Việc phải lùi bước thường rất khó chấp nhận. Lùi lại có nghĩa là loại bỏ kế hoạch hiện tại và bắt đầu lại. Đó là nguyên nhân gây ra sự suy giảm hiệu suất tạm thời: chúng ta chọn từ bỏ những thành quả mà mình đã đạt được. Chúng ta đang thụt lùi để tiến bộ. Gray và Lindstedt giải thích: “Hiệu suất bị ảnh hưởng khi các phương pháp mới được phát minh, thử nghiệm, bị từ chối hoặc được chấp nhận”. Chúng ta đạt được thành tựu sau khi “triển khai một phương pháp mới thành công... để vượt qua mức độ thành tích trước đó”.
Để tìm đúng phương pháp cần đến việc thử và sai. Một số thử nghiệm sẽ cho ra kết quả hoàn toàn tồi tệ: chúng ta tốn công vô ích với những chiến lược sai lầm. Nhưng ngay cả khi chúng ta khám phá ra một phương pháp tốt hơn, thì việc thiếu kinh nghiệm với phương pháp ấy thường khiến kết quả lúc đầu rất tệ. Những bước thụt lùi đó là vô cùng bình thường – trong nhiều tình huống, chúng thậm chí còn rất cần thiết.
Trong công việc đánh máy, nếu phải nhìn phím rồi mới gõ từng chữ một, tốc độ của bạn có thể sẽ bị giới hạn ở khoảng 30 đến 40 từ mỗi phút. Dù có luyện tập chăm chỉ đến đâu, bạn cũng sẽ bị mắc kẹt ở ngưỡng đó. Nếu muốn tăng gấp đôi tốc độ lên 60 đến 70 từ mỗi phút, bạn phải thử một phương pháp mới: gõ phím bằng trí nhớ của bàn tay thay vì cứ phải nhìn bàn phím. Nhưng trước khi có thể tăng tốc, bạn phải chậm lại. Cần phải mất một khoảng thời gian để học thuộc lòng các phím.
Kỹ năng càng nâng cao thì đường cong học tập càng dốc hơn. Nếu bạn đang học cách giải khối Rubik, phương pháp đơn giản nhất là giải từng lớp một. Bạn tạo hình chữ thập màu xanh lam trên một mặt, sau đó xoay khối Rubik để các góc còn lại về cùng một màu rồi bắt đầu chuyển sang mặt tiếp theo. Khoảng 130 bước nữa là hoàn thành. Nếu muốn làm nhanh hơn, bạn cần phải ghi nhớ các thuật toán. Ban đầu sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng cuối cùng bạn chỉ còn cần 60 bước. Trong quá trình này, bạn cũng sẽ cần phải xây dựng lại trí nhớ cơ bắp – loại bỏ thói quen cũ và thay thế bằng thói quen mới.
Một trong những điều đáng ngạc nhiên về việc lùi bước là nó có thể tạo tiền đề cho sự cải thiện ngay cả khi bạn không cố ý đạt được điều đó. Trong một nghiên cứu trên hơn 28.000 trận bóng rổ NBA, các nhà nghiên cứu đã điều tra về tình hình của các đội sau khi những cầu thủ ngôi sao của họ bị chấn thương. Đúng như dự đoán, các đội thi đấu tệ hơn. Nhưng một khi ngôi sao trở lại, họ thậm chí còn thắng nhiều trận hơn trước khi anh ta bị thương. Tại sao việc mất đi cầu thủ giỏi nhất rốt cuộc lại giúp họ tiến bộ hơn?
Không có ngôi sao, các đội buộc phải quay trở lại vạch xuất phát và tìm kiếm những con đường mới dẫn đến thành công. Các đội sắp xếp lại vai trò để những cầu thủ bình thường được tỏa sáng và xây dựng lối chơi mới tận dụng tối đa sức mạnh của họ. Khi ngôi sao trở lại, sự cân bằng trong những cú chuyền bóng được cải thiện. Họ ít phụ thuộc hơn vào một anh hùng gồng gánh cả đội.
Bạn có thể thấy mô hình tương tự ở các đội khúc côn cầu NHL sau khi một cầu thủ bị chấn thương. Các đội càng thử nghiệm nhiều đội hình để đưa những cầu thủ khác nhau ra sân thì họ càng thi đấu tốt hơn.
Lẽ ra không cần phải có một sự kiện nghiêm trọng như chấn thương để buộc chúng ta phải dừng bước, lùi lại và chuyển hướng. Nhưng sự thật là chúng ta thường sợ đi lùi. Chúng ta coi việc chậm lại là mất đà, lùi lại là bỏ cuộc và thay đổi lộ trình là đi lạc hướng. Chúng ta lo lắng rằng khi lùi bước, chúng ta sẽ hoàn toàn mất chỗ đứng. Điều này có nghĩa là ta vẫn bám chặt vào vị trí hiện tại – ổn định nhưng bế tắc. Chúng ta cần phải chấp nhận cảm giác khó chịu khi bị lạc lối.
- Trích "Biến tiềm năng thành tài năng"