Martin Eden – Câu hỏi phản đề về sách
Martin Eden – Câu hỏi phản đề về sách
Trong những ngày này đã có rất nhiều bài viết nói về tình yêu với văn chương sách vở giúp khơi gợi lòng trắc ẩn trong mỗi cá nhân, đưa con người tới danh vọng và thành công... Nhưng hãy quay lại một chút với câu hỏi phản đề mà Jack London đã đặt ra hơn 100 năm trước trong tác phẩm Martin Eden, rằng tại sao chúng ta vẫn có thể yếu đuối và thất bại dù đặt trọn niềm tin vào sách vở thông qua hai nhân vật chính.

Ruth Morse – Khi đọc sách và giáo dục chỉ được coi là trang sức

Ở nữa đầu cuốn sách, có lẽ độc giả cũng yêu mến Ruth Morse như chính tình cảm Martin Eden dành cho nàng vậy, nàng là hiện thân của học thức, sự cao sang và cả những hành động tốt đẹp nàng dành cho Martin Eden. Ruth Morse là một cử nhân văn chương, vậy nên nàng hấp thu tất cả những gì tinh tuý từ các tác phẩm kinh điển. Nàng mong muốn gọt đẽo một cục đất sét thô là Martin Eden thông qua những buổi trò chuyện về ý nghĩa của sách vở, văn học, dạy Martin Eden trong cả việc học ngữ pháp, căn chỉnh từng câu nói giúp anh.

Bù lại Martin Eden khơi gợi trong Ruth Morse những xúc cảm chưa từng có, khơi gợi trong nàng những bản năng của một người đàn bà. Ruth Morse say đắm chất phong trần, thô ráp và chân thành của Martin mà nàng không thấy được ở những người cùng tầng lớp với mình. Nhưng cuộc sống nhung lụa giàu sang, chưa từng biết cảm thông đã ngăn cản nàng thấu hiểu Martin Eden.

Ruth Morse có lẽ đã đọc rất nhiều sách trong đó có những tác phẩm kinh điển. Những tác phẩm ấy bên cạnh những giá trị khác, thì giá trị không thể không nhắc đến của nó là khơi dậy lòng trắc ẩn trong con người. Ruth coi sự nghèo đói chỉ là một hoàn cảnh sống không được tốt và là cái cớ để những người đàn ông vượt qua và trở nên thành đạt. Từ một người đem lại cảm hứng cho Martin Eden đến với thế giới của sách, khơi gợi trong anh tìm thành công qua con đường trở thành nhà văn, Ruth Morse lại chỉ muốn Martin tìm được một công việc văn phòng ổn định để có điều kiện cưới nàng.

Martin Eden bản dịch mới của Hàn Băng Vũ

Ruth cũng không thấy phiền hà với những đói khổ Martin phải trải qua, nàng hờn dỗi người mình yêu vì không có áo mặc phù hợp khi dự lễ Phục Sinh tại nhà nàng, trong khi Ruth có khả năng mua hàng trăm chiếc áo cho Martin. Ruth không thể thấu hiểu được bất cứ khó khăn nào Martin Eden trải qua dù nhân danh tình yêu nàng dành cho Martin.

Và tới một ngày Ruth cũng quay lưng lại với Martin Eden khi chứng kiến anh hết lần này tới lần khác thất bại, và đỉnh điểm là bị bôi nhọ trên một tờ báo bởi một cây bút bất lương mới vào nghề. Dẫu ban đầu đã từng lý tưởng hoá tình yêu đến vậy nhưng Ruth Morse đã lạnh lùng không cho người mình yêu bất cứ cơ hội nào để quay lại hay giải thích, người đọc cũng ngỡ ngàng trước cách ứng xử của một tiểu thư có học thức như nàng. Dường như tất cả những tinh tế, vẻ đẹp học thức ban đầu của Ruth Morse hoàn toàn nằm trong sách vở nàng được học, mà chưa chuyển hoá được thành những đức tính nhân văn.

Nàng chính là sản phẩm không thể khác được khi được nuôi dưỡng trong giai tầng xã hội quá chú trọng vật chất, học thức chỉ là thứ trang sức giả tạo bên ngoài, sách vở văn chương chẳng qua cũng chỉ là thứ để làm sang trọng hơn cuộc sống của họ.

Martin Eden – Đám đông đưa được anh lên mây thì cũng có thể hạ anh xuống

Martin Eden là chàng thủy thủ trẻ tuổi mới đôi mươi. Trong một lần tình cờ cứu giúp người con trai một gia đình tư sản thượng lưu, anh mới biết đến tầng lớp danh giá có tài sản, có tri thức học vị cao này trong xã gội, và đặc biệt anh phải lòng và yêu Ruth Morse, cô con gái của gia đình tư sản này. Tình yêu với Ruth, sự ngưỡng mộ với giới tư sản lần đầu biết tới đã thôi thúc chàng thủy thủ muốn tìm kiếm con đường tự học thông qua sách vở, để trở thành một nhà văn. Anh đọc tất cả những gì anh có thể tìm thấy trong thư viện, anh tìm tới văn học, kịch nghệ, khoa học, triết học… tất cả những gì anh tìm được như một ánh soi đường để anh có thể trở thành một con người có tri thức xứng đáng với người mình yêu.

Từ chỗ tìm đến sách để xứng đáng với người mình yêu, anh trở nên yêu thích sách một cách thực sự và coi đây là cách duy nhất để giải phóng mình. Martin đã cho rằng chỉ có tình yêu, nghệ thuật và sách vở mới là những cứu cánh nâng đỡ một con người.

Martin Eden đã tìm thấy những chân lý soi đường cho mình qua hai nhà triết học là Herber Spencer và Friedrich Wilhelm Nietzsche. Trong căn phòng tù túng chật hẹp của anh chất đầy sách khiến cho việc đi lại cũng gặp khó khăn, nhưng trong không gian đó Martin đã hình thành thói quen vừa đọc sách vừa ghi chép, anh ghi chép nhiều đến nỗi phải móc hết những tờ ghi chú vào dây phơi quần áo.

Nhưng dẫu nỗ lực không biết mệt mỏi, sức viết dồi dào, thì anh vẫn cứ thất bại hết lần này đến lần khác, tất cả các tòa soạn báo, các nhà xuất bản đều lạnh lùng từ chối bản thảo của anh. Tình yêu của Ruth dành cho anh cũng trôi theo những thất bại và có lẽ anh sẽ phải quay lại cuộc đời thủy thủ gắn bó với biển khơi.

 

Martin Eden được NXB Văn học xuất bản năm 1987 với ghi chú 31.000 bản in

 

Nhưng cuối cùng chính “đám đông” xưa kia coi thường và thẳng thừng từ chối anh bỗng một ngày lại nhận ra tài năng của Martin. Khi xưa đám đông ấy đạp đổ mọi hi vọng của anh thì nay “đám đông điên loạn”1 lại đưa anh lên tận mây xanh trong cả tiền tài và danh vọng. Martin Eden bối rối, rồi nghi ngờ chính sự thành công của mình, bởi đám đông kia cho anh lên mây xanh thì cũng có thể kéo anh ngay xuống bùn đen.

Martin trở nên căm ghét đám người giờ đây tung hô anh, chế nhạo giai cấp tư sản đã ruồng rẫy anh, và cú hích khiến anh đau đớn nhất lại chính là Ruth. Nếu nàng vẫn kiêu kì như xưa có lẽ nàng sẽ giữ được chút phẩm hạnh còn lại của mình; nhưng khi Martin có danh vọng, Ruth đã quay trở lại xin lỗi và van lơn tình yêu của Martin, điều này khiến cho hình tượng vị thánh nữ trong lòng anh đã sụp đổ hoàn toàn.

Lúc này, Martin không quay trở lại được với giới cần lao đã sinh ra và nuôi dưỡng anh; nhưng anh cũng không thể hòa nhập được với xã hội thượng lưu nhưng giả tạo. Anh bị mặc kẹt ở giữa, căng thẳng tột độ.

Hai hình tượng mà Jack London tạo nên trong thiên truyện Martin Eden đều mang khuynh hướng thất bại. Sau tất cả những đắm say của tình yêu, của tình cảm dành cho sách vở, những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thì những nhân vật của Jack London vẫn không tìm ra được lối thoát cho mình. Có lẽ cả Martin Eden và Ruth Morse đã thất bại khi lựa chọn sai mục đích ở sách vở, Martin Eden thì đã chọn sách vở là cơ hội đổi đời duy nhất và để giữ tình yêu, còn Ruth Morse giống như nhiều người trong tầng lớp của nàng khi đó chỉ đến với sách vở vì coi đó là thứ trang sức thời thượng cho bản thân mình.

Martin Eden không phải là một tiểu thuyết hư cấu, bởi nó là sự tiên đoán của chính số phận Jack London. Vào tám năm sau, trên đỉnh cao danh vọng của sự nghiệp văn chương, Jack London đã tìm đến cái chết để giải thoát cho mình như Martin Eden.

Chú thích 1:  “đám đông điên loạn” từ này được lấy cảm hứng từ tiêu đề cuốn tiểu thuyết Far From the Madding Crowd của Thomas Hardy.

- Nguyễn Thu Trang

Tags: