Những tác phẩm của “nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie đã được xuất bản tại Việt Nam
Những tác phẩm của “nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie đã được xuất bản tại Việt Nam
Agatha Christie (1890 – 1976) là tiểu thuyết gia trinh thám người Anh. Bà được mệnh danh là “nữ hoàng trinh thám” đã sáng tạo ra hai nhân vật thám tử nổi tiếng được hàng triệu độc giả mến mộ: Hercule Poirot và Miss Marple. Có thể nói, Agatha Christie là một trong những tác giả có sức viết dồi dào nhất. Hãy cùng Trạm điểm lại những tác phẩm của Agatha Christie đã được xuất bản tại Việt Nam trong bài viết này nhé.

1/ Án mạng trên sân golf (1923)

Một bức thư kêu cứu kéo thám tử Hercule Poirot tới Pháp. Nhưng anh đến quá trễ. Khách hàng của anh đã chết. Cái xác bị đâm dã man giờ nằm sấp mặt trong một cái hố nông trong sân golf đang xây.

Nhưng vì sao người chết lại mặc một chiếc áo choàng quá khổ? Và bức thư tình ngọt ngào trong túi áo khoác viết cho ai? Trước khi Poirot kịp trả lời những nghi vấn này thì vụ án bị lật ngược khi cái xác thứ hai được phát hiện, cách thức giết người y như lần đầu.

2/ Nhân chứng buộc tội (1925)

Một phiên tòa xét xử tội phạm giết người trở nên phức tạp khi vợ của bị cáo đứng ra làm chứng buộc tội người chồng… Giác quan thứ sáu của phụ nữ - và một khẩu súng lục nạp đạn - báo điềm chết chóc… Một người lái xe kẹt giữa đồng không mông quạnh tìm chỗ trú trong ngôi biệt thự hẻo lánh và được chào đón bằng một lời cảnh báo thảm khốc… Thám tử Hercule Poirot phải đối mặt với thách thức lớn nhất của mình với một vụ giết người kỳ lạ trong căn phòng bị khóa.

Từ câu chuyện tuyệt hay làm tựa đề cho cả tập truyện (truyền cảm hứng làm nên một bộ phim ly kỳ kinh điển) đến những viên ngọc quý hiếm nhất trong dòng tiểu thuyết trinh thám, mười một câu chuyện tội phạm rắc rối và suy luận tuyệt vời này cho thấy một Agatha Christie ở đỉnh cao xuất sắc nhất.

3/ Vụ ám sát ông Roger Ackroyd (1926)

Ở làng King’s Abbot, vụ tự sát của bà góa Ferrars làm dấy lên đồn đoán rằng bà đã giết chồng, bị tống tiền và có quan hệ mờ ám với ông Roger Ackroyd, một người giàu có trong làng. Tối hôm sau, ông Ackroyd bị giết trong phòng làm việc trước khi phát hiện được ai là kẻ tống tiền người đàn bà góa. Thám tử lừng danh Hercule Poirot ra tay phá án, với sự trợ giúp của bác sĩ James Sheppard.

Xuất bản lần đầu năm 1926, Vụ ám sát ông Roger Ackroyd nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản và sau này được coi là tác phẩm kinh điển của dòng văn học trinh thám phổ thông, mở ra một kỷ nguyên mới cho văn chương thể loại này.

4/ Bộ Tứ (1927)

Một vị khách không mời đột ngột xuất hiện trước cửa phòng ngủ của Hercule Poirot, khắp người phủ đầy bụi và bùn, trông hốc hác và kiệt quệ. Anh ta nhìn chằm chằm ông một lúc, rồi đổ ụp xuống. Trước khi chìm vào hôn mê và qua đời sau đó, anh ta lặp đi lặp lại về số 4 và nói về một băng nhóm tội phạm quốc tế. 

Từ vụ án này tới vụ án khác, bí ẩn này đến bí ẩn khác, Poirot thấy mình dấn thân vào một thế giới bí mật đầy tội ác, đấu trí với những tên tội phạm sừng sỏ để tìm ra sự thật về Bộ Tứ. Phải chăng những kẻ này đang hướng tới việc kiểm soát và thống trị thế giới, bằng vũ khí bí mật và những quyền lực vô hạn?

5/ Án mạng ở nhà mục vụ (1930)

Án mạng ở nhà mục vụ đánh dấu lần đầu ra mắt nhân vật phá án điềm tĩnh và rất được yêu thích của Agatha Christie, bà Jane Marple. Với biệt tài phát hiện ra cái ác trong bản chất con người, bà Marple vạch ra dấu vết kẻ giết người bí ẩn trước sự mù mờ của cảnh sát địa phương.

Cuốn sách kể câu chuyện về Đại tá Protheroe, viên chức tư pháp đồng thời là người quản lý tài sản cho nhà thờ bị mọi người trong làng St. Mary Mead ghét. Vào ngày hẹn kiểm kê sổ sách với mục sư quản nhiệm, đại tá Protheroe bị bắn vào đầu, chết ngay trong văn phòng làm việc của mục sư, gục lên trên một bức thư viết dở gửi cho ông mục sư. Vậy là các bà cô già không chồng trong làng có nhiều việc để làm! 

Ngay sau khi cảnh sát vào việc, có hai kẻ nối tiếp nhau đầu thú: anh chàng họa sĩ Lawrence Redding và bà vợ góa của ông đại tá. Cả hai người này tư tình với nhau từ trước khi ông đại tá bị giết, thế nên chẳng nghi ngờ gì nếu họ là những kẻ tình nghi số 1. 

Đường dây vụ án càng lúc càng rối tung vì phát hiện thêm rất nhiều nhân vật khả nghi hơn, từ viên trợ tế trẻ tuổi của nhà thờ cho đến một mệnh phụ bí ẩn mới dọn về làng này sống chưa lâu… Ông mục sư Clement ngoài việc hợp tác với cảnh sát điều tra vụ án, còn luôn bị các bà cô già mời tới gặp riêng để báo cáo những tình tiết mới phát hiện, mà thường toàn là những kể lể dông dài kèm chỉ trích cay nghiệt! Duy chỉ có bà Marple, bà già sắc sảo và cũng “nhiều chuyện” nhất cái làng St. Mary Mead đó có cách tư duy manh mối tài tình, hiến kế để cảnh sát ‘đặt bẫy’ dụ kẻ giết người lộ diện.

6/ Hiểm họa ở Nhà Kết (1932)

Poirot và người bạn trung thành Hastings tình cờ phát hiện những âm mưu đang diễn ra tại một dinh thự cổ ở nông thôn. Tất cả đều nhắm tới việc đoạt mạng chủ nhân Nhà Kết - một cô gái trẻ xinh đẹp, tràn đầy sức sống.

Đầu tiên, trên một sườn đồi nguy hiểm, chiếc xe của cô bị hỏng hóc. Rồi một tảng đá lớn lăn xuống suýt đè trúng cô trên con đường ven biển. Sau đó, bức tranh sơn dầu to nặng treo ở đầu giường rơi xuống và nữ chủ nhân Nhà Kết chỉ thoát chết nhờ một khoảnh khắc tình cờ may mắn. Khi tìm thấy một lỗ đạn trên chiếc mũ của cô, Poirot quyết định đặt cô gái trẻ Burkley dưới sự bảo vệ của ông, và cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn xung quanh một vụ án mạng….

Nhịp độ tuyệt hảo, những gợi ý được cài cắm tinh tế, và câu trả lời vô cùng bất ngờ nhưng tuyệt đối logic - Hiểm họa ở Nhà Kết là một câu chuyện hoàn hảo, xứng đáng có vị trí trong top 10 tác phẩm hay nhất của Agatha Christie, như nhà "Christie học" John Curran đã điểm qua.

7/ Bi kịch ba hồi (1934)

 

Hercule Poirot là một trong mười ba vị khách được mời đến dự tiệc tối tại nhà ngài Charles Cartwright, một diễn viên kịch nổi tiếng. Buổi tiệc kết thúc không mấy vui vẻ khi vị mục sư hiền hòa, Stephen Babbington nhấp một ngụm cocktail rồi bất ngờ lên cơn co giật và chết. Khi ly rượu của ông được đi xét nghiệm, kết quả cho thấy không có dấu vết của chất độc, đúng như dự đoán của Poirot. Rắc rối hơn nữa, dường như chẳng có động cơ nào cho vụ án mạng này.

Sau lễ tang, Poirot rời đi để rồi được tin bác sĩ Strange, một vị khách khác của bữa tiệc, cũng đã mất mạng sau khi uống rượu trong một bữa tiệc khác. Không có gì ngạc nhiên, những vị khách từng có mặt tại nhà Cartwright cũng hiện diện ở nhà Strange. Một lần nữa, Hercule Poirot phải tìm ra sự thật.

8/ Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông (1934)

Một tên giết người trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông được phát hiện đã bị giết chết bởi 12 nhát dao khác nhau. Phải chăng hung thủ là người ngoài hay chính 12 hành khách - vốn có mối thù với hắn - thông đồng với nhau để trả thù? Thám tử Poirot đã ra tay và vụ án dần dần được làm sáng tỏ. Kết quả thu được không chỉ đơn thuần là câu trả lời cho vấn đề hung thủ là ai, mà chính là lương tâm của con người trước ánh sáng của công lý.

“Kẻ sát nhân đang đồng hành cùng chúng ta – trên chuyến tàu này…”

Vừa quá nửa đêm, chuyến tàu tốc hành Phương Đông nổi tiếng buộc phải ngừng lại vì tuyết rơi quá dày. Vào buổi sáng, tay triệu phú Simon Ratchett được phát hiện nằm chết trong toa riêng của mình với mười hai nhát dao, cửa khoang được khóa từ bên trong. Một trong những hành khách có mặt trên chuyến tàu là thủ phạm.

Một mình giữa cơn bão tuyết cùng nhân dạng mù mờ về tên sát nhân qua lời chứng của mọi người, thám tử Hercule Poirot phải tìm ra chân tướng kẻ thủ ác giữa mười hai kẻ thù của nạn nhân, trước khi tên giết người kịp đào thoát…

9/ Chuỗi án mạng A.B.C - Những bí ẩn của Hercule Poirot (1936)

Khi kẻ giết người hàng loạt có bí danh ABC chế nhạo Poirot bằng những lá thư úp mở và giết người theo thứ tự chữ cái, Poirot tiến hành một phương pháp điều tra bất thường để truy tìm ABC. Trong một câu chuyện có vẻ như không can hệ gì, một người bán rong tên Alexander Bonaparte Cust đã có mặt ở tất cả những địa điểm xảy ra án mạng và ngày tội ác đó diễn ra. Cust bị trúng đạn vào đầu lúc đi lính. Hậu quả là, ông bị mất trí nhớ, đau đầu và bị động kinh. Liệu một người ngờ nghệch như thế có thể là kẻ giết người mệnh danh ABC không?

10/ Án mạng trên sông Nile (1937)

Linnet Ridgeway sở hữu trong tay tất cả mọi thứ mà bất cứ một người nào cũng có thể lấy làm ghen tị: tuổi trẻ, sắc đẹp, sự thông minh, của cải và một vị hôn phu rất xứng với cô. Rồi một ngày nọ, người bạn thân nhất của của Linnet - Jackie - đưa vị hôn phu điển trai của mình là Simon Doyle đến, để xin Linnet cho anh một việc làm. Giờ thì chính Linnet và Simon lại đi hưởng tuần trăng mật với nhau, trên một chuyến tàu dạo quanh sông Nile. Bất chợt, Linnet bị giết hại, Jackie trở thành đối tượng bị tình nghi hàng đầu nhưng cô không hề có khả năng thực hiện được điều ấy. Không chỉ dừng lại ở đó, thủ phạm lần lượt ra tay thêm với hai vị khách nữa trong đoàn. Đúng là một vụ án bí hiểm, không có manh mối, nhân chứng, và đoàn khách du lịch dường như cũng không có mối quan hệ với nạn nhân. Tuy nhiên, không có điều gì có thể lọt khỏi tầm mắt của thám tử lừng danh Hercule Poirot.

11/ Hẹn với Thần Chết (1938)

Đi nghỉ ở Jerusalem, Poirot nghe lỏm Raymond Boynton nói với em gái: “Phải giết chết bà ta, hiểu rồi phải không?”

Mẹ kế của họ, bà Boynton, là một bạo chúa tàn ác khống chế cả gia đình. Khi người ta phát hiện bà bị chết trong lúc ở Petra, Poirot đề nghị giải quyết vụ án trong vòng hai mươi bốn giờ, dù ông không cách nào chứng tỏ ngay rằng đây có phải là một vụ giết người không.  

12/ Án mạng đêm Giáng Sinh (1938)

Tỉ phú Simeon Lee bất ngờ mời gia đình đến nhà tụ họp mừng Giáng sinh khiến cho khách khứa không khỏi nghi ngờ. Simeon không mấy có tình cảm gia đình, và không phải mọi thành viên trong nhà đều có quan hệ tốt đẹp. Đã vậy, ông còn mời Harry, thành viên bị ghét bỏ trong gia đình, và đứa cháu gái sinh ở Tây Ban Nha, Pilar, chưa từng ai trong gia đình gặp gỡ. Simeon chủ ý bày trò chơi ác với cảm xúc của gia đình ông. Một khách không mời xuất hiện – Stephen Farr, con trai của đối tác cũ của Simeon Lee thời khai thác kim cương – khiến cho ngôi nhà đầy ắp ngờ vực khi trò chơi trở thành chết chóc.

13/ Và rồi chẳng còn ai (Mười người da đen nhỏ) (1939)

“Mười…” Mười người bị lừa ra một hòn đảo nằm trơ trọi giữa biển khơi thuộc vịnh Devon, tất cả được bố trí cho ở trong một căn nhà. Tác giả của trò bịp này là một nhân vật bí hiểm có tên “U.N.Owen”.

 “Chín…” Trong bữa ăn tối, một thông điệp được thu âm sẵn vang lên lần lượt buộc tội từng người đã gây ra những tội ác bí mật. Vào cuối buổi tối hôm đó, một vị khách đã thiệt mạng.

 “Tám…” Bị kẹt lại giữa muôn trùng khơi vì giông bão cùng nỗi ám ảnh về một bài vè đếm ngược, từng người, từng người một… những vị khách trên đảo bắt đầu bỏ mạng.

“Bảy…” Ai trong số mười người trên đảo là kẻ giết người, và liệu ai trong số họ có thể sống sót?

14/ Cây bách buồn (1940)

Cô Elinor Carlisle đứng một cách bình thản ở vị trí bị cáo trước tòa với tội danh mưu sát tình địch của mình – cô Mary Gerrard. Bằng chứng đã mười mươi – chỉ có cô mới có động cơ, cơ hội và phương tiện giết người.

Tuy nhiên, trong phòng xử án, chỉ có duy nhất một người tin rằng cô gái trẻ đẹp ấy vô tội: Thám tử Hercule Poirot là tất cả những gì đứng giữa Elinor và giá treo cổ.

15/ Tội ác dưới ánh mặt trời (1941)

Arlena Marshall là một nữ diễn viên xinh đẹp, luôn liếc mắt đưa tình những người đàn ông hấp dẫn đối với cô. Cô đến Khách sạn Hải Tặc cùng chồng Kenneth Marshall, và con gái riêng của chồng, Linda Marshall, 16 tuổi. Linda rất ghét mẹ kế. Arlena đong đưa tán tỉnh anh chàng Patrick Redfern đẹp trai, trước sự giận dữ ra mặt của vợ anh ta, Christine, một cựu giáo viên. Cùng ngụ trong khách sạn này có Hercule Poirot; ông Horace Blatt khoác lác; thiếu tá Barry, sĩ quan người Anh gốc Ấn Độ về hưu hay kể chuyện lê thê; Rosamund Darnley, nhà tạo mẫu thời trang cao cấp, vốn là bạn thanh mai trúc mã với Kenneth; bà Carrie Gardener, một du khách người Mỹ lắm mồm, và ông chồng tên Odell; cha xứ Stephen Lane; và cô Emily Brewster, quý cô chưa chồng khỏe như vận động viên. 

Arlena được phát hiện bị giết chết vào buổi sáng của một ngày đẹp trời. Các chứng cứ ngoại phạm bắt đầu được thu thập. Bác sĩ pháp y nhận định nạn nhân bị một đôi bàn tay rất khỏe mạnh siết cổ chết. Phải là đôi bàn tay của đàn ông.

Khi cảnh sát sở tại và Hercule Poirot phối hợp điều tra ráo riết, lần ra nhiều bí mật đen tối của các vị du khách. Một mê hồn trận những động cơ gây án và nghi phạm! 

Đùng một phát, Linda Marshall uống thuốc ngủ tự tử, để lại thư tuyệt mệnh thú nhận tội lỗi! Rất may cô hầu phòng phát hiện và Linda được đưa đi cứu chữa trong tình trạng thập tử nhất sinh. Phải chăng chỉ cần đợi cô bé sống lại là có thể làm rõ các bước gây án? Chỉ có Hercule Poirot mới trả lời được câu hỏi này.

16/ Năm chú heo con (1942)

Câu chuyện lấy ý tưởng từ một bài đồng dao của trẻ em Anh, với năm nhân vật là nghi phạm trong một vụ án:

Chú heo con này đi ra chợ

Chú heo con này ở nhà trông 

Chú heo con này ăn bò nướng 

Chú heo con này bụng rỗng không 

Chú heo con này khóc “oa oa oa” suốt đường về nhà

Nhiều năm trước, một vụ án mạng xảy ra làm kinh động xã hội: bà Crale bị buộc tội đầu độc chồng – một họa sĩ tài hoa, và nhận án chung thân. Bà chết sau một năm thụ án. Nhưng con gái bà không tin mẹ mình là thủ phạm, cô đã đề nghị thám tử lừng danh Poirot điều tra lại vụ án này.

Poirot đã tiếp cận năm người có mặt khi sự việc xảy ra – năm nghi phạm, và lần về quá khứ 16 năm trước để vén bức màn bí mật, tăm tối quanh cái chết của họa sĩ lừng danh Amyas Crale.

Tiểu thuyết đỉnh cao này là một câu chuyện tinh tế và tài hoa, một chuyện tình sâu sắc và một đại diện tiêu biểu của nghệ thuật kể chuyện, trong đó có năm cách kể khác nhau của cùng một vụ giết người. Theo bình chọn của nhiều độc giả, đây là tác phẩm hay nhất của nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie.

17/ Rượu độc lóng lánh (1945)

Sáu người ngồi vào một bàn tiệc được bày biện cho bảy người tham dự. Trước chỗ ngồi để trống là một nhành hương thảo – Rosemary – “loài hoa tỏ niềm tưởng nhớ”. Thật là một gợi nhắc lạ lùng, vì chẳng ai trong số họ quên được cái đêm kinh hoàng của một năm về trước, khi Rosemary Barton gục chết trên chính cái bàn này, gương mặt xinh đẹp méo mó vì đau đớn.

Như cái tên, Rosemary không thể bị lãng quên. Cô luôn khơi gợi cảm xúc mãnh liệt ở mọi người, và có khi là cảm xúc đủ mạnh để họ xuống tay hạ sát cô...

Đêm nay, bi kịch có tái diễn? Giữa một cái bẫy, mấy tay bồi bàn, và những gói độc dược giấu trong túi xách, làm sao Đại tá Race phá giải vụ án mạng đáng lẽ không thể nào xảy ra được nhưng đã xảy ra? Một lần nữa, Agatha Christie lại chứng tỏ sức hấp dẫn đến từ sự am hiểu tâm lý vô song và một bí ẩn vừa lắt léo vừa giản đơn đến tài tình.

18/ Thung lũng bất hạnh (1946)

Khi có mặt tại trang viên Thung Lũng để ăn trưa theo lời mời của bà Lucy Angkatell, thám tử Hercule Poirot không mấy vui khi thấy những vị khách đã dàn dựng một hiện trường án mạng bên hồ bơi để trêu chọc mình.

Thật không may, đó là thật. Lúc những giọt máu loang xuống nước, nạn nhân cũng thì thầm từ cuối “Henrietta”. Khẩu súng trên tay người vợ, vật chứng số một, trong lúc bối rối cũng bị rơi xuống nước.

Điều tra của Poirot cho thấy mọi chuyện phức tạp hơn ông tưởng. Có vẻ như ai cũng có động cơ gây án, và trong đại gia đình nhiều bí ẩn này, mỗi người đều là nạn nhân của tình yêu.

19/ Đón ngọn triều dâng (1948)

Tựa sách lấy từ ý của nhà văn Anh William Shakespeare, trong tác phẩm Julius Caesar. Đây là lời của Brutus khuyên Cassius phải chớp thời cơ phát động cuộc chiến với Octavius và Antony.  Ý nghĩa là: đời người có những lúc như ngọn triều dâng. Nếu bắt được ngọn trào để lướt tới thì sẽ thành công, bằng không, cuộc đời về sau sẽ là chuỗi ngày hối tiếc.

Truyện mở đầu với sự kiện ông Gordon Cloade mất trong một trận không kích của quân Đức vào London. Trước đó vài tuần ông vừa kết hôn với bà quả phụ trẻ đẹp Underhay. Sống sót trong tòa nhà đổ nát sau trận bom, bà Underhay trở thành người thừa kế duy nhất gia sản đồ sộ của ông Cloade. Trong khi đó, những người em của ông Cloade, là bác sĩ, luật sư… vốn được ông anh giàu có, hào phóng bảo bọc, sẽ trở nên khó khăn khi đột ngột mất nguồn viện trợ dồi dào.

 Ít lâu sau đó, Hercule Poirot có một vị khách bất ngờ, là em dâu của người đàn ông đã chết. Bà cho biết đã được các “linh hồn” cảnh báo rằng người chồng đầu tiên của bà Underhay vẫn còn sống, và đề nghị Poirot tìm ông ta. Tìm kiếm một người mất tích dưới sự hướng dẫn của thế giới siêu nhiên quả thật lạ lùng. Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất với Poirot là, động cơ thực sự của người phụ nữ này là gì? Rồi một án mạng xảy ra, và Poirot bắt đầu xâu chuỗi các sự kiện… Việc tìm ra hung thủ thật không dễ dàng, vì trong số những người bị tình nghi, ai cũng có thể là kẻ dám đón đầu ngọn sóng để xoay chuyển tình thế.

20/ Ngôi nhà quái dị (1949)

Gia đình ba thế hệ của ông già Leonides cùng sống trong căn nhà “ba đầu hồi” quái dị do ông tự thiết kế. Leonides là một doanh nhân thành đạt giàu có, bảo bọc cho gia đình hai con trai Roger và Philip, ba đứa cháu con của Philip. Ông có hai đời vợ. Vợ trước mất do bị trúng bom thời chiến tranh, cô em gái không lấy chồng của bà vợ này đến giúp anh rể chăm sóc các cháu. Khi các cháu đã lớn cả, ở tuổi 80 ông Leonides lại đi bước nữa với một phụ nữ trẻ đẹp. Rồi một anh gia sư trạc tuổi bà vợ sau của ông xuất hiện trong gia đình, những ghét bỏ khinh khi lâu nay của các con cháu ông Leonides bùng lên với đồn đoán về cuộc tình vụng trộm giữa bà mẹ kế trẻ đẹp và anh gia sư. Giữa lúc đó ông Leonides bị chết do tiêm nhầm thuốc! Bác sĩ từ chối chứng tử vì dứt khoát nghi ngờ đây là một vụ giết người. Cảnh sát tiến hành điều tra và điên đầu vì bất cứ ai trong gia đình đó cũng có động cơ giết ông Leonides… Ngoài ra, di chúc ông đã đọc cho con cháu nghe và đã ký tên biến mất?

Một trong số ít tiểu thuyết trinh thám mà Agatha Christie không xây dựng quanh hai nhân vật lừng danh mà bà đã tạo ra là Hercule Poirot hoặc nữ thám tử Marple. Câu chuyện Ngôi nhà Quái dị được kể từ góc nhìn của người thứ ba – người yêu của cô cháu gái lớn nhất của ông Leonides – không là cảnh sát điều tra, cũng không là thám tử độc lập, nhưng buộc phải giúp tìm ra chân tướng kẻ giết người thì mới có thể cùng người mình yêu kết hôn. Agatha Christie tự viết lời tựa đánh giá đây là cuốn tiểu thuyết tâm đắc nhất của bà.  

21/ Sau tang lễ (1953)

Chủ nhân một dinh thự thời Victoria đột ngột qua đời trong giấc ngủ, để lại một khối tài sản kếch xù. Tại buổi đọc di chúc của ông, trước sự có mặt của hai thế hệ người thừa kế, em gái ông đã ngây ngô để vuột ra câu hỏi:

“Nhưng anh ấy bị sát hại mà, không phải vậy sao?”

Sự việc lẽ ra đã bị gạt đi, nếu ngay ngày hôm sau, Cora Lansquenet không bị giết hại tàn nhẫn bằng một cây rìu. Lẽ nào lời buộc tội của Cora ẩn chứa một sự thật đen tối đã định đoạt số phận bà? Hay chăng đó chỉ là trùng hợp? 

Tám người hưởng lợi từ di chúc, chừng như ai cũng có động cơ. Khao khát sự thật, luật sư của gia đình đã tìm tới Hercule Poirot. Vì ngay cả sau tang lễ, cái chết vẫn chưa buông tha cho gia đình này.

Cốt truyện căng não, những manh mối được cài cắm khéo léo, một kết cục sửng sốt và thật tài tình, lại một lần nữa Agatha Christie sẽ làm bạn đọc phải say mê.

22/ Hickory, Hickory, oẳn tù tì (1955)

Trong một căn nhà trọ sinh viên bỗng xảy ra những vụ mất cắp bí ẩn. Những món đồ bị mất dường như chẳng ăn nhập gì với nhau, như một trò đùa tai quái. Nhưng càng ngày, bí ẩn càng gia tăng, cùng với những hành vi ác ý nhắm vào những người trọ tại đây. Đỉnh điểm là một án mạng xảy ra.

Thám tử Poirot đã có mặt tại hiện trường theo lời khẩn cầu của người phụ nữ quản lý nhà trọ. Từ đây, ông đã lần ra những dấu vết đáng ngờ và lật mặt thủ phạm.

Về tựa sách: “Hickory, dickory, dock” là một bài đồng dao của Anh mà trẻ em thường dùng để xác định ai là người đi trước trong các trò chơi. 

Hickory dickory dock. The mouse went up the clock

The clock struck one. The mouse went down

Hickory dickory dock

Tick tock, tick tock, tick tock, tick tock…

23/ Vọng lâu tử thần (1956)

Trò chơi từ thiện truy lùng hung thủ được tổ chức tại một điền trang ở Devon đã biến thành sự thật. Ngài George và phu nhân Stubbs, chủ nhân đăng cai lễ hội làng, đã nảy ra ý tưởng mới lạ về việc dàn dựng một vụ giết người bí ẩn giả. Với thiện ý, Ariadne Oliver, nhà văn nổi tiếng chuyên thể loại trinh thám hình sự, đồng ý sắp đặt cuộc truy lùng hung thủ cho họ. Bất chấp nhiều tuần lên kế hoạch tỉ mỉ, vào phút cuối, Ariadne gọi cho bạn mình là Hercule Poirot để nhờ cậy đến tài năng chuyên môn của ông. Bằng bản năng, bà linh cảm có âm mưu nham hiểm nào đó sắp xảy ra… Hãy cẩn thận — đừng trông mặt bắt hình dong bất cứ ai!

Vọng lâu tử thần chứng kiến sự trở lại của nhà văn trinh thám Ariadne Oliver, vời Poirot đến một điền trang nông thôn để điều tra nỗi ngờ vực dai dẳng trong lòng, mà bà sợ rằng có thể dẫn đến chuyện nghiêm trọng.

24/ Chuyến tàu 16 giờ 50 từ Paddington (1957)

Trên chuyến tàu 16 giờ 50 khởi hành từ Paddington, phu nhân McGillicuddy kinh hoàng chứng kiến một gã đàn ông xiết cổ một phụ nữ đến chết trong toa tàu chạy song song. Ngay lúc đó, chuyến tàu kia tăng tốc, đem theo toàn bộ manh mối của vụ án mạng biến mất trên đường ray.

Liệu có ai, ngoài Jane Marple sẽ tin câu chuyện của bà? Người phụ nữ đó là ai? Kẻ thủ ác là ai? Không báo cáo nào được đưa ra. Không cái xác nào được tìm thấy. Không nghi phạm. Không nhân chứng nào khác. McGillicuddy mơ ngủ chăng?

Thêm một vụ hạ độc, hai mạng người lại ra đi. Chuyện gì sẽ đến tiếp theo?

Một vụ án phức tạp, xoay vòng. Và không cách nào đoán định được hung thủ cho đến phút cuối cùng.

25/ Con mèo giữa đám bồ câu (1959)

Ngôi trường nữ học danh giá nhất nước Anh xảy ra liên tiếp nhiều vụ án mạng. Với nhiều học sinh xuất thân từ hoàng tộc và gia đình giàu có, liệu nhà trường có liên quan đến âm mưu nào lớn hơn? Giữa những nữ sinh và giáo viên nữ hiền lành, kẻ sát thủ giấu mặt như con mèo rơi vào giữa đàn bồ câu.

26/ Những chiếc đồng hồ kỳ lạ (1963)

Sheila Webb nghĩ mình đến gặp một quý bà bị mù đợi cô ở nhà số 19 khu Wilbraham Crescent — chứ không phải là gặp một cái xác đàn ông trên sàn nhà. Nhưng khi cô Pebmarsh phủ nhận việc yêu cầu cử cô Sheila Webb đến đây, cũng như không hề sở hữu những chiếc đồng hồ hiện diện xung quanh cái xác, rõ ràng họ cần đến một thám tử tài ba.

“Vụ án quá phức tạp nên hẳn nhiên nó phải rất đơn giản,” Hercule Poirot tuyên bố. Nhưng kẻ sát nhân vẫn lộng hành còn thời gian thì cứ trôi đi…

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng với sự kiện Hercules Poirot không hề đến hiện trường xảy ra tội ác hoặc thẩm vấn nhân chứng hay người bị tình nghi. Ông bị thách thức chứng minh rằng có thể giải quyết một vụ án chỉ bằng kinh nghiệm và trí thông minh.  

27/ Cô gái thứ ba (1964)

Cô gái một gia đình danh giá mất tích, nhiều kẻ khả nghi xung quanh cô bị nghi ngờ. Viên thám tử tư già trong quá trình tìm kiếm cô đã phát hiện ra những âm mưu khác.

28/ Đêm vô tận (1967)

Đất Digan là một điểm trên cao tuyệt đẹp có tầm nhìn trông ra biển – và nó khuấy động trong lòng Michael Rogers trò chơi tưởng tượng kiểu trẻ con. Ở đó, dưới bóng cây linh sam, anh lên kế hoạch xây một ngôi nhà, tìm một cô gái và sống hạnh phúc mãi về sau. Nhưng, lúc anh rời làng, một cái bóng đe dọa treo lơ lửng trên vùng đất này. Vì đây là nơi tai nạn thường xảy ra. Đáng lẽ Michael nên lưu ý đến những lời cảnh báo của dân địa phương: ‘Không có may mắn cho những ai dính líu tới Đất Digan đâu.’ Michael Rogers là người sắp sửa biết được câu ngạn ngữ ‘Khi tôi kết thúc cũng là lúc tôi bắt đầu’ thực sự nghĩa là gì.

Câu chuyện được kể theo lời nhân vật Michael Rogers, chàng trai độ tuổi 20. Mặc dù khi viết Đêm vô tận, Agatha Christie ở vào độ tuổi 70, nhưng bà nói trong một phỏng vấn rằng nhập vai Michael, người kể chuyện tuổi 20, “không khó. Suy cho cùng, ta nghe những người như anh chàng này nói năng suốt ấy mà.” Tựa cuốn tiểu thuyết này lấy từ bài thơ của William Blake, Auguries of Innocence (tạm dịch: Những dấu hiệu của sự vô tội). 

29/ Án mạng tiệc Halloween (1969)

Trong lúc mọi người chuẩn bị buổi tiệc Halloween dành cho những đứa trẻ từ 11-17 tuổi trong vùng tại Biệt thự Vườn Táo của bà Rowena Drake - một phụ nữ vừa giàu có vừa thích những hoạt động cộng đồng, có tài tổ chức lẫn thích chỉ huy người khác - thì cô bé Joyce 13 tuổi huênh hoang rằng mình từng chứng kiến một vụ giết người. Chẳng ai tin vì cô bé Joyce này nổi tiếng "nổ" và dựng chuyện. Tuy nhiên, sau khi buổi tiệc diễn ra hết sức vui vẻ thành công, người ta phát hiện Joyce bị dìm đầu vào một xô nước chết.

Hercule Poirot được mời tới truy tìm hung thủ. Với lập luận phá án: có phải đúng vì Joyce từng chứng kiến và kẻ giết người có mặt trong số khách khứa nghe được nên ra tay giết cô bé diệt khẩu không? Thế thì chắc chắn trước đó phải có án mạng từng xảy ra trong vùng. Poirot lần lại quá khứ, hóa ra một cộng đồng vùng quê nhỏ những tưởng là yên bình như thế lại từng có rất nhiều vụ giết người, mất tích, âm mưu chiếm đoạt thừa kế... đều chưa tìm ra thủ phạm. Những tội ác đã xảy ra đó liên quan thế nào đến cái chết của Joyce? Trong lúc Poirot đang lần dò trong mớ rối rắm những tình tiết kỳ lạ, bí ẩn thêu dệt thì một cái chết nữa xảy ra: lần này là đứa em trai 11 tuổi của Joyce. 

Ngay khi vị thám tử tài ba bắt đầu lóe ra tia sáng đầu tiên về [những] kẻ đứng đằng sau tất cả vụ việc thì cũng là lúc nạn nhân mục tiêu thực sự - một đứa trẻ khác nữa - rơi vào tầm ngắm của kẻ giết người. Poirot có cứu được đứa trẻ này không, hay phải mất thêm một mạng sống nữa mới đưa được thủ phạm ra ánh sáng? 

Trong một cái kết thực sự hấp dẫn và bất ngờ, không chỉ sát nhân bị lật mặt mà những tội ác từng xảy ra liền lạc lại do một dã tâm không hề có nhân tính.

- Trạm Đọc tổng hợp

 

Tags: