Sách điện tử đang 'nghẽn' ở đâu?
Sách điện tử đang 'nghẽn' ở đâu?
Nhu cầu phát triển mảng sách điện tử (ebook) không chỉ được nhắc đến tại Hội sách trực tuyến Việt Nam 2020. Xa hơn, cùng với sự bùng nổ của Internet từ hơn chục năm trước, chúng ta từng kỳ vọng loại hình này sẽ là bước đột phá để có thể đem tri thức tới bạn đọc một cách nhanh, nhiều và rẻ nhất. Nhưng thực tế xem ra không phải vậy…

Nhu cầu phát triển mảng sách điện tử (ebook) không chỉ được nhắc đến tại Hội sách trực tuyến Việt Nam 2020. Xa hơn, cùng với sự bùng nổ của Internet từ hơn chục năm trước, chúng ta từng kỳ vọng loại hình này sẽ là bước đột phá để có thể đem tri thức tới bạn đọc một cách nhanh, nhiều và rẻ nhất. Nhưng thực tế xem ra không phải vậy…

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books, về vấn đề này.
Từng có nhiều năm kinh nghiệm xuất bản, ông Bình cho biết:
- Quả thật, chúng ta từng khá lạc quan và trông đợi vào sự phát triển của sách điện tử. Ưu thế tuyệt đối của nó là việc giảm chi phí về giá bán, đồng thời giúp độc giả có thể tiếp cận với nội dung sách dễ dàng. Bởi so với sách điện tử, quy trình làm sách giấy kéo dài hơn cả tháng trời với hàng loạt công đoạn như xử lý ở nhà in, vận chuyển về kho, chuyển tới nhà cung cấp rồi phân phối ra thị trường. Đặc biệt, chi phí in ấn rất lớn, thường chiếm tới 40-50% tổng chi phí cho một cuốn sách.
 
Nhưng sự thật, việc phát triển và kinh doanh sách điện tử tại Việt Nam vẫn rất yếu kém. Thậm chí, có thể nói rằng sau 10 năm thì sách điện tử không những không phát triển mà còn giảm sút. Nhiều đơn vị làm sách đã cố gắng phát hành sách điện tử xong doanh thu rất thấp. Và, có công ty từng được thành lập với mục đích đón bắt xu hướng này nhưng hai năm gần đây đã đóng cửa vì không có doanh thu…
 
 
* Chúng ta sẽ tạm dùng khái niệm ebook cho tất cả các loại sách điện tử đang có tại Việt Nam, bất kể nó là định dạng prc, là epub, là những trang text được đưa thẳng lên mạng Internet hay những trang sách giấy được scan rất sơ sài. Và, dù anh nói về việc kinh doanh ebook đang đi xuống, trên thực tế, những trang web cung cấp miễn phí ebook do cộng đồng tự xây dựng lại đang xuất hiện ngày càng nhiều…
 
- Theo tôi, có thể chia sẻ những ebook này làm 2 dạng. Dạng thứ nhất là những ebook theo kiểu các sáng tác ngắn, nội dung khá đơn giản. Đây là xu hướng đã có ở nhiều quốc gia phát triển, khi những cuốn sách này ít có khả năng kinh doanh trên bản sách giấy và thường nặng tính giải trí để độc giả lướt qua một lần.
Dạng thứ 2 phổ biến hơn, đó là những ebook có chất lượng nhưng được làm trái phép từ các bản sách giấy của các đơn vị xuất bản. Những trang chia sẻ miễn phí dạng 2 này có vai trò thúc đẩy thị trường, nhưng chỉ mang tính chất mở đường ở giai đoạn ban đầu. Khi hướng đi này phát triển tràn lan, nó sẽ tiêu diệt ngành xuất bản, chôn vùi dự định kinh doanh ebook hệt như sách lậu.
 
 Đó là một trong những lý do để việc kinh doanh ebook hiện nay gặp bế tắc?
 
- Xin khẳng định: Những trang chia sẻ miễn phí kiểu này khiến những người làm sách như chúng tôi không nhìn thấy triển vọng của việc kinh doanh ebook. Việc dẹp bỏ chúng để mở đường cho ebook hợp pháp và chuyên nghiệp là không cần bàn cãi.
Có thể so sánh thị trường Mỹ và Việt Nam, hai quốc gia có những môi trường kinh doanh khá ngược nhau. Tại Mỹ, việc thành lập NXB và xuất bản sách dễ dàng, hầu như không mất chi phí, không phải đăng ký và không phải xin phép. Nhưng việc làm lậu sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc với mức phạt nặng nề. Còn tại Việt Nam thì ngược lại, việc lập NXB và xin giấy phép xuất bản khó khăn, cần thời gian..., nhưng việc in lậu và kinh doanh sách lậu, ebook lậu lại rất dễ dàng và chẳng có hình phạt nào đáng kể. Cơ chế này càng làm cho việc kinh doanh nghiêm túc khó khăn hơn nhiều lần nhưng tạo môi trường thuận lợi nuôi dưỡng những cách làm vi phạm pháp luật và phá hỏng thị trường, phá hỏng nền xuất bản lành mạnh...
* Anh có những kiến giải nào khác về sự bế tắc của việc kinh doanh ebook hiện nay không?
 
- Các đơn vị xuất bản hiện nay chỉ sản xuất về nội dung và rất yếu kém về công nghệ. Họ rất khó có thể phát triển những ứng dụng nền tảng cho việc đọc sách và kinh doanh ebook bởi các khó khăn về công nghệ, nguồn vốn và thị trường. Nhìn chung, việc phát triển một nền tảng/platform thương mại đủ lớn, có tầm vóc thì phải trông cậy những nhà phát hành hay những đơn vị công nghệ, còn phía xuất bản chỉ nên giữ vai trò liên kết.
Nhưng, như đã nói, triển vọng kinh doanh ebook ở Việt Nam không hấp dẫn, nên không không có nhiều người sẵn lòng đầu tư phát triển những nền tảng như vậy. Nhìn chung, câu chuyện vẫn quẩn quanh với những vấn đề cơ bản về văn hóa đọc, về thị trường và ý thức tôn trọng bản quyền tại Việt Nam. Khi việc in lậu sách giấy hay phát hành ebook lậu còn đang tràn lan thì người làm xuất bản e dè với sách điện tử cũng là dễ hiểu.
 
* Bằng kinh nghiệm của mình, anh có thể chia sẻ về sự cạnh tranh giữa ebook và sách giấy tại các nước phát triển?
 
- Ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, ebook phát triển rất mạnh. Chẳng hạn, trên Amazon, ebook đã chiếm thị phần tương đương với sách giấy - còn một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì đều hình thành những công ty kinh doanh ebook. Nhưng nhìn tổng quát, sách điện tử hiện chỉ phát huy thế mạnh tuyệt đối ở một số mảng nhất định. Chẳng hạn, gần chục năm qua, chúng ta đã thấy từ điển gần như biến mất khỏi thị trường sách giấy, bởi nó không cạnh tranh được với tính hệ thống rất tốt của những từ điển điện tử.
Bởi vậy, theo tôi, trong tương lai ebook sẽ gắn với mảng sách về tra cứu, nghiên cứu hoặc những cuốn sách đòi hỏi độc giả thường xuyên truy tìm, lưu giữ thông tin, như giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ. Còn trong lĩnh vực văn học, kinh điển, lịch sử hội họa… sách giấy vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định bởi lợi thế về cách cảm nhận truyền thống.
* Ở góc độ cá nhân, anh và Alpha Books đã từng tính đến việc xuất bản ebook chưa? Và nếu thử phác họa, theo anh, một ebook nên bổ sung thêm những tiện ích gì so với việc chỉ là một bản text của sách giấy như hiện nay?
 
- Chúng tôi đã và đang nghiên cứu về hướng này. Nhưng để thành công, như đã nói, chúng tôi cần những nhà đầu tư, cần hợp tác với những công ty công nghệ và đặc biệt, cần được bảo đảm về bản quyền.
Còn lại, theo hình dung của tôi, sách điện tử cần phải được bổ sung các tính năng để tận dụng mọi thứ mà công nghệ có thể mang lại. Đó là những tính năng đa truyền thông, âm thanh, hình ảnh, khả năng kết nối với bên ngoài, hay các tính năng gắn với việc theo dõi tiến trình đọc sách, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ những suy luận cảm nhận trong quá trình đọc. Chẳng hạn, ở lĩnh vực sách giáo khoa, đó không thể chỉ là việc sao chép nội dung “chết” từ sách giấy, mà phải là một cuốn sách điện tử có tính tương tác với học sinh.
 
*Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
3 “kịch bản” cho ebook tại Việt Nam
Theo quan điểm của ông Nguyễn Cảnh Bình, với những gì đang diễn ra, tôi thấy tương lai của ebook tại Việt Nam có thể phát triển theo 3 kịch bản sau
1. Tiếp tục nhì nhằng và ở quy mô thấp nhỏ bé như hiện nay, nếu không có những đột phá lớn về giám sát cũng như xử lý các sai phạm về bản quyền.
2. Có một cú hích đủ lớn để kích hoạt được thị trường này. Thực tế, diễn biến của dịch Covid-19 có thể coi là một cú hích phù hợp để thúc đẩy thị trường ebook. Tuy nhiên, nó cần thêm những yếu tố khác về chế tài xử lý vi phạm bản quyền, cũng như sự xuất hiện của những nhà đầu tư cho thị trường ebook.
3. Không có những đầu tư lớn, nhưng lĩnh vực xuất bản điện tử vẫn có những cải cách vừa phải từ phía các cơ quan nhà nước, từ giới xuất bản, có những khoản đầu tư ở mức độ vừa phải cho việc kinh doanh lĩnh vực này.

Nguồn: Bài phỏng vấn trên thethaovanhoa.vn

Tags: