Người mang đậm chất Hà Tĩnh
Ở Hà Nội 40 năm, Phạm Xuân Nguyên vẫn nguyên giọng Hà Tĩnh, khác với nhiều người miền Trung chỉ nói đúng giọng quê khi gặp đồng hương hoặc về bản xứ và thường nói nhẹ đi, nói theo tiếng Bắc, ông không có khả năng nói giọng khác, không có khả năng nói, nghe ngoại ngữ. Ngạc nhiên, bởi ông đã tự học tiếng Nga, Pháp, Anh đạt trình độ dịch tác phẩm văn học mà lại tự nhận là “câm điếc” bởi không nói được các ngoại ngữ này.
Ra Hà Nội học Đại học Tổng hợp Văn khóa 20 năm 1975, đến năm thứ 3, ông đi bộ đội 4 năm, đóng quân ở Sài Gòn. Không chiến đấu mà giảng dạy tại Trường Sĩ quan kỹ thuật Vinhempich (tên Tổng thống Đức) nay là Đại học Quân sự Trần Đại Nghĩa. Xuất ngũ, ông tiếp tục học và ra trường năm 1983. Về công tác tại Viện Văn học, chàng trai nghèo từ Hà Tĩnh phải ngủ bàn ở cơ quan, tất cả bắt đầu từ tay trắng.
Mang dòng máu miền quê nghèo, thương khó hay chính thử thách cuộc sống đã khiến ông dễ thích nghi mọi hoàn cảnh năng động và hòa đồng. Sinh ra tại thị xã Hà Tĩnh, Phạm Xuân Nguyên lớn lên trên quê mẹ Thạch Hà, Hà Tĩnh, quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ là đất văn chương; khác với Nghệ An, hiếu học để thoát ly, để làm quan. Quê cha ở Hưng Nguyên, Nghệ An, Phạm Xuân Nguyên vẫn nhận mình là người Hà Tĩnh, mang chất Hà Tĩnh nhiều hơn. Ông thỉnh thoảng vẫn về quê, chu tất việc dòng họ dù bố mẹ ông đã mất 33 năm, 10 người con nay chỉ còn ông và em trai.
Bí mật góc khuất của Phạm Xuân Nguyên là đời tư của ông. Không ít lần tôi nhận câu hỏi có biết người yêu của Phạm Xuân Nguyên là ai không? Tôi vừa biết vừa không và luôn từ chối trả lời. Căn hộ trên tầng 5 một khu tập thể để không 10 năm, đến 2005, chủ nhà mới cải tạo để đến ở sau ly hôn. Gần 20 năm sống cùng nhà vợ ở làng Giáp Bát, Phạm Xuân Nguyên mới ở riêng trong ngôi nhà của mình, cơi nới thêm khung sắt “chuồng cọp” để đồ và phơi quần áo, lát sàn gỗ. Căn hộ 40m² ấy lúc nào cũng gọn ghẽ dù sách ngày một nhiều, chiếm góc trái gian phòng to nhất phía ngoài nơi ông dùng để tiếp khách và ăn cơm.
Giá sách 7 tầng cao tận trần nhà ngày một võng xuống, ba bề tường còn lại là tranh: Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Lê Thanh Hải, Hoàng Hà Tùng, Phạm Kim Bình... và tranh chân dung của họa sĩ Văn Thao, Phương Bình, Đặng Mậu Tựu vẽ Nguyên. Ảnh Trần Hồng chụp Phạm Xuân Nguyên tóc bạc trắng, xõa dài đang uống rượu. Tửu lượng tốt, rượu vào mặt ông Nguyên ửng hồng, mịn màng đến con gái cũng phải mơ, trong khi làn da thì sạm nắng. Dù hoàn cảnh nào, Phạm Xuân Nguyên là một nhân cách trung thực, dám chịu trách nhiệm, liên tục sáng tạo và ông đã làm được nhiều việc mà các vị tiền nhiệm chưa ai làm được kể từ khi là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010.
Nhà phê bình văn học đa tài
Phạm Xuân Nguyên là tập hợp những mâu thuẫn khiến số đông nhầm lẫn. Khi in báo Tiền Phong bài thơ đầu tiên năm 1996 và viết thường xuyên cho báo này, tôi hay đọc truyện ngắn dịch từ tiếng Nga của dịch giả Ngân Xuyên, nhiều người nhầm đấy là chị/cô. Vài năm sau, tôi mới biết đấy là bút danh của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Thời gian trôi đi, ông Nguyên tóc ngắn thành tóc dài, bạc trắng, chỉ là thay đổi ngoại hình. Honda Cub 70 màu xanh đen vẫn giữ, dù đã có ôtô vài năm nay. Ông học lái xe từ 2008, ôm vô-lăng điệu nghệ mọi cung đường. Nhưng “khổ xa” mà ông lái suốt đời là hành trình văn chương.
Thích xem phim, kịch, đọc nhiều và vẫn là cộng tác viên ruột của các báo lớn, Phạm Xuân Nguyên còn giảng dạy, nói chuyện văn chương ở khắp nước. Ông đã ra Trường Sa 2 lần và cũng hay/thích đi xa. Từ lần đầu xuất ngoại sang Nhật năm 1999, ông đã đến châu Âu do những lời mời cá nhân: Pháp, Đức, Hà Lan. Ông đặc biệt yêu nước Pháp, nhất là nền văn học nghệ thuật và luôn muốn trở lại đất nước hình lục giác. Với nước láng giềng, ông đã nhiều lần qua Xiêm Riệp, Phnompenh (Campuchia). Ông bơi được, đi bộ dẻo dai, dễ thích ứng với các hoàn cảnh nên thường được bạn bè rủ đi chơi, kết hợp công tác, khám phá.
Mỗi nơi khi Phạm Xuân Nguyên đến, không khí đều sôi nổi, tưng bừng bởi ông biết nhiều, nhớ giỏi, kể chuyện tiếu lâm rất duyên. Ông sống trẻ cũng bởi ưa hoạt động và làm việc, tư duy không bao giờ ì trệ về tinh thần và thể xác. Phạm Xuân Nguyên là người duy nhất của giới văn chương được báo Lao Động mời vào đoàn nhà báo và các lãnh đạo ra đảo Lý Sơn dự Lễ khởi công xây Đài tưởng niệm các nghĩa sĩ Hoàng Sa của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sáng 17/1/2016. Chuyến đi lần đầu ra huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi cách đất liền 14 hải lý hết 75 phút tàu thủy, ở Lý Sơn 2 ngày đã cho ông thêm nhiều suy cảm về hải phận quốc gia và tình yêu nước thiêng liêng mà ông sẽ viết, sau những bài báo ấn tượng về Trường Sa.
Không nên khen Phạm Xuân Nguyên nhạy bén, thông minh mà phải khẳng định đấy là một trí thức mẫn cảm với nghề nghiệp và thời cuộc. Ông gắn bó với văn học Việt Nam hiện đại không chỉ như nhà phê bình - vệ sĩ của nghệ thuật, phát hiện và tôn vinh những giá trị mà còn là bạn tin cậy của các cây bút nhiều thế hệ. Ông ủng hộ cái mới, những sáng tạo độc đáo không chỉ bằng hô hào suông hay viết bài tựa, bạt cho sách, giới thiệu trên báo mà còn dùng uy tín cá nhân để bảo vệ các tác giả, tác phẩm xứng đáng. Những cây bút trẻ từ thuở dấn thân đến lúc thành danh đều kính trọng và quý ông bởi ông không chỉ đồng hành chân thành mà còn là một nhân chứng. Nhân chứng của văn học sử hiện đại.
Ham đọc, học, ham xem, ham đi, bao nhiêu thứ ham dồn vào một người có thành tham? Nguyên quảng giao, đông bạn, rành mạch trong khoa học, tình nghĩa với bạn bè thành ra hay nể, nể khi được mời viết đặt bài, nhờ làm MC. Ông là MC duyên dáng và lôi cuốn đến hàng nghìn cuộc ra mắt sách, chủ tọa những cuộc tọa đàm ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Làm văn chương thường nghèo, thời lắm thứ giải trí tràn lan, thị phần độc giả eo hẹp, văn hóa đọc sa sút, tận lực với văn chương sẽ thiệt thòi. Phạm Xuân Nguyên là một trong số ít người như thế và ông phải xoay xỏa thời gian giữa những ham - hứa - hẹn. Rồi bị tiếng hay sai hẹn, thất hứa. Ai đó lại nói ông ham chơi. Không phải thế, thích la cà nhậu nhẹt thì sao có lượng trang viết đồ sộ, cập thời, nóng sốt mà vẫn tường minh, sâu sắc để bao năm vẫn bảo tín tên Phạm Xuân Nguyên.
Cuộc sống và tác phẩm
Phạm Xuân Nguyên chỉ có một con duy nhất - Trần Hải Hà (1989), song rất hiện đại để con tự quyết định cuộc sống và nơi ở. Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Seoul năm 2012, Trần Hải Hà đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, cô nói tiếng Anh thành thạo và đã dịch được 5 cuốn sách, viết văn tốt nhưng không muốn theo chuyên nghiệp. Trình độ của Phạm Xuân Nguyên thừa đủ học hàm Phó giáo sư, xứng đáng chức vụ ít nhất là Viện phó, nhưng ông chỉ là Trưởng phòng Văn học so sánh, phòng mới thành lập năm 2006.
Giống như nhiều viện nghiên cứu, hầu hết cán bộ đều dán mác tiến sĩ, Phó giáo sư, Phạm Xuân Nguyên “lạc bầy” tại Viện Văn học, không làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trọn vẹn, không màng chức vụ. Say mê chuyên môn, ông sống tuân theo tự nhiên. “Trời cho tôi trí nhớ tốt và sức sáng tạo”. Khổng Tử cho rằng: “Lục thập nhi nhĩ thuận” (Tuổi 60 nghe được mọi điều, phân biệt được hay dở, phải trái). “Ông mong gì cho riêng mình nhân năm tuổi?” - “Đến tuổi này, tôi chẳng màng tiền bạc, của cải, chỉ muốn sức khỏe, sự tỉnh táo. Tôi sống tuân theo tự nhiên, không cầu kỳ ăn uống, đồ dùng. Tôi không sợ chết. Mong sau này chết được nhẹ nhàng, hỏa táng để chỉ còn tro cốt như Kinh Thánh: cát bụi rồi trở về cát bụi”.
Ông bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm. Đây là bệnh duy nhất của ông. Dây thần kinh chân bị chèn khiến hai bắp chân bị nhức. Ông đang dùng Đông y và thực phẩm chức năng, không muốn phẫu thuật. Nguyên sống trẻ và không sợ, không vì bệnh mà chùn bước trước những chuyến đi. Ông rất nể sự đi nhiều, làm việc, kiên cường của nhà văn Nguyên Ngọc, tuổi ngoài 80 mà cường độ lao động thanh niên còn khó đuổi theo.
Ông đã có 7 cuốn sách dịch và 1 tập phê bình. Sau 4 năm giục giã, Công ty Nhã Nam mới có bản thảo để in sách của Phạm Xuân Nguyên tập hợp bài về 59 tác giả quan trọng của văn chương Việt thế kỷ XX - Nhà văn như Thị Nở (405 trang, 15x24cm, NXB Hội Nhà văn, in 3.000 cuốn). Đa số bài hàm lượng sử liệu quý báu, lý tính của khoa học và tình cảm của người viết đã hòa quyện làm nên sức nặng tác phẩm mang dấu ấn của phát hiện và nhấn mạnh giá trị về những tên tuổi.
Năm 2016, Phạm Xuân Nguyên làm sự kiện kỷ niệm 30 năm dịch thuật cho dịch giả Ngân Xuyên. Ông cũng tái bản cuốn sách dịch (tiếng Nga) đầu tiên năm 1986 - Truyện cổ Tây Phi Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của thỏ Lốc (NXB Kim Đồng).
Theo Gia Huy- SKĐS