Tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng muốn được sống trong bầu không khí lạc quan vui vẻ, muốn được trò chuyện cùng những người bạn hòa nhã, hấp dẫn. Chẳng hạn như khi giảng những vấn đề khô cứng thầy cô giáo thường đưa ra những ví dụ vui vẻ để học sinh hiểu bài nhanh hơn. Những thầy cô giáo như vậy thường được học trò yêu quý và đón chờ giờ giảng hơn.
Giao tiếp giữa người với người sẽ suôn sẻ hơn khi có sự hài hước và những tiếng cười. Tôi rất thích được nói chuyện cùng những người có óc hài hước, bởi khi nói chuyện, tôi cảm nhận được sự lạc quan và vui vẻ của họ. Kể cả họ có gặp phải chuyện tồi tệ đến mấy, họ đều có thể mỉm cười và đối mặt với nó.
Cho dù làm nghề gì, ở địa vị nào, chúng ta vẫn luôn phải giao tiếp với người khác. Óc hài hước không chỉ giúp chúng ta giao tiếp một cách hiệu quả, nhất là trong những mối quan hệ đặc biệt, mà còn giúp chúng ta dễ dàng vượt qua khó khăn hơn. Óc hài hước giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ hài hòa với người khác, khiến cho người khác tin tưởng và yêu mến chúng ta hơn.
Người có tài ăn nói hài hước không chỉ khiến người khác yêu quý, mà còn có thể nhận được nhiều sự giúp đỡ và ủng hộ, công việc của họ cũng dễ thành công hơn người khác. Bởi vậy, bạn thực sự nên bổ sung một chút óc hài hước cho bản thân.
Có thể bạn sẽ hỏi: “Óc hài hước chẳng phải là bẩm sinh hay sao?” Thực ra, óc hài hước có thể được nuôi dưỡng dần dần trong cuộc sống. Nó không phải là đặc quyền của những thiên tài, những người có chỉ số IQ cao hay những diễn viên hài nổi tiếng. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đều có thể trở nên hài hước hơn, chỉ cần bạn nở nụ cười, thưởng thức và ngắm nhìn sự vật bằng lăng kính tươi mới hơn. Dần dần như vậy, bạn sẽ thoát ra khỏi nỗi băn khoăn, khó xử, ngày càng trở nên vui vẻ, hài hước hơn. Tôi có mấy gợi ý cụ thể cho bạn như sau:
- Sống lạc quan: người lạc quan chưa chắc đã hài hước, nhưng người hài hước chắc chắn sẽ lạc quan. Khó khăn nào trong cuộc sống cũng đều có cách hóa giải. Vậy nên, thay vì mệt mỏi và buồn bã, tại sao chúng ta không mỉm cười với nó? Một người suy nghĩ hạn hẹp, tư tưởng tiêu cực sẽ không thể có óc hài hước. Sự lạc quan chỉ thuộc về những người tràn trề nhiệt huyết với cuộc đời, luôn điềm tĩnh bao dung.
Kể cả khi phải trải qua một cuộc sống khó khăn, không như ý, cũng không được để bản thân trở nên chán nản vô vọng, càng không nên làm phiền người khác bằng những lời oán trách số phận, những tiếng thở dài mệt mỏi, mà phải duy trì một tâm trạng lạc quan, để bản thân trở nên bình tĩnh và vui vẻ hơn. Sự lạc quan của bạn ngay lúc đó có thể chưa giúp tình hình của bạn tốt lên, nhưng trong giao tiếp, nó giúp cho bạn và những người xung quanh cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Hãy tin rằng với người lạc quan, không gì là không thể giải quyết.
- Mở rộng tri thức: Hài hước là một biểu hiện của trí tuệ, nó phải được xây dựng trên nền móng của một hệ thống tri thức phong phú. Một người hiểu biết rộng, bắt kịp thời đại mới có được ngôn từ phong phú, xuất khẩu thành văn, từ đó làm chủ được sự hài hước của bản thân.
Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng trau dồi kiến thức, chăm chỉ đọc sách. Khi hiểu biết của bạn trở nên phong phú, bạn sẽ dễ dàng giao tiếp với người khác một cách ung dung tự tại, hài hước và thú vị.
- Liên tưởng thích hợp: Để nói hài hước nhiều khi cần chút ít khoa trương, nhưng không phải là khoa trương lấy lệ, mục đích cuối cùng của câu chuyện chỉ là thêm tiếng cười. Muốn như vậy, người nói phải có óc liên tưởng phong phú.
Nhà triết học người Mỹ George Santana đã lựa chọn một ngày để nói lời tạm biệt sự nghiệp giảng dạy tại trường Đại học Harvard của mình. Hôm đó, khi đã đến tiết cuối, bỗng một chú chim chích chòe từ đâu bay đến đậu bên cửa sổ lớp học, cất tiếng hót véo von. Santana mải mê ngắm nhìn chú chim, hồi lâu sau, ông từ từ quay sang nhẹ nhàng nói lời từ biệt: “Xin được cáo biệt mọi người, tôi còn có hẹn với mùa xuân.” Dứt lời, ông mỉm cười bước đi. Câu kết tuyệt đẹp, tràn đầy ý thơ, lại điểm xuyết thêm chút hài hước đã khiến mọi người nhiệt liệt vỗ tay.
Việc luyện tập một cách có ý thức khả năng phân tích và ứng biến nhanh trong các tình huống sẽ giúp ích cho khả năng liên tưởng của bạn.
- Không ngừng tích lũy: Càng đọc nhiều, xem nhiều, nghe nhiều, học nhiều những nguồn tài liệu hài hước thì chúng ta càng có khả năng mô phỏng, rút ra bài học và vận dụng tốt. Chẳng hạn, bạn thường xuyên đọc các tác phẩm văn học hoặc những mẩu truyện hài trên báo, hay thường xuyên giải những câu đố mẹo thì chẳng mấy chốc kỹ năng hài hước của bạn sẽ được nâng cao.
Cuối cùng, trong quá trình vận dụng sự hài hước, nhất định phải chú ý đến hoàn cảnh và đối tượng đang giao tiếp, những câu nói hài hước phải mang tính thân thiện, lành mạnh. Có như vậy khi lắng nghe bạn nói, người khác mới cảm nhận được tài hoa và trí tuệ của bạn, những câu nói đùa thô tục hay thấp kém sẽ chỉ làm họ cảm thấy chán ghét mà thôi.