Lục lại lịch sử: Vì sao Hồ Con Rùa nhưng không có... rùa?
Lục lại lịch sử: Vì sao Hồ Con Rùa nhưng không có... rùa?
Trên con đường Duy Tân “cây dài bóng mát” nổi tiếng trong thi ca miền Nam trước 1975, có một cảnh quan mà nếu thiếu vắng nó, có lẽ khung trời đại học này sẽ bớt đi vẻ lãng mạn nhiều lắm, đó là bùng binh hồ Con Rùa.
Gia Định Là Nhớ Sài Gòn Là Thương
(2 lượt)

 

Từ tháp nước tuyệt đẹp bị phá bỏ đến tượng Ba Hình

 

“Trước 1956, cái hồ này nhỏ xíu; giữa có tượng ba lính Pháp bằng đồng, dân Sài Gòn xưa gọi là tượng Ba Hình. Cái bùng binh (round point) xung quanh hồ xưa gọi là công trường Maréchal Joffre” - ông cụ Trần Văn D., người sống từ năm 1945 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần khu vực hồ Con Rùa hiện nay, chia sẻ với chúng tôi những hồi ức xưa, trong lúc hàng trăm bạn trẻ đang tìm đến đây trong một buổi sáng cuối tuần.

Trí nhớ của cụ không sai. Công trường Maréchal Joffre nằm giữa giao lộ, đúng hơn là một ngã tư của ba con đường nay là Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Tần - Trần Cao Vân và là vòng xoay đầu tiên của thành phố Sài Gòn sau khi người Pháp vào. Trước khi có công trường nơi đây từng là một tháp nước (chateau d'Eau) được xây dựng từ năm 1878 để cung cấp nước cho thành phố Sài Gòn. Những chiếc nắp gang đậy cống thoát nước trên vỉa hè quanh nhà thờ Đức Bà hiện nay vẫn còn thấy rõ năm đúc là 1878, tức cùng thời điểm xây dựng tháp nước.

 

Tư liệu về hồ con rùa trước năm 1975

 

Tháp được cấp nước từ 10 giếng sau tăng lên 20 giếng nằm xung quanh tháp nước trung tâm. Cuối năm 1956, thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm, tài liệu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn ghi nhận xung quanh tháp nước trung tâm có 71 giếng khoan, nhưng thực tế, cũng theo tài liệu này chỉ 36 giếng còn dùng được.

Tôi tập và dạy võ Karaté ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM từ năm 1979. Sàn võ của chúng tôi tập nằm bên cạnh một trong những giếng nước này. Nếu đi từ phía cổng phụ mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện hội trường A của Nhà Văn hóa, ta sẽ thấy hiện nay vẫn còn một nắp đậy giếng. Nắp này bằng gang hay thép gì đó bên trên, dày đến bốn phân (cm), đường kính khoảng trên dưới hai mét rưỡi, nặng có lẽ đến vài trăm ký. Hồi năm 2017-2018, tôi vẫn còn thấy chiếc nắp giếng này nằm lộ thiên. Hiện nay, nó bị phủ lấp lên trên bằng xi măng. Thỉnh thoảng anh em bảo vệ mở nắp kiểm tra, tôi nhìn xuống thấy sâu lắm, khoảng gần 20 mét. Thành giếng có đoạn xây gạch, có đoạn ống bê tông cốt thép. Cũng theo tài liệu của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, gần đáy giếng có trụ lọc bằng cát - sỏi, nước qua trụ lọc chạy vào các ông ngang về giếng chính, khử trùng sơ bộ rồi bơm vào các hồ chứa, sau đó bơm lên tháp nước để đến từng nhà dân.

Một hồ chứa cách giếng nước này khoảng vài chục mét, cũng trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM, nơi xưa là Trường thi Gia Định. Trường thi xưa vốn có ao hồ cho thí sinh sử dụng khi dựng lều thi. Không rõ hồ chứa này có trùng với ao hồ của Trường thi hay không chưa nghe qua tài liệu nào ghi nhận.

Năm 1983, sân võ tôi có tham gia biểu diễn trong Festival Việt - Xô. Trong dịp này, hồ nước được phủ lên bằng những thanh gỗ lớn, dầy đến năm phân để đi cầu. Có lúc sân võ của tôi tập ở khu vực sân tennis, nghe anh em bảo vệ lúc đó nói chỗ này khi xưa cũng là một hồ nước. Tài liệu lưu trữ của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết sức chứa ban đầu mỗi hồ này 4.000m3. Anh em bảo vệ ở đây lúc trước thỉnh thoảng leo xuống bắt được cá trê khủng lên khoe với chúng tôi. 

Hồi thập niên 1980, một cầu thang sắt trong hồ nước này được đưa lên làm cầu thang phụ bên hông lên tầng một của Nhà Văn hóa Thanh niên. Hơn trăm năm chìm trong nước, cầu thang sắt đặc này vẫn chắc chắn như mới làm. Cầu thang thời đó hình như không hàn (tôi không thấy vết hàn mà nung nóng tán rivet. Những con ốc tán gắn kết các chi tiết cầu thang trải qua thời gian như tiệp một khối với câu thang. Chúng tôi lên xuống thường xuyên, không hề rung lắc.

Trở lại tháp nước, đây là một ngôi tháp xuất hiện trong bưu thiếp khá nhiều và được người Pháp ca ngợi là “Một tên phẩm tuyệt đẹp trên một nền móng rất cao và vững chãi với một cầu thang xoắn ốc gắn vô một cái lồng” (Louise Bourbonnaud -Les Indes et l'Extreme Orient, 1892).

Tuy nhiên, “tác phẩm tuyệt đẹp” này bị chính người Pháp phá bỏ năm 1921 vì không còn đủ sức đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đang tăng mạnh của thành phố. Sau đó, tượng Ba Hình (biểu tượng cho cuộc xâm chiếm của người Pháp) được dựng lên thay thế tháp nước cũ. Đến năm 1956, nhóm tượng này cũng bị chính quyền Sài Gòn phá bỏ mà không ai luyến tiếc. Dù tượng không còn, khu vực này vẫn được gọi là Công trường Chiến sĩ với cái hồ nhỏ ở giữa.

 

Thiết kế táo bạo và lãng mạn giữa Sài Gòn

 

Cụ D. hồi tưởng: “Trước 1972, khu vực hồ Con Rùa ít ai ghé chơi cả buổi như bây giờ lắm, có một cái hồ nước trơ trọi thì có gì mà chơi. Chủ yếu để dân chúng đi qua nghỉ chân chứ ít ai ghé vô”.

Cái hồ nhỏ ấy nằm có phần đìu hiu dù giữa một khung trời đại học lãng mạn bao quanh bởi các trường đại học Luật khoa, Y khoa, Kiến trúc và “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.  Cho đến giữa thập niên 1960, khu vực này mới có sức sống hơn với thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Thiết kế này được chọn trong cuộc thi quy hoạch mới cho một công trường tuy rộng lớn nhưng nằm vắng vẻ giữa một Sài Gòn luôn nhộn nhịp này.

Nhưng mãi cho đến cuộc trùng tu, tôn tạo từ năm 1972, khu công trường này mới thật sự trở nên sống động và trở thành hình ảnh kỷ niệm khó quên của bao thế hệ người trẻ Sài Gòn khi xa thành phố. Đó là các cột bê tông cao vút được dựng thêm ở chính giữa hồ. Trên mỗi cột là năm ngón tay xòe ra đón đỡ một nhụy hoa (bê tông) nhỏ, thanh mảnh bên trong. Bên ngoài là vòng xoay giao thông, bên trong hồ cũng là một hệ thống lối đi xoắn ốc theo vòng xoay, hướng tới các cột trụ và một tấm bia ghi tên những nước công nhận Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy. Bia ghi tên được thiết kế đặt trên một con rùa lớn bằng hợp kim đồng mà đám học trò chúng tôi khi đến đây đều leo lên cỡi và nghịch phả. Hầu như người nào khi

đến đây chơi cũng phải tranh thủ chụp hình với con rùa này. Thế là cái tên “hồ Con Rùa” ra đời, dù tên gọi chính thức của nó cho đến nay vẫn là Công trường Quốc tế. Thậm chí, dù con rùa đồng đã không còn sau một vụ phá hoại sau năm 1975 nhưng người ta vẫn gọi đó là “hồ Con Rùa”.

Thỉnh thoảng cũng có bạn trẻ tinh nghịch thả rùa phóng sinh vô đó nhưng làm sao những chú rùa tội nghiệp này có thể sống trong một cái hồ toàn bê tông và thường xuyên không được làm vệ sinh.

Bỏ qua những huyền thoại hư hư thực thực về long mạch, về chuyện trấn yểm của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ, có thể nói hồ Con Rùa mà những bạn trẻ tìm đến hiện nay có một thiết kế rất táo bạo. Thiết kế táo bạo rõ nhất mà xưa giờ ai đi qua cũng có thể thấy ngay, đó là một khu vui chơi, thư giãn cho người dân lại được dựng ngay ở một bùng binh, giao lộ có xe cộ qua lại tấp nập thường xuyên. Mọi nơi của thành phố này, cứ nơi nào có người, nhất là có nam thanh nữ tú tập trung, dập dìu là có hàng rong. Cứ tầm chiều tối, cặp sát xung quanh hồ, lúc nào cũng có hàng chục xe hàng rong bán từ cá viên chiên, kem... đến bò bía.

Cảnh sát trật tự, Công an phường đuổi hoài, dẹp hoài mà đâu vẫn cứ vào đấy. Thiết kế táo bạo như vậy với một bùng binh tới giờ coi bộ cũng hiếm, nếu không muốn nói là hầu như chưa thấy. Ngay từ khi ra đời vào năm 1972, công trình này từng bị la hoảng khi những lối đi trên hồ uốn lượn mà không hề có lan can phòng chống... té hồ. Thế nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay, chuyện té hồ hình như chưa bao giờ là vấn nạn cần phải xem xét, dù có thể thỉnh thoảng cũng có ai đi hụt chân té xuống cái hồ... “cạn sợt" này.

Cùng chúng tôi đi trên các lối đi lát đá rửa, chàng kiến trúc sư trẻ Đậu Việt Đức (nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch nhận định: “Vị kiến trúc sư thiết kế nơi đây đã khéo léo dẫn dắt tầm nhìn của người đi trên các con đường xoắn ốc trên hồ đến khu trung tâm (các cột bê tông và bia rùa) nên đã ít nhiều hạn chế tai nạn té hồ”. Anh nói thêm: “Đây là thiết kế đơn giản nhưng lãng mạn một cách rất táo bạo - giữa một Sài Gòn ít nhiều chú trọng công năng, hình khối lúc ấy; nhất là thực hiện ở một khu vực dành cho bao người qua lại hằng ngày”.

Và nét lãng mạn ấy đã vượt qua thử thách của thời gian, không chỉ vững chắc sau hơn nửa thế kỷ trên mặt hồ đội mưa nắng mà còn gây dấu ấn đối với bao thế hệ bạn trẻ, học trò, người dân Sài Gòn tìm đến và nhớ về, như một trong những địa điểm đáng yêu nhất Sài Gòn.

Khi còn làm việc ở báo Khăn Quàng Đỏ - Mực Tím sát bên hồ cho đến tận hôm nay, lúc nào tôi cũng thấy hàng trăm bạn trẻ tập trung sinh hoạt quanh bờ hồ. Có những đôi bạn ngồi chuyện trò trên cả những lối đi vào bên trong, chân buông xuống mặt hồ in bóng mây trời và hàng cây xanh mát trên đầu, không khỏi gợi nhớ đến hình ảnh quen thuộc của những tà áo dài nữ sinh ngồi thả bóng xuống hồ trước 1975.

Phía cầu thang lên đài cao có khi là một đôi trai gái với ánh mắt ngời hạnh phúc đang chụp hình cưới trong lúc một gia đình trẻ cùng hai con nhỏ đang tung tăng chân sáo vừa bước vào từ bên kia đường. Bản thân tôi nhiều lần cũng được bạn đọc tuổi mới lớn của báo Mực Tím kéo ra hồ chụp hình. Dù trải qua bao đổi thay, hồ Con Rùa vẫn nằm im đó như chứng kiến thời thanh xuân của bao thế hệ học trò, lắng nghe những lời hẹn ước, cả niềm hạnh phúc lẫn tan vỡ của những đôi tình nhân, và cũng là nơi tìm về của sự đoàn viên gia đình. Hồ Con Rùa, cái tên tưởng bình dị thân quen bỗng trở thành ký ức khó quên của những người con Sài Gòn xa xứ.

Bài viết được trích lược từ cuốn Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương của tác giả Cù Mai Công do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc tại đây
Tags: