Một trong những nhân vật chính trong tiểu thuyết, Mariam là con gái ngoài giá thú của một trong những doanh nhân thành đạt nhất ở thành phố Herat, Jalil. Cô lớn lên trong một túp lều nhỏ bên ngoài thành phố cùng với mẹ.
Có thể nói, gần như suốt cuộc đời mình, Mariam bị ám ảnh bởi sự xấu hổ. Xấu hổ khi là một harami, chỉ là một đứa con không ai muốn được sinh ra, một đứa con ngoài giá thú. Một khi đã là harami, người đó sẽ không bao giờ được có yêu cầu chính đáng đối với những thứ mà người khác có, những thứ như tình yêu, gia đình, nhà cửa và sự chấp nhận.
Sự xấu hổ lớn hơn khi cô tin rằng mình đã góp phần khiến mẹ phải tự tử. Xấu hổ khi cảm thấy mình là gì, không quan trọng với Jalil. Sau nữa, cô xấu hổ khi bị chồng xa lánh vì không thể sinh cho anh một đứa con.
“Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ: Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy. Con hãy nhớ lấy điều ấy, Mariam.”
Sự thiếu thốn tình yêu là một chủ đề bất biến trong suốt cuộc đời Mariam. Nhưng cô có một khả năng đáng nể để chịu đựng và kiên trì vượt qua nỗi đau khổ với sự giúp đỡ của những câu kinh Koran mà cô đã được dạy thời thơ ấu.
Cuối cùng, sự xuất hiện của Laila đã mang đến cho cô cảm giác thuộc về đích thực. Vì Laila và những đứa con, Mariam đã hi sinh hết mình, từ bỏ cuộc sống của chính mình để những người cô yêu thương có thể được tự do. Bởi vậy, Mariam chính là cuốn tiểu thuyết chân thực nhất về cả sự đau khổ và sức mạnh của người phụ nữ Afghanistan.
Khác với Mariam, Laila là một cô gái trẻ, xinh đẹp, sống trong một gia đình có học thức ở Kabul. Cha cô đã cam kết cho cô đi học đại học và trở thành một người phụ nữ độc lập. Nhưng Laila phải chịu đựng sự lạnh lùng của mẹ. Mẹ cô lạnh lùng với cô bởi dường như bà đã dành hết tình yêu thương cho hai đứa con trai đã ra trận và cũng đã ra đi.
Chính vì thế, Laila đã trưởng thành hơn so với tuổi của mình. Cô có một mong muốn mạnh mẽ là sử dụng trí thông minh của mình và giáo dục để cải thiện thế giới xung quanh. Năm 15 tuổi, Laila yêu người bạn thân từ nhỏ của mình, Tariq. Nhưng chiến tranh buộc Tariq và cha mẹ cậu phải chạy trốn sang Pakistan. Vài ngày sau, một quả tên lửa đã rơi xuống nhà Laila, giết chết cha mẹ cô. Từ đây, cuộc đời của Laila rẽ sang một hướng khác. Và hướng rẽ đó có Mariam, để rồi số phận hai người phụ nữ này gắn chặt lấy nhau.
Laila rất tò mò và thông minh, cô vẫn giữ ý thức mạnh mẽ về văn hóa Afghanistan và hi vọng vào tương lai của nó. Cô cũng rất táo bạo và chấp nhận bất cứ rủi ro nào có thể đến với mình để thực hiện được điều mình muốn. Bằng chứng là, cô đã quyết định kết hôn với Rasheed để sinh ra đứa con đầu lòng của mình với Tariq; âm mưu trốn thoát Rasheed hay liều mình đến trại trẻ mồ côi để thăm bé Aziza bất chấp khả năng bị Taliban đánh đập đến chết.
Sự xuất hiện của Mariam đã giúp Laila có được một người bạn, một người mẹ, một tấm gương để hiểu được những hy sinh cần thiết để trở thành một người mẹ tốt.
“Nhưng trên tất cả, Mariam ở trong lòng Laila, nơi bà tỏa ra những tia ấm áp của ngàn mặt trời.”
Rasheed, nhân vật phản diện không thể phủ nhận, là một thợ đóng giày góa vợ và con trai đầu đã chết nhiều năm trước khi kết hôn với Mariam, khi đó mới 15 tuổi. Rasheed sở hữu một cửa hàng giày ở Kabul. Có thể nói, ông ta đã từng là một doanh nhân, nhưng cuối cùng ông ta phải vật lộn khi công việc kinh doanh lụi bại.
Ban đầu, khi cưới Mariam về, Rasheed là một người tốt bụng. Ông ta nhanh chóng hướng dẫn Mariam về những gì ông ta tin rằng một người vợ lý tưởng nên làm à: ngoan ngoãn, vâng lời và biết… sinh đẻ. Nhưng khi Mariam không thể có con, ông ta mất kiên nhẫn và đối xử với Mariam bằng sự khinh bỉ, những trận đòn cho đến khi cô bất tỉnh.
Quá trình tương tự được lặp lại khi ông ta dụ dỗ Laila, khi cô không có lựa chọn nào khác. Chỉ khi Laila mang đến cho ông ta một đứa con trai, những phẩm chất cứu chuộc ông ta mới nổi lên. Với Zalmai, Rasheed là người kiên nhẫn, yêu thương, tốt bụng và dịu dàng. Nhưng tình cảm ấy chỉ dành cho Zalmai, không dành cho hai người vợ hay con gái của Laila, Aziza.
Rasheed chính là biểu hiện tồi tệ nhất của cách cư xử của đàn ông đối với phụ nữ ở Afghanistan.
Tariq là người bạn lớn lên gần Laila ở Kabul. Cậu mất một chân vì một quả mìn và phải mang chân giả từ khi 5 tuổi. Nhưng cậu không để khuyết tật này làm mình chậm lại.
Cậu và Laila là những người bạn thân nhất khi còn nhỏ và trở thành tình nhân của nhau khi bước sang tuổi thanh thiếu niên. Khi buộc phải chạy trốn sang Pakistan cùng cha mẹ, Tariq phải vào tù vì tội buôn lậu. Nhưng bất chấp những gì mà cậu gặp phải, Tariq đã trở về với Laila, chứng tỏ tình yêu của mình dành cho cô, yêu thương cô theo cách mà chồng cô, Rasheed không làm được.
“Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng. Hay ngàn mặt trời rực rỡ” trốn sau những bức tường của nàng.”
Khi họ đoàn tụ, Tariq yêu thương vợ và các con của mình, chăm sóc bé Zalmai như thể bé là con trai của anh. Giống như Laila, anh chia sẻ mong muốn công lý của cô và ủng hộ quyết định của cô trở lại Kabul để giúp xây dựng lại thành phố.
Những nhân vật trên và tuyến nhân vật phụ trong cuốn tiểu thuyết của Khaled Hosseini đã làm nên một mảnh gương soi chiếu đất nước Afghanistan một cách rõ nét. Có thể nói, đau thương là cảm xúc ngự trị trong phần lớn nội dung của cuốn sách; nhưng cũng vì đau thương mà ta biết được tình người cao cả đến vậy.
#DD
Trạm Đọc - Readstation