Me before you - Trước ngày em đến
Me before you - Trước ngày em đến
"Tôi kể anh nghe câu chuyện về hai người. Hai người mà đáng lẽ đã không gặp nhau, hai người không thích gì nhau khi họ mới gặp, nhưng rồi nhận ra rằng họ là hai người duy nhất trên thế giới này có thể thấu hiểu được nhau."

(Không có spoil đâu, bạn nào đi xem phim yên tâm mà đọc)


Đọc xong cuốn tiểu thuyết này tôi không muốn nhận xét nó – tôi muốn đọc lại nó. Điều này có vẻ nực cười, nhất là nếu bạn biết tôi đã bị xúc cảm đánh gục trong khoảng trăm trang cuối. Jojo Moyes, nhà văn và tác giả của cơn bão tình cảm này, biết rất rõ rằng “Me Before You” – tiểu thuyết đã trụ rất lâu trên danh sách best-seller UK – là một tiểu thuyết "lấy đi nước mắt chân thực” như các nhà phê bình đồng lòng nhận xét. Và cùng lúc đó, khác với những tiểu thuyết dùng cách tính toán đủ lượng sến súa để đạt sức mạnh làm ướt át tâm trạng người đọc, câu chuyện của Moyes làm độc giả dâng trào giọt lệ của sự cứu rỗi, hoàn toàn ngược lại với những giọt nước mắt vu vơ. Từ những tình cảnh trong truyện, Moyes buộc người đọc nhận ra những điều cảm động thực sự đáng để bạn khóc vì nó.

 

Tác giả "Me before you" - Jojo Moyes


“Me Before You” là một chuyện tình, một chuyện gia đình, nhưng trên hết là một câu chuyện về lòng can đảm và nỗ lực bền bỉ cần có để đưa cuộc sống về lại quỹ đạo một khi bị quăng ra khỏi vị trí cân bằng. Những tháng mùa xuân 2009, Louisa Clark, một cô gái 26 tuổi tầng lớp lao động trở thành “trợ lý chăm sóc” của anh chàng 35 tuổi thông minh, giàu có và rất hay cau có Will Traynor. Will đã bị liệt toàn thân từ cổ trở xuống từ cách đây hai năm sau một tai nạn. Mẹ của Will, bà Camilla (và Will có quan hệ không mấy ấm áp với mẹ mình) là người đã thuê Louisa trong tuyệt vọng. Bà biết con trai bà khổ sở - trước đó bà đã thuê một y tá chăm sóc thuốc thang, nhưng bà hy vọng bằng cách nào đó Louisa có thể làm tinh thần anh tươi sáng thêm một chút.

 

Khởi đầu của tiểu thuyết không hứa hẹn nhiều ngoài sự ảm đạm. Will khiếm nhã và hay nổi nóng gợi ta nhớ ngài Rochester của Charlotte Bronte, có khác là phiên bản này ngồi xe lăn. Nhưng Louisa Clark lại không phải Jane Eyre, dù giống như nữ anh hùng của Bronte, cô cũng nhỏ bé, tóc tối màu và không quá dễ thương –“một trong những kẻ vô hình” như cô tự nói như vậy.


Không mấy nội tâm, càng không thuộc kiểu người trí thức, Lou sống tại một thị trấn đơn sơ nơi mà chỗ làm việc lớn nhất là lâu đài của Tổ chức bảo tồn di sản và thiên nhiên quốc gia (National Trust) cùng một mê cung những bụi cây. Ở nơi này, tuổi 20 của cô bị ám ảnh bởi một lần va chạm với tụi con trai và bia, một lần nhớ đời khiến cô mất mọi tự tin đi khám phá thế giới bên ngoài. Giờ đây, sau đó gần bảy năm, cô vẫn tiếp tục sống với cha mẹ, ngủ trong một cái phòng kín mít không có cửa sổ để Katrina, em gái thất nghiệp của cô có thể lấy cái phòng ngủ lớn hơn. Louisa làm bồi bàn trong tiệm cà phê, một công việc giúp cô tồn tại chật vật nhưng ấm cúng, và trên hết là giúp được gia đình. Dù cô có một mối quan hệ vững bền – một huấn luyện viên thể hình cá nhân có tên Patrick với “gương mặt ngay lập tức hòa lẫn trong đám đông” (giống như cô vậy), chẳng ai cảm thấy cần thiết phải làm đám cưới.

 

Nhân vật Lou, do diễn viên Emilia Clarke thủ vai trong bộ phim chuyển thể cùng tên, Me Before You


Khi tiệm cà phê đóng cửa, Louisa cần phải tìm một công việc mới. Thiếu chuyên nghiệp như cô có thể làm được gì đây? Cô có một cơ thể hoạt động bình thường nhưng cảm xúc thì tê liệt – việc chăm sóc Will thật đáng sợ, nhưng những khó khăn của gia đình khiến cô không còn lựa chọn nào. Càng biết về bệnh nhân thích gây gổ của mình, Louisa càng tự vật lộn với tính thụ động của cô – dù đã muộn. “Bị ném thật mạnh vào cuộc đời của người khác”, cô nhớ lại, “buộc bạn suy nghĩ lại về việc bạn là ai.”


Louisa chưa bao giờ thực sự sống. Will đã từng, nhưng không thể nữa. Sức khỏe của anh từng khiến anh có niềm vui “đè bẹp người khác trong kinh doanh”. Anh đã chinh phục tường đá ở Yosemite, bơi trong suối nước nóng của núi lửa tại Iceland, ăn thử bánh sừng bò mới ra lò ở Marais và đã từng có quyền lựa chọn những cô bạn gái chân dài bốc lửa. Sau tai nạn, anh không thể đi, không thể tự ăn uống, không thể ân ái. Việc duy nhất anh tin mình còn có thể làm là tự kết liễu đời mình – và là một con người của hành động, anh muốn được làm việc đó. Nhưng với Louisa , anh khám phá một lối ra khó ngờ cho năng lượng bị bịt kín của mình: dạy cô tự chủ.


“Cô tự loại mình ra khỏi mọi loại trải nghiệm vì cô tự bảo “mình không phải loại người đó”, anh mắng cô. “Cô đã chẳng làm gì cả, chẳng đi đâu cả. Cô có một tí ý niệm gì về chính mình không thế?” Bực mình bởi sự chây ì của cô, anh sỉ vả, “Hứa với tôi, cô sẽ không dành phần đời còn lại dính lấy cái thảm khỉ gió này”. “Vậy chỉ tôi nên đi đâu”, Louisa yêu cầu. Quyết định rằng cơ hội duy nhất khiến Will còn hứng thú với tương lai của anh là phải khiến anh hứng thú với tương lai của cô, cô tạo ra những cuộc phiêu lưu họ có thể đi cùng nhau – để tạo tính cách cho cô, và cho lợi ích của cô nữa. Liệu việc này có kết quả chứ?


Moyes tước đoạt sự soi xét của độc giả với một giọng văn đời thường. Ngôn ngữ của bà không bao giờ kiểu cách, bà bóc hết những mặt tối của nhân vật bằng thứ văn chương giống ánh sáng trần trụi của một ngọn đèn huỳnh quang. Thứ ngôn ngữ thực tế tới mức tầm thường của Louisa và Will khi nói chuyện, khi suy nghĩ, và sự trần trụi của những thứ xung quanh họ - ngôi nhà chen chúc khiêm tốn của gia đình Louisa, trang bị hỗ trợ sự tàn tật của Will – phóng to nỗi thương tâm trong tình bạn của họ. Tiết tấu của tác phẩm rất khéo léo – bạn không để ý mấy khi xe lăn lăn về phía trước và nó vẫn lăn – bất chấp người đàn ông cứng đầu ngồi trong nó và người phụ nữ đứng phía sau.

Louisa có vẻ đã làm Will ít nhất là đến được lưng chừng hạnh phúc, và quyết tâm gây ấn tượng của cô dẫn cô tới việc đọc văn học, xem các bộ phim nước ngoài, và cả vào thư viện một thời cô khiếp đảm, nơi cô dùng máy tính để kết nối với các điều dưỡng viên và người tàn tật khác. Đọc những trao đổi trên email ở đây nhắc độc giả rằng, gánh nặng của Will Traynor trong sách là gánh nặng của hàng ngàn người có thật, và thậm chí còn có nhiều người hơn hàng ngày đang chia sẻ những bất an của Louisa. Đây là một chuyện tình đầy thuyết phục, không hẳn trong cách truyền tải mà là trong tính nhân văn của nó.

 

Will and Lou trong bộ phim chuyển thể cùng tên, Me before you, được công chiếu ngày 03/06/2016


Có một điều khá gây tò mò là, trong thời đại điện tử này – trong đó những suy tưởng đã từng xuất hiện êm ả và chậm rãi trên giấy bị thế chỗ bởi nghe nhìn tức thời và ấn tượng, được hấp thụ không cần thẩm thấu – người đọc đa cảm đôi lúc cần được kìm xuống, chậm lại và bắt nhìn thật sâu. Trong “Me Before You” có những hoàn cảnh khiến người ít suy tư phải suy tư. Khi Louisa, nhiều tháng sau khi nhận việc điều dưỡng, ngồi trong một phòng bệnh viện trong một cơn bệnh của Will, cô cầm “tay người đàn ông tốt – quyến rũ và bằng phẳng, với những ngón tay vuông”, và cảm thấy “yên tâm đến kì lạ, cái cảm giác anh trong tay tôi”. Cô ngắm “những vết chai kể chuyện một đời không hoàn toàn sống sau một cái bàn, những móng tay hồng vỏ sò luôn luôn cần được cắt bởi một ai đó khác”. Nữ anh hùng của Moyes – nếu Lou có thể phong cách đến vậy – có thể không anh hùng cho lắm, vai nam bên cạnh cô ấy có thể không phải mẫu nam lý tưởng của bất cứ ai – thế nhưng, với Lou và Will, Moyes đã tạo ra một chuyện tình để độc giả không thể nào quên được.

 

Ngân Anh - Trạm Đọc (Read Station) dịch

Theo New York Times

Tags: