Những bá chủ không gian: Elon Musk đã làm gì để tên lửa đầu tiên của mình được NASA chú ý?
Những bá chủ không gian: Elon Musk đã làm gì để tên lửa đầu tiên của mình được NASA chú ý?
Trích đoạn từ cuốn sách: Những bá chủ không gian

Với tên gọi SpaceX, công ty mới của Musk được thành lập ở một nhà máy El Segundo cũ tại số 1310, đại lộ East Grand, cách sân bay Los Angeles không xa. Musk đã phác thảo bản thiết kế cho sáng kiến đầu tiên của mình, một tên lửa ngựa thồ, với một động cơ duy nhất mà chẳng có gì xa xỉ một cách có chủ đích. Nếu người khác nghĩ về tên lửa của họ như những chiếc xe đua, thì ông lại vui vẻ so sánh tên lửa của mình với một chiếc Honda – có ích, đáng tin cậy và rẻ.

“Tôi cá với bạn 1000 ăn 1 rằng nếu bạn mua một chiếc Honda Civic, chắc chắn nó sẽ không hỏng trong năm sử dụng đầu tiên,” ông nói với tạp chí Fast Company. “Bạn có thể mua một chiếc xe rẻ, đáng tin cậy và tên lửa cũng thế.” Với giá khoảng 6 triệu đô-la, nó có thể phóng các trọng tải nặng hơn 500kg, giống như các vệ tinh, lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá của các đối thủ.

Không bao lâu sau, tên lửa Falcon 1 đầu tiên của công ty được lắp ráp –“Falcon” là sự bày tỏ lòng tôn kính đối với chiếc Millennium Falcon trong Star Wars, số “1” biểu thị số lượng động cơ tầng thứ nhất mà nó có. Nhưng dù đã chế tạo ra một tên lửa chỉ trong vòng hơn một năm, Musk vẫn không thể thu hút sự chú ý của bất cứ ai ở NASA.

Washington lạnh nhạt với Musk cũng giống như với Beal (tỷ phú ngân hàng Mỹ, từng thành lập Công ty hàng không vũ trụ Beal). Các nhà thầu lớn, các thành viên của Quốc hội, thậm chí rất nhiều người ở NASA – xem ông chỉ là một triệu triệu phú khác với một công ty không gian đồ chơi. Một tài tử không thể thành công. Rất ít người nhìn nhận Musk một cách nghiêm túc.

“Lúc đầu, chúng tôi thậm chí đã phải van xin NASA chú ý,” Lawrence Williams, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chiến lược của SpaceX vào thời điểm đó, nhớ lại.

Cho đến cuối năm 2003, Musk cho rằng nếu NASA không chú ý đến ông, ông sẽ tiếp cận họ. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm kể từ chuyến bay đầu tiên của hai anh em nhà Wright bằng một bữa tiệc tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia, vì thế Musk quyết định sẽ đến tham dự – và mang theo cả tên lửa mới của mình.

Để chuẩn bị cho sự kiện đó, SpaceX đã chất tên lửa cao bảy tầng lên một xe rơ-moóc và đưa nó dọc chiều dài nước Mỹ đến Washington, D.C. Với một đội cảnh sát hộ tống, nó diễu hành xuống Đại lộ Độc lập, dọc Công viên Quốc gia, mảnh đất thánh đã chứng kiến vô số màn biểu diễn, những cuộc diễu hành và cả những cuộc biểu tình nhưng chưa từng chứng kiến thứ gì tương tự thế này.

Khi Musk, lúc đó 32 tuổi, đỗ chiếc xe chở tên lửa bên ngoài trụ sở FAA, các khách du lịch đang trên đường đến Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia tò mò dừng lại để chứng kiến cuộc triển lãm đường phố, dù tiết trời lạnh cóng. Một tên lửa tự hành màu trắng, sáng bóng cao bảy tầng, choán lấy khu nhà bình thường vẫn dành cho các quầy bán xúc xích. Một người lái xe taxi dừng lại, tỏ vẻ suốt ruột, khi chiếc xe rơ-moóc chiếm toàn bộ một làn đường giao thông vào giờ cao điểm. Buổi trình diễn thể hiện sự huênh hoang đậm chất Thung lũng Silicon, giống như một sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple, nhưng trước cả khi Steve Jobs hoàn hảo hóa nghệ thuật quảng bá rầm rộ một thiết bị mới trước đám đông.

Đây là cơ hội để Musk phô diễn thứ mà công ty khởi nghiệp nhỏ của mình đã đạt được – với NASA; với các nhân viên quốc hội đang kêu gào đòi đồ uống miễn phí; với báo giới, đang háo hức được nhìn thấy nó – ngay cả khi nó vẫn chưa được phóng.

Nhưng nó có thể được phóng. Nó sẽ được phóng. Và sự hiện diện của nó trên vỉa hè đã tạo ra sự tương phản mạnh mẽ rất rõ ràng và được tính toán kỹ. Bên trong bảo tàng là quá khứ huy hoàng của NASA – thiết bị đã hạ cánh trên Mặt trăng, khoang tàu Mercury, những tiếng vang của Apollo được trân trọng cất giữ đặt cạnh những giấc mơ bị bỏ rơi mà nó đã sinh ra. Bên ngoài là người đàn ông sẽ tạo ra một tương lai mới – chuyến bay không gian giá rẻ, đáng tin cậy, với mục đích một ngày nào đó sẽ chinh phục sao Hỏa – một lời hứa cũng hoang đường như kẻ lập dị trẻ tuổi đang buông lời hứa hẹn.

Ông không chỉ đang giới thiệu tên lửa của mình, mà còn quảng bá cái mà nó đại diện – ý tưởng điên rồ rằng một công ty khởi nghiệp nhỏ có thể thành công trong lĩnh vực không gian. Beal đã đi xa hơn nhiều so với suy nghĩ của rất nhiều người và ông đã rạch một nhát lên bức tường, ngăn những người chơi không truyền thống khỏi ngành không gian. Nhưng nếu muốn tránh khỏi số phận của Beal, Musk không những phải chế tạo ra những tên lửa đáng tin cậy – mà còn cần đảo lộn trật tự đã ăn sâu bén rễ của ngành này. Điều đó sẽ cần nhiều hơn cả kỹ thuật xuất sắc. Nó cần sự can đảm và kiên định – một ảo tưởng được tiếp nhiên liệu bằng cái tôi, may mắn và khao khát đối đầu với những tổ chức lâu năm một cách không chùn bước.

Bản thông cáo báo chí thông báo về cuộc diễu hành trên Đại lộ Độc lập không chỉ phóng đại chiếc tên lửa mới thành “một đột phá vượt bậc về chi phí tiếp cận không gian” mà còn chế giễu các đối thủ cạnh tranh về chi phí đắt hơn gấp bốn lần trong khi thiếu tin cậy hơn rất nhiều. SpaceX cũng lợi dụng sự thật rằng NASA vẫn đang bị cấm túc 10 tháng sau khi Tàu con thoi Columbia nổ tung, khiến cả bảy phi hành gia trên tàu thiệt mạng.

“Việc cấm túc Tàu con thoi Columbia tạo ra một sự trì trệ trong việc phóng vệ tinh nhân tạo, qua đó tạo ra một nhu cầu lớn về các phương tiện tiếp cận không gian mới,” thông cáo đưa tin, chào hàng khả năng được tái sử dụng sau đó của tên lửa Falcon.

Trong tiệc chiêu đãi lúc 8 giờ tối, khi các viên chức NASA, thành viên quốc hội và người của FAA đi lại, Musk tranh luận trong một bài phát biểu ngắn rằng SpaceX là câu trả lời cho một ngành không gian trì trệ.

“Lịch sử phát triển các thiết bị phóng đã không mấy thành công; thực sự vẫn chưa hề có một thành công nào, nếu các ngài định nghĩa thành công là tạo ra thay đổi đáng kể về chi phí hay độ tin cậy,” ông nói. “Tôi nghĩ vụ thử nghiệm của chúng tôi với SpaceX là lần đầu tiên trong một thời gian rất dài.”

Ông mời một nhóm nhỏ phóng viên ra ngoài, nơi những ánh đèn pha sân khấu làm nổi bật quả tên lửa và một bục phát biểu đã được dựng lên. “Chúng tôi rất tự hào giới thiệu thiết bị này lần đầu tiên ngay tại D.C.”

Người dẫn chương trình tự xưng thậm chí còn có nhiều tin tức để chia sẻ hơn. Tên lửa Falcon 1 này mới chỉ là sự bắt đầu, ông nói. Công ty của ông đã bắt tay chế tạo tên lửa Falcon 5, một tên lửa mạnh hơn nhiều với các động cơ năm tầng thay vì chỉ một tầng. Nó cũng sẽ đánh đổ các đối thủ cạnh tranh do ít tốn kém hơn nhiều, ông hứa hẹn: “Nó sẽ thiết lập một kỷ lục thế giới mới về chi phí tiếp cận không gian trên mỗi ki-lô-gam. Đó là một tiến bộ vượt bậc so với bất cứ thứ gì khác.”

Falcon 5 sẽ đủ lớn để cho phép SpaceX đặt chân vào thị trường hấp dẫn với các vệ tinh lớn hơn, vốn bị chi phối bởi các nhà thầu chính phủ lớn. Vì vậy, cuộc trình diễn ở Công viên Quốc gia này quan trọng hơn nhiều so với một cuộc giới thiệu tên lửa lần đầu của ông. Đó là một phát súng cảnh báo đối với các công ty như Lockheed Martin và Boeing.

Beal đã không thể phá vỡ sự kẹp chặt của họ trong ngành này. Nhưng Musk lại đang nắm trong tay một tên lửa mới cùng khối tài sản mới được tạo ra mà ông sẵn sàng chi mạnh tay.

Ông đang đến tìm bọn họ.

Trạm Đọc

Tags: