Luyện tập 10,000 giờ chưa chắc đã biến bạn thành thiên tài: Hãy tìm ra cấu trúc tăng trưởng của bạn
Luyện tập 10,000 giờ chưa chắc đã biến bạn thành thiên tài: Hãy tìm ra cấu trúc tăng trưởng của bạn
Hầu hết chúng ta đều muốn giỏi hơn ở một lĩnh vực nào đấy. Và ta ảo tưởng rằng quá trình cải thiện bản thân sẽ tăng trưởng đều như một đường thẳng. Cứ làm việc cật lực đi, rồi thì ai cũng sẽ thành một thiên tài.

Tuy nhiên, như cây bút Canada Scott H. Young đã chỉ ra rằng trong bài viết gần đây của anh, quá trình tăng trưởng không “nuột” như một đường thẳng. Nó không hề thẳng tuột như khi bạn đi cáp treo. Trong một số lĩnh vực như học ngoại ngữ hay chơi thể thao, quá trình tiến bộ giống một đường cong Logarit hơn. Bạn tiến bộ rất nhanh khi mới bắt đầu học, nhưng càng học thì càng cảm thấy khó hơn và tiếp thu chậm hơn.

Các hoạt động kiểu này đòi hỏi một kiểu tư duy khác, Young viết. Trong giai đoạn phóng nhanh ban đầu, khi mọi thứ trông có vẻ đơn giản, bạn cần duy trì sự kỷ luật trong thói quen của mình nếu không sẽ bị tụt lại. Sau đó, trong giai đoạn tăng trưởng chậm, bạn lại phải phá bỏ một số thói quen đang kìm hãm sự phát triển của mình để đạt tới đỉnh cao nhất.

Chẳng hạn, khi Tiger Woods lần đầu tiên thi đấu golf, anh vẫn phải giữ thói quen luyện tập khắc nghiệt của mình cho dù thành công đến với anh cực kì dễ dàng. Nhưng đến một thời điểm Tiger Wood bị chững lại, anh phải thay đổi cách xoay người đánh bóng của mình để đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp.

Trong một số lĩnh vực khác, tăng trưởng lại tuân theo hàm số mũ. Bạn làm việc hàng tuần hoặc thậm chí nhiều năm để nắm vững các nguyên tắc cơ bản và hầu như không có kết quả gì. Nhưng sau khi đã nỗ lực hết 10.000 giờ, đột nhiên bạn tiến bộ một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Học đại học chính là ví dụ điển hình cho cấu trúc tăng trưởng theo số mũ. Bạn phải học lý thuyết trong nhiều năm khi còn ngồi trên ghế nhà trường trước khi có thể áp dụng nó vào thực tế. Cũng giống như việc cầu thủ khúc côn cầu mất vài năm để học trượt băng thành thạo trước khi có thể chơi khúc côn cầu trên băng.

Người ta nói rằng “Vạn sự khởi đầu nan”, bạn phải lao đầu vào để làm việc cật lực và chẳng nhận lại gì. Nhưng một khi mọi thứ vào guồng, bạn bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn và có thể sử dụng các kỹ năng khó nhằn mà mình đã học một cách dễ dàng. Vincent van Gogh đã bỏ ra rất nhiều năm để học mỹ thuật căn bản. Nhưng một khi thành thạo với những nét cọ, ông ấy có thể tự do thả mình và sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để đời.

Tôi có nghĩ đến một số cấu trúc tăng trưởng khác. Ví dụ như tăng trưởng bậc thang hay tăng trưởng theo hình sóng. Nếu tăng trưởng bậc thang miêu tả sự “tiến lên” rồi “chững lại” nối tiếp nhau thì tăng trưởng theo hình sóng được miêu tả như khi bạn đọc sách nhiều lần: đọc lần một bạn sẽ tiếp thu cơ bản, đọc lần hai, lần ba bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn nữa.

Tiếp theo là kiểu tăng trưởng hình chữ U, bạn phải đi xuống trước khi có thể đi lên. Giống như khi di cư, bạn phải từ bỏ tất cả ở quê hương để bắt đầu từ con số 0, học để thích nghi với xã hội mới trước khi muốn thể hiện theo cách của riêng bạn. Điều đó cũng giống như bạn phải cảm nhận thất bại trước khi thành công hay chịu đựng sự xấu hổ trước khi bạn có thể trở nên xuất sắc.

Suy nghĩ về cấu trúc tăng trưởng nhắc nhở bạn rằng những người thực sự thành công có khả năng thay đổi hoàn toàn thói quen tư duy của mình. Trong nhiều lĩnh vực, bạn phải tự nghiêm khắc và kỷ luật với bản thân ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó có thể thoải mái và linh hoạt hơn khi mọi thứ đã đi vào hoạt động. Nếu bạn tham gia chính trị, bạn phải chạy chiến dịch tranh cử trước, hoạt động này có thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên, lên nắm quyền lại là hoạt động tuân theo cấu trúc tăng trưởng số mũ, đòi hỏi kinh nghiệm, kiên nhẫn và học hỏi từ thất bại

Nếu nhìn theo góc độ này thì phát triển kĩ năng là một hoạt động rèn luyện nhân cách cực kì cao. Bạn không chỉ cần biết về việc mình phải làm gì mà bạn còn phải tự huấn luyện mình để đánh bại những ham muốn bản năng. Trong giai đoạn đầu của cấu trúc tăng trưởng lo ga rít, bạn cần đấu tranh với bản thân để không xả hơi và tự phụ quá sớm. Trong giai đoạn sau, đến khi mọi người ca ngợi bạn, bạn lại phải chống lại sự tự mãn của mình.

Có vẻ như xã hội hiện nay đang đề cao các hoạt động “một phát ăn ngay” như trong thể thao và ca nhạc, trong khi đánh giá thấp các hoạt động tăng trưởng theo số mũ, như một chính khách hay thợ thủ công. Trẻ em ngày càng ham mê các môn thể thao nhìn thấy thành quả nhanh như bóng đá, hơn là bóng chày, một môn đòi hỏi sự tích tụ kinh nghiệm trong một thời gian dài.

Cuối cùng, việc tập trung vào các cấu trúc tăng trưởng này giúp bạn nhìn vấn đề một cách bao quát hơn. Có thể bí quyết để trở thành một kẻ xuất chúng không nằm ở việc đặt câu hỏi mình thực sự tài năng ở điểm gì, mà cần hỏi: Cấu trúc tăng trưởng trong lĩnh vực của bạn là gì? Bạn đang ở đâu trên đồ thị tiến bộ đó? Và làm sao để vươn lên đỉnh cao hơn?

Những câu trả lời quan trọng cho các câu hỏi này không thể tìm thấy trong gương. Chúng được tìm thấy bằng cách “thoát xác” để có một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực mà mình đang phấn đấu tiến bộ. Và đây cũng là một phương pháp tư duy hữu ích và hiệu quả hơn nhiều lối suy nghĩ  cứ“có công mài sắt, có ngày nên kim.”

Hoàng Anh – Trạm Đọc

Theo NYTimes

Tags: