Barack Obama - nghị sĩ trẻ ở bang Illinois trở thành tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 và cũng là tổng thống da màu đầu tiên. Không chỉ được nhân dân Mỹ quý mến mà trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình cựu tổng thống còn chiếm trọn cảm tình của người dân khắp nơi trên thế giới.
47 tuổi, đứng trên bục tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2009, Obama khi đó đã gửi đi thông điệp “hy vọng và thay đổi”. Và quả thực, những đóng góp của ông đã mang lại sự thay đổi rõ rệt và mang đến niềm hy vọng về một miền đất hứa cho những người dân Mỹ.
Thế nhưng, đằng sau hành trình dẫn đến những đóng góp hay những quyết định quan trọng ấy lại ẩn chứa rất nhiều câu chuyện thú vị mà báo đài chẳng hề đăng tải. Nhưng giờ đây, bạn có thể được lắng nghe những sự thật ấy qua chính ngòi bút của cựu tổng thống Mỹ - Barack Obama trong cuốn hồi ký A Promised Land.
A Promised Land đã được xuất bản tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới, được dịch ra 26 thứ tiếng và hàng triệu bản đã được bán ra tại Hoa Kỳ và Canada. Cuốn hồi ký với lối viết dung dị, gần gũi và chân thật khiến nó trở thành cuốn sách thực sự đáng đọc.
Cuốn sách không khắc hoạ hình tượng một chính trị gia nghiêm nghị, không kể những câu chuyện cứng nhắc và khô khan mà thay vào đó ta được biết ngài tổng thống qua từng câu chuyện nhỏ, được chính ông chấp bút và ghép lại thành một câu chuyện lớn mộc mạc nhưng vô cùng ý nghĩa.
A Promised Land đưa độc giả đến với câu chuyện phía sau về quyết định tranh cử chức vụ của tổng thống Mỹ thứ 44, một quá trình dài khác xa với những bài báo tung hô, ca tụng. Những quyết định và những sự lựa chọn trong thời kỳ đương nhiệm cũng được ông kể một cách chân thực. Nếu đã yêu thích Obama, thì có lẽ qua cuốn sách này, bạn sẽ càng thêm yêu mến ông.
Từ những ngày Obama còn trẻ ở Hawaii đến nhiều cuộc họp của ông ở phòng bầu dục tại nhà Trắng nhằm thực thi chính sách thay đổi thế giới, A Promised Land phác họa những mối quan tâm của Obama đối với tương lai chính trị, cũng như sự lạc quan thận trọng của ông đối với tương lai của nước Mỹ. Cuốn sách này được Obama nhắn gửi là dành cho những người trẻ tuổi, như một lời mời gây dựng lại thế giới một lần nữa, và mang đến một nước Mỹ sánh ngang với tất cả những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, bằng sự cần cù, quyết tâm và trí tưởng tượng phong phú.
“Nếu không khâu nối cuộc đời mình lại và đặt mình lên một trục vững chắc, tôi rốt cuộc có lẽ sống một cuộc đời đơn lẻ theo một cách cơ bản nào đấy.”
Không ai trong gia đình từng nghĩ rằng Obama sẽ trở thành quan chức nhà nước. Mẹ ông từng hình dung con trai mình sẽ quản lý một quỹ từ thiện kiểu như quỹ Ford. Còn ông bà ngoại thì mong ông trở thành thẩm phán, hoặc một luật sư tranh biện tại toà như Perry Mason (Một nhân vật hư cấu trong tác phẩm của Erle Stanley Gardner).
Chính ông cũng thừa nhận rằng nếu mọi người thấy được hình ảnh của ông thời niên thiếu thì nó rõ ràng không phải hình ảnh của một nhà lãnh đạo tương lai, mà chỉ là cậu học sinh lờ phờ, một cầu thủ bóng rổ đầy đam mê nhưng tài năng có hạn, và một kẻ ưa tiệc tùng, đàn đúm liên miên.
Obama còn thành thật viết trong cuốn hồi ký của mình rằng, cũng không có chuyện mình tham gia ban quản lý sinh viên, không có chuyện nhận phù hiệu Hướng đạo Đại bàng hay thực tập ở văn phòng dân biểu địa phương.
Thời trung học của tổng thống Hoa Kỳ khi ấy được bao trùm bởi những câu chuyện về thể thao, bạn gái, âm nhạc và các kế hoạch nhậu nhẹt.
Mặc dù vậy, ngay trong thời niên thiếu ấy, bản thân Obama cũng đã nhận thức được sâu sắc về các vấn đề sắc tộc và giai cấp. Chứng kiến sự tù túng trong cuộc sống của ông bà, sự vất vả triền miên của mẹ và đôi lúc là sự hỗn loạn trong chính đời sống cá nhân. Tất cả điều này đã khiến Obama trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Nhưng thay vì tâm sự với bạn bè hay kể lể với người thân và làm cho cảm xúc của họ bị tổn thương, hoặc phơi bày quá nhiều tâm tư cá nhân thì Obama đã chọn cách trú ngụ trong sách vở.
Obama say đắm với những chồng sách cũ cùng các tác phẩm từ Ralph Ellison và Langston Hughes, Robert Penn Warren và Dostoyevsky, D.H… đến nỗi ông ngoại của Obama còn tưởng ông có ý định mở một thư viện.
Cứ như vậy số sách ngày một nhiều lên và được chất đầy nhà ông ngoại của Obama. Dù nhiều chỗ còn không hiểu, dù đôi từ còn không rõ cách phát âm chuẩn nhưng Obama đã chìm đắm vào những cuốn sách một cách say mê như thế.
“Tôi như đứa ưa mày mò sửa chữa, lục lọi trong nhà xe của cha mẹ, gom nhặt mấy cái ống tia âm cực, con ốc, dây điện tuột ra mà không biết sẽ dùng chúng vào việc gì nhưng luôn chắc mẩm rồi đây sẽ có dịp dùng đến một khi tôi xác định được hướng cuộc đời.”
Không vòng vo hay tự đề cao bản thân. Obama thẳng thắn thừa nhận khi còn trẻ bản thân có những khiếm khuyết mà chưa bao giờ hoàn toàn gột bỏ được. Như là thích suy tưởng mông lung hơn hành động, một sự dè dặt nhất định, thậm chí rụt rè, mà ông cho rằng có lẽ đó là dấu vết của việc được nuôi nấng ở Hawaii và Indonesia, nhưng cũng là hệ quả của sự lo lắng thái quá về hình ảnh tiêu cực trước mắt mọi người. Một sự mẫn cảm trước việc bị chối bỏ hoặc trông có vẻ ngốc nghếch. Thậm chí đấy có thể là thói lười nhác.
Thế nhưng chính sự lo lắng thái quá đã dần trở nên có ích, sau này nó đã giúp ông hình thành thói quen tự chất vấn trước những thứ bản thân mặc định là đúng, giúp ông không trở nên quá ương ngạnh, và giúp ông miễn dịch trước các công thức mang tính cách mạng được nhiều phe tả đón nhận vào lúc hừng đông của kỷ nguyên Reagan.
Ông thừa nhận có lúc mình cũng đưa ra các lựa chọn xuẩn ngốc trong thời điểm cần cân nhắc thấu đáo; những lần bạn nhận ra rắc rối thực sự trong cuộc sống, mổ xẻ nó, thế rồi tự tin tuyệt đối trỗi dậy dẫn tới đáp án sai.
Trên cương vị của một tổng thống, bất kỳ sai lầm nào hay bất kỳ quyết định đúng đắn mà không được ủng hộ đều sẽ bị báo chí cay nghiệt chỉ trích là kém cỏi. Tên của Obama sẽ bị các trang báo réo gọi, các đối thủ chính trị nhăm nhe chờ thời cơ… Tất cả rắc rối ập đến như thác lũ luôn chờ chực kéo chân vị tổng thống xuống đáy vực. Rõ ràng, trách nhiệm càng cao thì áp lực càng đè nặng lên mình. Nhưng thay vì để những bài báo thất thiệt, những khủng hoảng truyền thông và những sự nổi loạn từ đối thủ, Obama vẫn thành thật nói rằng “Công việc, tôi rất yêu nó. Ngay cả khi nó không đáp lại tình yêu của tôi.”
“Bởi đâu chỉ có một cách duy nhất để làm người Da đen; do đó, chỉ cần cố gắng làm người tốt là đủ.”
Những năm tháng làm công tác tổ chức cộng đồng tại Chicago và giúp đỡ những lao động người da đen đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Obama. Ông cho rằng đóng góp của mình lên Chicago là rất nhỏ bé, nhưng thành phố này đã làm thay đổi cơ bản cuộc đời ông.
Mỗi câu chuyện về từng người lao động ở khu dân cư ấy đã làm ông suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề sắc tộc vốn đã canh cánh trong lòng. Thay vì lựa chọn ở lại và góp sức mọn của một cá nhân cho khu dân cư ấy, Barack Obama đã đến Trường Luật Havard - nơi giúp những câu chuyện về sắc tộc quánh đặc hơn trong đầu ông, và đồng thời khơi thêm những động lực mới.
Trở thành ứng cử viên của Đảng dân chủ cho vị trí tổng thống, Obama cho rằng khi ấy mình đã đòi hỏi những điều khó khăn đối với người dân Mỹ - đó là đặt niềm tin vào một tân binh trẻ tuổi và chưa hề qua thử thách; không chỉ là một người Da đen mà còn mang cái tên gợi ra một tiểu sử lạ lẫm. Thế nhưng bất chấp tất cả những điều đó, họ đã cho ông một cơ hội. Trong sự ồn ã và huyên náo của gánh xiếc chính trị, họ đã nghe lời kêu gọi của ông về một thứ gì đó khác biệt.
Ngay cả khi không phải lúc nào ông cũng thể hiện ra những điều tốt nhất, không phải lúc nào ông cũng tạo được tiếng vang như khi đọc bài diễn văn then chốt tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ, vì đôi lúc có những ông cũng màn trình diễn thất thường trong phần tranh luận, hay đôi khi là sự nói hớ vụng về… thế nhưng, bỏ qua tất cả những khiếm khuyết và những điều khác biệt, những người ủng hộ Obama tin rằng với thiện ý của mình chắc chắn ông sẽ tìm ra được con đường đi tới một tương lai tốt đẹp.
A Promised Land sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về bối cảnh trong chiến dịch tranh cử tổng thống khởi đầu từ năm 2007, đến năm 2008, khi Obama thắng sít sao Hillary Clinton để nhận sự đề cử của Đảng dân chủ. Cho đến câu chuyện khi ông đánh bại ứng cử viên Cộng hòa John McCain trong cuộc tổng tuyển cử, và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20 tháng 1 năm 2009…
Các vấn đề từ cuộc sống cá nhân như gia đình, bạn bè cho tới câu chuyện đằng sau dẫn đến các quyết định quan trọng về môi trường, kinh tế, chính trị, chiến tranh, khủng bố,... đều được đưa vào cuốn sách này. Thêm vào đó, mỗi trang đều chứa đựng những cái tên của những người mà Obama đã gặp hoặc làm việc cùng, từ những nhà chức trách nhỏ đến những chính trị gia tầm cỡ đều được nhắc đến!
Bản thân Obama cũng thừa nhận, nếu là những người viết chuyên nghiệp, có lẽ họ sẽ tóm gọn được cuốn hồi ký rất nhiều so với cuốn sách dày hơn 1000 trang này. Ông còn tự khiêm tốn cho rằng tài năng viết lách của mình còn chưa đủ.
Thế nhưng cuốn sách dày này lại chẳng dài chút nào, mỗi câu chuyện mà Obama viết lên, đều là những trăn trở, những vấn đề từ khi chưa đảm đương chức vị tổng thống cho tới khi điều hành cả nước Mỹ khổng lồ. A Promised Land giúp ta thêm hiểu rõ về ông dưới nhiều góc độ, không chỉ trên cương vị tổng thống. Không liệt kê những điều mình làm được như chiến tích, mà thay vào đó, ông nghiêm khắc nhìn nhận xem việc mình làm đã giúp gì được cho những người đã tin yêu và ủng hộ ông.
Giống như bản thân người đàn ông này, cuốn hồi ký của Obama mang nét thanh lịch, trung thực, và vô cùng hài hước. Tổng thống Obama với tư cách là một nhà văn đã thể hiện sự hào phóng trong việc chia sẻ những nghi ngờ và thất vọng cũng như những thành tích và niềm tin của ông, khiến cuốn hồi ký trở thành một cuốn sách phải đọc đối với tất cả những ai còn đang thắc mắc tại sao tính cách lại quan trọng và lòng yêu nước thực sự trông như thế nào.
Obama thực sự là một nhà văn có tài hùng biện và uyên bác, người có câu văn và vốn từ phong phú, ông đã truyền sức sống vào những câu chuyện tưởng chừng khô khan về chính trị và những phiên họp thượng viện khiến nó trở hào hứng và dễ tiếp cận với tất cả đối tượng độc giả.
A Promised Land chứa đựng cả những trăn trở của Obama khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, dưới một chính quyền luôn cố gắng khước từ mọi thứ mà Obama ủng hộ, ông bày tỏ sự không chắc chắn về tình trạng chính trị của nước Mỹ, và về việc liệu tất cả những công dân Mỹ có thể đến được miền đất hứa danh giá hay không…
Về câu trả lời cho câu hỏi trọng tâm ấy, Obama thành thật viết trong lời tựa rằng chính ông cũng không có câu trả lời. Và ông chọn cách tin vào đồng bào của mình, vào những thế hệ kế tiếp sẽ xây dựng nên một nước Mỹ tuyệt vời - một miền đất hứa thực sự…
Để làm được điều đó có lẽ sẽ có rất nhiều việc phải làm và cần thật nhiều sự nhiệt tình tham gia của người dân. Nhưng như thông điệp khi tuyên thệ nhậm chức, Obama tin tưởng và hy vọng vào một con đường tương lai mới của nước Mỹ và toàn thế giới.
Ôi, hãy bay lên và đừng bao giờ mệt mỏi
Hãy bay lên và đừng bao giờ mệt mỏi
Hãy bay lên và đừng bao giờ mệt mỏi
Có một cuộc họp mặt nơi Miền đất hứa.
Từ một bài ca tâm linh của người Mỹ gốc Phi