Người lưu giữ kho báu tuổi thơ
30 năm với hơn 100 tác phẩm. Nguyễn Nhật Ánh đã khiến tuổi thơ của biết bao thế hệ học trò trở nên vô cùng ý nghĩa, nhiều màu sắc. Trong hộc tủ của tuổi thơ ngày ấy, mấy ai mà quên được con Tủn, con Tí sún, thằng cu Mùi… với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ hay mấy ai mà không vấn vương trước chuyện tình của chàng Thư trong Cô gái ngày hôm qua… và vô vàn các truyện ngắn, truyện dài khác.
Nguyễn Nhật Ánh cứ luôn tận tụy, luôn hết lòng cho văn học suốt bao năm chưa bao giờ thay đổi. Viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi nhất là ông, đoạt nhiều giải thưởng văn chương là ông, người có sách bán chạy nhất là ông, có sách được chuyển thể thành phim, được dịch ra tiếng nước ngoài cũng là ông…
Nguyễn Nhật Ánh có cảm hứng với đề tài tuổi thơ vì ông luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của ông không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất. Ông nhớ nhung tất cả và tôi muốn lưu giữ cảm xúc của mình trong những cuốn sách.
Nghiêm túc cho một tác phẩm “đẹp"
Nguyễn Nhật Ánh thức dậy viết văn từ lúc mặt trời còn ngủ. Khi mặt trời thức, ông lại đọc báo, uống trà và viết tiếp. Ông viết văn đầy cảm hứng nhưng cũng nghiêm túc và khắt khe vô cùng. Bởi nghiêm túc và khắt khe với chính mình và những đứa con tinh thần mà mỗi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh khi trình làng đều nhận được sự trân trọng, đón nhận và yêu thương vô cùng.
Nếu hỏi về công thức để tạo nên một tác phẩm hay của Nguyễn Nhật Ánh ư? Thật khó để có câu trả lời toàn vẹn cho câu hỏi ấy. Chỉ có thể nói rằng từng chất liệu, từng câu từ cho tới từng cái tên như: con Tủn, thằng Mừng, con Mận hay Quý Ròm, Tiểu Long, Nhỏ Hạnh đều được Nguyễn Nhật Ánh lựa chọn cẩn thận để mang đến những tác phẩm “đẹp” – không chỉ về nội dung mà còn đẹp bởi sự gần gũi, sự dân dã và rất Việt Nam trong ấy nữa.
Những suy nghĩ chân thực, ngộ nghĩnh, đáng yêu, cái lãng mạn nguyên sơ... Ông viết, ông kể hồn nhiên, trong sáng như trăng rằm mùa thu; ca ngợi một cách chân thành, không chút bịa đặt, thêm bớt. Tất cả những điều ấy khiến cho truyện Nguyễn Nhật Ánh được đón nhận tự nhiên.
Nguyễn Nhật Ánh cũng thể hiện sự từng trải và lịch lãm, vốn sống, vốn văn hóa khi đan cài vào những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng đó tri thức phong phú về đời sống làng quê, ngôn ngữ đời thường và kiến thức văn học nghệ thuật: thơ, truyện trinh thám, kiếm hiệp, truyện dân gian, truyện hiện đại của Việt Nam và thế giới.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn hấp dẫn bởi những kiến thức khoa học, văn hóa, xã hội phong phú. Khi viết Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Nguyễn Nhật Ánh biết lựa chọn, lọc ra những kiến thức từ sự nghiên cứu tài liệu về khoa học tự nhiên, hóa học, vật lí, nghiên cứu các tài liệu về phù thủy, pháp sư, ma thuật cũng như các huyền thoại phương Đông.
Đừng tưởng rằng Nguyễn Nhật Ánh chỉ giỏi trong việc viết văn cho trẻ con. Trước đây nhà văn này đã từng bén duyên với sư phạm và “gõ đầu trẻ” với 2 năm kinh nghiệm rồi đấy. Viết truyện xuất sắc đã đành, đến làm thầy, làm thơ rồi làm báo, bình luận bóng đá Nguyễn Nhật Ánh cũng làm hay không kém.
Gieo tương tư cho những trái tim người lớn
Nhiều người đoán Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi thơ, vậy hẳn ông còn trẻ con lắm! Có người bảo ông sưu tập thú, tối ngủ không khéo còn ôm thú bông hay đặt chúng ở đầu giường. Quả thật, ông có sưu tầm thú, rất nhiều loại bằng nhiều chất liệu khác nhau, trừ... bông. Ông không ôm chúng ngủ, cũng không gối đầu giường mà chỉ chưng để ngắm. Ở phòng làm việc của ông, ngoài bi ve, banh, trống... (dành cho trẻ con), còn lại đa số là các con vật. Ông kể từ nhỏ đã ghiền mua những con thú nặn từ bột mì ở ngoài chợ về ngắm. Ngay cả khi 30 tuổi, một ngày đi giữa Sài Gòn, thấy người ta bán tò he đủ màu sắc, ông cũng dừng xe vào mua một cách hồn nhiên. Tưởng mua cho con, hóa ra ông mua cho mình.
Gọi Nguyễn Nhật Ánh là “hoàng tử bé” theo nghĩa nào cũng đúng. Ông “bé” từ trang sách đến ngoài đời. Nhìn xa ông bé, nhìn gần ông cũng bé. Nhìn xa ông trẻ, nhìn gần ông càng trẻ hơn. Có cảm giác mỗi lần muốn quay về tuổi thơ, ông chỉ việc cất cánh là bay thoải mái, chẳng cần đi tàu xe. Tiếp xúc với Nguyễn Nhật Ánh cực kỳ khó chịu nhưng cũng cực kỳ dễ chịu. Cái nhìn, tuy lắm lúc sắc sảo như đi vào tim gan người khác nhưng luôn tinh tường và công bằng, hàm ý xây dựng. Cái giọng tuy nặng trịch (giọng Quảng) khó nghe nhưng thẳng thắn, thật thà.
Nhiều độc giả dễ hiểu nhầm ông không thể đụng chạm đến các vấn đề người lớn trên trang sách. Điều này thôi thúc Nguyễn Nhật Ánh để cho các nhân vật của ông lớn dần. Chính tác giả cũng tò mò về cách “các cô bé, cậu bé sẽ hành động như thế nào, suy nghĩ ra sao khi đối diện với các vấn đề của tuổi trưởng thành trên trang sách của mình”. Có lẽ vì thế, ông luôn tìm cách chuyển đổi khẩu vị cho bạn đọc.
Nguyễn Nhật Ánh được coi là nhà văn “chỉ viết cho tuổi thơ” nhưng những tác phẩm của ông có sự đa dạng phù hợp với tâm sinh lí nhiều lứa tuổi. Ông viết nhiều truyện đơn thuần dành cho tuổi mầm non và tiểu học, nhưng ông cũng dành nhiều quan tâm hơn cho lứa tuổi mới lớn, tuổi teen, tuổi “dở dở ương ương” với những rung động đầu đời, từ thích chuyển sang yêu hay thậm chí những cuốn sách của ông với những người trưởng thành đọc vẫn thấy có nhiều điều phải ngẫm nghĩ. Hay như TS Thái Phan Vàng Anh nói: Chỉ có đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh, “trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ”.
Ngọn lửa yêu nghề, yêu văn, yêu viết của Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ tắt, ông luôn cảm thấy hạnh phúc khi được cầm bút, được viết những trang văn. Thật tâm “mong bạo chúa thời gian” sẽ bỏ quên ông thật lâu để chúng ta vẫn được đắm chìm trong thế giới tuổi thơ đầy màu sắc, những chuyến phiêu lưu, và những chuyện tình yêu mơ mộng.
Ngày hôm nay – 7/5, chúc mừng sinh nhật nhà văn tuổi thơ của chúng ta.
Minh Hằng - Trạm Đọc