Nhà văn Đỗ Bích Thúy và họa sĩ Lê Thiết Cương làm sách ủng hộ trẻ em miền núi
Nhà văn Đỗ Bích Thúy và họa sĩ Lê Thiết Cương làm sách ủng hộ trẻ em miền núi
Chiều 13-4, tại Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy ra mắt bộ ấn phẩm "Về" gồm 4 cuốn: "Người yêu ơi" (tiểu thuyết), "Thương nhau như người thân (tập tản văn), "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" (tập truyện ngắn), "Bóng của cây sồi" (tiểu thuyết)
Tròn 20 năm sống và làm việc tại Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 21 cuốn sách. Trong đó có 6 tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi. Phần lớn các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy viết về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là về quê hương của cô - vùng đất Hà Giang bốn bề mây phủ

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Đỗ Bích Thúy là một cây bút đặc biệt về đề tài nông thôn, miền núi. Ở thành thị nhiều năm nhưng Đỗ Bích Thúy vẫn luôn sống trong những ký ức về nông thôn, miền núi và dồn tất cả vào những trang viết như cách để trở về với nơi mình sinh ra, nuôi lớn mình, để cân bằng với cuộc sống. 

Bốn cuốn sách ra mắt lần này do Nhà Xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành, vẫn theo mạch đề tài về dân tộc thiểu số và miền núi mà nhà văn Đỗ Bích Thúy gắn bó, ghi dấu ấn nhiều năm qua. Trong đó có 2 cuốn sách mới in lần đầu là "Người yêu ơi", "Thương nhau như người thân" và 2 cuốn tái bản là "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", "Bóng của cây sồi".

"Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" là một trong những tập truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy được bạn đọc yêu thích nhất. Trong đó có truyện ngắn cùng tên được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim "Chuyện của Pao", đoạt giải Cánh diều vàng năm 2005. 

Với Đỗ Bích Thúy, viết về miền núi là một lợi thế khi không có quá nhiều người viết. Cô tự nhận mình là người cũ kỹ, hoài niệm, chậm tiến, lơ mơ, luôn cảm thấy mình đã bỏ lỡ một vài việc nào đó, cũng chưa bao giờ thấy vừa lòng thực sự về những điều mình đã làm. Miền núi, cho đến giờ, với chị: “Vẫn là một vùng đất mà tôi vừa thuộc về vừa cảm thấy chưa bao giờ tôi hiểu nó đến tận cùng. Thế nên, cứ viết vậy thôi”.

Lê Thiết Cương là một cái tên đã quá quen thuộc với công chúng yêu hội hoạ. Đỗ Bích Thuý kỳ vọng với sự giúp đỡ của anh, bạn đọc sẽ dần có được trong tay bộ sách xuyên suốt một phong cách mĩ thuật tối giản, tinh tế và sang trọng.

Cả 4 cuốn sách đều được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa và thiết kế mỹ thuật, với phong cách tối giản, tinh tế, sang trọng. 

Bốn cuốn sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)

Cũng trong lần xuất bản này, 1 trong 4 cuốn, tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", ngoài 2.000 bản in thường còn có 100 bản đặc biệt được đánh số từ 1-100. Bản đặc biệt có các minh hoạ trên giấy dó của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả. Thay vì in, phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Đây là một món quà đặc biệt được hoạ sĩ và nhà văn dành cho những bạn đọc có nhu cầu sưu tầm sách đẹp.

Bên cạnh đó, một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi khó khăn, đây là một hành động đầy ý nghĩa và nhân văn cũng là một trong những dự án mà cả hoạ sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Đỗ Bích Thúy đều đã dành nhiều tâm huyết trong suốt những năm qua.

Trạm Đọc tổng hợp

Tags: