Phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi ở kỷ nguyên số: Biến THÁCH THỨC thành CƠ HỘI
Phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi ở kỷ nguyên số: Biến THÁCH THỨC thành CƠ HỘI
(HNM) - Kỷ nguyên số không chỉ tạo ra những thách thức, mà còn đem đến nhiều cơ hội phát triển văn hóa đọc, đặc biệt trong thanh thiếu nhi - những công dân sinh ra và lớn lên trong thời đại mới. Những người làm ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xuất bản cần bắt kịp xu hướng tiếp cận tri thức của người trẻ, từ đó tạo đột phá trong việc xây dựng thói quen đọc, biến thách thức thành cơ hội phát triển văn hóa đọc ở thanh thiếu nhi.

Cơ hội và thách thức

Những năm gần đây, Thư viện Hà Nội đã thay đổi từ hoạt động truyền thống sang hoạt động trên nền tảng số để đáp ứng nhu cầu của độc giả trẻ. Ngoài thực hiện đăng ký cấp thẻ bạn đọc trực tuyến, cung cấp tài liệu trực tuyến, Thư viện Hà Nội còn triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến hay tư vấn, giới thiệu sách cho bạn đọc qua trang Facebook của thư viện.

Vì thế, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hai năm qua, số lượng độc giả của Thư viện Hà Nội vẫn được duy trì ổn định, trung bình phục vụ hơn 1,3 triệu lượt bạn đọc, với gần 2,2 triệu lượt tài liệu mỗi năm. Trong đó, có số lượng lớn độc giả thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Đặc biệt, Thư viện Dream Plus Library (Thư viện Những ước mơ) - dự án đặt tại tầng 4 của Thư viện Hà Nội ra mắt hồi đầu năm 2021 dành cho bạn đọc trẻ tuổi với thiết kế sinh động, trang thiết bị hiện đại, để các em thoải mái đọc sách, xem phim, trải nghiệm văn hóa.

Cũng là một điểm đến của độc giả thanh thiếu nhi tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam có Thư viện Văn hóa thiếu nhi, Không gian chia sẻ S.hub được trang bị hiện đại, sáng tạo, không chỉ để các bạn trẻ đọc sách, mà còn phục vụ nhu cầu giải trí, tương tác, chia sẻ tri thức trên nền tảng số. Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng là đơn vị tiên phong trong triển khai dịch vụ tra cứu thư mục trực tuyến, đọc trực tuyến… phù hợp với độc giả trẻ.

Độc giả trẻ tìm đọc sách trên website của Nhà Xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Quang Thái.

Ngoài ra, các đơn vị xuất bản cũng chuyển động mạnh để thu hút độc giả thanh thiếu nhi trong kỷ nguyên số. Trong đó, trang điện tử stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hiện nay có hàng trăm ấn bản điện tử, cung cấp miễn phí và thu phí. Cùng với phát triển sách điện tử, Nhà Xuất bản Kim Đồng, Công ty cổ phần Sách Thái Hà đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Fonos để cung cấp dịch vụ sách nói, nhất là các ấn phẩm chất lượng, được yêu thích trên ứng dụng Fonos.

Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021 Nguyễn Minh Phương (lớp K63KHCTT, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: “Bản thân tôi cũng tìm kiếm và biết đến nhiều cuốn sách bổ ích để đọc thông qua các nền tảng số, như: Facebook, YouTube... Tôi cũng tích cực sử dụng và tham gia các nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ những cuốn sách mình yêu thích, sở thích đọc sách với bạn bè và lan tỏa tình yêu sách đến với cộng đồng”.

Tuy nhiên, thời đại số cũng ra đời những phương tiện giải trí hấp dẫn, cuốn hút đối tượng thanh thiếu nhi như mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim, nhạc... Điều này đặt ra thách thức lớn để duy trì và phát triển văn hóa đọc ở người trẻ.

Rộng mở cách thức tiếp cận tri thức

Thanh thiếu nhi hiện nay sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, có khả năng mở rộng cơ hội truy cập thông tin không giới hạn. Vì vậy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vương Hương Giang đề xuất xây dựng website đọc sách trực tuyến sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh tất cả các vùng miền, cấp học. Website này cung cấp bản mềm sách giáo khoa; có sách văn học, kỹ năng sống, truyền cảm hứng…; có sách nói nhiều ngôn ngữ; có mục giới thiệu sách dưới dạng bài viết hay video…

Cùng quan điểm cần xây dựng nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc phù hợp với giới trẻ trong kỷ nguyên số, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho rằng, các thư viện, đơn vị xuất bản, nhà trường cần tăng cường hoạt động xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, có nguồn dữ liệu bản quyền đa dạng, hấp dẫn thanh thiếu nhi.

Trẻ em đọc sách tại Thư viện Dream Plus Library (Thư viện Hà Nội). Ảnh: Quang Tấn.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Nguyễn Hữu Ngọc cho rằng, để tạo phong trào đọc trong đối tượng thanh thiếu nhi cần phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội. Trong đó, các cấp bộ Đoàn phải quan tâm phát triển tủ sách điện tử, thư viện điện tử, thúc đẩy mô hình “Mỗi tuần đọc một cuốn sách”… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không gian giao tiếp và hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài phải tạm dừng ở nhiều nơi, do vậy, các địa phương, cấp bộ Đoàn, Hội, Đội, trường học nên tổ chức những hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc trên không gian mạng, như thi tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện theo sách…

Về phía cơ quan quản lý, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quốc Hùng cho biết, nhằm tạo đột phá trong việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng thế hệ đọc tương lai bền vững, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết các chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động tiếp cận tri thức cho thanh thiếu nhi trong kỷ nguyên số. Ngành Thư viện cũng triển khai chuyển đổi số, liên kết, liên thông thư viện, hợp tác quốc tế trong cung cấp dữ liệu số để thanh thiếu nhi tiếp cận với nguồn thông tin rộng mở, đa dạng…, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Theo báo Hà Nội mới

 
Tags: