“Những người khốn khổ” - các nhân vật điển hình trong trang sách Victor Hugo 'bước' lên sân khấu
“Những người khốn khổ” - các nhân vật điển hình trong trang sách Victor Hugo 'bước' lên sân khấu
Sau các đêm diễn thành công tại Hà Nội cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ đưa vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" lưu diễn tại nhiều địa phương trên cả nước từ giữa tháng 4 đến tháng 6 nhằm đáp ứng nhu cầu được thưởng thức kiệt tác nghệ thuật của thế giới.
"Những người khốn khổ" (Tiếng Pháp: Les Misérables hay còn được gọi là Les Mis) là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo, được xuất bản năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn này, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch COVID-19, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã quyết định cho ra mắt vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” để đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới.

Các đêm diễn đã nhận về những tràng pháo tay không ngớt và sự ngưỡng mộ của khán giả dành cho các nghệ sĩ. Đặc biệt, các buổi diễn còn thu hút rất nhiều vị khán giả là người ngoại quốc vốn quen thuộc với tác phẩm của đại văn hào Pháp Victor Hugo trên sân khấu quốc tế.

Trong kiệt tác "Những người khốn khổ", nhân vật chính Jean Valjean là hiện thân cho những xung đột thiện và ác rất đỗi con người bởi cuộc chiến giằng xé giữa một bên tôn trọng luật pháp và một bên đạo lý con người được Victor Hugo miêu tả lên tới đỉnh điểm rất hay. Đây có thể coi là một chìa khóa vàng cho những lầm tưởng bất lâu nay trong xã hội nước Pháp về "con người của tầng lớp dưới". 

Và với vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) dàn dựng, hơn 150 nghệ sĩ đã cho khán giả từng yêu tác phẩm bất hủ của Victor Hugo thấy được trực diện bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp.

Qua hàng loạt nhân vật điển hình, tác phẩm đã thể hiện tình yêu thương vô hạn đối với những nạn nhân khốn cùng của xã hội tư bản, dẫu bị vùi dập họ vẫn hiện lên lung linh với nhân cách và tâm hồn cao đẹp. Tác phẩm như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội cũ vô nhân đạo, với cả một mạng lưới luật pháp bất công,những kẻ giàu có nhưng bản chất lưu manh, thối nát,…Bên cạnh đó là  một bản tình ca đầy nhân văn về những mảnh đời giản dị. Vừa khổ đau tận cùng vừa đẹp đẽ mẫu mực, vừa lãng mạn nhưng cũng đầy tính hiện thực, "Những người khốn khổ" là một hình dung đầy đủ về xã hội Pháp trong những năm đầu của thế kỷ XIX.


Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam không Việt hóa tác phẩm về cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Vở nhạc kịch được thể hiện bằng tiếng Anh để giữ được linh hồn của tác phẩm kinh điển. Nhưng khi nghệ sĩ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung.

Đáp ứng sự yêu mến của khán giả yêu mến tác phẩm cũng như vở kịch,  Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ đưa vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" trở lại. 

Cụ thể, vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn với 3 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 16, 17 và 18-4. Sau đó, tác phẩm sẽ đến với khán giả thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và biểu diễn 3 đêm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh sự góp mặt của hàng trăm diễn viên và dàn nhạc chơi sống hoàn toàn, điều đặc biệt trong chương trình lưu diễn sắp tới là việc áp dụng thêm công nghệ visual art, đưa vở diễn lên một tầm thưởng thức mới.

Về sự thay đổi mới mẻ này, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết: "Việc áp dụng hình ảnh kỹ thuật số vào tác phẩm nhằm kích thích thị giác, từng bước đáp ứng xu thế áp dụng công nghệ vào nghệ thuật, giúp khán giả dễ hình dung ra bối cảnh câu chuyện, đẩy cảm xúc lên cao trào".

Sức hút của vở nhạc kịch cũng một lần nữa khẳng định giá trị tuyệt tác của của “Những người khốn khổ” qua gần 2 thế kỷ, đúng như lời tựa cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo: Chừng nào trên mặt đất này còn dốt nát khổ đau, chừng đó “Những người khốn khổ” còn nguyên giá trị.

Trạm Đọc tổng hợp

 

 

Tags: