Paul Doumer — phượt thủ xứ Đông Dương nghĩ gì về dân An Nam?
Paul Doumer — phượt thủ xứ Đông Dương nghĩ gì về dân An Nam?
Trích dẫn Chương 2 cuốn sách "Xứ Đông Dương", độc quyền trên Trạm Đọc.

 

Đất nước và con người

 

Xứ Đông Dương thuộc Pháp mà tôi được cử sang để cai trị bao gồm toàn bộ phần phía đông của bán đảo lớn Đông Dương. Người Anh sở hữu phía Tây và phía Nam của bán đảo này, cụ thể là Miến Điện và các Bang Mã Lai. Xiêm La ở giữa người Anh và chúng ta như một nước đệm. Về mặt địa lí xứ Xiêm LA gắn kết chặt chẽ với phần Đông Dương thuộc Pháp hơn so với phần Đông Dương thuộc Anh; có thể nói xứ Xiêm La gắn liền với phần sở hữu của chúng ta. Biên giới giữa các xứ trong Đông Dương chỉ thuần túy là quy ước; ngược lại, biên giới giữa Xiêm La và Miến Điện là một bức tường núi non rất cao gần như không thể vượt qua được.

Sông lớn nhất Đông Dương là sông Mê Kông, dài gần 4.000 cây số. Chiều rộng khi nước xuống thấp đôi khi là một, thậm chí là hai cây số. Khi nước cao, sông như "không đáy, không bờ". Trước khi ra tới Biển Đông, sông chia thành nhiều nhánh tươi mát cho Cao Miên và Nam Kì.

Sông Mê Kông là một con sông của Pháp xét về mặt địa lý và lịch sử. Chính người Pháp đã thám hiểu sông Mê Kông và giới thiệu nó với thế giới trong những tác phẩm nổi tiếng; chính nó đã chảy trên đất của Pháp ngay từ khi hình thành.

Tại Miến Điện, người Anh có được hai con sôn lớn là sông Irrawaddy và sông Saluen. Xiêm La được tưới mát bằng sông Mê Nam, sông này có lưu vực gần như hòa vào lưu vực sông Mê Kông ở bên cạnh. Rất khó xác định đường phân thủy giữa hai con sông này. Cuối cùng, tại Bắc Kỳ có sông Hồng với hai nhánh chính là sông Đà và sông Lô. Các sông khác không đáng kể ra ở đây.

Từ khối núi Vân Nam hùng vĩ còn tách ra một nhánh núi chạy dài khắp Đông Dương gọi là dãy núi Trường Sơn. Ở phía bắc, khối núi này phát triển khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao, tạo thành các thung lũng cao, các cao nguyên, các đỉnh cao ở hai bên sông Lô, sông Hồng và sông Đà; ở phía nam, nó trải ra thành một cao nguyên rộng lớn là cao nguyên Trấn Ninh, trên có một số con sông lớn chảy ra vịnh Bắc Kỳ và về phía sông Mê Kông; cuối cùng là dãy núi Trường Sơn giảm nhanh ở phía Nam và lặn vào biển ở Ô Cáp.

Bờ biển phía đông Đông Dương ăn sát dãy núi Trường Sơn nên các sông suối ở đây nhìn chung rất ngắn và các đồng bằng ven biển thì nhỏ hẹp. Tuy nhiên phải nói rằng có hai con sông ở bắc Trung Kỳ rất rộng; đó là sông Mã chảy qua các tỉnh Thanh Hóa giàu có và sông Lam chảy qua Vinh; về phía nam, các sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Quảng Trị, sông Hương, sông Đà Nẵng, sông Cái, sông Đà Rằng, và xa nữa về phía Nam là sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên ở Trung Kỳ, chảy qua Nam Kỳ và đổ ra biển qua 20 nhánh, một trong số đó thường được gọi là sông Sài Gòn.

Cạnh sông Đồng Nai ở Nam Kỳ là sông Vàm Cỏ mà nhánh Đông và nhánh Tây gặp nhau đổ ra biển tại chỗ không xa cửa chính của sông Mê Kông.

 Như vậy cấu trúc địa hình của Đông Dương kéo dài từ bắc xuống nam theo ba đường song song nhau: bờ biển, sông Mê Kông và giữa hai đường đó là dãy núi Trường Sơn. Đông Dương mở rộng ra ở hai đầu: đầu bắc phát triển thành những khối núi đồ sộ, đầu nam là các đồng bằng mênh mông và bị chia cắt bởi hàng trăm con sông. Diện tích của Đông Dương, mà cứ sau vài năm một lần các nhà trắc đạc và các nhà đo vẽ địa hình cho biết sau khi hoàn thành công việc của họ, là một con số gấp đôi diện tích nước Pháp. Thời Đế quốc An Nam, người ta ví hình dáng nước này như một cái đòn gánh có hai thúng gạo treo ở hai đầu, một đầu là Nam Kỳ màu mỡ, đầu kia là Bắc Kỳ; còn Trung Kỳ là chiếc đòn gánh, tượng trưng cho sự khô cằn. Gần đây người ta thấy sự so sánh thế là không chính xác, bởi đất đai Trung Kỳ cũng màu mỡ nhưng việc lưu thông tài nguyên ở đây khó khăn hơn nhiều. Nếu có các phương tiện giao thông, Trung Kỳ sẽ cung cấp nhiều sản phẩm có giá trj cao. Tất cả các xứ cho thấy Đông Dương của chúng ta đã may mắn được thiên nhiên ban tặng nhiều thứ.

Dân số Đông Dương ước tính khoảng 20 triệu. Mặc dù con số này còn chưa thể kiểm chứng nhưng có thể nói là đã khá sát thực tế. Chính xác là Nam Kỳ có ba triệu người; Bắc Kỳ có khoảng tám triệu, Trung Kỳ bảy triệu, cả Cao Miên và Ai Lao cộng lại khoảng hơn hai triệu một chút.

Chí ít bốn phần năm dân số Đông Dương thuộc chủng tộc An Nam. Vả lại lãnh thổ của Đông Dương chúng ta hiện nay không khác mấy với lãnh thổ của đế quốc An Nam thời còn hùng mạnh. Đế quốc An Nam lúc đó có Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Cao Miên là nước phiên chịu cống nạp. Chỉ có Ai Lao hình như chưa bao giờ bị chinh phục hoàn toàn. Về nguồn gốc người An Nam, chúng ta chỉ có những khái niệm mơ hồ. Có vẻ như họ đến từ các vùng của các xứ Mã Lai từ nhiều thế kỷ trước đây rồi tiêu diệt hoặc thống trị các dân tộc sinh sống ở Đông Dương trước họ. Tới lượt mình, họ lại bị người Trung Hoa xâm lược ở nhiều giai đoạn khác nhau và bị đô hộ trong một thời gian nhưng họ liên tục chống cự một cách dũng cảm và giành lại được độc lập. Cuộc xâm lăng hung hãn của Trung Hoa trên khắp Đông Á đã phải lùi lại trước sự kháng cự của người An Nam.

Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một quốc gia nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người Annam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. HỌ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo thông và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc. Vả chằn, đó là một quy luật chung mà tôi đã kiểm chứng trên khoảng 20 chủng tộc của nhân loại, và điều này cũng có thể chính xác với châu Âu: những người dũng cảm trong lao động cũng là những người dũng cảm trong chiến tranh; nói khác đi, can đảm là một tính cách. Nếu người nào can đảm trước sự mệt mỏi người đó sẽ can đảm trước hiểm nguy và cái chết.

Nước Pháp đã mang đến gắn vào người An Nam (ngày càng ràng buộc chặt hơn với nước Pháp) một công cụ hoàn hảo cho vai trò lớn lao về kinh tế và chính trị, một vai trò mà nước Pháp có thể đạt được ở châu Á. Một thế kỷ trước đây, Đế quốc An Nam đã đạt được sự hùng mạnh nhất khi được người Pháp dẫn dắt và tư vấn. Trở thành một bộ phận của nước Pháp, một đế quốc được hiện đại hóa, Đông Dương mới có thể đạt được sự thịnh vượng và vinh quang mà tổ tiên của những người hiện nay đang sinh sống trên đó chắc cũng không dám mơ tới. Người An Nam tin như thế; chúng ta cũng không nghi ngờ điều đó và chúng ta phải hành động với niềm tin đó.

Có nên ca ngợi Paul Doumer?

Paul Doumer nắm chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902, trùng thời kỳ Pháp khai thác thuộc địa lần thứ nhất. PGS.TS Dương Văn Quảng nhắc lại cùng với lợi ích nước Pháp thu về, cuộc khai thác này tạo ra không ít bi kịch của những người thợ mỏ, thợ cao su, sự bóc lột người nông dân, công nhân và tác động đến tâm lý, con người Việt Nam. Trước khi Paul Doumer sang Đông Dương, nước Pháp từng tranh cãi có nên tiếp tục giữ mảnh đất thuộc địa này vì không thu lại được gì. Chỉ một năm sau khi đặt chân đến, Paul Doumer thay đổi hình thức thu thuế, khiến ngân khố tăng đột biến và không cần khoản tiền từ chính quốc rót tới nữa.

Liệu chúng ta có nên ca ngợi Paul Doumer, hay phải đánh giá ông này thế nào? Câu hỏi này không chỉ là thắc mắc riêng của một cử tọa trẻ. Thời lượng chưa đầy hai giờ đồng hồ chủ yếu xoay quanh tranh cãi về con người Paul Doumer và những điều ông làm khi nắm quyền tại Đông Dương.

Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh sự tiếc nuối của Paul Doumer khi “đến nơi này quá muộn, không cứu vãn được nhiều di tích”. Thành cổ Hà Nội bị phá là một trong những điều tiếc nuối ấy, không riêng của người Việt. Trước thời Paul Doumer, Hà Nội rất sơ khai, khu phố tây không có gì đáng kể ngoài Tràng Tiền-Tràng Thi. Một số cuốn sách khác cũng nhắc Paul Doumer là người quyết liệt nạo vét Hồ Gươm, tạo nên diện mạo mới.

Con mắt hoạch định đã khiến Paul Doumer làm nên kỳ tích khi quy hoạch xong Hà Nội, kịp để lại hệ thống cơ sở hạ tầng còn dấu vết đến ngày nay: Ba cây cầu trong đó có Long Biên, hệ thống đường sắt Bắc-Nam. Diễn giả dẫn Hồi ký Lý Quang Diệu: Có thể lên án chủ nghĩa thực dân ở mọi điều, nhưng nên giữ bốn điều là ngôn ngữ, hệ thống pháp lý, hệ thống hành chính, giáo dục. Với Nguyễn Trương Quý, Hà Nội thời Paul Doumer được kiến tạo thành một trạm “dừng chân đẹp” để Pháp theo đuổi tham vọng bành trướng tới phía Nam Trung Quốc. TS. Dương Văn Quảng đồng tình, thực tế Pháp phát triển đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn.

“Dân tộc nào muốn xây dựng tương lai phải biết lịch sử. Lịch sử một dân tộc do chính dân tộc đó làm nên, có những người không thuộc dân tộc đó nhưng can dự vào. Đánh giá về nhân vật lịch sử theo góc nhìn mỗi người, phụ thuộc thời đại đang sống”, ông Quảng kết luận. Tuy không trả lời thẳng, nhưng lúc mở đầu, ông Quảng chỉ ra ba loại người đi xâm chiếm, những người truyền đạo và người đến để khai thác thuộc địa-Paul Doumer thuộc loại này. “Đánh giá thế nào tùy góc nhìn, nhưng chắc chắn Paul Doumer là nhà thực dân. (*)

(*): Theo Báo Tiền Phong.

Tags: