“Tôi là sinh viên Harvard” – thật là một tuyên ngôn đầy tự hào mà bất kì ai cũng có thể cảm thấy vinh dự khi được nói ra. Làm sao mà bạn có thể cảm thấy không hạnh phúc khi đang trải nghiệm một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới, nơi tập trung tinh hoa của cả nhân loại cho được?
Thực tế thì chính suy nghĩ ấy đang cướp đi của những sinh viên các trường tinh hoa một cuộc sống bình thường. Sự bất hạnh đến từ việc không được quyền cảm thấy bất hạnh. Trong cuốn tự truyện chân thực ghi lại cuộc sống ở Stanford, Huyền Chip đã phải thú nhận: Không hạnh phúc ở Stanford là một cái tội. Tôi là một kẻ tội đồ.
Huyền Chip chia sẻ về cuộc sống ở Stanford trong buổi ra mắt cuốn sách mới
Cô kể lại:
Sinh viên Stanford, nhìn bên ngoài ai cũng rạng ngời với nụ cười tươi rói. Gặp nhau, câu hỏi đầu tiên sẽ là “How are you?” và câu trả lời duy nhất có thể được chấp nhận là “I’m doing great. How about you?”. Không ai biết rằng đằng sau những khuôn mặt rạng ngời đó là những đêm mất ngủ, những ngày bỏ ăn, những cuối tuần khóa mình trong phòng khóc rấm rứt. Ba năm liền, trường tôi đứng đầu danh sách những ngôi trường mơ ước cho cả phụ huynh và học sinh nước Mỹ. Làm sao mà ai đó có thể buồn khi ở trong môi trường hoàn hảo như thế này cơ chứ?
Ở các trường top, tồn tại một thực trạng gọi là “hội chứng con vịt”. Cũng giống như con vịt khi bơi nhìn thật ung dung thong thả nhưng thực ra đang phải nỗ lực đạp chân điên cuồng phía dưới; Sinh viên các trường tinh hoa cũng gặp vô vàn áp lực cảm xúc. Trầm cảm, tự tử trở thành những chuyện không mấy xa lạ - nhưng họ không lên tiếng tìm kiếm sự giúp đỡ. Dường như cái mác là một sinh viên tinh hoa lớn và sáng tới mức người ta không còn được chấp nhận là mình và chỉ mình.
Hãy nhìn vào cách một trường đại học tinh hoa tuyển sinh. Họ không chấp nhận những thí sinh “không có gì nổi bật”, “trông có vẻ nửa vời”: hoặc phải giỏi toàn diện, hoặc phải xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó, hoặc có xuất thân đặc biệt. Được đặt chân vào một trường tinh hoa cũng gần giống như một thẻ đảm bảo rằng bạn là một siêu nhân vậy.
Nhưng khi một siêu nhân ở giữa những siêu nhân thì dường như chẳng còn ai là siêu nhân hết. Thật dễ dàng để hỏi bản thân: “Làm thế quái nào tôi có thể là một trong số họ”, khi mà những người cùng lớp với bạn có khi là đại kiện tướng cờ vua quốc tế năm 13 tuổi, có khi là con gái của Barack Obama, hay có khi lại là Malala, người trẻ tuổi nhất từng đạt giải Nobel.
Chúng tôi được mặc định là những người chiến thắng. Tất cả chúng tôi bị áp lực phải chứng tỏ bản thân. Mỗi giây, mỗi phút hít thở bầu không khí ngôi trường này là mỗi giây, mỗi phút chúng tôi phải chiến đấu”, Huyền Chip kể lại. Đến mỗi mùa thi ở Stanford, các sinh viên lại log out Facebook, để điện thoại ở chế độ máy bay, biến mất sau cánh cửa phòng và không giao tiếp với bất kì ai. Bầu không khí u ám khắp trường - tất cả chỉ bởi áp lực “thấy mình kém cỏi vì những người xung quanh quá giỏi.
William Deresiewicz – tác giả cuốn sách “The Excellent Sheep” (Những chú cừu hoàn hảo), với hơn 10 năm làm giáo sư Anh Văn tại Đại học Yale – đã kể lại câu chuyện gây sốc về áp lực xuất sắc của sinh viên các trường tinh hoa. Một lần, ông hỏi một sinh viên ở Pomona liệu cô đã bao giờ nghĩ về chuyện không đạt điểm A trên lớp chưa. Và cô nhìn lại ông như thể ông vừa đưa ra một gợi ý vô duyên và bất lịch sự.
Nhìn sâu dưới lớp vỏ hoàn hảo không tì vết của nền giáo dục tinh hoa, sẽ chỉ thấy phập phồng những nỗi lo sợ, phiền muộn, trống rỗng. Họ chưa bao giờ trải nghiệm điều gì khác ngoài thành công, và bởi vậy những áp lực xuất sắc đặt lên họ càng thêm nặng nề. Thất bại không khác gì cái chết, và cũng vì thế họ chịu từ bỏ sớm hơn mà ít dám làm những điều liều lĩnh.
Tôi đã không hề nhận ra rằng nền giáo dục tinh hoa mà tôi được nhận có thể tồn tại những lỗ hổng, cho đến khi tôi đối diện với người thợ sửa ống nước mà tôi gọi đến nhà. Anh ta ở ngay đó, trong phòng bếp nhà tôi, và lần đầu tiên sau 14 năm trải nghiệm nền giáo dục đẳng cấp, nắm trong tay một xấp bằng đại học từ các trường Ivy League, tôi cứng đờ như một thằng đụt, hoàn toàn bất ngờ vì sự đụt của mình. Tôi không biết nói chuyện gì với anh ta – Tôi có thể tự tin giao tiếp với người từ mọi quốc gia bằng đủ thứ tiếng, nhưng tôi không biết nói chuyện gì với người đàn ông đang đứng trong nhà tôi.
Khi William kể câu chuyện này trong một bài viết về chủ đề Mặt trái của nền giáo dục tinh hoa, ông muốn đề cập đến một khiếm khuyết nghiêm trọng của sinh viên các trường top: họ không thể hòa nhập với những người không giống họ.
Như cách nói của Huyền Chip, cô không sống ở Mỹ, cô sống ở Stanford, vì Stanford chẳng có mấy điều giống một nước Mỹ bình thường.
Trong khi chỉ 20% gia đình Mỹ có thu nhập trên 100,000$/năm, thì 70% sinh viên Stanford đến từ gia đình có thu nhập từ 6 con số trở lên.
Thật mỉa mai khi các trường học tinh hoa lúc nào cũng vỗ ngực tự hào về sự đa dạng của họ, nhưng trên thực tế lại đang nhét sinh viên vào những cái lồng vô hình mang tên “giai cấp”. Bạn hài lòng khi nhìn vào những brochure quảng cáo hình ảnh du học với những sinh viên đủ màu da đang vui cười trao đổi bài tập? Cảm động thay, cô gái da vàng kia là con một doanh nhân châu Á, còn chàng trai da đen kia là con của một giáo sư gốc Phi. Sự đa dạng của một trường học tinh hoa chỉ đến vậy là cùng.
Và không chỉ là sự ngang hàng về mặt giai cấp, nền giáo dục tinh hoa còn vô tình đẩy những sinh viên của họ vào một cái lồng định kiến về mặt tri thức. Theo một cách nào đó, họ được truyền tư tưởng rằng họ là những người “giỏi nhất, sáng giá nhất”. Sự xuất chúng về mặt học thuật (mà thường chỉ giới hạn trong một vài lĩnh vực như công nghệ, tài chính, luật, y dược, khoa học, kinh doanh) trở thành sự xuất chúng mang nghĩa tuyệt đối, khi mà “giỏi hơn trong lĩnh vực X” bị rút gọn thành “giỏi hơn”.
Cũng thật buồn cười là, sinh viên ở các trường đại học tinh hoa tưởng như có thể trở thành bất cứ thứ gì họ muốn, nhưng phần lớn cuối cùng đều chọn trở thành những thứ na na giống nhau. Như năm 2010, khoảng 1/3 số sinh viên tốt nghiệp từ các trường top đều đi làm trong các công ty tài chính hoặc tham vấn tài chính kể cả Harvard, Princeton và Cornell.
Chúng ta không phủ nhận những giá trị của các trường đại học hàng đầu – đường đến Stanford, Harvard hay Princeton vẫn xứng đáng là một giấc mơ và phần thưởng cho những người xứng đáng. Nhưng qua những câu chuyện thực tế, qua những cuốn sách kể lại cuộc sống của sinh viên các trường tinh hoa, nền giáo dục “tinh hoa” không thực sự chỉ chắt lọc những điều xuất sắc và hoàn hảo nhất. Ta đơn thuần không thể yêu thương và thần thánh hóa những ngôi trường ấy chỉ vì cái mác Ivy League mà nó mang.
Biên Cung/Trạm Đọc
Độc giả có thể tìm đọc cuốn sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford (Bản có chữ ký) tại goo.gl/6Xjm5A, trên Tiki (https://goo.gl/xBH9HN) hoặc Fahasa (https://goo.gl/cMPHL9)