Sách và văn hóa đọc
Sách và văn hóa đọc
Có chữ thì mới có sách. Ở ta, ban đầu là sách Hán và Nôm khắc in mộc bản hoặc thạch bản; do kẻ Sỹ và cho kẻ Sỹ – tức trí thức Nho học, viết và đọc. Bởi sách là kinh điển Nho gia tạo nên lộ trình “tiến vi quan, thối vi sư”. Sau sách Hán và Nôm đến sách Quốc ngữ với văn hóa in làm nên thời hiện đại.

Một thế hệ Tây học thay thế Nho học, nhằm tiếp cận văn minh phương Tây để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, hướng vào hai mục tiêu: Văn minh và Dân chủ; nhưng lượng người đọc và viết Quốc ngữ vẫn còn rất ít ỏi. Phải đến thời Dân chủ Cộng hòa sau 1945, với phong trào Ba chống: chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; và Truyền bá chữ Quốc ngữ trong toàn dân thì văn hóa đọc mới thật sự là rộng rãi.

Sự phát triển của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn từng bước với hội nhập quốc tế sau 1945 đã tạo một nền tảng cơ bản cho sự phát triển văn hóa đọc rộng khắp trong các lứa tuổi và mọi ngành nghề, mọi phân công xã hội. Và nhân vật trung tâm đóng vai trò chính trong văn hóa đọc, đó là người trí thức; bởi đối với họ, sách vừa là công cụ, lại vừa là sản phẩm cho mục tiêu phổ cập và nâng cao tri thức, giáo dục nhân cách, bồi đắp tâm hồn… cho con người

Tuổi học đường của trẻ nhỏ đọc theo yêu cầu giáo khoa. Học và đọc như thế nào cho phù hợp với yêu cầu và trình độ của các cấp học trong tương ứng với thời đại, quyết định chất lượng giáo dục. Còn người lớn thì bên cạnh việc đọc theo yêu cầu hẹp của nghề nghiệp, còn có yêu cầu rộng của sự sống tinh thần, trong đó sách văn học có thể xem là bộ phận cốt lõi hoặc bao trùm xuyên suốt lịch sử từ nghìn xưa cho đến nay.

Với tôi, từ khi biết đọc, khoảng 6, 7 tuổi tôi đã ham đọc. Vào một thời còn rất hiếm sách đọc, nên tôi đọc tất cả những gì có và đến trong tay. Tất cả sách viết cho thiếu nhi trong các tủ Sách Hồng, Truyền Bá, Hoa Xuân, Hoa Mai. Lấn sang sách người lớn, không chỉ Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài… mà gồm cả Tự lực văn đoàn. Rồi sách dịch, gồm những Vô gia đìnhTâm hồn cao thượngRobinxơn,  Những người khốn khổTam quốcTây duThủy hử… Đọc trên chạn rơm; dưới gốc mít, gốc ổi trong vườn; và trên đường đi học. Vào một thời đường làng, đường huyện rất ít xe cộ, nên không sợ đâm vào ai, hoặc bị ai đâm. Đọc mải miết, vô tư. Những “tác hại” của văn chương lãng mạn hoặc trinh thám, kiếm hiệp mãi sau này lớn lên tôi mới biết để… tránh, khi đã đọc tất cả, và tự thấy mình không có gì hư hỏng.

Lớn lên, khi chọn nghề, số phận xui tôi có một nghề cho đến hôm nay – đó là nghề viết, thuộc lĩnh vực khoa học văn chương. Nói cho rõ ngọn ngành câu chuyện này sẽ rất dài nên tôi xin miễn. Kể từ đây, từ tuổi ngoài 20, sách vừa là đối tượng tôi phải chiếm lĩnh, lại vừa là sản phẩm tôi phải tạo ra… Có nghĩa: tôi vừa là người đọc sách, vừa là người viết sách, với một hành trình gần như là khép kín: đọc, đi, nghĩ, viết – một hành trình khi đã thành một vòng quay thì khó mà nói đâu là mở đầu, đâu là kết thúc. Có nghĩa là, cho đến hôm nay thì động thái quen thuộc và sản phẩm cuối cùng của tôi vẫn chỉ là đọc hoặc viết. Ngừng hoặc lỏng đi một khâu nào đó thì tôi không thành tôi.

Khỏi phải nói cả một di sản khổng lồ của kỷ nguyên sách đến từ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại; nó vừa là sự thâu tóm, lại vừa như sự mở rộng các giới hạn sống, các kinh nghiệm sống – gồm những gì đã được biết và chưa biết, để gợi cho con người – tức người đọc, những gì quen mà lạ, hoặc lạ mà quen, trong một cõi nhân sinh ngắn ngủi khó mà đến được cái ngưỡng “ba vạn sáu ngàn ngày”. Thiếu đi sự nhận thức đó về vai trò của sách thì quả là phí hoài và thiệt thòi biết bao nhiêu!

Giáo sư Phong Lê

Đối với tôi, đọc cho chuyên môn hẹp và đọc cho nhu cầu mở rộng các giới hạn sống là gắn kết với nhau. Để hành nghề và cũng là để làm người. Có một sự nghiệp để được gọi là danh nhân, ít ra là nhà này, nhà nọ là cực khó, phải đọc thiên kinh vạn quyển mới làm nên được. Trước đã vậy và bây giờ càng vậy. Nhưng đọc để học cách vượt khó, vượt các lực cản trên đời mà giành lại sự sống và giữ cho được gốc thiện thì hãy tìm đến Những người khốn khổ của V. Hugo, Papillon – người tù khổ sai của H. Charrière, Số phận con người của M. Sôlokhov. Sống là sự thực hiện các mục tiêu lớn nhỏ của nghề nghiệp; là được làm và làm được những việc có ích; là biết cách thân thiện với cộng đồng xã hội. Có thế mới được gọi là người tử tế. Nhưng sống tử tế là như thế nào? Có khi tử tế lại được xem là gã khờ hoặc thằng ngốc như phát hiện của F. Dostoievski, không chỉ đúng với thời của Dost. mà còn ứng nghiệm cho cả hôm nay. Có cái sống không đáng sống như sống mòn, như đời thừa của Nam Cao; lại có cái chết mà thành bất tử như Đặng Thùy Trâm. Có cái “tối ba mươi” đen kịt mà lại hửng sáng tình người như trong Tối ba mươi của Thạch Lam. Gốc của mọi thứ gốc đạo đức của cõi người là nằm ở chữ hiếu; và sự bất hiếu không cần phải khủng khiếp, man rợ như các cảnh huống ta thấy hôm nay, mà chỉ là một vô tâm hoặc ân hận muộn màng như nhân vật cô gái trong Bức điện của C.Pautopxki. Hai số phận được đánh đổi quanh một “chiếc lá cuối cùng” chỉ dăm trang của O. Henry mà chứa đựng bao triết lý sống thật sâu xa cho nhân quần ở bất cứ đâu. Rõ ràng chỉ có sách mới đưa lại những khái quát và đặt ra những nghịch lý ám ảnh đến thế cho con người chiêm nghiệm!

Những trang sách ứng với các trang đời; có đời rồi mới có sách. Nhưng sách lại là kết tinh, là quy tụ, là lưu giữ và vĩnh cửu hóa các giá trị của đời. Hàng nghìn năm con người trong tình yêu và tình yêu của con người đã được biểu trưng trong Ngưu Lang – Chức nữ, Tristan và Yseul, Roméo và Juliette, Thúy Kiều – Kim Trọng, Tố Tâm và Đạm Thủy… Đã nhiều nghìn năm con người soi vào đấy mà nhận ra gương mặt mình; và để không đánh mất những gì kỳ diệu nhất tạo hóa ban cho mình. Thế nhưng cổ tích về tình yêu vẫn chưa hề khép lại trong câu chuyện đầu năm Giáp Ngọ – 2014, một người con gái xứ Nghệ là Hoàng Kim Dung, nhờ vào những tiến bộ trong khoa học, đã sinh cho chồng là Hồ Sỹ Ngọc một đứa con sau khi chồng mất… bốn năm!

Tôi không tính được những gì tôi đã đọc, và đọc đi đọc lại, ở Thế hệ Vàng của nền văn chương Quốc ngữ có tuổi thọ hơn 100 năm ở xứ ta, với các tên tuổi lớn như  Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Nói trăm năm, và “trăm năm trong cõi” tôi lại nhớ Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ. Thật là hạnh phúc và vẻ vang cho dân tộc khi có một Nguyễn Du, với 3254 câu Kiều cho các bà mẹ Việt có thể thuộc lòng hoặc đọc ngược; cho nhiều chục thế hệ trí thức Nho học và Tây học có thể dành cả đời mình cho việc đọc, ngâm, vịnh, bình, xướng họa về Kiều… Bởi, chỉ với Truyện Kiều, hơn bất cứ tác phẩm nào khác, mới có được một sự sống bền lâu như thế, và rộng rãi đến thế; một sự sống đến từ và làm nên bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, tính cách Việt, tâm hồn Việt. Hãy mượn lời Tố Hữu để nói về sự sống ấy:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.

Hoặc Chế Lan Viên:

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn.

Có đến trăm nghìn chuyện để nói về sách, ngay ở thời điểm của Cách mạng 4.0, của Kỷ nguyên internet, của Toàn cầu hóa hôm nay. Trở lên, chỉ là đôi điều vụn, nhỏ ở một người có ít nhiều duyên nợ với sách.

GS PHONG LÊ

Tags: