Những dư âm từ hành trình phiêu bạt
Những dư âm từ hành trình phiêu bạt
Lúc còn sống, nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng quan niệm: “Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực thì anh vẫn còn có thể viết văn được”.

Cùng quê với tác giả của Chiếc lược ngà, Trương Chí Hùng (giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TPHCM) thuộc thế hệ hậu bối, cũng là minh chứng cho quan niệm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Sau tập bút ký Man mác Vàm Nao ra mắt vào năm 2019, mới đây, anh tiếp tục giới thiệu tập bút ký Nẻo đời phiêu bạt (TYM Books và NXB Phụ nữ). Tất cả đều là kết quả của thú xê dịch có từ cách đây hơn chục năm của anh, mà nói theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng là “đi vào cuộc sống”. 

Vốn dĩ bút ký là thể loại kén người viết (và cả người đọc), bởi đặc trưng riêng của thể loại này là phải đến tận nơi, lắng nghe và quan sát các hiện tượng trong cuộc sống. Khác với Man mác Vàm Nao, ở Nẻo đời phiêu bạt, bước chân của Trương Chí Hùng có sự mở rộng ra các vùng đất khác như Đà Lạt (Trăm năm miền sương khói), Phú Yên (Gởi em “xứ Nẫu”), Ninh Thuận (Khắc khoải miền nắng gió), nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là những bài viết về miền Tây. Bởi đây mới là vùng đất của Trương Chí Hùng, là nơi anh sinh ra, lớn lên, và giờ đang hít thở bầu không khí của miền sông nước. 

Như một lẽ tự nhiên, chỉ có đi mới thấy, mới gặp, với Trương Chí Hùng cũng vậy. Nhờ đi mà anh gặp được tấm lòng thơm thảo từ một phụ nữ vùng rừng U Minh Hạ không quen biết, nhưng sẵn sàng đãi khách qua đường bữa cơm đạm bạc hay cho tá túc qua đêm (Rong ruổi miệt Cà Mau).

Cũng nhờ đi mà anh gặp được chú Bảy Dũng ở làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), người đã quyết tâm giữ lại chậu mai - dù đã có người trả giá chục triệu, chỉ để cho cặp chim sâu làm tổ bởi một lý do: “Tổ chim cũng như căn nhà của mình vậy, đang ở mà bị người ta bứng đi thì biết phải làm sao” (Mùa hoa chớm nụ)… 

Không chỉ đọng lại nơi người đọc về những con người miền Tây chân chất, dẫu nghèo nhưng vẫn luôn sống lạc quan và nghĩa tình, Nẻo đời phiêu bạt của Trương Chí Hùng còn là niềm khắc khoải cho một miền Tây của hiện tại, bắt đầu mang trên mình những vết thương.

Vết thương ấy là khi mùa nước nổi mất đi, “vừa mất đi nguồn sinh kế của bà con, vừa mất đi những giá trị tinh thần mà người dân miền Tây đã chắt chiu từ mấy trăm năm qua” (Mùa nước nổi xa xôi). Không những vậy, sông còn “đổi tính đổi nết”, vùng vẫy phẫn nộ khiến mối an nguy của không ít người dân bị đe dọa (Quặn thắt dòng sông Hậu). Tất cả hiện lên như một cảnh báo về vấn đề sinh thái, nhẹ nhàng nhưng lại đầy thâm thúy.

Theo QUỲNH YÊN - SGGP

Tags: