101 tác giả nổi tiếng nhất mọi thời đại (Phần 1)
101 tác giả nổi tiếng nhất mọi thời đại (Phần 1)
Các nhà văn luôn có khả năng thay đổi quan điểm, định hình các thời đại và tác động đến xã hội rộng lớn hơn thông qua tác phẩm của họ. 

Từ những suy tưởng triết học của Plato, đặc biệt là những cuộc đối thoại sâu sắc của Socrates, đến những câu chuyện ngụ ngôn đầy trí tuệ của Aesop, người đã ảnh hưởng sâu sắc đến thể loại truyện ngụ ngôn và nghệ thuật kể chuyện qua nhiều thế hệ, nghệ thuật viết lách có một sức mạnh độc đáo, vượt qua mọi giới hạn về thời gian và không gian, chạm đến độc giả khắp nơi qua bao thế hệ. 

Nhờ những bậc thầy đã viết nên những câu chuyện mạnh mẽ nhất của nhân loại, chúng ta có thể nhìn thế giới bằng một góc nhìn mới, tìm thấy sự an ủi và nhận thức về những trải nghiệm chung của con người.

Dưới đây là 101 tác giả và nhà văn vĩ đại nhất mọi thời đại nhằm tôn vinh những đóng góp độc đáo của họ cho văn học và và tài năng của họ trong việc thể hiện ngôn từ. 

Các tác giả trong danh sách này đại diện cho nhiều thời kỳ khác nhau, nắm bắt sự phát triển của nghệ thuật kể chuyện từ cổ đại đến hiện đại.

Danh sách này không chỉ bao gồm các nhân vật và câu chuyện hư cấu, mà còn phản ánh những góc nhìn của các nhà văn, những người đã vượt qua thời gian để tiếp tục thách thức, phá vỡ và cải tiến các tư duy xã hội. Dù danh sách này trải dài qua hàng thiên niên kỷ của lịch sử văn học, từ những tác giả cổ đại như Homer, những nhà văn cổ điển như Virgil, và những vĩ nhân thời Phục hưng như William Shakespeare, đến những cái tên yêu thích hiện đại như J.K. Rowling và Stephen King, bạn đều có thể tìm thấy một tác giả phù hợp với mọi độc giả, dù là người yêu thích thơ ca, bí ẩn, kinh dị, tiểu thuyết lãng mạn, hồi ký hay tự truyện… 

 

101/ John Grisham (1955- )

Nhà văn người Mỹ John Grisham, sinh ra tại Arkansas, nổi tiếng với việc chuyển tải kiến thức pháp lý của mình vào các tác phẩm viết. Trước khi sự nghiệp viết lách cất cánh, Grisham đã hành nghề luật trong gần một thập kỷ, chuyên về bào chữa hình sự và kiện tụng thương tích cá nhân. Chính những kinh nghiệm thực tế này đã giúp ông hình thành những nguyên tắc pháp lý trong các tác phẩm của mình sau này.

Sự chuyển mình từ một luật sư nhỏ ở thị trấn thành một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất thế giới hấp dẫn không kém các cốt truyện của những tiểu thuyết ly kỳ về pháp lý của ông, nhưng hành trình ấy không hề dễ dàng. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Grisham, “A Time to Kill” (Đền mạng) ấy cảm hứng từ một vụ án có thật mà ông từng chứng kiến trong một phiên tòa tại Mississippi, trở thành bước ngoặt trong sự nghiệp của ông. Cuốn tiểu thuyết này đã đi sâu vào căng thẳng sắc tộc và công lý ở miền Nam nước Mỹ, đồng thời phân tích các chủ đề về sự báo thù, đạo đức và bản chất phức tạp của hệ thống pháp lý. 

Mặc dù “A Time to Kill” bị từ chối bởi 28 nhà xuất bản, Grisham vẫn kiên trì viết và sự bền bỉ đó đã mang lại cho ông một sự nghiệp được kính trọng, góp phần định hình lại thể loại tiểu thuyết pháp lý. 

Trong số những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của Grisham là “The Firm” (Hãng luật), “The Pelican Brief” (tạm dịch: Hồ sơ bồ nông), một câu chuyện ly kỳ về pháp lý-chính trị xoay quanh vụ sát hại hai thẩm phán Tòa án Tối cao, và “The Runaway Jury” (tạm dịch: Bồi thẩm đoàn chạy trốn)... 

Câu nói nổi tiếng: “Những nhà phê bình nên tìm công việc có ý nghĩa.” - John Grisham

 

100/ Danielle Steel (1947- )

  

Sinh năm 1947 tại thành phố New York, Danielle Steel lớn lên giữa Pháp và Hoa Kỳ, nơi bà bắt đầu viết truyện ngắn và thơ từ khi còn nhỏ. Theo học ngành Văn học và Thiết kế tại Đại học New York, Steel đã khởi đầu sự nghiệp viết lách vào những năm 1970 và xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Going Home” (tạm dịch: Về nhà) vào năm 1973. Không lâu sau đó, các tiểu thuyết của bà nhanh chóng thu hút sự quan tâm rộng rãi từ công chúng. Với hơn 800 triệu bản sách đã được bán, tác phẩm của Steel nổi bật bởi chiều sâu lãng mạn, các nhân vật sống động và những mối quan hệ gia đình phức tạp. 

Những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà như “The Gift” (tạm dịch: Món quà), Kaleidoscope và Sisters thường xoay quanh các chủ đề về tình yêu, đam mê, mất mát, sự kiên cường và sự cứu rỗi. 

Steel là một trong những tác giả bán chạy nhất mọi thời đại, và vào năm 1989, bà đã ghi danh vào Kỷ lục Guinness Thế giới khi có một cuốn sách đứng trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times trong suốt 381 tuần liên tiếp. 

Bà có thói quen viết bằng máy đánh chữ thủ công, một thói quen bà cho là mang lại cảm hứng sáng tạo và giúp bà giữ vững tinh thần. Mặc dù phần lớn tác phẩm của bà là tiểu thuyết, bà cũng đã viết thơ và sách dành cho trẻ em.

Câu nói nổi tiếng: “Không ai có thể lấy đi tự do của bạn. Họ có thể giới hạn sự di chuyển của bạn, nhưng đó là tất cả những gì họ có thể làm.” ― Danielle Steel.

 

99/ Sidney Sheldon (1917-2007)

 

Sidney Sheldon sinh ra tại Chicago, nhưng ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở Hollywood, nơi ông viết kịch bản cho những bộ phim hạng B và sau đó chuyển sang các vở nhạc kịch Broadway. Mặc dù Sheldon đạt được thành công lớn ở Hollywood, giành được giải Oscar cho Kịch bản Gốc Xuất Sắc nhất với bộ phim “The Bachelor and the Bobby-Soxer” vào năm 1947, kịch bản này chỉ là một trong nhiều câu chuyện thành công của ông. Ông cũng thành công với nhiều bộ phim và chương trình truyền hình khác như “The Patty Duke Show”, “I Dream of Jeannie”“Hart to Hart”

Sau một thời gian thành công trong lĩnh vực giải trí, Sheldon bắt đầu viết sách vào những năm 1960 và cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, “The Naked Face” (Lộ mặt), được xuất bản vào năm 1970 và giúp ông nhận được đề cử giải Edgar Allan Poe danh giá cho Tiểu thuyết Đầu tay Xuất sắc nhất.

Các tiểu thuyết của ông, thường xoay quanh các nhân vật nữ đầy tham vọng, nổi tiếng với cốt truyện hồi hộp và kịch tính. Một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông bao gồm “The Other Side of Midnight” (tạm dịch: Phía bên kia nửa đêm), “Master of the Game” (tạm dịch: Bậc thầy trò chơi) và “If Tomorrow Comes” (tạm dịch: Nếu ngày mai đến). Sheldon cũng là nhà văn duy nhất từng giành giải Oscar, Tony, và Edgar trong suốt cuộc đời mình. 

Câu nói nổi tiếng: “Cuộc sống giống như một cuốn tiểu thuyết. Nó đầy rẫy những sự hồi hộp. Bạn sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra cho đến khi bạn lật sang trang kế tiếp.” ― Sidney Sheldon.

 

98/ Mary Augusta Ward (1851-1920)

 

Mary Augusta Ward là một tiểu thuyết gia nổi tiếng và nhà hoạt động xã hội người Anh, nổi tiếng với bút danh Mrs. Humphry Ward. Tiểu thuyết “Robert Elsmere” của bà đã mở ra nhiều cuộc thảo luận công khai về Cơ Đốc giáo trong xã hội thời Victoria và những sắc thái phức tạp của nó. Ward được biết đến với sự suy ngẫm sâu sắc và những tác phẩm có tính phản ánh mạnh mẽ về các vấn đề xã hội đương thời. Ngay cả Leo Tolstoy cũng từng khen ngợi Ward, gọi bà là tiểu thuyết gia người Anh vĩ đại nhất của thời đại.

Ngoài thành công với tư cách là một nhà văn, Ward còn tích cực ủng hộ cải cách giáo dục và đã sáng lập Passmore Edwards Settlement, một trung tâm được thành lập để nâng cao đời sống cho người lao động vào buổi tối và cuối tuần, đồng thời cung cấp các hoạt động giải trí và giảng dạy cho trẻ em nghèo trong lúc cha mẹ các em vẫn đang làm việc. Ward cũng nổi tiếng với lập trường chống lại Phong trào Đòi Quyền Bầu cử cho Phụ nữ vì lo ngại rằng sự giải phóng này sẽ làm suy giảm ảnh hưởng đạo đức của phụ nữ. Điều này đã khiến bà thành lập Liên minh Chống Quyền Bầu cử vào năm 1908.

Tiểu thuyết gia gốc Úc này không chỉ trở thành tác giả bán chạy mà còn đạt được thành công với những tác phẩm khác như “David Grieve”, “Sir George Tressady”, “Helbeck of Bannisdale”

Câu nói nổi tiếng: “Sự thật chưa bao giờ và không bao giờ có thể bị giới hạn trong bất kỳ một tín ngưỡng hay hệ thống nào.” — Mary Augusta Ward.

 

97/ Dr. Seuss (1904-1991)

 

Theodor Seuss Geisel, còn được biết đến với bút danh Dr. Seuss, là một tác giả sách thiếu nhi, họa sĩ biếm họa chính trị và họa sĩ minh họa nổi tiếng, sinh ra ở La Jolla, California. Các tác phẩm của ông đã trở thành dấu ấn trong dòng sách thiếu nhi. 

Suốt nhiều năm, những cuốn sách hài hước và giàu trí tưởng tượng của ông đã mang lại cơ hội để trẻ em giữ được sự kỳ diệu của tuổi thơ, đồng thời giúp các em trải nghiệm các tình huống trong cuộc sống thực.

Những cuốn sách như “Oh, The Places You’ll Go!”, “The Cat in the Hat”, “Green Eggs and Ham” “How the Grinch Stole Christmas!” đã trở thành những tác phẩm kinh điển trong văn học thiếu nhi, thiết lập một sự bền vững khó có thể bắt chước.

Ngôn ngữ vui tươi và các nhân vật đáng nhớ của Dr. Seuss đã để lại dấu ấn lâu dài cho độc giả trẻ, và cách sử dụng sáng tạo các yếu tố lặp âm, vần điệu, và nhịp điệu không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp trẻ em phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản.

Câu nói nổi tiếng: “Tôi thích những điều vô lý, chúng đánh thức các tế bào não. Sự tưởng tượng là thành phần thiết yếu trong cuộc sống.” ― Dr. Seuss.

 

96/ Laura Ingalls Wilder (1867-1957)

 

Laura Ingalls Wilder, sinh ra ở Pepin, Wisconsin, là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng nhất với bộ sách “Little House” (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) dành cho thiếu nhi. Những cuốn tiểu thuyết bán tự truyện này phác họa một cách sống động thời thơ ấu của bà khi lớn lên trong một gia đình tiên phong và khắc họa chân thực cuộc sống ở biên cương nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19. 

Năm 15 tuổi, Wilder bắt đầu dạy học, mở đầu cho sự nghiệp viết và biên tập của bà sau này. Ban đầu, bà là cây bút của tạp chí McCall's MagazineCountry Gentleman, sau đó làm biên tập viên chuyên mục gia cầm cho St. Louis Star trước khi trở thành biên tập viên mục gia đình cho Missouri Ruralist. 

Trong các tác phẩm văn học của mình, lối kể chuyện đơn giản nhưng chi tiết và cuốn hút của Wilder đã thu hút độc giả trong nhiều năm, mang đến một cái nhìn thân mật về sự giản dị, khó khăn và niềm vui trong cuộc sống của những người tiên phong. 

Những câu chuyện vượt thời gian về phiêu lưu, gia đình và sự kiên trì của bà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người hâm mộ, nhắc nhở họ về những giá trị của lòng dũng cảm, sự trung thực và sự giản dị. Wilder cũng sáng tác nhiều tiểu luận, truyện ngắn, thư từ và thơ ca.

Câu nói nổi tiếng: “Tôi đang bắt đầu nhận ra rằng chính những điều ngọt ngào, giản dị trong cuộc sống mới là những điều thực sự đáng quý.” — Laura Ingalls Wilder.

 

95/ John Bunyan (1628-1688)

 

“The Pilgrim’s Progress” (tạm dịch: Cuốn hành hương) của John Bunyan là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong văn học tôn giáo Anh. Tác giả sinh ra ở Bedfordshire, Anh, người sau này trở thành một trong những nhà văn tôn giáo nổi tiếng nhất mọi thời đại, đã trải qua nhiều đau khổ. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của ông về đức tin và tôn giáo.

“The Pilgrim’s Progress” của Bunyan được viết khi ông bị bỏ tù vì rao giảng mà không có giấy phép. Trong nhiều thế kỷ, cuốn sách nổi tiếng với chủ đề Thanh giáo đã truyền cảm hứng cho người đọc bằng sự hiểu biết tâm linh sắc sảo và lối kể chuyện sống động. Thực tế, phong cách kể chuyện gần gũi và cuốn hút của Bunyan đã giúp cuốn sách trở thành một tác phẩm kinh điển, mang lại định hướng đạo đức và tâm linh qua nhiều thế hệ. 

Đã có thời, “The Pilgrim’s Progress” được coi là cuốn sách tôn giáo có ảnh hưởng thứ hai sau Kinh Thánh.

Ngoài “The Pilgrim’s Progress”, Bunyan còn viết cuốn tự truyện tâm linh “Grace Abounding” (tạm dịch: Ân điển vô biên) trong thời gian ông bị giam cầm suốt 12 năm. Cuốn sách này miêu tả hành trình đức tin của cá nhân ông, những đấu tranh với sự nghi ngờ và chiến thắng tâm linh, mang lại góc nhìn về cuộc sống riêng tư của ông. 

Câu nói nổi tiếng: “Khi cầu nguyện, có một trái tim không lời tốt hơn là có lời mà không có trái tim.” ― John Bunyan.

 

94/ Lewis Carroll (Charles Lutwidge Dodgson) (1832-1898)

 

Lewis Carroll, tác giả của “Alice ở xứ sở Diệu Kỳ”, đồng thời là một nhà toán học và nhà logic học, với niềm đam mê về logic đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của ông. Sự quan tâm của Carroll đối với logic và cách chơi chữ có tác động lớn đến cách viết  mang tính công thức của ông, khiến cho các tác phẩm của ông trở nên phong phú.

Sinh ra ở Cheshire, Anh Quốc, Carroll là một nhà toán học tài năng với khả năng thiên bẩm trong việc kết hợp những câu đố trí tuệ phức tạp và các yếu tố kỳ ảo để tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, và đây chính là lý do chủ yếu khiến “Alice ở xứ sở Diệu Kỳ” trở thành một tác phẩm lôi cuốn và thường mang tính thử thách trí óc. Ngoài việc viết tiểu thuyết, Carroll còn là một nhà thơ và nhiếp ảnh gia, với những tác phẩm nổi bật khác như “Jabberwocky” “Hunting of the Snark”. Sức hấp dẫn vượt thời gian của Carroll nằm ở khả năng hòa quyện giữa hiện thực và hư cấu, kết hợp giữa logic và sự phi lý. 

Câu nói nổi tiếng: “Ta thực sự là ai? À, đó mới là câu đố lớn.” ― Lewis Carroll.

 

93/ Thánh sử Máccô (A.D. 12-A.D. 68)

 

Thánh Sử Máccô là tác giả của “Phúc Âm Thánh Mác”, cuốn sách thứ hai trong Tân Ước. Tác phẩm của ông thường được coi là bản tường thuật sớm nhất và súc tích nhất về cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giê-su.

Thánh Máccô sinh ra tại Cyrene thuộc Đế chế La Mã, chưa từng gặp Chúa Giê-su, nhưng những câu chuyện ngắn gọn và sâu sắc của ông về Chúa Kitô đã có ảnh hưởng lâu dài đến thần học Kitô giáo suốt hàng thế kỷ.

 “Phúc Âm Thánh Mác” nắm bắt cốt lõi của sứ vụ của Chúa Giê-su, nổi bật qua những phép lạ, dụ ngôn, và cảm thức nặng nề về sứ mệnh đã định hình hành trình của Ngài trên trần gian. 

Phong cách viết tuy đơn giản và không cầu kỳ, nhưng lại sâu sắc và dễ tiếp cận, khiến tác phẩm trở nên gần gũi với đa số độc giả. Ảnh hưởng của phúc âm này vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, tác động đến văn học, nghệ thuật và cả những cách hiểu rộng lớn hơn của văn hóa phương Tây về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su. 

Câu nói nổi tiếng: “Đừng trở thành môn đệ của kẻ tự tán dương chính mình, kẻo bạn học được lòng kiêu ngạo thay vì khiêm tốn.” — Thánh Máccô.

 

92/ Mary Wollstonecraft Shelley (1797-1851)

 

Mary Wollstonecraft Shelley, sinh ra tại London, Anh, được biết đến nhiều nhất với cuốn sách mang tính bước ngoặt Frankenstein”, cuốn tiểu thuyết đã phá vỡ các ranh giới văn học và làm mờ ranh giới giữa câu chuyện Gothic và khoa học viễn tưởng. 

Shelley hoàn thành bản nháp đầu tiên của “Frankenstein” vào năm 1816 khi mới 18 tuổi, nhưng cuốn tiểu thuyết này chỉ được xuất bản một cách ẩn danh hai năm sau, khi bà 20 tuổi. Cuốn tiểu thuyết này được coi là một trong những ví dụ sớm nhất của khoa học viễn tưởng vì nó khám phá về sự sáng tạo, tham vọng và giới hạn đạo đức trong việc nghiên cứu khoa học. 

Tầm nhìn sáng tạo của Shelley cùng những câu hỏi sâu sắc về vai trò đạo đức mà con người đóng trong thế giới này đã tiếp tục được các nhà văn và nhà tư tưởng mới nổi khai thác. Khả năng kết hợp giữa kinh dị Gothic và những câu hỏi triết lý của Shelley cũng đã khiến bà trở thành một nhân vật khó quên.

Có thể kể đến tác phẩm nổi bật khác của bà là “The Modern Prometheus”

Câu nói nổi tiếng: “Hãy cẩn thận; vì tôi không sợ hãi, và vì vậy tôi mạnh mẽ.” — Mary Shelley.

 

91/ Jonathan Swift (1667-1745)

 

Jonathan Swift, sinh ra tại Dublin, được coi là một trong những nhà văn trào phúng vĩ đại nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh. Các tác phẩm của ông, bao gồm “Gulliver du ký” “A Modest Proposal” (tạm dịch: Một đề xuất khiêm tốn) là những điểm sáng thể hiện trí tuệ sắc bén, sự hiểu biết sâu sắc về bản chất con người và tâm lý học của Swift. Văn phong của ông thể hiện khả năng kết hợp tài trào phúng đậm với những bình luận xã hội thấu đáo, tạo ra những câu chuyện có ý nghĩa, sẽ vẫn là những di sản lịch sử kinh điển lâu dài sau cái chết của ông vào năm 1745.

Swift cũng tham gia vào các vấn đề chính trị và xã hội của thời đại ông. Là một giáo sĩ, ông đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo trong Giáo hội Ireland, trong đó có vị trí Giám mục của Nhà thờ St. Patrick ở Dublin. Các tác phẩm chính trị và bài luận của ông, như “The Drapier’s Letters” (tạm dịch: Những bức thư của Drapier), đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến của Ireland chống lại các chính sách kinh tế của Anh. 

Tác phẩm của Swift không chỉ giới hạn ở văn xuôi; ông còn là một nhà thơ và tác giả bài luận tài ba, với những bài thơ như “A Description of a City Shower” (tạm dịch: Cơn mưa thành phố), chứng tỏ khả năng kết hợp trào phúng với hình ảnh sống động.

Câu nói nổi tiếng: “Thật vô ích khi cố gắng lý luận với một người về một điều mà anh ta chưa bao giờ lý giải” ― Jonathan Swift.

 

90/ Hans Christian Andersen (1805-1875)

 

Sinh ra ở Odense, Đan Mạch, Hans Christian Andersen đã vượt qua xuất thân nghèo khó để trở thành một trong những tác giả nổi tiếng nhất mọi thời đại, với những câu chuyện cổ tích đã mê hoặc trẻ em và người lớn qua nhiều thế hệ. 

Mặc dù đã gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu sự nghiệp, nhưng cuối cùng, tác phẩm của ông đã nhận được sự công nhận nhờ vào phong cách kể chuyện đầy tưởng tượng và lãng mạn.

Andersen đã tạo ra những câu chuyện đáng nhớ bằng cách sử dụng sự đơn giản và thú vị để dạy những bài học đạo đức, và các câu chuyện cổ tích của ông thường khám phá các chủ đề về sự kiên cường, lòng tốt và chiến thắng của cái thiện. 

Một số tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông bao gồm “Nàng Tiên Cá”, “Chú Vịt Xấu Xí”, “Bộ Quần Áo Mới Của Hoàng Đế” “Cô Bé Hạt Tiêu”

Nhiều người nói rằng dấu ấn tuổi thơ của Andersen có thể tìm thấy trong hầu hết các tác phẩm của ông, và trong suốt nhiều thế kỷ qua, những câu chuyện bất tử của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và chuyển thể thành nhiều hình thức khác nhau, bao gồm ba lê, kịch và phim ảnh. 

Độc giả ở mọi lứa tuổi đều thấy tác phẩm của ông cuốn hút, kéo dài di sản của ông như một bậc thầy kể chuyện từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Câu nói nổi tiếng: “Nhưng nàng tiên cá không có nước mắt, vì vậy nàng phải chịu đựng nhiều hơn." — Hans Christian Andersen.

- Theo Forbes

 

Tags: