Từ cách nhìn khác về tiền...
Trong sáu năm học kinh tế, chưa một lần tôi nghe từ "sinh thái". Vì vậy, nếu không có lần tình cờ xem video về Gandhi hồi năm cuối đại học, có lẽ tôi đã “có một thu nhập tốt với công việc đáng mơ ước”. Người đàn ông với dáng người gầy gò nhỏ bé ấy đã dạy tôi một bài học lớn – sự thay đổi mà tôi muốn thấy trên thế giới. Cái khó là hồi đó, tôi lại không biết gì về sự thay đổi ấy.
Sau khi quản lý một vài công ty thực phẩm hữu cơ, tôi nhận ra rằng ngay cả "kinh doanh có đạo đức" cũng không bao giờ là đủ, lần tranh luận cùng một người bạn đã thay đổi mọi thứ. Bọn tôi đã xem xét các vấn đề của thế giới: sự phá hoại môi trường, những xí nghiệp bóc lột sức lao động của công nhân tồi tệ, nền chăn nuôi công nghiệp, chiến tranh nguồn tài nguyên - và tự hỏi chúng ta nên cống hiến cuộc sống của mình cho cái nào trong số đó. Nhưng tôi nhận ra rằng mình đang nhìn thế giới như cái cách bác sĩ nhìn vào bệnh nhân, tức là thấy các triệu chứng và tự hỏi làm thế nào để sửa chữa, mà không có bất kỳ suy nghĩ nào về nguyên nhân gốc rễ của chúng. Vì vậy, tôi quyết định thay vì trở thành một bác sĩ xã hội, tôi trở thành một nhà hoạt động xã hội, và điều tra nguyên nhân gốc rễ của những triệu chứng này.
Một trong những nguyên nhân then chốt của những triệu chứng này là cái thực tế rằng chúng ta không còn phải nhìn thấy hậu quả trực tiếp từ ảnh hưởng của sự mua sắm trên con người, môi trường và động vật. Mức độ tách biệt giữa người tiêu dùng với nhau đã tăng lên rất nhiều đến nỗi chúng ta hoàn toàn không biết về mức độ tàn phá và sự đau khổ hiện diện trong những thứ ta mua. Công cụ tạo ra sự ngăn cách này là tiền.
Tiền là một câu chuyện văn hóa được lan truyền khéo léo tràn ngập truyền thông của chúng ta, nó có sức hút mãnh liệt đối với tâm trí con người đến nỗi ai cũng tin là không thể sống mà không có tiền. Quan sát cách mà chúng ta sống ngày nay, xem ra chúng ta coi cuộc sống không có không khí sạch, nước ngọt và đất đai màu mỡ chỉ là một thách thức vừa phải. Trong khi cái quan niệm rằng chúng ta không cần một khái niệm trừu tượng như tiền để sống lại là một điều phi lý, chỉ có người tuyệt vọng ngắt kết nối với hệ thống mật thiết của cuộc sống mới có thể nghĩ như vậy.
Nếu bạn cho rằng câu chuyện về tiền chưa ăn sâu vào mọi ngóc ngách trong tâm trí mình, hãy nghĩ lại.Thử tưởng tượng ai đó bắt đầu một đám cháy, nguyên liệu đốt là những cành táo được sắp xếp cẩn thận trên một lượng tiền dày nặng cả chục cân. Ngọn lửa bắt đầu liếm vào các tờ tiền, thiêu hủy chúng cùng những miếng gỗ phía trên. Bạn thấy cảm xúc mạnh mẽ, phẫn nộ đối với cái gì? Những cành cây của một loài thực vật độc đáo, có giá trị đã từng cung cấp oxy cho chúng ta, hay là tiền: lạnh, cứng, có giá trị thực thậm chí còn ít hơn một mảnh vỏ cây bạch dương?
Sự khác biệt thực sự duy nhất giữa tiền và giấy là tiền mang biểu tượng. Bạn có thể có một phát biểu chính đáng, rằng số tiền mà ai đó vừa đốt có thể đã mua thuốc cho một đứa trẻ mồ côi ở Iraq hoặc thức ăn cho một người vô gia cư. Trong xã hội kỳ lạ mà chúng ta đang sống ngày nay thì bạn tất nhiên là đúng.
Thế giới ảo tưởng này không được tạo ra một cách tình cờ. Như Charles Eisenstein đã nói trong Kinh tế học thiêng liêng, để GDP tăng trưởng, tiền phải chuyển đổi một yếu tố khác của xã hội, sinh thái, văn hóa và tinh thần thành chính nó, lấy đi những thứ từng là của chúng ta và bán lại cho chính chúng ta. Câu chuyện về tiền có thể hữu ích tại một thời điểm trong quá trình tiến hóa của nhân loại, nhưng, như khi con người đi lên từ công nghệ được sử dụng mười tám nghìn năm trước, chúng ta hãy có ý thức chọn những câu chuyện có ý nghĩa cho Thời đại của mình và những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, thay vì tiếp nối một cách thiếu suy xét các thói quen cũ. Chúng ta có quyền lựa chọn và thiết kế bất kỳ mô hình kinh tế nào mà chúng ta cảm thấy sẽ phục vụ thế hệ mình tốt nhất, vậy tại sao không chọn một mô hình xây dựng khả năng phục hồi, cho phép chúng ta sống một cuộc sống đầy ắp những điều mà chúng ta say mê làm, hơn là một kết quả ngược lại?
Một trong những thách thức của phong trào phi tiền tệ - hay chính xác hơn là thách thức đối với những người bắt đầu tham gia tích cực vào nền kinh tế quà tặng - là thay đổi cái nhìn cố hữu của chúng ta về đổi chác và tư duy trao đổi, hướng tới việc trao tặng vô điều kiện. Cho đi mà không có bất kỳ sự tính toán nào về những gì bạn có thể nhận lại một ngày nào đó phải là nguyện vọng của bất kỳ ai cảm thấy họ muốn sống hòa hợp với phần còn lại của tự nhiên. Toàn bộ cuộc sống mà chúng ta đã được trao tặng giống như sữa mẹ, những bụi cây mâm xôi mà con người đã hái lượm từ mùa thu không đòi hỏi họ phải trả lại gì đó, cây không gửi cho chúng ta một hóa đơn cho oxy mà nó cung cấp, cũng như chúng ta cũng không cần phải tính toán lượng nitơ đã cung cấp cho nó bằng phân bón hữu cơ truyền thống.
Một khi bạn hiểu được sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau của cuộc sống, việc tính phí những thứ mà bạn mang đến cho thế giới một cách tự nhiên là thật vô lý. Còn lý do nào khác để chúng ta giúp đỡ một người khác ngoài thực tế là họ cần giúp đỡ? Còn lý do nào khác để chúng ta đối xử dịu dàng Trái đất ngoài thực tế là chính cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của nó?
Chúng ta nhìn thế giới ngày nay qua một lăng kính mang tên “Tôi có thể nhận được bao nhiêu?” Nhưng trước mặt bạn là cả một loạt ống kính để lựa chọn. Có một ống kính có tên là “Tôi có thể cho bao nhiêu?”, lại có cái tên là “Cách tốt nhất tôi có thể chia sẻ những món quà của mình vì lợi ích của tất cả sự sống?” và một nhãn khác “Hôm nay tôi có thể mỉm cười với bao nhiêu người?”. Hãy tưởng tượng một thế giới nơi lẽ sống của chúng ta từ lúc thức dậy vào buổi sáng là khiến người khác mỉm cười. Đó chính là thế giới mà tôi muốn sống.
...Đến lối sống loại bỏ tiền
Nếu tự nuôi trồng được thực phẩm, chúng ta sẽ không lãng phí một phần ba như ta vẫn làm hôm nay. Nếu tự đóng bàn ghế, chúng ta sẽ không ném chúng đi ngay khi muốn thay đổi sự bài trí nội thất. Nếu phải tự làm sạch nước uống của mình, có lẽ chúng ta sẽ không làm ô nhiễm nguồn nước.
Sự thay đổi mà tôi muốn thấy trên thế giới, thật không may, có nghĩa là tôi sẽ phải từ bỏ tiền, và ban đầu tôi quyết định thực hiện trong một năm. Tôi đậu xe van trên một trang trại hữu cơ và trang bị đồ đạc cho nó để biến nó trở thành hệ thống độc lập. Nấu ăn bây giờ sẽ ở ngoài trời – mưa, nắng – trên bếp lửa; điện thoại di động và máy tính xách tay sẽ được chạy bằng năng lượng mặt trời; Tôi sử dụng củi từ bãi cây trồng làm chất đốt hoặc góp nhặt được để sưởi ấm nơi ở khiêm tốn của mình, và một nhà vệ sinh compost.
Thức ăn là thứ cần thiết tiếp theo. Có bốn cách để không phải dùng tiền: tìm kiếm thực phẩm trong tự nhiên, tự trồng, trao đổi, và dùng thức ăn thừa – thứ này có hàng đống từ sự lãng phí của người ta. Vào ngày đầu tiên, tôi đã cho 150 người ăn một bữa gồm ba món từ đồ ăn thừa và thực phẩm hái lượm được. Hầu hết trong năm thì tôi ăn các loại rau củ tự trồng được.
Để đi lại thì tôi có một chiếc xe đạp, quãng đường 34 dặm đến thành phố như tăng gấp đôi nên cũng chẳng thua gì tập gym. Giấy vệ sinh thì tôi dùng các tờ báo địa phương (tôi đã từng dùng một bài báo viết về mình); nó không phải là thứ giấy mềm mại, nhưng tôi cũng nhanh chóng quen thôi. Kem đánh răng thì tôi dùng xương mực nang rửa sạch với hạt cây thì là - sự kỳ quặc cho một người ăn chay.
Việc sử dụng điện thoại và laptop đã khiến tôi bị chỉ trích nhiều nhất, người ta thấy tôi là một kẻ đạo đức giả, ngay cả khi chúng tiêu thụ năng lượng mặt trời và tôi chỉ nhận cuộc gọi đến mà không trả cước phí hàng tháng. Tôi có thể hiểu, cả hai đều là sản phẩm của công nghiệp hóa, chúng ra đời bằng tiền của ai đó. Nhưng đây là một tình thế bất lợi đối với tôi. Nếu tôi ra khỏi mạng lưới xã hội và sống cuộc sống đơn giản, tôi sẽ bị chỉ trích là chỉ lo đến hạnh phúc riêng mà không đóng góp gì cho xã hội cả. Nhưng nếu tôi sử dụng những công cụ này, tôi sẽ được gọi là một kẻ đạo đức giả. Tôi biết phải chọn gì trước khi tôi bắt đầu, tôi chọn lựa chọn thứ hai chủ yếu vì cảm thấy vô cùng buồn vì thực tế rằng chúng tôi – những người ở phía tây quả đất gián tiếp thỏa mãn rất nhiều nhu cầu của mình bằng cách khai thác từ những người ở các châu lục ít đặc quyền và phá hoại hành tinh thông qua việc mua sắm. Có thể tôi đã đưa ra quyết định sai lầm. Nhưng tôi quả quyết rằng nếu có thể khuyến khích dù chỉ một người để giảm tác động của họ trên hành tinh, thì người ta muốn gọi tôi là gì cũng được. Nhưng với hàng ngàn email tôi nhận được từ mọi người - nói rằng họ sẽ ăn nhiều thực phẩm hữu cơ hơn hoặc ăn chay, hoặc ngừng đi máy bay trong năm qua, tôi giữ vững quyết định đó. Laptop và điện thoại di động không đổ thức ăn vào bụng tôi; chúng gần như không cần thiết cho sự sinh tồn hay một lối sống không dùng tiền.
Tôi đã học được gì? Rằng tình bạn, chứ không phải là tiền, mới là sự an toàn đích thực. Rằng người nghèo không phải là người không có một xu, mà là kẻ khô khan về tâm hồn. Rằng chúng ta không thể đạt đến sự độc lập đích thực thông qua đồng tiền, ta chỉ chuyển sự phụ thuộc từ nơi này sang nơi khác; từ những con người và nơi chốn xung quanh sang đồng tiền và những tổ chức mà tiền cuốn chúng ta vào. Và nếu bạn không sở hữu TV màn hình plasma, mọi người sẽ nghĩ bạn là người cực đoan quá khích.
Người ta thường hỏi tôi nhớ gì về lợi ích của cuộc sống cũ. Câu trả lời của tôi đó là: căng thẳng, tắc đường, báo cáo ngân hàng, các hóa đơn tiện ích.
À, có ít bia thừa với ông bạn tôi ở quán nhậu gần nhà nữa.
Khánh Huyền biên dịch.
Tham khảo:
1. Mark Boyle, The Moneyless Manifesto, Permaculture
2. Mark Boyle, I live without cash – and I manage just fine, The Guardian.
3. Mark Boyle, The cashless man responds to your comments, The Guardian.