Minh đạo nhân sinh: Bài học từ các triết gia Trung Quốc về thay đổi cuộc đời từ những điều giản dị
Minh đạo nhân sinh: Bài học từ các triết gia Trung Quốc về thay đổi cuộc đời từ những điều giản dị
"Nếu thế giới bị phân mảnh, thì nó sẽ cho chúng ta mọi cơ hội để xây dựng lại mọi thứ một lần nữa. Chỉ cần bắt đầu với những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, từ đó mà chúng ta có thể thay đổi mọi thứ".

Michael Puett là giáo sư nổi tiếng tại Đại học Harvard. Lớp học của ông về triết học Trung Quốc cổ đại là khóa học phổ biến đứng thứ ba trong lịch sử của ngôi trường danh giá này. Ông thách thức các sinh viên bỏ qua một bên những tư tưởng phương Tây về bản ngã, thành công, các mối quan hệ và cuộc sống tốt đẹp để thu nhận triết lý sống của phương Đông.

Ông tin rằng các bạn trẻ ngày nay rất cởi mở với những ý tưởng lớn và thậm chí còn sẵn sàng thay đổi mọi thứ họ được dạy khi tiếp xúc với các dòng triết học mới. Ông tập trung bài giảng của mình vào những lời dạy trí tuệ của các triết gia Trung Quốc sống cách đây hơn 2000 năm.

Đổi lại, các sinh viên cũng vô cùng coi trọng công sức của ông khi nói rằng khóa học đầy chất phiêu lưu này đã thay đổi cuộc sống của họ. Cuốn sách “Minh đạo nhân sinh” chính là sự chắt lọc tư tưởng của nhiều năm thay đổi cuộc đời của những sinh viên ưu tú nhất thế giới này.

Nhà triết học Trung Quốc đầu tiên mà ông đánh giá là Khổng Tử, một trong những vị thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến nền văn hoá châu Á. Luận ngữ cho thấy Khổng Tử là một giáo viên bậc thầy về chủ đề cuộc sống hàng ngày, khuyên chúng ta nên lưu ý đến những điều nhỏ nhặt liên quan đến các cảm xúc, những lựa chọn và các nghi lễ. Puett thảo luận về việc chào hỏi mọi người và thờ cúng tổ tiên là một thói quen có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chứ không chỉ là một phép lịch sự đơn thuần hay một nghĩa vụ đạo đức.

Một điểm quan trọng của Khổng giáo là sự định nghĩa lòng tốt liên quan đến "khả năng phản ứng tích cực với người khác; sự phát triển năng lực nhạy cảm cho phép bạn ứng xử theo cách tử tế nhất với những người xung quanh và khơi gợi những mặt tốt đẹp hơn trong họ." Tu luyện và thể hiện lòng tốt là con đường trở thành một người có đạo đức.

Một triết gia Trung Quốc khác cũng có những lời dạy rất sâu sắc về cuộc sống là Mạnh Tử, người thành tâm tin rằng tất cả chúng ta đều có bản năng làm việc thiện. Ông cho rằng chúng ta phải chấp nhận rằng mình sống trong một thế giới xáo trộn và thất thường. Chân lý của ngày hôm qua, có thể chỉ là một lời nói dối của ngày hôm nay.

Thừa nhận thực tế này, chúng ta có thể rũ bỏ những quan điểm cứng nhắc về thành công, số mệnh và tự xây dựng cho mình một chiếc la bàn đạo đức. Khi không phải tin vào một giáo lý nào đó để phân biệt sự đúng sai, bạn có thể lắng nghe bản năng thiện lành của lương tâm để tự quyết định mình nên làm gì.

“Tuân theo dòng chảy” là một giáo lý thiết yếu của "Đạo" được dạy bởi Lão Tử. Những người chọn tiếp cận các giáo lý của nhà hiền triết Trung Quốc này xem tất cả mọi thứ đều có liên kết với nhau, chấp nhận rằng sức mạnh nằm ở điểm yếu (lấy nhu thắng cương). Bài học lớn nhất của ông là khám phá ra giá trị của việc thực hành sự không hành động (vô vi), hơn là cứ lao về phía trước với một đầu óc đầy lo lắng. Mọi vấn đề chỉ phát sinh khi con người cứ cố quá để thành “quá cố”.

Một con đường khác bắt nguồn từ Nội nghiệp (Inward Training), bao gồm một bộ sưu tập ẩn danh những câu thơ tự thần (self-divinization) từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Đây là một bản ca tụng Khí (qi), năng lượng thần thánh đi xuyên qua cơ thể chúng ta, và tạo ra sự hòa hợp với đất trời như một lực cân bằng và tinh chỉnh các hoạt động của con người.

Hai nhà triết học Trung Quốc cuối cùng là Trang Tử và Tuân Tử. Người đầu tiên nhấn mạnh “Đạo” là sự chuyển động và thay đổi vô tận. Ông cũng là một người ủng hộ sự tự phát (spontaneity), sáng tạo và trí tưởng tượng có qua đào tạo, như được minh họa bởi các dụ ngôn và giai thoại của ông. Tuân Tử sống khoảng 250 năm sau Khổng Tử và hóa ra lại là người đã dày công tổng hợp các tác phẩm của tất cả những bậc thầy đi trước ông.

Puett kết luận rằng những nhà hiền triết Trung Quốc này có rất nhiều bài học để dạy chúng ta về việc thoát khỏi sự thụ động của suy tưởng, và thực sự gắn kết với thế giới khi chúng ta cố gắng làm điều thiện. “Đạo” chứa đựng nghi thức, sức sống, sự tự phát, sự hài hòa, sự sáng tạo và những khả năng mới. Ông kết luận như sau:

"Nếu thế giới bị phân mảnh, thì nó sẽ cho chúng ta mọi cơ hội để xây dựng lại mọi thứ một lần nữa. Chỉ cần bắt đầu với những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, từ đó mà chúng ta có thể thay đổi mọi thứ".

Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn ảnh: Sưu tầm

>> Đọc thêm Trích đoạn: 3 ảo tưởng sai lầm của giới trẻ: Các bậc hiền nhân có thể dạy gì về một cuộc đời tốt đẹp

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách Minh Đạo Nhân Sinh tại: https://bit.ly/minhdaonhansinh-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.

Tags: