Một chiến dịch ở Bắc Kỳ- Cuốn du ký đầy ắp hình ảnh minh họa sống động về miền Bắc cuối thế kỷ 19
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ- Cuốn du ký đầy ắp hình ảnh minh họa sống động về miền Bắc cuối thế kỷ 19
Bạn đọc quan tâm đến quá khứ của Việt Nam thời cuối thế kỷ 19 theo những góc độ khác nhau đều ít nhiều có thể tìm thấy những điểm thú vị, phù hợp với quan tâm của mình, trong tập sách này.

Khi đọc một cuốn sách du ký trong đó tác giả thuật lại những trải nghiệm của chính mình, yếu tố quan trọng hàng đầu với một độc giả nghiêm túc là độ tin cậy của người thuật chuyện. Độ tin cậy đó càng cao thì nội dung sách càng thuyết phục, càng có giá trị. Vậy khách quan mà nói, tiêu chí nào sẽ quyết định độ tin cậy của người thuật chuyện trong một tác phẩm du ký. Thật khó đưa ra một câu trả lời toàn diện hài lòng tất cả độc giả, song theo lẽ thường mà nói, “trăm nghe không bằng một thấy”, độc giả sẽ dễ được thuyết phục hơn, và được thuyết phục một cách chắc chắn hơn, nếu ngoài lời kể của chính mình, tác giả đưa ra được càng nhiều càng tốt những bằng chứng khách quan làm chỗ dựa cho những lời kể đó.

Hãy tưởng tượng một nhà lữ hành cũng đồng thời là một nhiếp ảnh gia đầy đam mê, đồng thời cũng sở hữu đôi mắt quan sát tò mò thích tìm hiểu, khám phá, cùng vốn ngôn từ đủ linh hoạt để ghi lại thật sống động, chi tiết những điều mắt thấy tai nghe. Một nhà lữ hành như vậy không những có thể chọn những chi tiết đắt nhất, thú vị nhất để ghi chép lại trong cuốn du ký của mình, mà còn có thể chụp lại chính những khoảnh khắc ấn tượng ông đã ghi chép để ngôn từ cùng hình ảnh song hành với nhau. Sự linh hoạt của ngôn từ sẽ làm những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc tĩnh như sống dậy. Và những bức ảnh sẽ giúp ngôn từ rời khỏi mặt trang giấy để trở thành hình ảnh ba chiều chân thực trong tâm trí độc giả. Đó chính xác là những gì Charles-Edouard Hocquart đã làm trong quyển du ký “Một chiến địch ở Bắc Kỳ” xuất bản năm 1892. Vậy C-E. Hocquart là ai? Quyển sách du ký đầy ắp hình ảnh minh họa phần lớn do chính ông chụp viết về những gì?

C-E. Hocquart là một bác sĩ quân y Pháp từng phục vụ tại quân y viện danh tiếng Val-de-Grâce. Tháng 1/1884, ông này tình nguyện sang phục vụ tại Bắc Kỳ, cùng các đơn vị quân đội Pháp tham gia các chiến dịch chống lại các đạo quân nhà Thanh xâm nhập Bắc Kỳ thời đó, và lưu lại chiến trường này hơn hai năm trước khi trở về Pháp năm 1886. Toàn bộ quãng thời gian đầy biến cố này được Hocquart thuật lại trong “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, kèm theo hơn 200 bức ảnh, hầu hết do chính ông chụp, được chuyển thành bản khắc kẽm để làm hình minh họa cho ấn bản của quyển du ký.

Thú vị nhất là số lượng lớn những bức ảnh này được Hocquart lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ bộ sưu tập ảnh ông đã chụp trong thời gian ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Gần như mỗi biến cố, sự kiện, sự vật, nhân vật được tác giả mô tả đều có ít nhất một bức ảnh đặc tả đi cùng minh họa. Không phải là một quyển truyện tranh, song những ai “lười” đọc chữ hoàn toàn có thể lần theo các bức minh họa và chú thích của chúng như theo một tập truyện tranh để đồng hành ngược thời gian theo những gì đã lọt vào mắt Hocquart trên bước đường hành quân của viên bác sĩ quân y.

Đúng như tên gọi của cuốn sách, Hocquart đã dành một thời lượng đáng kể cả về lời kể lẫn hình ảnh để tường thuật lại những cuộc hành quân, những trận đánh ông đã tham gia. Những ai ưa thích tìm hiểu lịch sử đều biết giai đoạn 1884 – 1886 chính là giai đoạn người Pháp, sau khi đã chính thức giành được quyền “bảo hộ” Bắc Kỳ và Trung Kỳ qua các hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884) với triều đình Huế, giao chiến ác liệt với các đạo quân Mãn Thanh ở Bắc Kỳ để giành quyền làm chủ trên thực địa. Những chiến dịch này cũng đánh dấu người Pháp cơ bản hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ vương quốc Đại Nam để sáp nhập vào Liên bang Đông Dương họ sẽ thành lập năm 1887. Và thật trùng hợp, Hocquart chính là nhân chứng sống trong cuộc, và tập ký sự của ông cung cấp những chi tiết sống động, ngay tại chiến địa của nhiều trận đánh ác liệt.

Không chỉ có vậy, “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” còn là câu chuyện về những mảnh đời thường của những người dân bản xứ trong một giai đoạn bản lề đặc biệt. Hocquart đã chứng tỏ mình không chỉ là một bác sĩ quân y, mà còn là một lữ khách háo hức khám phá, ghi nhận mọi khía cạnh của cuộc sống, phong cảnh, con người và thiên nhiên ở mọi nơi bước chân hành quân tình cờ đi qua.

Những con người bản xứ Bắc Kỳ được “ông Tây” này ghi lại rất đa dạng, từ những ông quan đại thần cho tới những cậu bé con trổ tài tiếng Pháp với chính tác giả, từ những người lính tập Bắc Kỳ cho tới những cô gái đã kịp ưa thích các loại vải Anh quốc nhưng vẫn nhuộm răng đen theo phong cách truyền thống, v.v. Cùng với con người là phong cảnh, cả thiên nhiên lẫn nhân tạo, của nhiều địa phương trên khắp miền bắc và miền trung nước ta. Nhiều bối cảnh được Hocquart ghi lại trong các bức hình của ông giờ đã thay đổi hoàn toàn, chỉ còn là một mảnh ký ức lưu giữ trên trang giấy. Một số khác vẫn tồn tại tới ngày nay, cho phép chúng ta có cảm nhận về dấu ấn thời gian trong hơn 130 năm.

Bên cạnh những cảnh vật, những con người, những biến cố cụ thể, Hocquart còn thể hiện sự ham thích tìm hiểu của mình khi đẩy xa quan sát tới các phong tục, tập quán, thói quen, tính cách của người dân Việt Nam thời kỳ đó. Không thể trông đợi những khảo cứu mang tính chuyên sâu ở người bác sĩ quân y thích phiêu lưu du ký này, song những gì được ghi lại, chụp lại đều là thông tin có giá trị về các góc khác nhau của cuộc sống, xã hội Việt Nam thời cuối thế kỷ 19. Chẳng hạn, những câu nói tiếng Việt được Hocquart ghi lại theo kiểu phiên âm, dù không hoàn toàn chuẩn tắc, cũng giúp chúng ta ít nhiều mường tượng ra cha ông mình đã nói như thế nào hơn trăm năm trước, một điều quả là khó hình dung khi không có bản ghi âm đương thời nào ghi lại tiếng nói của người Việt khi đó.

Tựu chung lại, quyển sách du ký của bác sĩ Hocquart không đơn thuần là một ký sự chiến dịch như cái tên của nó có thể khiến người ta nhầm lẫn. Các đối tượng độc giả khác nhau quan tâm tới quá khứ của Việt Nam thời cuối thế kỷ 19 theo những góc độ khác nhau đều ít nhiều có thể tìm thấy những điểm thú vị, phù hợp với quan tâm của mình, trong tập sách này. Hoặc ngay cả khi bạn không hẳn là quan tâm tới lịch sử, những bức hình minh họa lưu lại những khoảnh khắc đã diễn ra hơn 130 năm trước trên chính đất nước bạn đang sống cũng là điều khiến bạn không khỏi ít nhất cũng tò mò muốn xem qua.

Lê Đình Chi - Trạm đọc 

Tags: