Nỗi đau đớn đằng sau những tràng cười ở quán bar
Nỗi đau đớn đằng sau những tràng cười ở quán bar
Đôi khi, chúng ta cười không phải vì hạnh phúc hay niềm vui. Một gương mặt rạng rỡ là tấm bình phong hoàn hảo nhất để che giấu những nỗi đau.
Cuộc sống hiện đại giống như một đường đua không có điểm dừng. Ở đó, mỗi cá nhân đều phải vắt kiệt sức mình mong giành được một vị trí xứng đáng.

 

Ngoài nỗ lực, để đạt được những gì mình muốn, con người tìm đến những tiểu xảo và trưng ra khuôn mặt giả dối. Ngay cả tiếng cười đôi khi cũng trở thành “sản phẩm nhân tạo” không đến từ niềm vui.

Thế giới này đã trở thành tấn bi kịch có vẻ ngoài hào nhoáng. Đó chính là tâm sự mà nhà văn người Israel, David Grossman gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết Con ngựa bước vào quán bar.

Tiểu thuyết "Con ngựa bước vào quán bar"

Những thông điệp nhân văn cùng bố cục mới lạ, đầy sáng tạo của tác phẩm đã mang về giải Man Booker 2017 cho tác giả người Do Thái. Hãy cùng thưởng thức màn tấu hài độc thoại xuất sắc của David Grossman để chiêm ngưỡng bộ mặt thật của xã hội trong thời đại chúng ta.

 

 

Khi tiếng cười được tạo ra từ một trái tim đang rỉ máu

 

 

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Con ngựa bước vào quán bar là diễn viên hài đã hết thời Dovaleh Greenstein. Trước khi giã từ sự nghiệp, anh ta muốn dành tặng khán giả và chính bản thân mình một đêm diễn đáng nhớ.

 

Tác phẩm chính là “cuốn băng ghi hình” bằng ngôn từ, đầy nhân văn của David Grossman. Dường như, nụ cười chỉ là hoa văn được vẽ trên chiếc mặt nạ.

Bằng sự hài hước đã được luyện tập một cách nhuần nhuyễn và kĩ lưỡng, Dovaleh tạo nên những tràng cười rộn khắp quán bar ngay từ giây đầu tiên anh ta xuất hiện trên sân khấu. Là một người hoạt ngôn và tài ứng biến nhanh nhạy, người nghệ sĩ ấy luôn có nhiều cách để gây cười.

Tại sao có nhiều người tìm đến quán bar để xem Dovaleh Greenstein tấu hài? Đơn giản vì ai cũng cần niềm vui để cân bằng cuộc sống, nhưng những áp lực thường nhật đã hút cạn những phút giây thư giãn hiếm hoi của họ.

Trên sân khấu cuộc đời, ai cũng phải gồng lên để cố diễn trọn vai của riêng mình. Thật dễ dàng để tìm thấy những gương mặt đang hằn lên sự bất mãn và chịu đựng. Anh ta bông đùa với những vị khách đang ngồi trong quán, sau đó lại kể một câu chuyện hài hước chẳng liên quan.

Thậm chí, Dovaleh Greenstein còn dùng chính bản thân mình để làm trò cười. Trong những câu chuyện tưởng chừng vô bổ, người ta bất ngờ tìm được tấm gương để soi lại chính bản thân mình.

Những người đàn ông đã gần 60 tuổi vẫn vùi đầu vào công việc. Dù cho, tiền bạc đã quá dư giả và đống áp lực hàng ngày khiến họ cảm thấy chán ngấy.

Vài cô gái trẻ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sự già nua, mặc dù tuổi xuân đang còn dài. Họ vội vàng đánh lại son, trát thêm phấn khi cảm thấy những nếp nhăn sắp lộ ra khỏi lớp trang điểm. Tất cả những con người bình thường ấy vừa đáng thương lại cũng đáng để cười nhạo.

Thứ đáng để chê cười nhất chính là sự giả dối. Những cá nhân không trung thực đã tạo ra một xã hội chứa đầy bất công và lừa gạt. Sau mỗi kì tranh cử, người dân luôn được nghe những lời hứa hẹn về một tương lại tốt đẹp hơn, nhưng sau đó họ nhận được gì? Những thất bại cứ thế nối tiếp nhau và những con người khốn khổ tiếp tục sống trong nỗi thất vọng.

Dovaleh Greenstein tâm sự với những khán giả của mình rằng: khoảng thời gian anh ta hạnh phúc nhất chính lúc sống trong hình hài của một đứa bé và chưa bị cắt bao quy đầu. Những cậu bé người Do Thái sẽ được cắt bao quy đầu vào lúc 8 ngày tuổi, vậy Dovaleh Greenstein chỉ có 8 ngày để hạnh phúc thôi sao? Thật đáng buồn khi tiếng cười được tạo ra từ một kẻ đau khổ và tuyệt vọng!

 

 

David Grossman và cuốn tiểu thuyết lạ lùng

 

 

Thông thường, một cuốn tiểu thuyết sẽ được xây dựng từ hệ thống các nhân vật, các chuỗi hành động nối tiếp nhau. Tất cả sẽ đan kết vào nhau để tạo nên một câu chuyện sống động và lớp lang. Nhưng đến với Con ngựa bước vào quán bar, David Grossman đã mang đến cho người đọc một hình dung mới về tiểu thuyết.

 

Tác phẩm dường như chỉ có một nhân vật được xác định rõ, đó là Dovaleh Greenstein. Người kể chuyện ở ngôi tôi, đôi lúc không được định hình rõ ràng và có xu hướng hòa vào nhân vật chính. Tác phẩm được xây dựng chủ yếu trên màn tấu hài độc thoại của chàng nghệ sĩ sắp hết thời.

Dovaleh Greenstein tấu hài và đôi lúc giao lưu với khán giả nhưng thực chất anh ta đang độc thoại một mình. Tác phẩm thực chất là chuỗi độc thoại nội tâm của nhân vật.

Đến đây, độc giả sẽ phải ngạc nhiên trước ngôn ngữ kể chuyện đầy điêu luyện của David Grossman. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba. Không chỉ có vậy, tác giả còn mang đến sự hòa hợp giữa điểm nhìn của nhân vật và điểm nhìn của người kể chuyện.

Trong suốt tác phẩm, điểm nhìn và ngôi kể được thay đổi một các linh hoạt nhưng không làm độc giả cảm thấy đường đột và khó hiểu. Không gian của cuốn tiểu thuyết chỉ xoay quanh quán bar nơi Dovaleh Greenstein tấu hài nhưng không hề mang lại cảm giác nhàm chán và vô vị. Bởi khi cầm trên tay cuốn sách này, người đọc đã bị thôi miên bởi chuyện tưởng như vô tận mang hơi thở của cuộc sống.

Đọc Con ngựa bước vào quán bar, độc giả sẽ thấy cảm động trước tình yêu thiêng liêng mà David Grossman dành cho dân tộc và tổ quốc của mình. Người Do Thái và đất nước Israel đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của ông. Những nét văn hóa truyền thống của người Do Thái xuất hiện với tần suất dày đặc trong tác phẩm đã minh chứng cho điều đó.

Theo Zing News

Thụy Oanh

Minh họa: Malika Favre, Jeremy Booth

Ảnh: Nhã Nam

Tags: