Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa - Khi sự thao túng bọc dưới lớp vỏ tình mẹ thương con
Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa - Khi sự thao túng bọc dưới lớp vỏ tình mẹ thương con
“Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” là cuốn hồi kí đặc biệt kể lại hành trình của cô từ khi còn là một diễn viên nhí cho đến khi tuyên bố từ bỏ nghiệp diễn vào năm 2017. Đan xen trong đó là những tiết lộ về mối quan hệ độc hại giữa cô và người mẹ ái kỷ cũng như hành trình tự chữa lành và tìm lại bản thân sau khi mẹ qua đời.
Lòng Tôi Nhẹ Khi Mẹ Rời Xa
(0 lượt)
Hầu hết chúng ta đều mang trong mình một nỗi đau nào đó – một cái “dằm trong tim” để mỗi khi trái gió trở trời thấy buốt lạnh và tê tái. Những nỗi đau hiển hiện với nhiều hình hài khác nhau, đến với ta vào những thời điểm không thể báo trước. Tuy nhiên, những tổn thương từ thời thơ ấu được coi là có ảnh hưởng mang tính bước ngoặt đến sự định hình nhân cách và hình thành nhân sinh quan của mỗi người. Có người bỏ lơ mà sống tiếp, cũng có người cuộn tròn ôm ấp những tổn thương như cây xương rồng mặc gai đâm cho rỉ máu. “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” của Jennette McCurdy là câu chuyện cảm động về sự phức tạp của các mối quan hệ gia đình, sự tự hiện thực hóa và cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ cho cuộc đời mình, bên cạnh đó là hành trình chữa lành những tổn thương để một lần nữa sống đúng nghĩa.

Jennette McCurdy là diễn viên trong nhiều bộ phim ăn khách. Năm 2017, cô từ bỏ diễn xuất và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp biên kịch kiêm đạo diễn, trở thành người chủ trì của Empty Inside, chương trình podcast từng đứng đầu bảng xếp hạng của Apple với những khách mời dám nói về những chủ đề khó nói. 

Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xalà cuốn hồi kí đặc biệt kể lại hành trình của cô từ khi còn là một diễn viên nhí cho đến khi tuyên bố từ bỏ nghiệp diễn vào năm 2017. Đan xen trong đó là những tiết lộ về mối quan hệ độc hại giữa cô và người mẹ ái kỷ cũng như hành trình tự chữa lành và tìm lại bản thân sau khi mẹ qua đời. 

   

 

Sự kiểm soát dưới lớp vỏ của tình yêu thương

 

Cuốn hồi ký mở đầu bằng cảnh bệnh viện, trong đó Jennette hy vọng có thể giúp mẹ thoát khỏi tình trạng hôn mê bằng cách thông báo rằng cô đã đạt được mục tiêu cân nặng thấp một cách phi thực tế mà mẹ dành cho mình. Điều này thiết lập chủ đề chính của cuốn sách, nêu bật bản chất không lành mạnh của mối quan hệ mẹ con trung tâm và đặt ra cuộc đấu tranh của Jennette để xác định bản thân ngoài sự mong đợi của mẹ. Từ đó, tác giả dẫn dắt người đọc đến với tuổi thơ không mấy vui vẻ của mình.

Mẹ McCurdy được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn bốn khi cô mới hai tuổi. Vì vậy mà ngay từ bé, McCurdy đã luôn lo lắng cho sức khỏe của mẹ và sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để mẹ vui. Một cô bé 6 tuổi “cố nở nụ cười thật nhất có thể. Hét lên “Ôi thích quá! Đây là món quà con thích nhất từ trước đến nay” trước món quà sinh nhật mình không hề muốn, “nhìn vào mắt mẹ để mẹ biết tôi quan tâm đến mẹ, rằng mẹ là ưu tiên hàng đầu của tôi”. Debra – mẹ McCurdy – là một người độc đoán, ái kỷ, thao túng và ám ảnh tích trữ. Bà luôn hồi tưởng về căn bệnh ung thư theo cách mà hầu hết mọi người hồi tưởng về những kỳ nghỉ của mình và yêu cầu các con của mình nghe đi nghe lại mà theo bà là “để biết ơn rằng giờ đây mẹ đã ổn” bất chấp sự khó chịu từ chúng. Cô bé Jennette cho rằng mình mang trọng trách và nghĩa vụ làm cho mẹ vui trong mọi tình huống. Trong mọi cuộc tranh cãi, cô đều hét lớn “Con yêu mẹ, mẹ sẽ thắng cha” như để bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối cho bà. Ngay cả trong suy nghĩ, cô bé cũng đặt mẹ lên hàng đầu. Mỗi năm vào bữa tiệc sinh nhật của mình, cô bé đều nhắm mắt thầm ước trước khi cây đèn cầy dập tắt “Tôi ước mẹ sống thêm một năm nữa”. Trong những buổi cầu nguyện ở thánh đường, cô bé cầu rằng “Xin hãy ban phước để mẹ con có thể ngủ ngon vì mẹ con thỉnh thoảng lại bị mất ngủ”.

Với ước mơ và con đường tương lai của mình, Jennette chọn cách “giúp mẹ hoàn thành ước mơ thời trẻ”. Dù bản thân không thích diễn xuất nhưng vẫn tham gia thử vai vì cô rất thương mẹ và sẽ làm bất cứ điều gì để khiến mẹ vui. Tác giả bộc bạch một cách châm biếm: “Mẹ quan sát tôi và tôi cũng quan sát mẹ, đó là cách mọi thứ thường diễn ra. Chúng tôi luôn kết nối với nhau, Hòa quyện vào nhau. Là một”.  Khi sự nghiệp diễn xuất của Jennette bắt đầu cũng là lúc sự kìm kẹp của mẹ đối với cô ngày càng gia tăng. Ngoại hình của Jennette trở thành tài sản mà mẹ chăm chỉ nâng cao thông qua các phương pháp làm đẹp tại nhà khiến Jennette cảm thấy xấu xí và thiếu thốn. Tác giả hồi tưởng lại: “Việc tôi đi diễn chỉ khiến nỗi ám ảnh của mẹ về ngoại hình của tôi tệ thêm, nhất là sau khi tôi không được tham gia buổi tuyển chọn cho vai chính của phim Because of Winn-Dixie”. Khả năng khóc đúng lúc của Jennette đã giúp cô đảm nhận nhiều vai diễn và mẹ không bao giờ đặt câu hỏi tại sao những giọt nước mắt của Jennette lại có sức thuyết phục đến vậy, bỏ qua những rối loạn cảm xúc thực sự mà cô bé thể hiện. Mẹ coi cơ thể trẻ thơ của Jennette là một “tài sản” có thể bán được và khuyến khích cô ấy trì hoãn tuổi dậy thì bằng cách hạn chế lượng calo nạp vào. Đó là lí do cô bé mắc chứng biếng ăn với cân nặng thấp hơn 3 mức so với bình thường, làm việc hàng ngày như một cỗ máy – chỉ đọc thoại – luyện tập – tham gia hàng loạt buổi thử vai. “Nếu tôi lớn lên, mẹ sẽ không thương tôi nhiều như trước nữa. Mẹ thường ôm tôi thật chặt, khóc và nói rằng bà ấy chỉ muốn tôi mãi nhỏ bé và trẻ con. Hành động đó của mẹ khiến trái tim tôi tan nát. Tôi ước mình có thể làm cho thời gian dừng lại. Tôi ước mình có thể mãi là một đứa trẻ. Tôi thấy có lỗi khi không làm được như vậy. Tôi thấy có lỗi mỗi khi chiều cao của tôi tăng thêm dù chỉ một xăng-ti-mét”.

Sự thao túng của người mẹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của McCurdy. Nhìn từ bên ngoài, McCurdy có vẻ rất thành công nhưng cô gần như mất đi danh tính và không còn định hướng được đời mình – từ mọi vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống cho đến những mối quan hệ hay quyết định trên con đường sự nghiệp. Trong cuốn hồi ký, cô đau đớn thừa nhận: “Tôi đã đặt bà ấy trên một cái bệ, và giờ tôi biết cái bệ đó có hại như thế nào đối với sức khỏe và cuộc sống của tôi. Cái bệ đó khiến tôi bế tắc, lãnh cảm, sợ hãi, phụ thuộc, gần như luôn ở trong tình trạng đau đớn về mặt tinh thần và thậm chí không có cách để xác định nỗi đau chứ đừng nói đến việc đối phó với nó”. Thông qua câu chuyện của mình, McCurdy đã phơi bày cho mọi người thấy bức tranh đen tối đằng sau những mối quan hệ mang tính thao túng – nơi mà sự nhẫn tâm, ích kỷ được bọc lót dưới lớp vỏ của yêu thương. McCurdy phải mất một thời gian rất dài mới có thể vượt qua những cảm xúc phức tạp về mẹ mình và thực hiện các bước cần thiết để chữa lành và tìm lại danh tính của mình. Những chia sẻ về hành trình đấu tranh của cô cũng là những lời động viên cho những cá nhân đang ở trong hoàn cảnh bị thao túng có thể dũng cảm giành lại quyền làm chủ cuộc đời mình.

 

Những diễn viên nhí trong vòng xoay của ngành công nghiệp giải trí

 

Song song với những rối loạn tâm lí của McCurdy trong mối quan hệ với mẹ, cô đề cập đến những tác động của ngành công nghiệp giải trí đối với bản thân nói riêng và những diễn viên nhí nói chung. Thông qua hành trình trưởng thành của mình, McCurdy cũng phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Mỹ đối với các ngôi sao nhí: từ việc các diễn viên nhí bị đối xử như những công cụ kiếm tiền, các cá nhân quyền lực cho đến các vấn đề lạm dụng, ngược đãi và những hậu quả tâm lý đi kèm mà người trong cuộc có thể gặp phải.

“Tất cả những gì mọi người nhớ về tôi chỉ là hình ảnh của tôi khi còn là một đứa trẻ. Tôi thấy mình đã khác xa hình ảnh đó. Nhưng thế giới không để tôi tách khỏi hình ảnh đó. Thế giới không để tôi là bất cứ ai khác. Thế giới chỉ muốn tôi là Sam Puckett”.

Một khi đã khoác lên mình lớp áo của công chúng, những ngôi sao nhí sẽ không bao giờ có được những phút giây bình yên hay tận hưởng tuổi thơ bình thường như bao người khác. “Giờ tôi không thể đi bất kỳ nơi đâu mà không bị nhận ra. Tôi cũng không còn đến công viên giải trí Disneyland mà tôi yêu thích nữa, bởi lần cuối cùng tôi đến đó và đi trên Đại lộ Mainstreet, có nhiều người tiếp cận tôi tới mức người ta phải dừng Cuộc diễu hành Christmas Fantasy giữa chừng”.  Trong hào quang của sự thành công trên con đường công danh, phụ huynh hay những fan hâm mộ sẽ chẳng thể nào hình dung được suy nghĩ của những ngôi sao nhí, rằng

“Sự nổi tiếng của tôi đang gây cho tôi một sự căng thẳng mà tôi không thể ngờ được. Tôi biết có rất nhiều người muốn được nổi tiếng, và ai cũng nói rằng tôi thật may mắn khi được nổi tiếng, nhưng tôi lại ghét nổi tiếng. Tôi luôn thấy lo lắng mỗi khi rời khỏi nhà để đi đâu đó. Tôi lo sẽ có người lạ tiếp cận mình, và tôi luôn rất căng thẳng khi tiếp xúc với người lạ”.

Bằng lối viết chân thực và giản dị đan xen tính hài hước, McCurdy đã đứng từ góc độ của “người trong cuộc” nói ra những điều ít ai dám thừa nhận – những góc khuất của ngành công nghiệp triệu đô. Đối với những ngôi sao nhí bắt đầu từ phim truyền hình, bộ phim đó giống như là án tử cho sự nghiệp diễn xuất của họ. Ngay khi một ngôi sao nhí bắt đầu thể hiện sự trưởng thành và thoát khỏi hình ảnh cũ của mình, họ lập tức trở thành con mồi của giới truyền thông, bị xâu xé và rêu rao là nổi loạn, phiền phức…dù tất cả những gì họ đang cố gắng làm chỉ là trưởng thành. “Trở thành một ngôi sao nhí là một cái bẫy, một ngõ cụt”.

Có thể nói, “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” được biên tập theo trình tự thời gian dưới góc nhìn của cô bé McCurdy từ lúc 6 tuổi cho đến năm 21 tuổi. Khi mỗi trang sách được lật qua, góc nhìn ấy lại thay đổi một chút, tạo cho độc giả cảm giác như đang sống ở những quãng thời gian ấy cùng McCurdy. Không chỉ vậy, khi thuật lại những ngày tháng tăm tối của cuộc đời, McCurdy cũng không phỉ báng hay đổ lỗi cho bất kỳ ai. Cô mô tả các sự kiện đã xảy ra trong đời mình dưới góc độ khách quan nhưng cũng đầy chi tiết, kể cả những tính xấu và sai lầm của mình. Sự chân thành và không ngại thể hiện điểm yếu của bản thân đã giúp câu chuyện của McCurdy trở nên thu hút và có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận về cơn mưa lời khen. Chưa đầy 24 giờ sau khi ra mắt, cuốn sách nhanh chóng cháy hàng tại nhiều nhà bán lẻ lớn như Amazon, Target, Barnes & Noble... Trong tuần đầu tiên phát hành, cuốn hồi ký của McCurdy đã bán ra hơn 200.000 bản ở tất cả các định dạng và trở thành sách bán chạy số một của New York Times suốt nhiều tuần sau đó. Ngoài ra, nó còn giành được Giải thưởng Goodreads Choice năm 2022 cho Hồi ký và tự truyện hay nhất. Đến nay, “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” đã bán được hơn 2,5 triệu bản trên khắp thế giới. Theo Lena Dunham:

“Jennette McCurdy chính là bậc thầy trong việc biến những ‘trái chanh’ chua chat của cuộc đời thành ‘ly nước chanh’, cô đã sử dụng những vết thương của chính mình để dệt nên câu chuyện vừa hài hước đến đau lòng vừa phản ánh tình trạng thương mại hóa các bé gái tuổi vị thành niên ở Mỹ. Đây không chỉ là quyển hồi ký mang tính cá nhân sâu sắc mà còn là một tư liệu văn hóa quan trọng”.

Đây không chỉ là câu chuyện về cuộc đời của một ngôi sao nhí nổi tiếng mà còn là hành trình của một người “sống sót” sau hàng chục năm bị kiểm soát và thao túng. Hành trình ấy cũng góp phần vào cuộc tranh luận về sức khỏe tâm thần, sự lạm dụng cũng như những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài trong các mối quan hệ độc hại. Như cô đã viết: “Tôi muốn cuộc sống của tôi nằm trong tay tôi. Không phải bị thao túng bởi chứng rối loạn ăn uống hay giám đốc casting hay người đại diện hay mẹ tôi. Cuộc sống của tôi phải là của tôi”. Bên cạnh đó, “Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa” đóng vai trò như hồi chuông cảnh tỉnh để mọi người phải xem xét lại tác động của ngành công nghiệp giải trí đối với các diễn viên nhí, lột trần những vấn đề thường bị xem nhẹ trong cách vận hành của hệ thống này, từ đó dấy lên những câu hỏi về trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong ngành. Hãy cùng bước vào hành trình cùng “cô bé Jennette” để tìm thấy cho mình những chiêm nghiệm sâu sắc về lĩnh vực trừu tượng như tâm lý nhé.

Theo Lan Phương

Tags: