Mô hình thoát hạn của Israel: giải pháp cho hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn của  Việt Nam
Mô hình thoát hạn của Israel: giải pháp cho hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn của Việt Nam
Cuốn sách bán chạy nhất của New York này sẽ cung cấp cho độc giả là các nhà hoạch định chính sách, người làm việc trong các cơ quan ban ngành chức năng liên quan, các nhà khoa học và mọi người dân Việt Nam đang quan tâm hay đang sống trong những vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn các giải pháp hữu ích nhằm hóa giải tình trạng này.

Hạn hán, xâm nhập mặn là hiện tượng đang làm điêu đứng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam sinh sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua. Hàng chục nghìn héc-ta lúa và hoa màu có nguy cơ chết khô, hàng chục héc-ta rừng U Minh Hạ cũng đứng trước nguy cơ cháy rừng do khô hạn, hơn trăm nghìn hộ dân phải gạn lọc, chia nhau từng chút nước ngọt ít ỏi…

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh tại Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12/2019. Trong tháng 3, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt với mức cao nhất và vào sâu nội đồng. 10/13 tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này. 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn.

Cuối tháng 4 vừa qua, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về ĐBSCL có xu hướng gia tăng. Cùng thời gian này đã xuất hiện mưa ở đồng bằng Nam Bộ, góp phần làm giải nhiệt, bổ sung nguồn nước cho hoa màu, vật nuôi, làm giảm độ mặn trên các sông ở ĐBSCL, nhưng tốc độ cải thiện còn chậm.

Đứng trước tình trạng cấp bách này, Chính phủ đã có Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Cùng với đó, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (như bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh rạch; đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước; khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt…  Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, chống tiêu cực.

Để chống hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả là công cuộc cần có sự hiểu biết và chung tay của chính phủ, các ban ngành chức năng, cùng toàn thể người dân. Trong bối cảnh này cuốn sách “Con đường thoát hạn- Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước" được xuất bản dưới sự hợp tác của Đại sứ quán Israel và Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam- VICC, một lần nữa chứng minh tính hữu ích và đúng thời điểm của mình.

Kể về câu chuyện ngoạn mục của Israel, đã biến các sa mạc thành những miền đất nở hoa nhờ sự sáng tạo, đổi mới và công nghệ mang tính cách mạng, cuốn sách bán chạy nhất của New York này sẽ cung cấp cho độc giả là các nhà hoạch định chính sách, người làm việc trong các cơ quan ban ngành chức năng liên quan, các nhà khoa học và mọi người dân Việt Nam đang quan tâm hay đang sống trong những vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn các giải pháp hữu ích nhằm hóa giải tình trạng này.

Để hiểu hơn về cuốn sách, Trạm đọc cũng xin được gửi đến bạn đọc lời giới thiệu cuốn sách "Con đường thoát hạn" của ông Naty Barak, Giám đốc Phát triển bền vững và ông Gal Yarden, Giám đốc điều hành Công ty THHH Netafim Đông Nam Á

  ---

 Việt Nam sỡ hữu một trong những nguồn đất đai màu mỡ nhất trên thế giới và đã tận dụng nguồn đất phong phú ấy để trở thành một trong những nhà sản xuất dẫn đầu toàn cầu về lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, ngô, khoai, sắn và cây ăn quả. Nhưng thách thức đang dần hiện diện ngày một rõ nét: Để luôn đảm bảo những mùa vụ bội thu, Việt Nam phải tìm được cách đảm bảo đủ nguồn cung cấp nước liên tục cho nông nghiệp.

Khắp nơi trên thế giới, các quốc gia cũng đang phải đối mặt với khó khăn tương tự. Khi dân số toàn cầu gia tăng nhanh chóng, những thú vui xa hoa (tiêu tốn lượng nước lớn) mới ra đời, nhu cầu đối với thực phẩm chất lượng cao ngày càng lớn, cùng những tác động của biến đổi khí hậu, hầu như tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi đều đang khốn đốn để đảm bảo nguồn cung nước đáp ứng được nhu cầu hằng ngày. Và câu chuyện  sẽ chỉ ngày càng diễn biến tồi tệ hơn mà thôi.

Giữa bối cảnh ấy, Seth M. Siegel đã viết một cuốn sách đầy ấn tượng, cuốn Con đường thoát hạn Giải pháp Israel  cho một  thế  giới khát nước. Trong cuốn sách này, ông chia sẻ về những điều mà tất cả chúng ta có thể làm – và nhất định phải làm để đảm bảo nguồn nước lâu dài và liên tục trong tương lai. Siegel kể lại câu chuyện phi thường của Israel, đất nước đã vượt qua vô vàn nghịch cảnh để chuyển từ một quốc gia khan hiếm nước sang một xứ sở có nguồn nước dồi dào. Ngày nay, Israel thậm chí còn giàu nguồn nước tới mức có thể cung cấp nước trong lành, an toàn và thuần khiết cho toàn bộ người dân 24 giờ trong ngày suốt 7 ngày trong tuần, 365 ngày trong năm

Nhưng, như Siegel đã chứng minh, Isarel không chỉ xoay xở được đủ nguồn cung nước trong tương lai cho chính đất nước mình. Đất nước này còn chia sẻ nguồn nước cho cả các quốc gia láng giềng, đồng thời phát triển một nền nông nghiệp cung cấp đủ đầy cây trái và rau củ cho cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Israel đã chuyển giao công nghệ nước cho khoảng 150 quốc gia, và đào tạo các chuyên gia về nước cho hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng, trong vài thập kỷ tới, thế giới phải tăng 70% sản lượng nông nghiệp để nuôi sống dân số đang ngày càng lớn. Với việc dùng đến 80% lượng nước quốc gia cho ngành nông nghiệp, Việt Nam cũng như những nước đang phát triển khác sẽ cần phải học hỏi rất nhiều từ Israel trong việc duy trì nguồn nước lâu dài, phong phú. Những giải pháp công nghệ tiên tiến của Israel có thể nâng cao sản lượng cây trồng đồng thời bảo tồn và tiết kiệm tài nguyên nước. Khan hiếm lương thực và khan hiếm nước sẽ không còn là mối đe dọa cho thế giới.

Một trong những giải pháp cốt lõi – và một trong những chủ đề chính trong cuốn sách – đó là công nghệ tưới nhỏ giọt. Tưới nhỏ giọt là công nghệ then chốt giải quyết cả ba thách thức toàn cầu: vấn đề an ninh lương thực, bảo tồn nguồn nước, và tối ưu hóa đất trồng. Nói đơn giản, tưới nhỏ giọt giúp chúng ta trồng nhiều cây hơn mà tiêu tốn ít nước hơn.

Tưới nhỏ giọt cho cây trồng

Công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ bơm trực tiếp nước và chất dinh dưỡng vào rễ cây một cách chậm rãi, chính xác và đồng đều, với áp lực thấp. Về bản chất, công nghệ này cung cấp nước trực tiếp cho cây trồng, chứ không phải cho đất. Nó đảm bảo rằng việc cung cấp nước sẽ hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của cây trồng, đồng thời cho phép việc tưới tiêu chính xác với nhu cầu từng loại cây, từng loại hình đất và điều kiện thời tiết. Bằng cách tiết kiệm và tối ưu hóa lượng nước và dinh dưỡng cho cây, tưới nhỏ giọt sẽ mang đến những mùa vụ với sản lượng cao hơn, chất lượng tốt hơn, với lượng tài nguyên thiên nhiên như đất trồng và năng lượng ít hơn.

Công nghệ này được những người nông dân tại Kibbutz tìm ra vào năm 1965, và đến hôm nay, khi cuốn sách này được ra mắt tại Việt Nam, chúng tôi thật sự tự hào vì đã trở thành nhà cung cấp công nghệ tưới nhỏ giọt hàng đầu, và đã triển khai các hệ thống tưới nhỏ giọt ở Việt Nam suốt 15 năm qua để trồng rau củ, mía, hồ tiêu, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác, giúp người dân Việt Nam giảm đến 50% lượng nước sử dụng trong quá trình trồng trọt. Trong nỗ lực phổ biến rộng rãi công nghệ tưới nhỏ giọt, chống lại nguy cơ khan hiếm lương thực, chúng tôi khát khao biến Việt Nam – cũng như thế giới nói chung – trở thành một miền đất bền vững và tươi đẹp hơn.

Israel đã tạo nên một kỳ tích, và qua cuốn sách Con đường thoát hạn, chúng  tôi mong rằng các nước trên thế giới có thể học hỏi được nhiều điều để tạo nên kỳ tích tương tự.

NATY BARAK & GAL YARDEN

Độc giả đặt mua cuốn sách Con đường thoát hạn tại link sau: https://omegaplus.vn/san-pham/con-duong-thoat-han

 

Tags: