số 0, điều đầu tiên ông muốn thực hiện là “làm việc”. Nhờ làm việc, ông sẽ có nhiều đồng nghiệp cùng thực hiện giấc mơ lớn. Giấc mơ lớn của ông là kết nối tất cả mọi người, muốn chia sẻ niềm vui với mọi người. Ông muốn thế giới này không còn xung đột, thế giới này trở nên tươi sáng hơn. Kể cả khi khởi nghiệp với Internet, khi nỗ lực với dự án Không gian, tất cả đều là nhờ vào sức mạnh của công nghệ mà công ty từng bước tiến lên. Vì thế, ông cho rằng, mình nhất định phải đưa công ty phát triển hơn.

 

 

Lý do tôi làm việc chỉ là hy vọng cho tương lai

 

 

Trong những dòng cuối cùng, ông đã truyền cảm hứng đến người đọc bằng việc vẽ ra một bức tranh đầy hứa hẹn về tương lai và ta cảm nhận được lòng nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng của ông. Ông tưởng tượng đến lần đầu tiên phóng tên lửa thành công, lần đầu tiên con tàu vũ trụ có người lái thành công, viễn cảnh rồng rắn xếp hàng để tham gia những chuyến du lịch không gian. Xung quanh ông có biết bao khuôn mặt cười tươi rạng rỡ. “Chỉ nghĩ thôi, tôi cũng đã cảm thấy phấn khích rồi. Bởi lẽ tôi tin tưởng vào bản thân mình, tin tưởng vào đồng nghiệp của mình, tin tưởng vào tương lai mà mình hăng hái dự phần và kiến tạo”.

Nếu bạn muốn thành công trong công việc và cả trong cuộc sống, bạn cần trải qua những công việc thực tế, cố gắng học hỏi và làm tốt ở từng việc nhỏ trước. Việc tiếp theo là bạn hãy tự trau dồi kiến thức cho mình bằng các cuốn sách dạy kỹ năng làm việc. Trước khi làm phép nhân, hãy nhớ làm phép cộng đã. Con người ai cũng bắt đầu bằng số 0 cả, nếu bạn nhân bất cứ số nào với 0 thì kết quả vẫn mãi mãi chỉ bằng không mà thôi. Cùng là nhân với 3 nhưng 2 nhân 3 chắc chắn bé hơn 5 nhân 3. “Bởi thế, tuỳ theo bạn là số 2 hay số 5, kết quả sẽ khác nhau nhiều lần. Từ 0 đến 1, hay đến tận 5 đi chăng nữa, tất cả là ở bản thân bạn cố gắng từng bước một”, đó là những gì ông Takafumi Horie muốn nhắn nhủ các bạn trẻ.

Minh Phương

Tags: