Thời đại sôi động này được tái hiện một cách sống động trong cuốn sách “Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải” của tác giả Jonathan Kaufman - một cuốn sử thi về nhiều thế hệ của hai “triều đại” Sassoon và Kadoorie. Kaufman đã giúp đưa những sự kiện, nhân vật, câu chuyện được giấu kín này ra khỏi bóng tối và đặt nó vào trung tâm lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Tộc trưởng của đế chế Sassoon, David Sassoon, đã chạy trốn khỏi Baghdad để thoát khỏi sự đàn áp của Đế chế Ottoman và vào những năm 1830, ông đã xây dựng được cơ ngơi đồ sộ cho gia đình tại Bombay do Anh quốc kiểm soát khi đó. Thông thạo tiếng Ả Rập, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Hindu, gia đình ông giàu lên nhờ kinh doanh trong ngành dệt may, bất động sản, ngân hàng và hơn hết là buôn bán thuốc phiện tại Trung Quốc.
David Sassoon có 8 người con trai và ngay từ nhỏ ông đã chú trọng đào tạo kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh cho họ, để biến họ trở thành những cánh tay phải, giúp ông mở rộng việc kinh doanh của mình. Ông đồng thời cũng thực hiện một chiến lược có tầm nhìn xa hơn: xây dựng các trường học, khu đô thị để thu hút những người Do Thái tị nạn từ Ottoman, biến họ thành nhân viên trung thành của mình.
Mặc đù hướng đến Anh quốc, nhưng công việc kinh doanh của gia đình Sassoon vẫn chủ yếu diễn ra ở châu Á. David đã cử các con trai của mình, trong đó có người con trai thứ hai Elias đến Hồng Kông và sau đó là Thượng Hải để phát triển kinh doanh. Bên cạnh việc buôn bán gia vị, len của Ấn Độ; lụa, trà, da động vật của Trung Quốc, gia đình Sassoon kiếm được rất nhiều tiền từ việc buôn bán thuốc phiện. Từ vị trí chỉ nắm giữ một phần nhỏ trong thị trường kinh doanh béo bở, nhưng nhẫn tâm này; cuối cùng họ đã vượt qua đối thủ Jardine và trở thành người thống lĩnh thị trường. Khi việc buôn bán thuốc phiện bị cấm ngặt họ chuyển sang bất động sản, tài chính… Lúc này đối thủ lớn nhất của họ là gia tộc Kadoorie.
Là một người họ hàng xa, từng học tập trong trường học và làm việc trong các chi nhánh của gia đình Sassoon, Elly Kadoorie học hỏi, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm kiến thức kinh doanh có giá. Do mâu thuẫn về quan điểm nhân đạo, năm 18 tuổi ông đã tách ra tạo lập công việc kinh doanh riêng. Khởi đầu với công việc môi giới chứng khoán, sau đó trở thành một nhà tư bản tài chính, mua bán, đầu tư nhiều công ty triển vọng, ông đã xây dựng được cơ ngơi ngày càng lớn mạnh cho gia tộc.
Cách nuôi dạy con cái, kết hợp với nhạy cảm chính trị khác nhau là những yếu tố tạo nên sự thăng trầm trong lịch sử phát triển qua nhiều thế hệ của hai gia tộc này. Đối lập với sự mất công bằng, thậm chí có phần vô kỷ luật của gia tộc Sassoon trong cách dạy con là sự nghiêm khắc của gia đình Kadoorie. Ngày nay, khối tài sản của gia tộc Sassoon phần lớn đã bị phân mảnh, nhưng Michael Kadoorie, cháu trai của Elly Kadoorie, vẫn là một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á, với cổ phần của gia đình trong công ty điện lực thống trị Hồng Kông, chuỗi khách sạn Peninsula và Peak Tram.
Song song với sự phát triển thăng trầm của hai gia tộc Do Thái, cuốn sách “Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải” cũng kể lại một cách xuất sắc ảnh hưởng to lớn của hai gia tộc này đến lịch sử đầy biến động của Trung Quốc. Chế độ thực dân tàn khốc, sự sụp đổ của Đế quốc Trung Hoa, và cuộc Cách mạng Cộng sản cuối cùng gần như quét sạch công sức, tài sản ở Thượng Hải của cả hai gia đình.
Sự phát triển của hai gia tộc đã gây ra những tác động lớn đến lịch sử của Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung. Cả hai gia đình đều là "những người hưởng lợi từ đế chế và chủ nghĩa thực dân" thậm chí gia tộc Sassoon còn xây dựng cơ nghiệp của họ từ thuốc phiện hủy hoại cuộc đời hàng triệu con người. Tuy nhiên, chính điều này cũng đã thúc đẩy sự phát triển của Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc, lực lượng đã hạ gục họ sau này.
Hai gia tộc cũng là người khởi xướng, châm ngòi cho sự bùng nổ về kinh tế khi Trung Quốc vươn mình từ xã hội phong kiến lạc hậu, trở thành một xã hội công nghiệp hiện đại. Sự phát triển của hai gia tộc Sassoon và Kadoorie đã giúp thu hút gia tộc Vinh cùng hàng triệu doanh nhân khác đến thành phố này để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp, và chính họ là những người đã làm thay đổi diện mạo của Thượng Hải và Trung Quốc cho đến ngày nay. Công việc này đóng vai trò rất tốt trong việc đặt hoạt động kinh doanh vào trung tâm của sự phát triển then chốt – tạo nên sự trỗi dậy của nhà nước Trung Quốc hiện đại. Đây là một lời nhắc nhở rằng: những người kinh doanh cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện trọng đại, chứ không chỉ là vai trò của các chính trị gia và tướng lĩnh.
Nhận xét về cuốn sách “Những ông trùm tư bản cuối cùng của Trung Quốc”, Tạp chí Financial Times viết: “Tác phẩm là một thiên sử thi kéo dài qua nhiều thế hệ về hai đế chế kinh tế Sassoon và Kadorie, những người đã nâng tầm công việc kinh doanh và góp phần không nhỏ tạo nên lịch sử Trung Quốc hiện đại. Tác giả đã nêu rõ sự đối lập giữa gia tộc Sasson không chịu theo bất cứ một khuôn phép nào với cách tiếp cận kinh doanh đầy khắt khe của nhà Kadoorie. Cuốn sách cũng thể hiện xuất sắc thời kỳ đầy biến động trong lịch sử Trung Quốc. Tác phẩm đã thành công khi đưa kinh doanh trở thành nhân vật trung tâm cho câu chuyện về sự trỗi dậy và phát triển của Trung Quốc.”
Tác giả cuốn sách Jonathan Kaufman là phóng viên từng đạt giải Pulitzer. Ông đã từng theo dõi và viết rất nhiều bài báo, phóng sự về Trung Quốc trong 30 năm cho các tờ báo The Boston Globe, The Wall Street Journal và Bloomberg News… Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về người Do Thái. Với đặc quyền riêng có, trong đó có việc được tiếp cận với nhiều tư liệu quý giá chưa từng được công bố như kho tư liệu và nhật ký đồ sộ của hai gia tộc Sassoon và Kadorie, Kaufman đã viết nên cuốn sách đậm chất sử thi đầy li kỳ, lôi cuốn và hấp dẫn này.