Bố cục nội dung cuốn sách được sắp xếp và gọi tên theo cách phỏng chước lại một cốt truyện trinh thám đầy hấp dẫn, lôi cuốn: Tứ mã; Mười ba con khỉ đột; Mọi thứ đều xuất phát từ đâu đó; Bữa tối ở trang trại chuột đồng; Con hươu, con vẹt, và đứa trẻ hàng xóm; Lan tỏa nhanh chóng; Chắp cánh mầm bệnh; Tinh tinh và dòng sông; Còn tùy. Cho tới thời điểm hiện tại, nhân loại đã ghi nhận được bao nhiêu dịch bệnh lây nhiễm và những tổn hại mà chúng gây ra. Thật không thể đếm tả nổi! Qua mỗi trang sách, David Quammen thể hiện sự nhiệt tình, cố gắng trong việc diễn tả chuẩn xác nhất có thể về hành trình “tinh vi, khó hiểu” của những mầm bệnh, mà đối với những ai từng chứng kiến nó, sẽ là cơn ác mộng rùng rợn, ám ảnh không nguôi.
Cái chết đầu tiên của con ngựa mang tên Drama Series vào năm 1994 đã giáng một tai họa khủng khiếp xuống vùng ngoại ô cổ kính Hendra, cái tên virus Hendra ra đời kèm theo sự cảnh báo về một thực thể “gây chết người” đối với nhân loại. Sự kiện “Mười ba con khỉ đột” kéo theo sau đó cơn ác mộng đen tối của đại dịch Ebola bao trùm khắp Châu Phi. Vào năm 2003, ngành hàng không đón nhận vị khách “không được chào đón” trên chuyến bay định mệnh CA112, từ đó sự lan tỏa của một đại dịch mang tên SARS khắp toàn cầu. Lịch sử loài người đã ghi nhận những cái tên vốn đỗi “thường tình”, lại trở thành “dấu mốc” đại họa, có sức ám ảnh và khơi gợi hơn bao giờ hết. Những vết nứt thương đau gieo rắc trên mảnh đất một thời yên bình. Truyền thông ở một nỗ lực nhất định nào đó, tìm cách cứu chữa bằng những cảnh báo “cấp kít”: “LO NGẠI VIRUS DƠI, NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐUA NGỰA CẢNH GIÁC”, “Cẩn thận Ebola/Không được chạm hay xử lý/Động vật được tìm thấy/Đã chết trong rừng”. Hành trình tìm kiếm nguồn gốc dịch bệnh thuật tả lại như một cuộc truy vết “hình sự”, được thực hiện bởi những thám tử y tế, đi từ mắc xích bé nhỏ và “kẻ hở” mà kẻ tội đồ ma rãnh ấy đã để lại. Bầu không khí nặng nề trong cuộc chiến chống dịch có thể được ví rốt ráo lên rằng: “Chỉ là một nhịp trong hồi trống của những tin dữ, ngày càng lớn, dồn dập và gấp gáp”. Lối dẫn truyện và khai thác đầy lôi cuốn của Quammen thực sự đã biến tấu những mớ kiến thức khoa học khô khan, nặng nhọc trở nên hấp dẫn và kì bí hơn bao giờ hết.
Vậy rốt cuộc con người ta đã nhiễm phải thứ quái quỷ gì vậy? Những cái chết bất thường, nhanh chóng, đầy uẩn khúc khiến trí óc ngu muội dễ dàng định tội cho một thứ bùa ngải hay những lời tuyên tội của Chúa. Theo cuốn sách, gần như các bệnh lây nhiễm từ động vật có nguồn gốc từ một trong sáu loại mầm bệnh: virus, vi khuẩn, nấm, sinh vật nguyên sinh, prion và giun. Rõ ràng thế giới y học đã dựng nên bao thành lũy chiến tích với những căn bệnh oái ăm như đậu mùa, bại liệt, nhưng vẫn phải đau đầu với bài toán khó giải mà virus và các nguồn lây nhiễm khác gây ra. Kích thước chúng bé nhỏ đầy “tinh ranh”, chúng có thể di chuyển tùy thích bên trong những khu rừng hoa vắng, hay dạo chơi thỏa thích nơi phố xá tấp nập. Ở một thời khắc nào đó, chúng có thể biến mất đi một cách đầy khó hiểu, và cũng có thể lần nữa mang đến “đại họa” chỉ nhờ một cơn gió. Chưa bao giờ sự may rủi của định mệnh lại trở nên bức thiết trong thế giới của y học và nghiên cứu như vậy.
“Bệnh truyền nhiễm có mặt ở mọi nơi, một thứ vữa tự nhiên kết dính sinh vật này với sinh vật khác, loài này với loài khác, trong khối công trình phức tạp mà chúng ta gọi là hệ sinh thái”. Sự tiếp cận của David Quammen với nguồn gốc dịch bệnh hoàn toàn không dựa trên tinh thần “ứng phó tạm thời” mà đi từ lý thuyết căn bản về sự sống. Mầm bệnh là một phần của tự nhiên, một phần trong sự sống loài người. Dịch bệnh không hoàn toàn “đơn thuần” xảy đến. “Chúng không đuổi theo chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta tự đến với virus” (Jon Epstein ). Đó phải chăng là lời cảnh tỉnh mang tính nguy hại về sự khủng hoảng trầm trọng bên trong của hệ sinh thái và y tế trên hành tinh này. Sự lan tỏa của công nghệ cùng một lớp ý thức người “hời hợt” đã tiếp tay đắc lực cho nguồn bệnh lây nhiễm nhanh chóng.
Không thể phủ nhận rằng, dịch bệnh mang đến cho nhân loại một nỗi ám ảnh tội lỗi, bất lực trước tình cảnh: “Người ta đang chết” và sự lo ngại về những lời đồn đen tối.
Có những thứ xảy ra ngoài tầm với, và con người ta chỉ có thể chống cự lại bằng sự nhẫn nại và niềm tin mãnh liệt của mình. Giọng văn đầy cuốn hút, đam mê của David Quammen dõi theo từng chặng trình truy dấu mầm bệnh của những cá thể phi thường, mà tác giả đã gọi họ bằng cái tên độc đáo: “thợ săn virus”. Đó là người đàn ông gầy gò Hume Field với cơ duyên tiếp cận virus Hendra khi mới ngoài 30 tuổi, đó là Mike Fay đã đi bộ xuyên qua Trung Phi với cuốn sổ màu vàng ghi chép hàng đống những dữ liệu nhỏ, đó là bác sĩ, nhà virus học người Mỹ Karl Johnson bất chấp cửa sinh tử để miệt mài với chức nghiệp đã chọn. Quá trình nghiên cứu khoa học đầy khổ ải, gian nan nhưng nó là cơ sở để nói lên rằng, cái chết không phải là điều đáng sợ nhất, chỉ có sự đầu hàng và yếu đuối của nhân loại mới hủy diệt sự sống trên hành tinh này.
“Dù mọi thứ có tồi tệ thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, “Cuốn sách là một câu chuyện kinh hoàng có thật”” (Elizabeth Kolbert). Những phân tích sâu sắc của David Quammen về mọi khía cạnh của nguồn gốc dịch bệnh chính là lời giải đáp trọn vẹn cho thảm họa Covid-19 mà nhân loại đang gánh nhận. và đặt ra sau đó một câu hỏi mang tính tiên liệu đầy nhức nhối: Thứ mầm bệnh khủng khiếp nào sẽ xuất hiện tiếp theo đây?
Hồ Sương
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
NGUỒN GỐC DỊCH BỆNH – Khi mầm họa có thể đến theo những cơn gió