Người ra quyết định – người bất khả khuất phục
Người ra quyết định – người bất khả khuất phục
Trích dẫn chương 3, cuốn sách Quà tặng cuộc sống, Anthony Robbins

Đừng lấy làm khó chịu nếu bạn thấy tôi nhắc suốt trong cuốn sách nhỏ này rằng tồn tại một sức mạnh giúp bạn thay đổi bất cứ lĩnh vực nào trong đời. Thế thì sức mạnh đó biến đâu mất rồi? Làm thế nào để tận dụng nó? Ta biết rằng nếu muốn tạo ra những kết quả mới, ta phải thực hiện những hành động mới, nhưng không phải ai cũng để ý là toàn bộ những hành động của ta đều được sản sinh từ một quyết định.

Sức mạnh của quyết định chính là sức mạnh của sự thay đổi. Xin nhắc lại, thực tế là ta không bao giờ có thể kiểm soát những biến cố xảy đến với cuộc đời mình, nhưng ta có toàn quyền kiểm soát cách ta quyết định nghĩ, tin, cảm thấy và phản ứng mỗi khi gặp những biến cố đó. Ta phải nhớ rằng mỗi khoảnh khắc ta đang sống, dù có thừa nhận hay không, thì một loạt các lựa chọn, một loạt các hành động và một loạt các hệ quả đều đơn thuần xuất phát từ một hoặc hai quyết định nào đấy. Hầu hết chúng ta quên mất rằng ta có trong tay một sức mạnh: quyền lựa chọn tuyệt đối. SAU CÙNG, CHÍNH NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CỦA TA, CHỨ KHÔNG PHẢI NHỮNG ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH, MỚI LÀ THỨ ĐỊNH ĐOẠT SỐ PHẬN CỦA TA.

Đời bạn hiện tại là hệ quả của việc bạn đã quyết định dành thời gian cho những ai, học hay không học những gì, những điều bạn quyết định tin tưởng, quyết định bỏ cuộc hay kiên trì đến cùng, quyết định kết hôn và sinh con đẻ cái, quyết định việc ăn cái gì, có hút thuốc hay uống rượu không, quyết định bạn là ai và có khả năng làm được gì – tất cả những điều này quả thật đã kiểm soát và điều khiển cuộc sống của bạn. Nếu ta thành thực muốn thay đổi cuộc sống của mình, thì tiếp đến ta phải đưa ra một số quyết định mới về những điều gì ta sẽ thay thế, điều gì ta sẽ làm, và điều gì ta sẽ cam kết.

 

Khi tôi dùng từ quyết định, ý tôi muốn nói đến một lựa chọn đích thực và có ý thức. Rất nhiều người nói: “Vâng, tôi quyết định sẽ giảm cân”, nhưng như vậy còn chung chung lắm, không đủ cụ thể. Họ chỉ nói về một điều họ ưu tiên hơn, hay nói cách khác, họ đang bảo rằng: “Tôi thích mình trông thon thả hơn”. Một quyết định đích thực được thực hiện khi và chỉ khi bạn không chấp nhận bất cứ khả năng nào ngoại trừ chính xác điều mà bạn cam kết làm, khi bạn không cho phép mình lùi bước, khi bạn thậm chí sẽ không cân nhắc một phương án thay thế cho sự bỏ cuộc.

Để tôi cho bạn một ví dụ ấn tượng về một người đàn ông đã hiểu sâu sắc sức mạnh của một quyết định đích thực, người mà một khi đã ra quyết định, sẽ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. Tên ông ấy là Soichiro Honda: nhà sáng lập hãng Honda, nơi sản xuất ra những chiếc xe hơi và xe gắn máy. Ngài Honda không bao giờ cho phép những bi kịch, những vấn đề, những thử thách, hay những thay đổi đột ngột của hoàn cảnh ngáng đường mình. Trên thực tế, ông thường quyết định xem những trở ngại lớn nhất ông gặp trên hành trình của mình chỉ là những cái rào cản trong cuộc chạy đua đạt đến đích ông đặt ra.

Năm 1938, ngài Honda là một sinh viên nghèo khó ôm giấc mơ thiết kế và chế tạo những chiếc pít-tông để bán cho hãng xe lừng danh Toyota. Mỗi ngày ôngđều tới trường, dành cả đêm miệt mài làm việc cùng những bản thiết kế của mình, tay dính đầy dầu nhớt. Đến khi ông dành hết chút tiền ít ỏi có được cho dự án, nó vẫn chưa hoàn thành. Cuối cùng, ông cầm cố luôn cả trang sức của vợ mình để nuôi dự án.

Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng ông cũng thiết kế xong mẫu pít-tông mà ông tin chắc hãng Toyota sẽ mua nó. Khi ông đem nó đến giới thiệu với hãng, họ thẳng thừng khước từ. Ông trở lại trường học chịu sự sỉ nhục của thầy cô và bạn bè, nói rằng ông thật ngu ngốc khi thiết kế ra một đồ vật vớ vẩn như vậy.

Liệu ông có cảm thấy thất vọng không? Hẳn rồi. Ông ấy có bị tổn thương không? Có chứ. Ông ấy đã bỏ cuộc sau đó? Không đời nào.

Thay vì rút lui, ông dành tiếp hai năm không ngừng tìm cách tạo ra một chiếc pít-tông tốt hơn. Ông đã sở hữu công thức then chốt để thành công:

  1.  Ông đã xác định chính xác ông muốn cái gì.
  2. Ông đã bắt tay hành động.
  3. Ông đã để ý quan sát nó có hoạt động hiệu quả hay không, và khi nào một số thứ không hiệu quả.
  4. Ông kiên trì thay đổi cách làm. Ông đã linh hoạt trong cách tiến hành mọi việc.

Cuối cùng, sau hơn hai năm, ông đã tinh chỉnh lại thiết kế của mình, và Toyota quả thật đã mua nó!

Để xây dựng nhà máy sản xuất pít-tông, ngài Honda cần rất nhiều bê-tông, nhưng chính phủ Nhật Bản đã tăng cường huy động bê-tông cho Chiến tranh Thế giới 2, vì vậy điều đó là bất khả. Một lần nữa, dường như giấc mộng của ông phút chốc sẽ tan thành mấy khói. Có vẻ như chẳng ai giúp được ông cả. Lần này, liệu ông sẽ bỏ cuộc chăng? Hoàn toàn không. Ông nhất quyết xây dựng nhà máy bằng mọi giá. Vì bỏ cuộc vốn không phải là một phương án, ông đã tập hợp một nhóm cộng sự, và trong nhiều tuần liền họ đã làm việc quên cả giờ giấc cố tìm ra phương cách khác cho đến khi họ cuối cùng cũng tìm được một cách phù hợp để chế tạo bê-tông. Kết quả là, ông đã xây được nhà máy và sau rốt có thể sản xuất ra những vòng găng pít-tông của riêng mình.

Nhưng gượm đã, còn nữa…

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Trong suốt chiến tranh, nước Mỹ đã dội bom, phá hủy gần như toàn bộ nhà máy của ông. Thay vì cảm thấy bị hạ gục, ông đã tập hợp tất cả nhân công của mình lại. Ông nói: “Nhanh chân lên các bạn! Chạy ra ngoài và theo dõi những chiếc máy bay đó. Họ chắc chắn sẽ thả những thùng nhiên liệu từ trên trời xuống. Chúng ta cần tìm ra nơi họ thả chúng xuống và lấy những cái thùng ấy, bởi vì chúng chứa những nguyên liệu thô ta cần cho quy trình sản xuất của mình!”. Đây là những nguyên liệu ông không thể kiếm được ở bất cứ nơi đâu trên đất Nhật. Ngài Honda đã tìm cách tận dụng bất cứ thứ gì mà cuộc sống gửi tới cho ông. Kiếp nạn chưa dứt, một trận động đất đã san bằng nhà máy của ông, và ông bị ép bán quy trình sản xuất pít-tông của mình cho hãng Toyota. Nhưng Thượng Đế không bao giờ đóng cánh cửa này mà lại không mở ra một cánh cửa khác, vì thế ta cần tỉnh giác để nhìn thấy bất kỳ cơ hội mới nào cuộc sống ban tặng cho ta….

Chiến tranh kết thúc, nước Nhật rơi vào cảnh hỗn loạn hoàn toàn. Các nguồn tài nguyên bị khan hiếm trong mọi lĩnh vực của đất nước – xăng dầu bị hạn chế đến mức trong một số trường hợp gần như không thể tìm ra – và ngài Honda thậm chí không có đủ xăng để lái xe hơi đến chợ mua thức ăn cho gia đình. Nhưng một lần nữa, thay vì cảm thấy bị khuất phục hay tuyệt vọng, ông đưa ra một quyết định khác hẳn. Ông quyết định sẽ không chấp nhận chất lượng sống như vầy. Ông tự hỏi bản thân một câu hỏi đầy sức mạnh: “Có cách nào khác để tôi có thể nuôi sống gia đình mình? Có cách nào tôi có thể tận dụng những thứ tôi sẵn có để tìm cách thực hiện điều đó không?”. Ông chợt để ý thấy mình có một động cơ ô-tô nhỏ thuộc kiểu máy có kích cỡ thường dùng cho máy cắt cỏ truyền thống, và ông nảy ra ý tưởng gắn nó vào chiếc xe đạp của mình. Thế là chiếc xe gắn máy đầu tiên đã được chế tạo. Ông lái nó tới lui khu chợ và khá nhanh, những người bạn của ông đã đặt ông làm những chiếc xe tương tự cho họ. Ngay sau đó, ông đã chế ra rất nhiều “xe gắn máy” đến mức khiến ông xài hết sạch các động cơ, vì vậy ông đã quyết định xây dựng một nhà máy mới để sản xuất những chiếc xe máy của riêng mình. Nhưng ông không có tiền, và nước Nhật thì đã bị tàn phá nặng nề. Làm sao ông làm được điều đó?

Thay vì bỏ cuộc và thốt lên rằng: “Hết cách rồi”, ông đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. Ông quyết định viết thư cho tất cả các chủ tiệm bán xe đạp tại Nhật, nói với họ rằng ông có trong tay giải pháp giúp vực dậy nước Nhật, rằng chiếc xe gắn máy của ông sẽ có giá rẻ và giúp mọi người đi đến nơi họ cần đến. Kế đó, ông kêu gọi họ đầu tư vào ý tưởng này.

Trong số 18.000 chủ tiệm xe đạp nhận được thư, có 3.000 người gửi tiền đầu tư cho ngài Honda, và ông đã sản xuất lô hàng đầu tiên của mình. Sau đó ông đã thành công chăng? Nhầm rồi! Chiếc xe gắn máy quá to và cồng kềnh, và rất ít dân Nhật mua nó. Nên một lần nữa, khi ông nhận thấy thứ gì không hiệu quả, thay vì từ bỏ, ông đơn giản điều chỉnh sản phẩm của mình. Ông quyết định loại bỏ những bộ phận không cần thiết của chiếc xe máy và làm cho nó nhẹ hơn, nhỏ nhắn hơn. Ông gọi thành quả của mình là xe Cub, và nó trở thành một thành công rực rỡ chỉ sau một đêm, giúp ngài Honda nhận được giải thưởng của Nhật hoàng. Mọi người trầm trồ nhìn ông và nghĩ ông “may mắn” biết bao khi nghĩ ra ý tưởng tuyệt vời ấy.

May mắn ư? Có thể, nếu nghĩ may mắnlao động bền bỉ dựa trên sự hiểu biết đúng đắn. Ngày nay, công ty của ngài Honda là một trong những công ty thành công nhất trên thế giới. Tập đoàn Honda ngày nay thuê hơn 100.000 nhân viên và bán xe chạy hơn các hãng khác ngoại trừ xe hơi Toyota tại thị trường Mỹ – tất cả đều nhờ ngài Honda chưa bao giờ bỏ cuộc. Ông không bao giờ để cho những vấn đề và ngoại cảnh ngáng đường mình. Ông khẳng định rằng luôn luôn có cách để đạt được thành công nếu bạn thực sự cam kết!  

Quyết định, quyết định!

Có những người được sinh ra đã có nhiều ưu thế: họ được sinh ra trong một gia đình giàu có, với một môi trường nhiều đặc ân; họ dường như được ban phúc với cơ thể khỏe mạnh và cường tráng; họ được chăm lo đầy đủ bằng mọi phương tiện bạn có thể tưởng tượng và không bao giờ thiếu thốn gì cả. Nhưng nhiều người trong số họ lại kết thúc đời mình trong căn bệnh béo phì, tuyệt vọng và nghiện chất kích thích.

Thế nên, ta cũng luôn có dịp gặp gỡ, đọc và nghe về những người mà mặc cho bao nhiêu khó khăn, họ vẫn vươn xa khỏi những điều kiện hạn chế của mình bằng cách ra quyết định khác hẳn về cách họ sẽ sống đời mình như thế nào. Họ trở thành ví dụ điển hình minh chứng cho sức mạnh vô hạn của tinh thần con người.

Làm thế nào những cá nhân tuyệt vời ấy làm được vậy? Đáp án là: tất cả họ, trong một vài khoảnh khắc, quyết định rằng họ đã chịu đựng đủ. Họ đã quyết định sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ điều gì ngoại trừ điều tốt đẹp nhất. Họ ra một quyết định đích thực để thay đổi cuộc đời mình.

Tôi có ý gì khi dùng từ “quyết định đích thực”? Nhiều người nói những điều như: “Vâng, tôi thực sự nên giảm cân. Tôi nên kiếm nhiều tiền hơn. Tôi nên kiếm một công việc tốt hơn. Tôi nên cai rượu.”. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dõng dạc tuyên bố “nên” làm mọi thứ để hoàn thiện bản thân, nhưng mọi thứ lại chẳng thay đổi gì sất! 

Cách duy nhất để thay đổi cuộc sống của bạn là ra một quyết định đích thực. Một quyết định đích thực nghĩa là bạn loại bỏ bất kỳ khả năng nào khác có thể xảy ra ngoại trừ điều bạn quyết định biến nó thành hiện thực.

Nếu việc ra quyết định thật đơn giản và đầy sức mạnh như thế, cớ sao nhiều người lại không thực hiện điều đó thường xuyên hơn? Lý do là vì họ không biết một quyết định đích thực chính xác là gì. Họ nghĩ các quyết định giống như một danh sách các mong ước đại loại như: “Tôi muốn bỏ hút thuốc”, hay “Tôi muốn cai rượu”. Hầu hết chúng ta từ lâu đã không ra quyết định đến nỗi ta quên mất nó có cảm giác như thế nào!

Khi bạn đưa ra một quyết định đích thực, bạn đã vạch một đường kẻ không phải trên cát mà là trên xi-măng. Bạn biết chính xác mình muốn cái gì. Sự rõ ràng này trao cho bạn sức mạnh để nỗ lực nhiều hơn nhằm nhận được những kết quả mà bạn quyết định phải đạt tới.

Mỗi ngày, những người vượt qua các trở ngại và xoay chuyển cuộc sống của họ thực hiện ba kiểu quyết định đầy uy lực sau:

  1. những điều cần tập trung vào
  2. những điều thực sự có ý nghĩa
  3. những điều cần làm

Một ví dụ ưa thích khác của tôi là câu chuyện về Ed Roberts. Ông, một người “bình thường” bị bó buộc trong chiếc xe lăn, đã trở thành một người phi thường bằng việc quyết định hành động để vượt qua các giới hạn thấy rõ của mình. Bị liệt từ cổ trở xuống kể từ năm 14 tuổi, mỗi ngày ông phải sử dụng một thiết bị thở nhằm duy trì một cuộc sống bình thường nhất có thể, và dành hằng đêm ngủ trong một thiết bị hô hấp nhân tạo. Suýt chết vài lần, ông chắc hẳn có thể quyết định chú tâm vào nỗi đau của mình, nhưng không, ông đã chọn mang đến sự khác biệt cho cuộc sống của những người khác.

Chính xác ông đã thực hiện thành công chuyện gì? Trong vòng 15 năm qua, quyết định chiến đấu chống lại sự tỏ vẻ bề trên mà ông thường nhận thấy trong thế giới này đã dẫn đến hàng loạt những cải thiện trong chất lượng đời sống cho những người khuyết tật. Ed Roberts đã thực hiện những chương trình giáo dục cộng đồng và khởi xướng nhiều sáng kiến – từ việc làm các dốc lên xuống dành cho người đi xe lăn và những khu đậu xe đặc biệt, cho đến việc lắp đặt các tay vịn thăng bằng trong các không gian sống. Ông trở thành người bị liệt tứ chi đầu tiên tốt nghiệp Đại học California, thành phố Berkeley, và cuối cùng ông đã đảm nhiệm vị trí giám đốc của khoa Phục hồi chức năng tiểu bang California, một lần nữa là người tiên phong đảm nhận vị trí này.

Rõ ràng, người đàn ông này chọn tập trung vào những điều khác biệt so với điều mà hầu hết mọi người ở vào vị trí tương tự sẽ tập trung vào. Ông đã tập trung vào cách làm thế nào để tạo sự khác biệt. Những khó khăn về thể chất chính là “thử thách” đối với ông. Ông đã xác định sẽ làm bất cứ thứ gì có thể để làm cho chất lượng sống của những người có hoàn cảnh tương tự như ông trở nên thoải mái hơn. Ông hoàn toàn cam kết với chính mình rằng sẽ tạo ra một môi trường sống có chất lượng cho tất cả những người gặp thách thức về thể chất.

Ed Roberts là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy không phải xuất phát điểm của bạn mà là những quyết định về đích đến bạn muốn mới là trọng yếu. Mọi hành động của ông được tìm thấy trong những khoảnh khắc quyết định đơn độc, mạnh mẽ và đầy tính cam kết của ông. Bạn có thể làm gì với cuộc đời mình nếu bạn thực sự được quyền quyết định nó? 

 

 

Hãy quyết định ngay bây giờ!

Mọi bước tiến của con người đều bắt đầu với một quyết định mới. Vậy đâu là những thứ bạn đã trì hoãn, đâu là những thứ bạn biết bạn cần làm để cải thiện cuộc sống của mình?

Có thể đó là quyết định thay việc hút thuốc, uống rượu bằng việc chạy bộ hoặc đọc sách, hay thức dậy sớm với một thái độ vui vẻ hơn. Có thể đó là quyết định không còn đổ lỗi cho bất kỳ ai nữa, và thay vào đó là tìm ra những hành động mới bạn có thể làm mỗi ngày để giúp cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Có thể đó là quyết định tìm công việc mới bằng việc tìm cách để bản thân trở nên có giá trị hơn. Có thể đó là quyết định sẽ học và phát triển một vài kỹ năng mới cho phép bạn kiếm tiền nhiều hơn hoặc cho đi nhiều hơn.      

Ngay bây giờ, hãy đề ra hai quyết định mà bạn sẵn sàng theo đuổi đến cùng – bất kể phải đánh đổi điều gì.

Đầu tiên, thực hiện một quyết định đơn giản: một lời hứa với lòng mình hay với ai đó khác mà bạn có thể giữ nó dễ dàng. Bằng việc ra quyết định này và hành động theo nó, bạn sẽ chứng minh cho bản thân thấy bạn có thể thực hiện ngay cả những quyết định to tát hơn.

Bây giờ, thực hiện tiếp quyết định thứ hai mà bạn biết sẽ đòi hỏi nhiều sự cam kết hơn từ bản thân. Hãy thực hiện quyết định nào truyền cảm hứng cho bạn.

Viết hai quyết định đó vào ô dưới đây, chia sẻ nó với gia đình và bạn bè, và tận hưởng cảm giác tự hào gắn liền với những quyết định ấy!

2 quyết định quan trọng tôi sẽ thực hiện và cam kết kiên trì đến cùng

  1.     ………………………………………………..
  2.     ………………………………………………..

Việc bạn có thực sự thực hiện những quyết định của mình hay không sẽ tùy thuộc vào khả năng bạn…

Độc giả Trạm Đọc có thể sử dụng mã giảm giá FHSFNS để được giảm thêm 5% khi mua sách tại: https://shorten.asia/Q6EJdSKW. Thời gian sử dụng: 24/04/2020 đến 31/05/2020
Tags: