“Read Your Way Around the World” - Phần 4: Đọc gì để hiểu Berlin?
“Read Your Way Around the World” - Phần 4: Đọc gì để hiểu Berlin?
Trong phần 4 của chuyên mục “Read Your Way Around the World” từ New York Times, Tác giả người Đức Daniel Kehlmann, người đã viết nên cuốn tiểu thuyết “Tyll”, sẽ giới thiệu những cuốn sách giúp bạn khám phá quá khứ đau buồn và hiện tại năng động của thành phố Berlin - thủ đô nước Đức.
Tác giả Daniel Kehlmann sẽ hướng dẫn bạn tìm hiểu về Berlin
Berlin không đẹp. Bạn nên biết trước điều đó. Bạn không đến đây vì kiến ​​trúc tuyệt đẹp của một thành phố cổ châu Âu.

Nhà thờ Berlin có cảm giác quá khổ. Bên kia đường thì có Stadtschloss ngớ ngẩn - một lâu đài đã bị phá bỏ vào năm 1950, được thay thế bằng một tòa nhà theo phong cách Brutalist (thô mộc) và gân đây, nó được xây dựng lại từ đầu đúng với diện mạo hồi thế kỷ 19, nhưng nội thất lại siêu hiện đại. Trên quảng trường Potsdamer Platz, một mái vòm bằng kính trông giống túp lều được dựng lên, nó như là một viên nang thời gian mà những người ở đầu thập niên 90 nghĩ rằng tương lai của họ sẽ trông như vậy. Ngay bên dưới đường là Cổng Brandenburg, một tượng đài tân cổ điển đã trở thành biểu tượng của nước Đức mới thống nhất. 

Thế kỷ 20 đã đi qua và để lại những dấu ấn sâu sắc đối với thành phố này. Cách đây không lâu, Berlin vẫn còn bị chia cắt bởi một bức tường. Và lịch sử trước bức tường còn đen tối hơn: Hãy để ý những miếng đồng hình vuông trên vỉa hè - Stolpersteine, hay theo nghĩa đen, chúng là “những viên đã vụng về” - mỗi tấm đều khắc trên đó tên, ngày sinh và số phận của một người Do Thái ở Berlin bị Đức quốc xã thảm sát. Chúng cũng như một lời nhắc nhở về những người mà thế hệ sau của họ bây giờ đang sống ở thành phố này. Ở Berlin, nếu bạn tường tỏ gốc gác của mình, bạn sẽ tìm thấy nỗi đau ở mọi ngóc ngách.

Nhưng khi thời tiết đẹp, bạn hãy đạp xe từ Neukölln đến Kreuzberg, qua Friedrichshain và Prenzlauer Berg, khi những tòa nhà vụt qua, bạn sẽ tìm thấy cảm giác tự do khi phóng tầm mắt qua những quán cà phê, nhà hàng và công viên đông đúc với những người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. 

Stolpersteine - những miếng đồng khắc tên, ngày sinh và số phận của những nạn nhân dưới thời Đức quốc xã

Sức hấp dẫn của Berlin phần lớn là các hoạt động trong nhà như trong các quán cà phê, câu lạc bộ và căn hộ của mỗi người. Lịch sử nghiệt ngã của thành phố đã làm người ta nảy sinh khát cầu niềm vui, đôi khi có phần hơi quá. Có một nền văn hóa khiêu vũ và câu lạc bộ nghiêm túc, từ nhạc techno đến Afrobeats, trong các trường khiêu vũ và trên đường phố. 

Nhiều không gian rộng lớn xuất hiện sau khi bức tường sụp đổ cũng dẫn đến việc nhiều nghệ sĩ vĩ đại có xưởng vẽ ở Berlin và do đó, nghệ thuật đương đại phát triển mạnh mẽ. Trong văn học, có rất nhiều nhà văn sử dụng tiếng Đức nổi bật, trong đó có cả những người tới từ Áo và Thụy Sĩ, hiện đang sống ở Berlin.

Nhưng điều hay nhất về Berlin có thể là câu thần chú về mọi người đều bình đẳng vẫn có tác dụng theo nhiều cách. Berlin vẫn có giá cả phải chăng và bạn không cần nhiều tiền để trở nên sành điệu. Không biết tự khi nào, nhưng Berlin đã vượt qua quá khứ bi thảm và trở thành một nơi tuyệt vời hơn 

Trước khi đến Berlin, bạn nên đọc gì?

Tác phẩm “Berlin Alexanderplatz” và tác giả Alfred Döblin

Tác phẩm kinh điển “Berlin Alexanderplatz” của Alfred Döblin. Đó là một trong những tiểu thuyết hiện đại vĩ đại của thế kỷ 20. Tìm hiểu về Berlin không phải là lý do duy nhất để bạn đọc nó. 

Bạn nên mang theo cuốn sách hoặc tác giả nào khi tới Berlin?

Tiểu thuyết “The Gift” của tác giả Vladimir Nabokov

“The Gift” của Vladimir Nabokov. Đó là cuốn sách cuối cùng viết bằng tiếng Nga của ông - một thiên tiểu thuyết về một người đàn ông và một người phụ nữ mà số phận cố gắng mang họ đến với nhau (trong một thời gian dài nhưng vô ích). Nó cũng nói về cộng đồng lớn người Nga đã tị nạn ở Berlin sau cuộc cách mạng. Vì những lý do hiển hiện đó, đây là một chủ đề có ý nghĩa mãi về sau. 

Cuốn sách “The Artificial Silk Girl” của tác giả Irmgard Keun

“The Artificial Silk Girl” của Irmgard Keun. Đây là một cuốn tiểu thuyết rất độc đáo, đậm chất Berlin vào đầu thế kỷ 20. Nhân vật kể chuyện là một phụ nữ trẻ, với giọng bất cần và hài hước sẽ khiến bạn khó mà quên được.

Tác phẩm “Every Man Dies Alone” và tác giả Hans Fallada

“Every Man Dies Alone” của Hans Fallada. Đây là một bức tranh lớn về xã hội Berlin dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã. Nó vừa mang đến cho bạn những cơn ác mộng, nhưng cũng mang đến những cảm giác rất thực, theo cách mà chỉ những cuốn tiểu thuyết hay mới có thể làm được.

Tiểu thuyết “The Short End of the Sonnenallee” và tác giả Thomas Brussig

“The Short End of the Sonnenallee” của Thomas Brussig. Một trong những tiểu thuyết châm biếm xuất sắc nhất về cuộc sống ở Đông Berlin, dưới bóng của bức tường (theo nghĩa đen). Bản dịch tiếng Anh của Jonathan Franzen và Jenny Watson, với phần giới thiệu của Franzen, sẽ được xuất bản vào tháng 4 năm 2023 bởi Picador Original.

Tác phẩm “Berlin Blues” và tác giả Sven Regener

“Berlin Blues” của Sven Regener. Một trong những cuốn sách hài hước nhất về nước Đức từ trước đến nay, nó khám phá cuộc sống ở Berlin sau ngày thống nhất với rất nhiều rượu và không có tiền sẽ như thế nào.

Cuốn sách lịch sử “Berlin” và tác giả Jens Bisky

Và nếu bạn biết tiếng Đức, hãy thử cuốn lịch sử mới xuất bản và do đó nó chưa được dịch sang tiếng Anh của Jens Bisky, “Berlin”. Cũng giống như chính thành phố này, đừng nản lòng bởi quy mô lớn của nó.

Nếu không có thời gian cho các chuyến đi trong ngày, bạn nên chọn cuốn sách nào?

Nhà văn Theodor Fontane

Bất kỳ tiểu thuyết nào của Theodor Fontane, nhà văn vĩ đại của thế kỷ 19. Những tác phẩm của ông thường lấy bối cảnh khá bình dị của Brandenburg, khu vực xung quanh Berlin.

Cuốn “Memoirs of the Life of Monsieur de Voltaire” của Voltaire

Và cuốn “Memoirs of the Life of Monsieur de Voltaire” của Voltaire. Potsdam chỉ cách Berlin một giờ lái xe, tình bạn của Frederick Đại đế và nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ 18 dẫn đến rất nhiều lời vu khống lẫn nhau mang tính giải trí cao, là điều vô cùng thú vị để khám phá. 

Nhà văn nào mà mọi người đang nhắc đến?

Ngay bây giờ, người ta đang nói về những nhà văn lớn của Ukraine - chẳng hạn như Yuri AndrukhovychAndrey Kurkov - cũng như những nhà văn bất đồng chính kiến ​​người Nga đã đến được Đức và không thể trở về quê hương của họ vì những lý do chính trị, chẳng hạn Vladimir Sorokin, Ludmila Ulitskaya Victor Erofeyev. Đây là những cái tên quen thuộc ở châu Âu. 

Cuốn sách nói nào sẽ phù hợp để bạn vừa đi dạo Berlin vừa nghe?

Hãy nghe vở “Opera Threepenny” của Bertolt Brecht - vở kịch tinh túy về Berlin những năm 1920. Bạn không cần hiểu các câu chuyện trong đó, chỉ cần thưởng thức các bài hát thôi.

Những biểu tượng văn học mà bạn có thể thấy được đặt tên trên các bảng hiệu, tượng, tượng đài

Nhà tù Hohenschönhausen

Đây không phải là một gợi ý vui, nhưng hãy đến nhà tù Hohenschönhausen, nơi mật vụ Đông Đức thẩm vấn những người bất đồng chính kiến, nhiều người trong số họ là nhà văn. Hồi đó, bạn không thể tìm thấy nó trên bất kỳ bản đồ nào: Rất ít người biết nó tồn tại. Bây giờ, các cựu tù nhân là hướng dẫn viên du lịch! Nói một cách tương đối, các cựu tù nhân còn quá trẻ nên có thể hiểu một cách trực quan rằng chế độ độc tài vẫn còn tồn tại gần đây như thế nào. Nó có thể khiến một ngày của bạn trở nên u ám, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu thêm về nửa sau của thế kỷ 20 hơn hầu hết các cuốn sách hoặc viện bảo tàng.

Nơi tuyệt vời để bạn cuộn tròn với một cuốn sách

Hiệu sách Dussmann

Từ Berliner Ensemble, đi bộ 10 phút qua ga xe lửa Friedrichstrasse - nơi là ga xe lửa trung chuyển giữa Đông và Tây trong thời kỳ bức tường - đến hiệu sách khổng lồ tên là Dussmann, trên đường Friedrichstrasse. Hiệu này có mọi thứ, bằng mọi ngôn ngữ và lớn đến mức bạn có thể không bao giờ tìm được lối ra.

Hiệu sách Bücherbogen

Hoặc, nếu bạn đã ở phía tây thành phố, hãy đến Bücherbogen ở Savignyplatz. Nó nhỏ hơn Dussmann, nhưng có lẽ là hiệu sách tư nhân đẹp nhất Berlin.

Sau đó, lấy tất cả những cuốn sách bạn đã mua và nếu đó là mùa xuân hoặc mùa hè, hãy đến Volkspark Friedrichshain gan góc và ở lại cho đến khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, nếu là mùa đông, bạn tốt nhất nên tránh đến các công viên. 

Mà thực ra, nếu là mùa đông, bạn đừng nên đến Berlin làm gì! 

—---------

Những cuốn sách về Berlin mà Daniel Kehlmann đề xuất 

  • “Berlin Alexanderplatz” của Alfred Döblin
  • “The Gift” của Vladimir Nabokov
  • “The Artificial Silk Girl” của Irmgard Keun
  • “Every Man Dies Alone” của Hans Fallada
  • “The Short End of the Sonnenallee” của Thomas Brussig
  • “Berlin Blues” của Sven Regener
  • “Berlin” của Jens Bisky
  • Các tiểu thuyết của Theodor Fontane
  • “Memoirs of the Life of Monsieur de Voltaire” của Voltaire
  • “Threepenny Opera” của Bertolt Brecht

>> Đặt mua những cuốn sách trên từ Amazon tại đây!

Trong phần tới của “Read Your Way Around the World”, chúng ta sẽ cùng đọc để hiểu về Newfoundland của Canada. Các Mọt đừng bỏ lỡ nhé!

 

 

Tags: